Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen'

Trong buổi trò chuyện cùng iThethao.vn, Đặng Y Bon cho biết anh khá ngại về việc những phát biểu của mình có thể bị hiểu sai. Trái với hình ảnh một VĐV mạnh mẽ, thi đấu máu lửa, Y Bon của đời thường là một người hiền lành, ít nhiều nhút nhát. Sau những chuyện đã qua, anh chỉ muốn được tập luyện và thi đấu thật tốt.

Tiền không thể mua sự thật

- Xin chào Y Bon. Hẳn anh còn nhớ về trận đấu "kỳ lạ" mà mình bị xử thua ít hôm trước chứ?

Đặng Y Bon: Hôm đó, khi bước vào trận đấu, tôi lên đài và thực hiện những nghi thức chào của môn Muay. Nhưng trong lúc tôi đang quỳ lạy bên góc đài, thì đối thủ của tôi bất ngờ nhảy xuống. Tôi đứng trên đó, trọng tài yêu cầu tôi xuống luôn. Họ bảo đến tối, trận đấu của tôi sẽ được họp lại để bàn bạc, giải quyết khiếu nại.

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 1

Nhưng buổi họp đó đã không diễn ra. Ngay lúc tôi xuống đài, hệ thống của ban tổ chức ghi nhận trận đấu đã kết thúc. Đối thủ của tôi lọt vào vòng trong, còn tôi bị loại. Tôi biết điều gì đã diễn ra, bởi đây không phải lần đầu tôi chứng kiến một trận đấu kỳ lạ như thế. Tôi cũng biết VĐV đó sẽ thắng ở bán kết và giành HCB.

Đúng như lời Đặng Y Bon nói, đối thủ của anh ở trận tứ kết (Lài Minh Hiếu, đơn vị Quảng Ninh) sau đó lọt thẳng vào chung kết. Trong trận đấu cuối cùng, võ sĩ này chủ động xin bỏ cuộc ngay từ đầu, qua đó biến võ sĩ Nguyễn Quang Huy (Hà Nội) trở thành nhà vô địch Đại hội mà không cần phải thi đấu.

- Anh đã cười chua chát trên võ đài khi biết mình bị loại...

Tôi cười đến mức đau bụng, bởi đâu là lần thứ ba mình chưa đấu đã thua, cũng là lần thứ 2 trên danh nghĩa võ sĩ đoàn Quân Đội. Nhưng điều tôi nói ra không phải xuất phát từ một phút nóng giận. Phải chờ đến khi Trần Quốc Tuấn thi đấu xong và chính thức khép lại hành trình ở Đại hội, tôi mới đăng bài. Tôi không muốn làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến các đồng đội của mình cả.

Hình ảnh tôi xách ba lô đi về giữa nhà thi đấu cũng không phải cảnh dàn dựng. Một người bạn của tôi đã ghi lại cảnh đó. Tối ngày hôm ấy, mọi người rủ tôi ra uống nước mới cho xem và gửi lại video. Họ bảo tôi cứ nhậu cho đã để quên đi, nhưng tôi không phải kiểu người mượn bia rượu giải sầu rồi la ó, giận dữ.

- Vậy trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội, anh có lường trước điều đó không?

Hồi tôi ở Thái Lan, các HLV hỏi thăm thường xuyên và động viên rất nhiều. Bình thường, tôi và Tuấn luôn đảm bảo thành tích cho đoàn Quân Đội có huy chương vàng, huy chương bạc ở các giải Muay quốc gia. Kỳ Đại hội này 4 năm mới có một lần, nên ai cũng phấn chấn tập luyện. HCV Đại hội là vinh dự rất lớn với một đời võ sĩ.

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 2

Ban đầu, tôi được cổ vũ về nước thi đấu hết mình ở Đại hội tới, nhưng đáng tiếc là điều đó lại không trở thành sự thật. Dù vậy, khi lên tiếng, tôi cũng không sợ điều gì cả. Tôi cũng hạ quyết định rồi và sẽ làm đúng như điều mình đã nói.

