World Cup 2002: Câu chuyện cổ tích 'dơ bẩn' của Hàn Quốc
World Cup 2002 được nhớ đến là sàn diễn của những “Vũ công Samba” như Ronaldinho, Rivaldo và Ronaldo. Tuy nhiên, nhờ chiến công lịch sử của Hàn Quốc cùng các quyết định có phần “mờ ám” của trọng tài, đây cũng được coi là một trong những giải đấu gây tranh cãi nhất mọi thời đại.
Năm 2002, lần đầu tiên VCK World Cup diễn ra tại châu Á. Hai quốc gia vinh dự đứng ra tổ chức lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh khi đó là Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại giải đấu này, đội bóng xứ sở kim chi đã trở thành hiện tượng khi lần lượt vượt qua những đối thủ sừng sỏ để giành hạng 4 chung cuộc.
Nếu chỉ nhìn vào kết quả của World Cup 2002, người ta có thể dành lời tán dương cho chiến công lịch sử của Hàn Quốc. Họ lần đầu vượt qua vòng bảng, lần đầu có mặt ở tứ kết rồi đến bán kết, bất chấp phải đối đầu với các ông lớn của bóng đá thế giới như Italy và Tây Ban Nha.
Nhưng trên thực thế, hành trình kỳ diệu của người Hàn lại được nhớ đến bởi những bê bối liên quan đến tham nhũng, chính trị và trọng tài trong suốt vòng loại trực tiếp.
Tranh cãi thậm chí đã nổ ra 6 năm trước thời điểm giải đấu khởi tranh. Vào mùa hè 1996, Nhật Bản và Hàn Quốc đã được lựa chọn làm đồng chủ nhà cho VCK World Cup 2002. Cho đến nay, đây vẫn là giải đấu duy nhất có 2 quốc gia chia sẻ nhiệm vụ đăng cai World Cup. Lý do phải đồng chủ nhà là vì cả 2 nước đều không có cơ sở hạ tầng để tổ chức giải đấu một mình
Quyết định trao VCK World Cup 2022 cho Nhật Bản và Hàn Quốc đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Ban đầu, 2 quốc gia láng giềng này là đối thủ trong cuộc đua giành quyền đăng cai. Vào thời điểm đấu thầu giải đấu, Nhật Bản thậm chí chưa từng giành vé dự một VCK World Cup nào.
World Cup lần đầu được tổ chức ở châu Á còn khiến người hâm mộ ở châu Âu gặp khó khăn trong việc theo dõi vì lệch múi giờ, cũng như sự bất tiện về việc di chuyển giữa 2 quốc gia. Vì vậy, FIFA đã vấp phải làn sóng chỉ trích khi đặt lợi ích chính trị lên trên sự thuận tiện của hàng triệu người yêu mến trái bóng tròn.
Bất chấp những tranh cãi, VCK World Cup 2002 khởi đầu tương đối suôn sẻ cho “nhân vật chính”- đội tuyển Hàn Quốc. Đoàn quân của HLV Guus Hiddink thắng thuyết phục Ba Lan 2-0 trong ngày ra quân, sau đó hòa Mỹ với tỷ số 1-1. Vết gợn đầu tiên chỉ xuất hiện ở trận cuối cùng vòng bảng giữa Hàn Quốc và Bồ Đào Nha.
Một tuần trước cuộc đối đầu này, một quan chức của LĐBĐ Hàn Quốc đã bí mật gặp trọng tài chính điều khiển trận đấu, ông Angel Sanchez. Kết quả, Bồ Đào Nha thua tối thiểu người Hàn sau khi phải nhận tới 2 thẻ đỏ, cùng 1 bàn thắng hợp lệ bị từ chối của Luis Figo.
“Selecao châu Âu” ngậm ngùi dừng bước ở vị trí thứ 3, trong khi Hàn Quốc tiến vào vòng knockout với ngôi nhất bảng. Đối thủ của thầy trò Guus Hiddink là Italy. Azzurri thi đấu thiếu thuyết phục giai đoạn vòng bảng nhưng vẫn được đánh giá cao hơn nhiều khi sở hữu dàn sao đang ở đỉnh cao sự nghiệp như Gianluigi Buffon, Paolo Maldini, Fabio Cannavaro, Francesco Totti, Alessandro Nesta, Filippo Inzaghi...
Italy sớm cụ thể hóa sức mạnh vượt trội bằng bàn mở tỷ số ở phút 18 của Christian Vieri. Nhưng kể từ thời điểm đó, cơn ác mộng mới thực sự bắt đầu với đội khách.
