Weigang, người khai sáng cho bóng đá Việt Nam giữa màn đêm u tối
Karl Heinz Weigang là một HLV gắn bó nhiều kỷ niệm với bóng đá Việt Nam, từ thành công rực rỡ cho tới nghi án tiêu cực vẫn còn rỉ máu cho tới tận ngày nay. Nhưng ngay cả khi vẫn còn những tranh cãi, không thể phủ nhận ông là người tiên phong cho phong cách huấn luyện chuyên nghiệp ở ĐT Việt Nam.
Chủ Đề: Thâm cung bóng Việt
Đến rồi đi
Năm 1995, Weigang chính thức nhận lời trở thành HLV tuyển Việt Nam sau khi HLV Tavares từ chức. Ông nhanh chóng ghi dấu ấn của mình với những cột mốc mới cho bóng đá Việt Nam ngay trong năm đầu ngồi ghế nóng. Đó là tấm huy chương bạc SEA Games 1995.
Nhưng đó cũng là lúc mâu thuẫn giữa Weigang và các cầu thủ Việt Nam bắt đầu nóng lên. Tiger Cup (giờ đây mang tên AFF Cup) lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore vào năm 1996. Ứng viên vô địch Việt Nam mở đầu giải đấu bằng trận thắng Campuchia 3-1, nhưng sau đó bất ngờ hòa Lào với tỷ số 1-1.
Đáng chú ý hơn, Việt Nam ngày hôm ấy còn bị Lào dẫn trước ở hiệp 2 và chỉ có thể giành lại 1 điểm ở những phút cuối. Trước đó, ngay sau khi hiệp 1 khép lại với tỷ số 0-0, Weigang đã quát một nhóm cầu thủ trụ cột: "Các anh bán tổ quốc với giá bao nhiêu?"
Vị HLV người Đức còn muốn đi xa hơn khi đòi tống cổ 1 hậu vệ biên về nước và tạm thời cấm 4 cầu thủ khác không được thi đấu. Truyền thông ngày ấy không đưa tin trực tiếp về họ, ngoại trừ nội dung úp mở "những cầu thủ này đều mang họ Nguyễn, bao gồm 1 tiền vệ công nổi tiếng".
Tất nhiên, ông Weigang không phải vô cớ mà cư xử như vậy. Nhiều nguồn tin cho biết ông đã nắm trong tay các thông tin tin cậy về những cuộc liên lạc giữa nhóm cầu thủ này với các trùm cá độ đã bay sang Singapore vài hôm trước.
Một ngày sau trận đấu với Lào diễn ra, không khí tại đại bản doanh lúc bấy giờ của tuyển Việt Nam trở nên vô cùng ngột ngạt. Các quan chức bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ vừa phải xoa dịu HLV Weigang, vừa răn đe nhóm cầu thủ đang bị tình nghi bán độ.
Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam Tô Hiền (lúc đó cũng là một sĩ quan công an) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Ông vừa đe nẹt vừa dỗ ngọt cầu thủ đừng hòng mà bán độ. Nếu có thì sẽ bị xử lý rất nặng.
Về phía HLV Weigang, ông Hiền sẵn sàng động viên. Tuy nhiên, nếu HLV người Đức không chịu thì nội bộ tuyển Việt Nam sẵn sàng "thay tướng" để các cầu thủ được cởi bỏ sự khó khăn.
Mọi chuyện nhanh chóng đi vào khuôn khổ khi Việt Nam lại chơi tưng bừng như chưa từng có gì xảy hạ. Đội bóng áo đỏ đánh bại Myanmar 4-2 và cầm hoà Indonesia 1-1 để giành quyền bán kết. Sau đó, các cầu thủ một lần lượt nữa vượt qua Indonesia với tỷ số 3-2 trong trận tranh hạng ba để giành tấm huy chương đồng.
Dẫu vậy, dường như mâu thuẫn giữa HLV Weigang với bóng đá Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm và không thể hàn gắn. Sau khi Tiger Cup 1996 kết thúc, HLV người Đức rời đi với lý do "bất đồng quan điểm".
Trên thực tế, khoảng thời gian 2 năm gắn bó với đội tuyển Việt Nam ở thập niên 90 không phải lần đầu tiên HLV Weigang gắn bó cơ duyên với dải đất hình chữ S. Ông từng có giai đoạn làm việc tại Việt Nam ở thập niên 60, là thầy của HLV Phạm Huỳnh Tam Lang.