- Anh có nghĩ sang Thái Lan đấu Muay chuyên nghiệp là lựa chọn rất khó khăn?

Có thể là như thế thật. Các võ sĩ Việt Nam thông thường chỉ sang tập huấn Thái Lan một thời gian, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm, rồi trở về nước thi đấu. Tôi lại cố gắng hướng đến một nơi gồm toàn những võ sĩ giỏi như thế. Nhưng đó là đam mê của mình, thế nên tôi sẽ cố gắng phát huy tối đa khả năng của bản thân.

Những ngày qua, đôi lúc tôi cảm thấy hướng đi của mình tăm tối và bế tắc. Tuy nhiên, đó là con đường tôi đã chọn. Tôi cũng mất một khoảng thời gian tương tự để suy nghĩ, viết những dòng chia sẻ trên mạng xã hội rồi nhấn nút đăng. Bởi điều tôi nói ra một lần có thể khiến tôi mang tiếng xấu đến tận sau này.

Có lúc tôi tự hỏi: "Trời, mình viết thế này, mai mốt mình làm đơn học làm huấn luyện viên, mở câu lạc bộ tập luyện, liệu người ta có chấp nhận phê duyệt không?". Nhưng suy đi tính lại, tôi vẫn quyết định lên tiếng. Bởi đây không phải lần đầu tôi muốn đánh nhưng HLV ở phía dưới đài lại quyết định xin thua.

Năm nay tôi 30 tuổi, cũng chưa có gì trong tay cả, nhưng tôi muốn tự quyết định về cuộc sống của mình. Đời người chỉ sống có một lần, thế nên tôi muốn sống đúng với bản thân. Nếu cứ sống mà phải chấp nhận những điều như thế, liệu chúng ta sống để làm gì?

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 3

Nhưng ở góc độ nào đó, tôi biết những điều mình nói sẽ chẳng đi đến đâu cả. Đây chỉ là tiếng nói của một cá nhân, và sau khi một con sóng nổi lên, sẽ có nhiều con sóng khác cuốn nó đi. Sau 10 ngày, có lẽ chẳng còn ai nhắc đến những điều tôi nói đến nữa.

- Nhưng hẳn là anh đã chuẩn bị để sang Thái Lan, ít ra là một khoản tiết kiệm để sống ổn định trong nửa năm tới?

Thực sự là tôi không có gì cả. Hiện tại các khoản tiết kiệm của tôi là con số âm. Kết thúc chuyến tập luyện Thái Lan vừa qua, tôi đang nợ hơn 100 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhà trọ ở TP Hồ Chí Minh. Tôi may mắn luôn có nhiều người giúp đỡ, hỗ trợ mình trong khoảng thời gian khó khăn như hiện tại.

Khoản tiền đang vay mượn mọi người là một trong những động lực giúp tôi muốn sang Thái Lan trau dồi nhiều hơn nữa. Tôi phải thi đấu để có thêm thu nhập, để trả nợ, để cảm ơn những người tốt bụng đã luôn giúp đỡ mình. Còn hiện tại thì tôi không có khoản tiết kiệm cá nhân nào cả.

- Có người nói Y Bon sang Thái Lan đấu chuyên nghiệp, kiếm nhiều tiền rồi nên "làm màu" tuyên bố nghỉ thi đấu trong nước.

Đúng là hiện giờ nếu sang Thái Lan, tôi có thể thượng đài thi đấu hàng tháng và nhận thù lao. Nhưng bù lại, tôi cũng phải trả học phí cho phòng tập mình theo học (Y Bon tập luyện ở Saenchai Muay Gym, một trong những CLB danh giá nhất Thái Lan). Sự thật là, nếu lấy tiền thượng đài trừ đi học phí thì thu nhập hàng tháng của tôi là âm 10 triệu đồng.