Trọng tài chính người Ecuador, Byron Moreno thoải mái để các cầu thủ xứ kim chi “thi triển võ thuật” lên các đồng nghiệp áo màu thiên thanh. Choi Jin Cheul hai chân đạp Gianluca Zambrotta, Kim Tae Young đánh cùi chỏ vào mặt Alessandro del Piero, Lee Chun Soo thì tung chân sút thẳng vào đầu Maldini. Tất cả đều chẳng phải nhận án phạt nào từ phía ông Byron Moreno.
Lối đá bạo lực của Hàn Quốc cũng đã phát huy hiệu quả. Họ đã khiến người Ý phải nhận bàn thua vào phút 88, trước khi Ahn Jung Hwan trở thành người hùng với bàn thắng vàng cho đội chủ nhà ở phút 117. Trong khi đó, Italy liên tiếp bị xử ép: Totti nhận thẻ đỏ vì lỗi ăn vạ, Damiano Tommasi thì bị từ chối một bàn thắng hợp lệ vì lỗi việt vị.
Bị loại tức tưởi khiến truyền thông xứ mỳ ống vô cùng phẫn nộ. Báo chí Italy mô tả World Cup 2002 là một giải đấu “dơ bẩn”, và gọi các trọng tài là những tên “sát thủ”. Không chỉ vậy, Ahn Jung Hwan còn trở thành nạn nhân của sự căm phẫn tại Italy khi CLB Perugia nhanh chóng hủy hợp đồng mượn cầu thủ này.
Trận tứ kết giữa Hàn Quốc và Tây Ban Nha cũng diễn ra với kịch bản tương tự. Theo thống kê, đội bóng xứ bò tót đã chịu tới 22 cú vào bóng ác ý nhưng đội chủ nhà chỉ phải nhận duy nhất 1 thẻ vàng.
Trọng tài chính trận này, ông Gamal Al-Ghandour (Ai Cập) tiếp tục trở thành tâm điểm chỉ trích. Tây Ban Nha bị từ chối 2 bàn thắng hợp lệ trong 120 phút cùng nhiều pha thổi việt vị thiếu chính xác. Tâm lý ức chế trước lối chơi bạo lực của cầu thủ Hàn Quốc cùng những “tiếng còi méo” của trọng tài Al-Ghandour khiến “Bò tót” sau đó thua 3-5 sau loạt penalty.
Hành trình mang tên Hàn Quốc chỉ khép lại ở bán kết trước tuyển Đức. Mặc dù không có những tiếng còi tranh cãi nhưng trận đấu lại bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh trên khán đài.
Người hâm mộ xứ kim chi đã đem “di ảnh” của tiền đạo Miroslav Klose và thủ thành Oliver Kahn để “trù úm” Cỗ xe tăng. Tuy nhiên, mục đích đen tối của họ đã thất bại hoàn toàn khi Michael Ballack ghi bàn thắng duy nhất giúp Đức tiến vào chung kết.
Sau giải đấu, các cầu thủ Hàn Quốc được đối xử như những vị anh hùng. Họ thậm chí còn được miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc để tiếp tục tập luyện và chuẩn bị cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2006.
Trong khi đó, hai vị “vua áo đen” được nhắc tới đều đã phải nghỉ hưu. Ông Moreno dính cáo buộc dàn xếp tỷ số, còn trọng tài Al-Ghandour bị cáo buộc nhận hối lộ giúp Hàn Quốc đi tiếp.
Với người Hàn, VCK năm 2002 luôn được nhớ đến là một trong những chiến dịch World Cup thần kỳ nhất mọi thời đại. Nhưng với phần còn lại của thế giới, giải đấu này lại là một vết nhơ khó rửa trong lịch sử làng túc cầu giáo.
Báo Iraq bất ngờ để lộ địa điểm thi đấu của ĐT Việt Nam tại VL World Cup 2026
Dù còn 2 tháng nữa vòng loại World Cup 2022 mới diễn ra, tuy nhiên trang báo hàng đầu của Iraq đã bất ngờ để lộ địa điểm thi đấu của ĐT Việt Nam.
Kế hoạch siêu dị của World Cup 2030: Nam Âu, Bắc Phi đăng cai, 3 trận đầu đá ở Nam Mỹ
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đang nghiêm túc nghiên cứu một kế hoạch điên rồ để kỷ niệm tròn 100 năm Cúp Thế giới ra đời. Theo đó, World Cup 2030 sẽ diễn ra tại 3 châu lục, 6 quốc gia.
Trung Quốc xúc tiến đăng cai World Cup 2034?
Theo truyền thông Trung Quốc, sau khi FIFA công bố quốc gia chủ nhà của World Cup 2030, Trung Quốc sẽ có cơ hội để đăng cai VCK năm 2034. Họ hy vọng LĐBĐ Trung Quốc có thể xúc tiến kế hoạch này.