Roger Federer là ai? Tiểu sử, sự nghiệp tay vợt nam vĩ đại bậc nhất lịch sử tennis
Roger Federer là ai? Tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của tay vợt nam vĩ đại bậc nhất lịch sử tennis và cũng vừa giải nghệ có gì đặc biệt? Thethao.vn hy vọng giải đáp phần nào những thắc mắc ấy.
Roger Federer vừa thi đấu trận đỉnh cao cuối cùng. Anh cùng Rafael Nadal đấu với cặp Frances Tiafoe/Jack Sock của đội Thế giới tại Laver Cup 2022. Màn so tài tại sân The O2 Arena chính thức khép lại sự nghiệp huy hoàng của Tàu tốc hành. Federer quyết định giải nghệ ở tuổi 41. Anh dừng lại với tư cách một trong những tay vợt vĩ đại nhất lịch sử tennis.
Vậy Roger Federer là ai, tiểu sử ra sao? Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của tay vợt có biệt danh ‘Tàu tốc hành’ có gì đặc biệt? Hãy cùng Thethao.vn tìm hiểu nhé!
1. Tiểu sử ‘Tàu tốc hành’ Roger Federer
Roger Federer sinh ngày 8/8/1981 tại Basel, Thụy Sĩ. Cha anh là Robert - một người Đức gốc Thụy Sĩ còn mẹ anh là Lynette - một phụ nữ tới từ Nam Phi. Federer có 1 chị gái: Diana. Anh mang cả 2 quốc tịch: Thụy Sĩ và Nam Phi. Tay vợt huyền thoại lớn lên ở một thị trấn gần biên giới với Pháp và Đức.
Cũng vì xuất thân tương đối đặc biệt, Roger Federer thông thạo nhiều thứ tiếng: Thụy Sĩ, tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Pháp. Anh cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Italia và tiếng Thụy Điển.
Federer bắt đầu xuất hiện tại các giải đấu thuộc ATP Tour từ năm 1998. Năm 2003, anh lần đầu vô địch một giải Grand Slam khi đăng quang tại Wimbledon. Tới năm 2004, anh trở thành tay vợt số 1 thế giới và duy trì vị trí này trong suốt 237 tuần sau đó.
Đầu năm 2018, Roger Federer vô địch Australian Open qua đó trở thành tay vợt đầu tiên cán mốc 20 Grand Slam. Ngày 15/9/2022, Federer tuyên bố giải nghệ sau khi tham dự Laver Cup. Rạng sáng 24/9 theo giờ Việt Nam, anh thi đấu trận đỉnh cao cuối cùng trong sự nghiệp: cùng Nadal so tài với cặp Frances Tiafoe/Jack Sock.
Federer kết hôn với Miroslava “Mirka” Vavrinec (cựu tay vợt người Slovakia) vào ngày 11/4/2009. Anh và Vavrinec lần đầu gặp gỡ tại Olympic Sydney (2000). Tới ngày 24/7/2009, Federer và Vavrinec chào đón cặp bé gái song sinh. Năm 2014, cả hai có thêm một cặp song sinh nữa.
Roger Federer là tay vợt kiếm tiền giỏi nhất mọi thời đại. Theo ước tính từ tạp chí Forbes, tổng thu nhập trước thuê của tay vợt người Thụy Sĩ xuyên suốt hành trình sự nghiệp lên tới hơn 1,1 tỷ USD. Con số này cao gấp hơn 2 lần so với Rafael Nadal (khoảng 500 triệu USD) và Novak Djokovic (khoảng 470 triệu USD).
2. Sự nghiệp tennis vĩ đại của Roger Federer
2.1 Chinh phục vị trí số 1
Wimbledon 1998 dành cho các tay vợt trẻ là giải đấu ghi dấu ấn thành công đầu tiên của Roger Federer. Anh vô địch cả hai nội dung: đơn và đôi (cùng với với Olivier Rochus). Cũng trong năm 1998, Federer ‘trình làng’ tại ATP Tour khi tham dự Swiss Open Gstaad.
Roger Federer xuất hiện lần đầu trong Top 100 tay vợt hàng đầu thế giới vào ngày 20/9/1999. Anh tạo nên tiếng vang khi đánh bại Carlos Moya ở giải Marseille Open. Carlos Moya thời điểm ấy là đương kim vô địch Roland Garros. Cũng trong năm 1999, Federer có lần đầu tham dự một trận chung kết thuộc ATP nhưng thua tay vợt đồng hương - Marc Rosset.
Một năm sau, Federer đại diện cho ĐT Thụy Sĩ tham dự nội dung đơn nam của Olympic Sydney. Anh thua Arnaud Di Pasquale (Pháp) trong trận tranh Huy chương đồng.