Hiện tại tôi phải bỏ tiền túi để bù lại khoản thu nhập âm hàng tháng đó. Trở thành võ sĩ Muay nổi tiếng và kiếm tiền ở Thái Lan không dễ. Nếu không thể phát triển sự nghiệp trong tương lai, tôi chắc chắn sẽ mất rất nhiều tiền. Còn trước mắt, tôi cũng được nhiều bạn bè, người thân hỗ trợ để theo đuổi đam mê.

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 9

Sau những trận đấu Muay chuyên nghiệp vừa qua, tôi cũng có mức giá nhất định cho mỗi lần thượng đài của mình. Tuy nhiên, con số đó cũng không thực sự cao như nhiều người vẫn nghĩ. Trong trường hợp thua, tiền thưởng của tôi cũng thấp hơn. Cách duy nhất để tôi vươn lên là trau dồi bản thân, liên tục chiến đấu và giành chiến thắng.

Ai cũng cần tiền, nhưng đến một lúc nào đó, khoản thu nhập đó trở thành gánh nặng với bản thân. Sau khi viết những dòng đó, tôi cảm thấy nhẹ nhõm như được trút gánh nặng trong lòn

- Vậy chúng ta thử đặt một giả định thế này: Nếu bây giờ có một đơn vị bảo anh rút lại lời đã nói để ký hợp đồng với họ, nhận lương 50 triệu mỗi tháng thì sao?

Tôi không đồng ý.

- Nhưng lương tháng 50 triệu là rất nhiều, anh có thể trả hết nợ sớm?

Trước đây tôi có thể đồng ý, nghe nhận lương 50 triệu chắc thèm nhỏ nước dãi (cười). Nhưng giờ thì không bởi tôi đã viết, đã nói lên suy nghĩ của mình rồi. Tôi rất cần tiền, nhưng võ sĩ cũng phải có danh dự. Mọi người sẽ nghĩ sao nếu như biết tôi rút lại lời mình đã nói vì nhận được tiền?

Vì thế, ngay cả khi có nhận được đề nghị trả 500 triệu để xóa bài đã đăng, tôi cũng không đồng ý.

Nắm đuôi bò, vượt lũ sinh tồn

- Tôi rất tò mò muốn biết về tuổi thơ của anh, vì nghe nói anh bắt đầu tập và thi đấu Muay khá muộn?

Tôi là người dân tộc Chăm, gia đình vốn ở Bình Thuận. Sau khi học hết lớp 10, tôi nghỉ để phụ việc gia đình. Đến năm 19 tuổi, tôi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi phục viên, tôi đi học lái xe tải rồi chuyển vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Ở đó, tôi thường chở nước ngọt đi giao cho các đầu mối kinh doanh ở nội thành.

Thu nhập của tôi ngày ấy vào khoảng 8-9 triệu đồng mỗi tháng. Con số đó không quá thấp, nhưng tôi cứ nghĩ về cuộc sống của mình. Tôi cảm thấy mình không quá yêu thích công việc này. Đúng lúc ấy, có một người bạn rủ tôi đi tập võ, thế là tôi nhận lời luôn. Đó là tháng 6 năm 2018, lúc tôi 26 tuổi.

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 4

- Anh là người Chăm, vậy tại sao lại có họ Đặng và tên là Y Bon?

Theo như tôi được nghe kể lại, ngày xưa người Kinh có đưa một nàng công chúa họ Đặng đến gả cho quốc vương Chăm. Theo tập tục truyền thống của chúng tôi, con cái sinh ra mang họ mẹ. Vì thế, họ Đặng cũng khá phổ biến trong cộng đồng người Chăm. Nhưng đến thời ba tôi thì các con theo họ ba, thế nên tôi mang họ Đặng từ ba.

