Ông Trần Quốc Tuấn là ai? Tiểu sử và những đóng góp cho bóng đá Việt Nam của Quyền chủ tịch VFF
Ông Trần Quốc Tuấn là ai? Tiểu sử, quá trình công tác và những đóng góp cho bóng đá Việt Nam của Quyền chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn sẽ được Thethao.vn gửi đến quý vị độc giả trong bài viết này.
ĐT U23 Việt Nam vừa trải qua một hành trình đầy hứa hẹn tại vòng chung kết U23 châu Á 2022. Cũng tại sự kiện diễn ra hồi tháng 6/2022 trên đất Uzbekistan, bóng đá Việt Nam đã xuất hiện một gương mặt đặc biệt trong buổi lễ trao giải: ông Trần Quốc Tuấn. Ông Tuấn có vinh dự trao Cúp cho đội vô địch: U23 Saudi Arabia.
Vậy ông Trần Quốc Tuấn là ai? Tiểu sử, quá trình công tác và những đóng góp cho bóng đá Việt Nam của vị Quyền chủ tịch VFF ra sao?
1. Tiểu sử ông Trần Quốc Tuấn
Ông Trần Quốc Tuấn sinh năm 1971. Ông là con út trong gia đình có truyền thống thể thao. Cha ông là ông Trần Vĩnh Lộc (hay còn được biết tới với tên Chín Lộc). Ông Chín Lộc trước đây đảm nhiệm cương vị Giám đốc sở Thể dục Thể thao tỉnh Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa). Mẹ ông là bà Bùi Thị Hồng Tiến, người từng vô địch giải chạy việt dã miền Bắc.
Bà Bùi Thị Hồng Tiến chính là học trò của ông Trần Vĩnh Lộc (ông Lộc từng có thời gian ra Bắc làm HLV điền kinh). Họ kết hôn năm 1963 và có con trai đầu lòng vào năm 1964. Ông Trần Quốc Tuấn sinh ra sau đó 7 năm tại Hà Nội.
Sinh tại Hà Nội nhưng ông Trần Quốc Tuấn lớn lên ở Khánh Hòa. Sau đó, ông học trường đại học ở TP.HCM rồi sang Nga du học vào năm 1990.
Ông tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học TDTT Nga với chuyên ngành bóng đá trước khi được giữ lại làm nghiên cứu sinh. Năm 1998, ông Tuấn trở thành Tiến sĩ khoa học trẻ nhất trong lịch sử ngành TDTT Việt Nam - thời điểm ông mới 27 tuổi.
2. Quá trình công tác của ông Trần Quốc Tuấn
Trở lại Việt Nam, ông Trần Quốc Tuấn làm việc tại Viện Khoa học TDTT. Nhờ lối làm việc nhanh nhẹn cùng tư duy năng động, ông Tuấn nhanh chóng xây dựng được một chỗ đứng cho bản thân. Ông trở thành Viện phó khi mới ngoài 30 tuổi.
Trong quá trình đảm nhiện cương vị Viện phó Viện Khoa học TDTT, ông Tuấn thường lắng nghe và tiếp thu kinh nghiệm từ những ‘tiền bối’. Một trong số những người có ảnh hưởng nhất tới ông là PGS.TS Phạm Ngọc Viễn.
PGS.TS Phạm Ngọc Viễn đã giúp đỡ và cho ông Tuấn nhiều lời khuyên. Chính ông Viễn đã giúp ông tiếp nhận lại những chức vụ thuộc Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) rồi đến Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC).
Tháng 6/2005 (ở tuổi 34) ông Trần Quốc Tuấn được bầu làm Tổng thư ký VFF. Ông Tuấn trở thành Tổng thư ký trẻ nhất từ trước tới nay của VFF. Ông đảm nhiệm cương vị này tới tháng 12/2011.
Ngày 9/1/2022, ông Tuấn được Đại hội thường niên năm 2021 của VFF bầu làm Quyền chủ tịch VFF khóa 8 cho tới khi VFF bầu ra chủ tịch mới tại Đại hội nhiệm kỳ 9. Đại hội nhiệm kỳ 9 dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Trước đó, ông giữ vai trò Phó chủ tịch VFF trong hai khóa liên tiếp (7 và khóa 8).
Ngoài ra, ông Trần Quốc Tuấn hiện là Trưởng ban thi đấu của AFC. Đây cũng là nhiệm kỳ thứ 3 ông là thành viên của thường vụ AFC (nhiệm kỳ 2019-2023). Ông trở thành người Việt Nam hiếm hoi từng đảm nhiệm các vị trí cao nhất tại các tổ chức bóng đá quốc tế.
Ông Trần Quốc Tuấn được gán biệt danh là Tuấn ‘Tổng’. Nguồn gốc của biệt danh này xuất phát từ việc ông từng là Tổng thư ký của VFF và cũng hàm ý rằng ông là ‘tổng hòa’ của nhiều chức danh trong cùng một nhiệm kỳ.
3. Những đóng góp của ông Trần Quốc Tuấn cho bóng đá Việt Nam
Ông Trần Quốc Tuấn luôn duy trì và phát triển các mối quan hệ với các nhà quản lý bóng đá nước ngoài. Các mối quan hệ ấy giúp VFF nhận được nhiều hỗ trợ từ Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cũng như AFC.
Trong vai trò ủy viên Ban chấp hành AFC, ông Tuấn là một trong những thành viên vận động mở rộng quy mô của vòng chung kết Asian Cup. Kết quả: Vòng chung kết Asian Cup đã được mở rộng từ 16 đội lên thành 24 đội kể từ kỳ Asian Cup 2019.
Asian Cup 2019 cũng là lần thứ hai ĐT Việt Nam giành quyền tham dự vòng chung kết giải đấu lớn nhất châu lục. Đây cũng là lần đầu tiên ĐT Việt Nam tranh tài tại vòng chung kết sau khi vượt qua vòng loại. Lần đầu tiên ĐT Việt Nam tham dự là vào năm 2007 với tư cách đội đồng chủ nhà.
Tại Asian Cup 2019, ĐT Việt Nam vào tới vòng tứ kết. Dấu ấn chuyên môn của HLV Park Hang Seo hay chất lượng của những Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Quang Hải… trở thành nguyên nhân chính dẫn tới thành công ấy. Tuy nhiên, thành công ấy còn tới từ những đóng góp thầm lặng của ông Tuấn trong vai trò hậu cần, đề xuất sân bãi tập luyện. Điều này cũng xuất phát từ mối quan hệ tốt của ông với các Liên đoàn bóng đá thành viên khác của AFC.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn giải thích lý do V.League 2021 chưa chốt chức vô địch và suất xuống hạng
Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn đã giải thích lý do tại sao chưa quyết định chức vô địch cũng như suất xuống hạng của V.League 2021 trong buổi họp chiều nay 24/8.
Ông Trần Quốc Tuấn giữ chức Quyền chủ tịch VFF
Sáng 9/1, đại hội thường niên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định bầu ông Trần Quốc Tuấn giữ chức Quyền chủ tịch, thay thế cho ông Lê Khánh Hải từ chức vì bận việc khác.
HLV Đinh Thế Nam là ai? Tiểu sử HLV trưởng ĐT U19 Việt Nam tại giải U19 Đông Nam Á 2022
HLV Đinh Thế Nam là ai? Vị HLV trưởng ĐT U19 Việt nam tại giải U19 Đông Nam Á 2022 có tiểu sử và sự nghiệp ra sao? Hãy cùng Thethao.vn giải đáp những thắc mắc nói trên.