Năm 2001, Federer chinh phục thành công Top 15 thế giới. 2001 cũng là năm chứng kiến anh lần đầu vào tới vòng tứ kết của một giải Grand Slam (thua Alex Corretja ở Roland Garros). Tại Wimbledon năm ấy, Federer (19 tuổi) đã đánh bại Pete Sampras sau 5 set ở vòng 4. Pete Sampras khi ấy là chủ nhân của 4 chức vô địch Wimbledon và là tay vợt dẫn đầu về số Grand Slam nội dung đơn nam.
Chiến thắng trước Pete Sampras dường như báo hiệu cho một cuộc đổi ngôi. Điều ấy dần được Federer cụ thể hóa bằng một loạt những danh hiệu sau đó.
Năm 2003, Roger Federer giành được Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp. Anh đánh bại đánh bại Mark Philippoussis trong trận chung kết Wimbledon.
Tại Australia Open 2004, Federer đánh bại Marat Safin trong trận chung kết. Chiến thắng này giúp anh lần đầu vươn lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng ATP.
2.2 Thống trị thế giới
Giành được vị trí dẫn đầu đã khó nhưng giữ được lại còn khó hơn. Tuy nhiên, điều này dường như ngoại lệ đối với Roger Federer. Sau khi khi phục thành công ngôi số 1, anh giữ vững vị trí này trong suốt 237 tuần. Quãng thời gian này cũng chứng kiến Federer thống trị làng quần vợt thế giới với biệt danh Tàu tốc hành.
Sau khi vô địch Australian Open, Federer tiếp tục đăng quang tại Wimbledon 2004 và US Open 2004. Anh trở thành tay vợt nam đầu tiên giành được ba Grand Slam trong cùng một năm kể từ Mats Wilander vào năm 1988. Federer kết thúc năm 2004 với 11 danh hiệu đánh đơn cùng tỷ lệ chiến thắng lên tới 92,50% (thắng 74, thua 6).
Năm 2005, Federer thất bại tại vòng bán kết của Australian Open và Roland Garros nhưng lập tức tái lập sự thống trị tại Wimbledon. Anh đánh bại Andy Roddick để có lần thứ 3 vô địch giải Grand Slam trên mặt sân cỏ. Sau đó anh đánh bại Andre Agassi để đăng quang tại US Open.
Năm 2006, Roger Federer đã giành được 3 Grand Slam và chỉ thua trận chung kết Roland Garros trước Rafael Nadal. Đây cũng là lần đầu tiên Federer và Nadal so tài với nhau trong ngày thi đấu cuối cùng của một giải Grand Slam. Federer trở thành tay vợt nam đầu tiên tham dự cả 4 trận chung kết Grand Slam trong cùng 1 năm kể từ Rod Laver vào năm 1969.
2007 là sự tái diễn của năm 2006 khi Federer lại xuất hiện trong trận chung kết của cả 4 giải Grand Slam. Anh vô địch Australian Open (thắng Fernando Gonzales sau 3 set), Wimbledon (đánh bại Nadal) và US Open (thắng Novak Djokovic). Tuy nhiên, Tàu tốc hành một lần nữa lỡ hẹn với Roland Garros khi thua Nadal.
2008 là năm Federer chiến đấu với bệnh bạch cầu đơn nhân và chấn thương lưng. Anh chỉ giành được một Grand Slam (US Open - thắng Andy Murray trong trận chung kết). Dù tiếp tục lọt vào trận chung kết Roland Garros và Wimbledon nhưng Tàu tốc hành đều thua Nadal.
Roger Federer và Stan Wawrinka đã giành Huy chương vàng nội dung đôi nam tại Olympic Bắc Kinh. Nhưng ở nội dung đánh đơn, anh bị James Blake loại từ vòng tứ kết. Federer kết thúc năm 2008 ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng ATP (Nadal số 1) sau 237 tuần liên tiếp giữ ngôi số 1.
Thua Nadal trong trận chung kết Australian Open 2009 nhưng Federer đã đánh bại Robin Soderling để lần đầu vô địch Roland Garros đồng thời hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam. Tới Wimbledon, Federer đánh bại Andy Roddick trong trận chung kết để có lần thứ 6 đăng quang tại giải đấu này. Anh chính thức vượt qua Pete Sampras (14) để trở thành tay vợt giành nhiều Grand Slam nhất mọi thời đại.
2.3 Đi xuống, chấn thương và giải nghệ
Sau quãng thời gian đỉnh cao là sự thoái trào. Roger Fererer cũng không thoát khỏi quy luật khắc nghiệt ấy bất chấp việc giành thêm 5 Grand Slam nữa trước khi giải nghệ.
Federer vô địch Australian Open 2010 nội dung đơn nam nhưng nhưng không lọt vào trận chung kết Grand Slam nào nữa. Đây là năm đầu tiên anh không xuất hiện trong từ 3 trận chung kết Grand Slam trở lên kể từ 2005.