Còn về cái tên Y Bon của tôi, thì ba tôi đặt như vậy bởi ông thích ca sĩ Y Moan. Nghe ba tôi bảo thì ban đầu làng của tôi nằm trên một đồi cát lớn. Nhưng người Mỹ sợ nếu làng người Chăm ở xa xôi như thế sẽ dễ hỗ trợ cho bộ đội cách mạng, nên cả làng bị di dời về huyện Bắc Bình, nằm ven quốc lộ cho đến tận bây giờ.

Gia đình tôi có 4 người, cũng không khá giả. Ba mẹ tôi có trồng cây ăn quả, nhưng chỉ dựa vào ba sào thanh long của gia đình thì không đủ sống nên vẫn phải đi làm mướn. Người Chăm theo thị tộc mẫu hệ có tục lệ "vợ đi hỏi chồng" thay vì chồng đi hỏi vợ, thế nên con trai phải tự thân lập nghiệp, đi lên từ hai bàn tay trắng.

Cũng vì theo thị tộc mẫu hệ nên trong gia đình người Chăm, vợ là chủ gia đình chứ không phải chồng. Ở xóm, tôi từng chứng kiến có những ông chồng đi nhậu, bị vợ gọi về nhưng không chịu về. Bà vợ thấy vậy liền xách đòn gánh qua đuổi đánh ông chồng giữa buổi nhậu, xem mắc cười lắm.

Người Chăm không ăn thịt bò, bởi chúng tôi theo đạo Bà La Môn. Ngày xưa tục lệ truyền thống của người Chăm khắt khe lắm, nhưng giờ cũng thoải mái hơn nhiều rồi. Mọi người không còn mời thầy cúng về chữa bệnh, trị ma nhập nữa. Nghề thầy cúng bây giờ ế rồi, vì cũng không còn ai tin vào "các thầy" nữa.

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 5

Nơi tôi ở cũng có nhiều bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Thuở nhỏ, có lần đi chăn bò cùng các bạn, tôi và mọi người tìm thấy một quả mìn. Đám trẻ không biết nên cứ vô tư cầm mìn ném nhau, may là nó không nổ. Nghĩ lại, tôi thấy mình thật may mắn. Trong đám bạn của tôi, có một người đi lượm ve chai và chết vì đụng phải mìn.

Biết tin bạn mình chết vì mìn nổ, đám trẻ chăn bò chúng tôi bị ám ảnh nguyên một tháng, không ai dám nhắc tên anh ấy. Từ lúc đó, không có ai trong làng dám đi lượm ve chai nữa. Chúng tôi cũng không còn đùa nghịch, giỡn nhau nữa vì biết bom mìn có thể làm chết người; trước đó thì chẳng ai nghĩ cái chết như thế nào.

Có lần đám trẻ chúng tôi cầm bom mìn đùa nghịch, người lớn thấy vậy liền lạy luôn. Có một ông bác la lớn "Đừng làm vậy các con ơi". Rồi ông cầm quả mìn lên, nhẹ nhàng bước đi rồi ném vào bụi xương rồng cách xa nơi ở. Không biết đến giờ quả mìn đó như thế nào. Nếu không may mắn, chắc tôi không thể sống đến giờ.

- Trẻ con thời của anh có vẻ rất vô tư và hồn nhiên?

Đến giờ nghĩ lại, tôi mới thấy tuổi thơ mình... thật dữ dội. Hồi đó chúng tôi ngồi coi siêu nhân Gao, thấy siêu nhân vàng có cánh, biết bay nên thử học theo. Mỗi đứa bẻ hai cành cây làm "cánh", rồi nhảy từ trên ngọn cây xuống đất để "học bay". Nhưng không có ai bay được, đứa nào cũng rớt bịch xuống đất, mém chết luôn.

Bây giờ thì trẻ con không còn nghịch ngợm, đùa dại như chúng tôi ngày trước nữa. Đám nhỏ chỉ ngồi nhà đọc sách, xem ti vi, nghịch điện thoại.