Sau ngày rời ĐT Việt Nam, Weigang làm việc với một số CLB Malaysia với khoảng thời gian ngắt quãng, nhưng điều đó không có nghĩa là ông đã quên những cậu học trò Việt Nam. Năm 2016, ông trở lại gặp gỡ 2 thế hệ cầu thủ Việt do mình từng dẫn dắt và chia sẻ lại những câu chuyện muôn năm cũ.
Có ý kiến cho rằng HLV Weigang không còn gắn bó với bóng đá Việt Nam sau Tiger Cup 96 vì mâu thuẫn sâu sắc trong 2 năm làm việc tại đây, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Weigang chọn Malaysia làm điểm đến cho 20 năm còn lại trong sự nghiệp cầm quân, tới ngày ông nhắm mắt xuôi tay bởi ông chính là HLV thành công nhất trong lịch sử bóng đá Malaysia.
Ngoài 2 nhiệm kỳ gắn bó với đội tuyển Việt Nam, Weigang từng có 3 năm làm HLV trưởng ĐTQG Malaysia giai đoạn 1979-1982. Thành công lớn nhất của ông trong thời gian đó là giúp đội tuyển quốc gia Malaysia giành vé đến Olympic 1980 với tư cách một trong những đội đứng nhất bảng vòng loại. Bên cạnh đó, Weigang còn có nhiều năm làm việc ở Sri Lanka và một số đội tuyển quốc gia châu Phi.
Tầm ảnh hưởng của Weigang với bóng đá Malaysia lớn tới mức thế hệ vàng do ông dẫn dắt từng trở thành đề tài cho một bộ phim bóng đá ở quốc gia này. Ola Bola kể về hành trình đến Olympic của đội tuyển mang biệt danh "Những chú hổ", và cho đến nay vẫn là một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Malaysia. Weigang chính là nguồn cảm hứng xây dựng hình ảnh HLV Harry Mountain trong Ola Bola.
Cho và nhận
Khi báo chí Việt Nam ngày ấy nhắc tới "một tiền vệ tấn công nổi tiếng mang họ Nguyễn", ai cũng nghĩ ngay tới Hồng Sơn. Tiền vệ khoác áo Thể Công chọn cách im lặng, và phải đến 6 năm sau đó anh mới lên tiếng xác nhận câu chuyện này. Hồng Sơn tiết lộ đúng là anh bị điểm mặt chỉ tên. Nhưng số cầu thủ bị Weigang nghi ngờ bán độ không phải 4 hay 5, mà có đến 9 người.
Sau trận hòa ĐT Lào, anh và các đồng đội như Hữu Đang, Chí Bảo, Mạnh Cường, Hữu Thắng, Lê Đức Anh Tuấn phải tập riêng bởi "có thái độ không tốt trong khi thi đấu". Tuy vậy, mỗi khi kể về Weigang, Hồng Sơn nói HLV người Đức rất quý mến và thương yêu cầu thủ. Ông biết cách động viên mọi người không chỉ bằng lời nói, mà còn qua hành động. Weigang rất hiểu người Việt Nam.
Những người đồng đội cùng sát cánh với Hồng Sơn ở ĐT Việt Nam dưới thời Weigang cũng luôn dành những lời tốt đẹp nhất mỗi khi nói về HLV người Đức. Sau nhiều năm nhìn lại, mọi người đều thấy họ học được rất nhiều từ phong cách huấn luyện cũng như quản lý từ Weigang. Những ai chấn thương nặng, phải ngồi ngoài lâu luôn được ông quan tâm hơn cả. Đó là trường hợp của Hồng Sơn và Minh Chiến.
Kết thúc chiến dịch SEA Games 1995, Hồng Sơn và Minh Chiến sang châu Âu phẫu thuật điều trị dứt điểm chấn thương đầu gối. Họ ở lại Đức 1 tháng tập trị liệu, và người cho họ tá túc miễn phí thời điểm ấy chính là gia đình HLV Weigang. Ông chào đón, chăm lo 2 người như con, chăm sóc đến từng bữa ăn giấc ngủ. Từ chuyện đưa đến bệnh viện khám định kỳ rồi về nhà, đạp xe trị liệu, ăn sáng, dưỡng thương... 2 tuyển thủ Việt Nam đều được vợ chồng HLV Weigang giúp đỡ.
"Mọi người có nói HLV Weigang cho tôi tất cả rồi lấy đi của tôi tất cả, nhưng sự thực không phải như thế", Minh Chiến chia sẻ trên truyền hình vài năm trước. "HLV Weigang cho tôi mọi thứ, từ cơ hội trở thành tuyển thủ quốc gia, đến danh vọng của một ngôi sao. Thầy và cô (vợ chồng HLV Weigang) đối xử với tôi như người thân trong gia đình, đó là điều tôi không bao giờ quên".