Roger Federer không giành được Grand Slam nào trong năm 2011. Đây là lần đầu tiên anh không vô địch một giải Grand Slam kể từ năm 2002. Tuy nhiên, an ủi lớn nhất trong năm này là Federer chấm dứt chuỗi 43 chiến thắng của Djokovic, tại bán kết Roland Garros. Trận đấu ấy kéo dài tới 5 set.
Năm 2012, Federer thua Nadal ở bán kết Australian Open, thua Djokovic ở bán kết Roland Garros, thua Tomas Berdych ở tứ kết US Open. Tay vợt sinh năm 1981 vào tới trận tranh Huy chương vàng Olympic London nội dung đơn nam nhưng thua Andy Murray. Wimbledon là Grand Slam duy nhất Federer giành được.
Năm 2013 của Federer bị tàn phá bởi những vấn đề về lưng. Tới năm 2014, Federer liên tục thua khi so tài cùng 2 đối thủ còn lại của nhóm Big 3: thua Nadal ở Australian Open và thua Djokovic tại Wimbledon.
Năm 2015, Federer vào tới 2 trận chung kết Grand Slam (Wimbledon và US Open) nhưng đều để thua Djokovic sau 4 set. Đáng tiếc hơn cả là tại US Open, nơi anh có lần đầu xuất hiện trong ngày thi đấu cuối cùng kể từ năm 2009.
Federer đã phải phẫu thuật nội soi để điều trị vấn đề về sụn chêm sau trận thua Djokovic ở trận bán kết ở Australia Open 2016. Anh cũng phải nghỉ thi đấu thêm một thời gian vì bệnh viêm ruột thừa. Anh tái phát chấn thương đầu gối tại Wimbledon và bỏ lỡ phần còn lại của mùa giải cũng như Olympic 2016. Lần đầu tiên sau 14 năm, anh văng khỏi Top 10 bảng xếp hạng ATP.
2017 chứng kiến Roger Federer hồi sinh ngoạn mục. Anh đánh bại Nadal trong trận chung kết Australian Open kéo dài 5 set để giành Grand Slam đầu tiên kể từ năm 2012. Bỏ lỡ mùa giải trên sân đất nện vì vấn đề đầu gối, Federer trở lại tại Wimbledon và đánh bại Marin Cilic trong trận chung kết. Đây là lần thứ 8 anh vô địch giải Grand Slam trên mặt sân cỏ.
Năm 2018, Federer vô địch Australian Open lần thứ 6 sau chiến thắng trước Marin Cilic trong trận chung kết kéo dài 5 set. Đây là Grand Slam thứ 20 và cũng là Grand Slam cuối cùng anh giành được trong sự nghiệp.
Năm 2019, Federer vào tới trận chung kết Wimbledon lần thứ 12 sau khi vượt qua Nadal. Đây cũng là lần cuối cùng anh xuất hiện trong trận chung kết của giải Grand Slam này. Federer và Djokovic đã tạo nên một màn so tài để đời. Màn so tài ấy kéo dài 4 giờ 57 phút. Trong set 5, hai tay vợt cùng nhau giành tới 25 điểm (Djokovic thắng 13-12).
Federer vào bán kết Australian Open 2020 nhưng thua Djokovic. Kể từ đây, chấn thương tới với anh nhiều hơn những chiến thắng. Tàu tốc hành trải qua phẫu thuật đầu gối một lần nữa và kết thúc mùa giải 2020 vào tháng Sáu.
Năm 2021, anh (39 tuổi) trở thành tay vợt lớn tuổi nhất xuất hiện tại tứ kết Wimbledon trong Kỷ nguyên Mở nhưng thua Hubert Hurkacz (hạt giống số 14). Lần đầu tiên sau 19 năm, Federer mới thua 2 trận liên tiếp tại Wimbledon.
Liền sau đó, tay vợt người Thụy Sĩ xác bản thân sẽ phải trải qua một cuộc phẫu thuật đầu gối khác và cần nghỉ thi đấu nhiều tháng. Wimbledon 2021 hóa lại là giải Grand Slam cuối cùng trong sự nghiệp của Federer.
Tối 15/9/2022 (theo giờ Việt Nam), Roger Federer thông báo rằng anh sẽ không còn tranh tài tại các giải Grand Slam hay các sự kiện của ATP. Tới rạng sáng 24/9 (cũng theo giờ Việt Nam), Federer thi đấu trận đỉnh cao cuối cùng trong sự nghiệp. Anh cùng Nadal đại diện cho đội châu Âu so tài cùng cặp Frances Tiafoe/Jack Sock. Kết quả: Federer/Nadal đã thua cặp đôi của đội Thế giới sau 3 set.