- Cuộc sống thời thơ ấu của anh hẳn cũng tiếp xúc với rắn độc và bọ cạp, "đặc sản" của vùng đồi cát?

Nơi tôi ở vừa gần rừng, vừa gần đồi cát nên hồi xưa rắn, bọ cạp nhiều lắm. Tôi từng bị bọ cạp chích một lần khi đi bắt, nhức đến phát khóc luôn. Hồi đó mình không biết bọ cạp có thể chích, nên cứ thế cầm lên bắt rồi bị chích luôn. Còn rắn thì tôi học chỉ dẫn của mọi người để biết đâu là rắn thường, rắn độc.

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 6

Tôi từng có một lần đụng rắn hổ chúa lúc chui vào bụi tre, thấy con rắn treo ngay trước mặt, phình mang ra. Tôi phải từ từ lùi lại, đủ xa mới quay đầu chạy về kêu mọi người bắt. Nếu quay đầu chạy sớm thì có khi con rắn đuổi theo cắn mình luôn rồi. Xóm tôi thỉnh thoảng lại có tin có người bị rắn hổ chúa cắn chết.

Có người từng bắt rắn hổ chúa bỏ vào bao nhưng sơ ý, bị nó cắn xuyên qua bao, chết luôn. Có người vào rừng chặt củi hầm than nhưng chưa lấy ngay, qua ngày hôm sau ôm bó củi thì có rắn hổ chúa nằm trong đó, nó nhảy ra cắn, chết luôn. Bây giờ rắn độc vẫn còn nhưng ít, rắn hổ chúa cũng ít hơn.

Tôi có ông chú mới bị rắn độc cắn, nhưng không phải rắn hổ chúa. Nọc độc của nó ngấm vào làm chân sưng chà bá. Mọi người phải đi tìm lá đắp để nọc độc tan ra. Không phải mọi loại rắn độc đều có thuốc chữa. Ngoài rắn hổ chúa, một loại rắn độc khác cũng rất nguy hiểm là rắn hổ mèo. Vết cắn của nó có thể làm hoại tử.

Tính ra thì hồi bé tôi may mắn sống sót khá nhiều lần. Ngoài bom mìn, rắn độc thì còn lũ lụt. Có lần tôi đang chăn bò ven sông thì lũ xả về gấp, tôi phải bơi qua sông vượt lũ. Bơi ngay cạnh mình còn có rắn, bọ cạp, củi gỗ từ trên đầu nguồn tràn xuống. Sức tôi không bơi nổi nên phải bám đuôi bò, mượn sức bò bơi qua sông.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế. Có không ít trường hợp trẻ chăn bò bơi qua sông bị lũ cuốn trôi. Sức nước và dòng xoáy nước kinh khủng lắm, nhà ai có người thân bị lũ cuốn phải nhanh chóng chạy ra cửa Phan Rí để thuê người đặt lưới vớt xác. Có người vớt được, nhưng cũng có người không.

Cuộc sống của tôi nghe qua có thể hơi dữ dội, nhưng đó là cuộc sống của tất cả những đứa trẻ cùng thời với tôi thuở đó. Hết lũ, nước sông trong trở lại là đám trẻ lại chặt cây chuối, bám vào bơi vượt sông. Bọn trẻ thời của tôi đều biết bơi vì được ba mẹ dạy từ nhỏ, tập bơi ngay vùng nước sâu. Đó là điều bình thường lắm.

Học từ những người giỏi nhất

- Ai là người thầy đưa anh đến với Muay?

Từ nhỏ tôi đã thích võ thuật, nhiều khi nhìn các đoạn phim trên truyền hình, trên mạng thì tự tập theo. Nhưng để tập võ bài bản, chính quy thì phải đến năm 2018 tôi mới bắt đầu theo nghiệp võ. Nơi tôi tìm đến học là lò võ của võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất. Anh cũng là sư phụ đầu tiên của tôi.