Ký ức của những ngày bên Đức đến giờ vẫn còn như in trong tâm trí Minh Chiến. Ông còn nhớ khi lên máy bay, mình và Hồng Sơn đã tìm cách lén mang... thuốc lá và ớt tiêu. Tới Đức, 2 người rủ nhau ra ban công hút thuốc để tránh ám khói trong phòng, sợ bị HLV Weigang phát hiện. Hồng Sơn vui tính còn "gạ" vợ HLV Weigang ăn ớt tiêu, khiến bà khổ sở mới tìm được cách giải cay.
Buổi gặp gỡ giữa HLV Weigang và 2 thế hệ cầu thủ Việt Nam do ông từng huấn luyện diễn ra khi vị chiến lược gia người Đức đã ngoài 80 tuổi. Ông vẫn rất minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn trong khi nhiều học trò đã dần chậm chạp, không còn sung sức như thời làm cầu thủ. Nhưng ngay cả lúc sống khỏe mạnh, Weigang dường như biết ông không còn nhiều thời gian khi tuổi đã cao. Đó là lý do ngày hôm ấy, họ cùng nhau kể lại rất nhiều câu chuyện quá khứ như để nhắc nhau sẽ không bao giờ quên.
Tháng 2/2017, HLV Weigang rời Malaysia, nơi ông vẫn làm việc bền bỉ ở tuổi 81 để về Đức phẫu thuật mắt. Đến tháng 6 cùng năm, ông qua đời vì một cơn đau tim. Các cựu tuyển thủ Việt Nam khi biết Weigang qua đời đều bất ngờ. Để tri ân người thầy cũ, HLV trưởng ĐT Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng còn muốn thực hiện 1 phút mặc niệm trên sân ở vòng loại Asian Cup nhưng ý định này không được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) phê duyệt.
Càng dấn thân vào công tác huấn luyện, những người như Minh Chiến, Huỳnh Đức, Hữu Thắng... mới hiểu hơn về điều HLV Weigang từng làm, từng chỉ bảo họ xưa kia. Cách làm việc của ông thầy người Đức có thể khắt khe, cứng nhắc nhưng thực chất đó là biểu hiện của sự tỉ mỉ, khoa học. Giữa thời buổi bóng đá Việt Nam còn mông muội và u ám, Weigang chính là người đầu tiên xuất hiện, khai sáng cho tất cả.
Nguồn ảnh sử dụng trong bài viết:
Ảnh 1: The Star
Ảnh 2: Tư liệu/PLO
Ảnh 3: Zulkifly Abdul Hamid/www.asiana.my
Ảnh 4: Quang Minh/VTC
Ảnh 5: Bình luận viên Quang Huy
Ảnh 6: Boris Streubel/Bongarts/Getty Images
Ảnh 7: Friedemann Vogel/Bongarts/Getty Images
Đại án Bacolod, từ góc nhìn của người trong cuộc
Năm 2005, dư luận trong nước đã chấn động với vụ án dàn xếp tỉ số nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử làng bóng đá Việt Nam. Đằng sau câu chuyện về Quốc Vượng, Văn Quyến và 6 cầu thủ khác của U23 Việt Nam khi đó có những góc khuất không phải ai cũng biết.
1 thập niên từ cuộc 'nổi dậy' của bầu Kiên, bóng đá Việt Nam đi về đâu?
'Chúng tôi nghỉ thì các anh đá bóng với ai?' Câu hỏi của bầu Kiên dành cho những quan chức bóng đá Việt Nam tại Hội nghị tổng kết V.League 2011 đã mở đầu cho cuộc ly khai cùng một giải đấu mới mang hơi hướng Super League. Mọi vấn đề của bóng đá Việt Nam đều được bầu Kiên phơi bày hôm đó, nhưng đúng 10 năm sau, các ông bầu lại 'nổi dậy' một lần nữa.
Ngọc Hải, Anh Khoa và cú xoạc bóng thay đổi cả V.League
Pha phạm lỗi rợn người của Quế Ngọc Hải vào chân Anh Khoa từng trở thành chủ đề gây tranh cãi trong nhiều tháng. Bỏ qua vấn nạn bạo lực sân cỏ, cách những người làm bóng đá Việt Nam giải quyết vụ việc đó đã khiến V.League phải thay đổi không ít điều lệ. Anh Khoa có thể không còn thi đấu, nhưng anh đã giúp rất nhiều đồng nghiệp giữ được đôi chân.