3. Vĩ thanh
Roger Federer quyết định từ giã việc thi đấu chuyên nghiệp sau 3 năm liên tục ‘vật lộn’ với chấn thương cùng những ca phẫu thuật. Cuộc đua dành cho tay vợt giành nhiều Grand Slam nhất lịch sử vì thế chỉ còn là câu chuyện riêng của Rafael Nadal và Novak Djokovic. Số Grand Slam Federer sở hữu dừng lại ở con số 20.
Nadal và Djokovic thay nhau giành tới 3/4 Grand Slam gần nhất (Grand Slam còn lại thuộc về Carlos Alcaraz). Cuộc đua ấy xem ra vẫn chưa hứa hẹn hồi kết.
Dù sao đi nữa, Federer vẫn có quyền tự hào. Anh trở thành tay vợt nam đầu tiên chạm mốc 20 Grand Slam. Thời điểm Federer chạm mốc ấy, Nadal chỉ sở hữu 16 Grand Slam còn Djokovic là 12. Thời điểm giành Grand Slam thứ 20, Federer đã ngoài 36 tuổi. Cho đến hiện tại, anh vẫn là tay vợt lớn tuổi nhất giành Grand Slam (kỷ lục này có thể bị Nadal vượt qua trong lương lai).
Federer dừng lại, Big 3 ngày nào giờ chỉ còn Big 2 như cái cách tên của Federer không xuất hiện trên bảng xếp hạng ATP kể từ tháng 7/2022. Tuy nhiên, tất cả sẽ nhớ về Federer, về biệt danh Tàu tốc hành, về phong thái lịch lãm, nụ cười thân thiện và về tất cả những gì anh đã chinh phục, tạo dựng, duy trì xuyên suốt hành trình sự nghiệp.
ROGER FEDERER VĨ ĐẠI RA SAO?
- Số trận đánh đơn đã tham gia: 1526 (thắng: 1251; thua: 275). Tỷ lệ chiến thắng: 82%, cao thứ 4 trong Kỷ nguyên Mở.
- Số danh hiệu đã giành được: 103 - xếp thứ 2 trong Kỷ nguyên Mở, sau Jimmy Connor (109 danh hiệu).
- 310 tuần giữ vị trí số 1 thế giới trong đó có kỷ lục 237 tuần liên tiếp.
- Tổng số Grand Slam: 20 (6 Australian Open, 1 Roland Garros, 8 Wimbledon và 5 US Open). Federer chỉ xếp sau Nadal (22 Grand Slam) và Djokovic (21 Grand Slam).
- Số chức vô địch ATP Finals: 6 (2003, 2004, 2006, 2007, 2010 và 2011). 6 cũng là số lần đăng quang tại ATP Finals nhiều nhất mà 1 tay vợt sở hữu. Xếp thứ hai là Novak Djokovic (5). Nadal thậm chí chưa một lần đăng quang tại sự kiện này.
- Huy chương vàng Olympic: 1 (đôi nam năm 2008)
- Vô địch Davis Cup: 1 lần (cùng ĐT Thụy Sĩ) vào năm 2014
- Giành 27 chức vô địch các giải Masters 1000, chỉ sau Nadal (36) và Djokovic (38).
Nguyễn Thị Ánh Viên là ai? Tiểu sử, sự nghiệp ‘Tiểu tiên cá’ - cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam
Nguyễn Thị Ánh Viên là ai? Tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của kình ngư được biết đến với biệt danh ‘Tiểu tiên cá’ hay ‘cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam’ có gì đặc biệt? Thethao.vn hy vọng giải đáp phần nào những thắc mắc ấy.
Nguyễn Huy Hoàng là ai? Tiểu sử, sự nghiệp chàng trai Vàng trong làng bơi Việt Nam
Nguyễn Huy Hoàng là ai? Tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của chàng trai Vàng trong làng bơi Việt Nam có gì đặc biệt? Hãy cùng Thethao.vn tìm hiểu nhé!
Hoàng Quý Phước là ai? Tiểu sử, sự nghiệp kình ngư ‘anh cả’ tại ĐT bơi Việt Nam
Hoàng Quý Phước là ai? Tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của kình ngư lớn tuổi nhất ĐT bơi Việt Nam ở thời điểm hiện tại có gì đặc biệt? Thethao.vn hy vọng giải đáp phần nào những thắc mắc ấy từ quý vị độc giả.
Nguyễn Quang Thuấn là ai? Tiểu sử, sự nghiệp em trai Ánh Viên và niềm hy vọng của bơi Việt Nam
Nguyễn Quang Thuấn là ai? Tiểu sử, sự nghiệp kình ngư em trai của Nguyễn Thị Ánh viên và cũng là niềm hy vọng của bơi Việt Nam có gì đặc biệt? Thethao.vn hy vọng giải đáp phần nào thắc mắc ấy từ quý vị độc giả.