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 7

Hồi còn tập luyện ở lò võ của anh Nhất, mỗi sự kiện anh tổ chức đều cho tôi thi đấu. Tôi ăn ngủ, sinh hoạt tại lò võ của anh. Có thể nói anh là người thầy tôi mang ơn, đưa tôi đến với sự nghiệp. Sư phụ nhất chính là người giúp tôi trở thành võ sĩ như ngày nay. Không chỉ anh Nhất, mẹ của anh cũng rất tốt với tôi.

Khoảng thời gian tập luyện tại lò võ của anh Nhất, có những lúc tôi rất thiếu thốn, không có tiền trang trải cuộc sống. Mẹ anh Nhất thấy tôi như vậy nên bác rất thương. Bác cho tôi từng chiếc quần tập, rồi đến giờ nghỉ trưa, bác lại mua cơm cho tôi ăn. Bác giúp tôi có nhiều động lực tập luyện hơn.

Ngoài các bài tập ở lò võ, tôi còn xem thêm các video tập luyện của võ sĩ Thái Lan để tự học theo. Tôi thấy họ tập 8 tiếng mỗi ngày nên cũng cố gắng tập ít nhất 7 tiếng. Sau buổi tập sáng và chiều, đến tối thì tôi kiếm thêm thu nhập bằng việc nhận chạy xe ôm công nghệ, bởi đó là cách duy nhất để tôi có tiền.

Nhưng tôi không chạy xe quá nhiều. Mỗi tối, tôi chỉ chạy sao cho kiếm vừa đủ 150.000 đồng để có thêm tiền ăn, trang trải cuộc sống. Nếu tôi cố gắng kiếm nhiều tiền hơn thì phải chạy xe nhiều hơn, thức khuya hơn. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt, tập luyện ở lò võ hàng ngày.

Tôi tập được khoảng 1 tháng thì anh Nhất bắt đầu cho tôi thi đấu ở các sự kiện Fight Night do CLB anh tổ chức. Nhưng sau 2 năm dịch bệnh, đà thi đấu của tôi bị tạm ngưng một thời gian dài, có khoảng 1 năm rưỡi gần như không đấu. Tôi mới thi đấu tổng cộng 45 trận, bao gồm cả đấu Muay nghiệp dư và Muay nhà nghề.

- Điều gì đã khiến anh đầu quân cho một đơn vị khác?

Ban đầu tôi hoàn toàn không có ý định đầu quân cho đơn vị nào khác cả. Con đường tôi muốn theo đuổi lúc ấy chính là hướng đi của tôi hiện tại: Sang Thái Lan tập luyện, thi đấu Muay chuyên nghiệp. Khi nói với anh Nhất về quyết định của mình, tôi từng bảo em sẽ không bao giờ theo ai khác.

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 8

Tôi còn nhớ, câu cuối cùng tôi nói với anh Nhất trong phòng tập của anh là sau khi nghỉ ở đây, tôi sẽ không đầu quân cho CLB nào khác. Nghe vậy, anh Nhất chỉ khuyên tôi là: "Em có thể làm bất cứ việc gì để sống, nhưng hãy lưu ý: Đừng bao giờ làm chuyện phạm pháp". Tôi luôn nhớ lời căn dặn đó của anh.

Ước mơ của tôi là một ngày nào đó, tôi sẽ có cơ hội được chơi trên sàn đấu Muay chuyên nghiệp Lumpinee của Thái Lan. Tôi đã sang Thái thăm thú, quan sát và tìm hiểu thông tin để về Việt Nam làm thủ tục xuất ngoại. Nhưng tôi không gặp may, bởi ngay sau khi tôi về nước cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới.

