Australia dự AFF Cup trong 5 năm tới vì... tiền?
Australia chưa bao giờ tham dự AFF Cup nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai gần. Đây là cơ hội để bóng đá Australia quảng bá hình ảnh, ngoại giao, tìm đối tác mới và kiếm tiền.
AFF Cup là một giải đấu lớn ở Đông Nam Á, nơi có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt của những đội tuyển hàng đầu thuộc Liên đoàn bóng đá ASEAN (AFF) như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia hay Philippines. Australia, một quốc gia thuộc châu Úc, đã gia nhập AFF kể từ năm 2013 nhưng lại chưa lấy một lần tham dự giải đấu này.
Nhưng điều đó có thể sớm thay đổi trong tương lai gần sau khi LĐBĐ Australia (FFA) nhận thấy AFF Cup là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh của bóng đá Australia đến các bạn bè trong khu vực. Nhất là sau những gì FFA được chứng kiến từ sự cuồng nhiệt của người hâm mộ Malaysia lẫn Việt Nam trong 2 lượt trận chung kết AFF Suzuki Cup 2018.
Việc có mặt ở các kỳ AFF Cup trong tương lai sẽ là một bước đi hợp lý cả về mặt thương mại lẫn chuyên môn. FFA có thể đẩy mạnh phát triển ngoại giao, tìm đối tác kinh doanh và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chú ý đến Australia cũng như nền bóng đá nước này.
Đối với ĐTQG, họ sẽ có thêm một giải đấu có tính cạnh tranh cao để thi đấu và tìm kiếm danh hiệu ngoài vòng loại World Cup và ASIAN Cup. Bên cạnh đó, mối quan hệ khăng khít hơn trong bóng đá có thể dẫn đến nhiều cầu thủ tại ASEAN tìm kiếm cơ hội thi đấu ở A-League và ngược lại, tạo nên sự đa dạng về mặt văn hóa và chiến thuật cho các giải VĐQG trong khu vực.
Sự xuất hiện của Australia ở AFF Cup không chỉ có lợi cho "Socceroos" mà còn tạo ra một thử thách đáng mong đợi cho các đội tuyển ở Đông Nam Á. Nhất là đối với những đội tuyển bắt đầu coi trọng đấu trường cấp độ châu Á hơn như Thái Lan hay Việt Nam.
Australia là một đội bóng hàng đầu châu Á, từng có nhiều lần tham dự World Cup. Việc được chạm trán thường xuyên với một đối thủ như vậy sẽ buộc các đội tuyển ở ASEAN phải nhanh chóng nâng cao trình độ, thúc đẩy sự phát triển của bóng đá ở khu vực được coi là "vùng trũng" của thế giới.
Tuy nhiên, ý tưởng để Australia tham dự AFF Cup cũng vấp phải sự hoài nghi lớn từ một số thành viên của AFF như Malaysia hay Philippines. Các quốc gia này lo sợ cơ hội lên ngôi vô địch của họ sẽ giảm mạnh bởi đẳng cấp vượt trội của Australia.
Một hạn chế khác đó là liệu các CLB có đồng ý nhả cầu thủ cho AFF Cup hay không khi đây không phải giải đấu thuộc lịch trình của FIFA. Tại AFF Cup 2018, chúng ta đã thấy Thái Lan hay Philippines không thể triệu tập các ngôi sao sáng nhất đang thi đấu ở nước ngoài. Và điều này có thể xảy ra với chính Australia, một đội tuyển có không ít cầu thủ chơi bóng ở châu Âu.
Mặc dù vậy, viễn cảnh tham dự AFF Cup là rất hứa hẹn với bền bóng đá Australia. Lợi ích về mặt kinh tế, thương mại là quá lớn để cả Australia và ASEAN bỏ qua sự hội nhập này, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Giải mã Melbourne City, sân sau của Man City tại Australia
CLB Melbourne City trở thành nhà vô địch Australia mùa giải 2020/21 và đó là thành công của hệ thống City Football Group, trong đó Man City là đầu tầu.
Australia gọi lên tuyển cầu thủ sinh ra, lớn lên và thi đấu ở Scotland
Martin Boyle là một cái tên không mấy quen thuộc ngay cả với các CĐV của Australia vì anh gắn bó cả sự nghiệp với các CLB ở Scotland, nơi anh sinh ra và lớn lên.
Người dân Australia thờ ơ với bóng đá nhưng vẫn tới sân xem nhiều hơn V.League
Các CLB của Australia đón nhiều khán giả hơn so với các CLB ở V.League dù bóng đá chỉ là môn thể thao thứ 7.