Tôi vừa mới thông báo nghỉ ở phòng tập của anh Nhất, chẳng lẽ lại quay về đó? Thế nên tôi tìm cách vừa tập luyện, vừa có thêm thu nhập bằng cách dạy võ ở công viên. Đúng lúc đó, đoàn Muay Bình Dương có thông báo muốn chiêu mộ tôi về đơn vị của họ. Tôi được ký hợp đồng và trả lương tập hàng tháng nếu đồng ý.

Trước lời mời của đoàn Bình Dương, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã hứa với anh Nhất như vậy, nhưng cũng không thể sống bằng cách dạy võ ở ngoài công viên mãi. Vì cuộc sống, cuối cùng tôi nhận lời đầu quân cho đoàn Bình Dương. Biết tin đó anh Nhất rất buồn, nhưng cuối cùng anh cũng hiểu và thông cảm cho tôi.

- Anh đã đầu quân cho đoàn Muay Quân Đội như thế nào?

Ban đầu tôi là thành viên của đoàn Muay Bình Dương. Sau đó, hợp đồng của tôi được chuyển giao cho đoàn Quân Đội với chế độ đãi ngộ không đổi. Tôi là 1 trong 2 võ sĩ của Bình Dương chuyển sang đoàn Quân Đội ở thời điểm đó, cùng với võ sĩ Trần Quốc Tuấn. Hợp đồng của tôi kéo dài 2 năm và sẽ kết thúc vào tháng 12 này.

Trong 2 năm, mỗi năm chúng tôi thi đấu 2 giải Muay trong nước, gồm 1 giải vô địch quốc gia và 1 giải Cúp các CLB. Ở những giải trước đây, đoàn Quân Đội luôn có huy chương vàng và đạt chỉ tiêu. Có giải tôi giành chức vô địch, có giải thì người vô địch là Tuấn (Ở Đại hội vừa qua, võ sĩ Quốc Tuấn chỉ giành huy chương đồng).

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 11

- Việc tập luyện Muay ở Thái Lan hẳn là khác Việt Nam rất nhiều?

Mỗi ngày tôi tập 7-8 tiếng, đến tối rất mệt, chỉ muốn ngủ luôn chứ không làm chuyện gì khác được nữa. Những ngày đầu mới sang, vì chưa quen với cường độ tập luyện bên đó nên lúc nào tôi cũng cảm thấy mệt. Lúc ở Việt Nam, thỉnh thoảng tôi có thể uống 1-2 chai bia lúc vui, nhưng sang đó tôi không dám uống bia luôn.

Chế độ tập luyện của võ sĩ Thái Lan rất khác Việt Nam, cường độ tập của họ cũng cao hơn hẳn. Ở Việt Nam, vận động viên thường tập theo chế độ 3 phút mỗi hiệp, nghỉ giữa hiệp 30 giây. Nhưng ở Thái Lan, mỗi hiệp của họ kéo dài 4 phút. Có thể nói cường độ tập ở đó cao gấp đôi Việt Nam. Mỗi võ sĩ thường có một HLV cầm pad riêng.

Bạn tập thường xuyên của tôi là những võ sĩ tôi rất ngưỡng mộ, những người mà tôi thường xuyên theo dõi qua truyền hình. Họ rất giỏi. Mỗi lần đấu tập, tôi rất cố gắng nhưng không thể áp sát người và đánh trúng họ được. Có những võ sĩ mới 14-15 tuổi nhưng kỹ thuật rất tốt, ở hạng cân dưới tôi nhưng đấu hay hơn hẳn.

Tại Thái Lan, những võ sĩ nhà nòi được huấn luyện từ bé. Vận động viên như cậu nhóc kể trên thường lập từ lúc mới 7-8 tuổi. Họ có thể nhỏ về tuổi đời, nhưng hơn hẳn tôi về tuổi nghề. Tôi cũng rất tò mò muốn biết cậu nhóc đó trong tương lai sẽ trở thành võ sĩ xuất chúng ra sao. Những siêu sao võ thuật Thái Lan còn mạnh hơn nữa nhờ kinh nghiệm 15-20 năm thi đấu chuyên nghiệp.

- Võ sĩ hẳn phải đánh đổi nhiều thứ mỗi khi lên đài thi đấu?

Thượng đài có thắng có thua mà. Trong chuyến tập huấn Thái Lan vừa rồi tôi đấu 5 trận, thắng 4 và thua 1. Nhưng kết quả có thế nào chăng nữa, mỗi lần về nhà, đầu tôi lúc nào cũng cảm thấy ong ong. Có đêm tôi đau đầu không ngủ được, nghĩ "Nếu đêm nay nhắm mắt xong 'ngất' mãi mãi luôn thì sao?".

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 12

Đến sáng hôm sau thức dậy, tôi mới biết là mình vẫn sống. Nói thật là, trở thành võ sĩ Muay nổi tiếng và gặt hái thành công ở Thái Lan không dễ. Không có nhiều người thành công, bởi nếu thế thì ai cũng sang Thái Lan thi đấu thường xuyên rồi. Thường thì võ sĩ chỉ sang đó tập luyện một thời gian rồi về nước thôi.

- Hẳn là anh cảm thấy rất may mắn vì luôn có bạn gái đồng hành?

Đúng là như thế. Cô ấy là người hiếm có trên đời, nhận lời yêu lúc tôi chưa có gì trong tay cả, chưa biết ngày mai ra sao. Võ sĩ cũng thường phải tập luyện xa nhà, phải yêu xa, đâu có mấy ai chịu chấp nhận như thế. Cô ấy hoàn toàn có thể chọn người tốt hơn, thành công hơn nhưng vẫn chọn ở bên cạnh tôi.

Tháng 3 tới là tròn 3 năm rưỡi chúng tôi yêu nhau.

- Anh đang ở Hà Nội xin visa sang Thái Lan. Thủ tục có phức tạp không, và anh làm thế nào để sống giữa Hà Nội đắt đỏ?

Tôi đã lên Đại sứ quán, và họ nói tôi cần phía lò võ Saenchai ở Thái Lan gửi giấy chứng nhận học viên để cấp visa. Một lần nữa, tôi có quý nhân phù trợ khi ra Hà Nội. Một người bạn mê võ thuật cho tôi về ở cùng với cậu ấy miễn phí. Dường như tôi đi đâu cũng có những người tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ mình.

Ở Thái Lan, tôi có mẹ nuôi và chị nuôi. Đó là một gia đình mở hàng tạp hóa đối diện lò Muay Saenchai. Có lần qua mua đồ, tôi thấy mẹ và chị là phụ nữ mà phải xách đồ nặng nên phụ giúp. Mẹ và chị thấy vậy cũng quý, cũng thương nên coi tôi như người nhà. Tôi được bao cơm trưa, có thể đi lại trong nhà, tự nấu đồ ăn yêu thích. Có lúc tôi đi chợ về, mua đồ làm gỏi đu đủ mời mọi người.

Những người anh ở lò Saenchai như Tawanchai, Wanchalong... cũng rất quý tôi. Có lần Wanchalong mời mọi người về quê anh chèo thuyền thả lưới bắt cá. Gia đình chủ lò võ đặt biệt danh cho tôi là Bon Việt Nam. Tawanchai lại là người rất hào phóng. Sau khi thắng đai ONE Championship, anh bao nửa nhà hàng mời mọi người.

Tôi còn nhớ, tiền thắng đai ONE Championship được Tawanchai bỏ vào 8-9 bì thư biếu các thầy giữ pad tập luyện cùng anh. Số tiền còn lại được anh gửi lên chùa, chứ Tawanchai không giữ lại một đồng tiền thưởng nào cho riêng mình cả.

Tôi thích cách sống của người Thái Lan. Họ sống tình nghĩa, sòng phẳng. Ở nơi tôi tập luyện, hiếm khi nào nghe thấy tiếng còi xe trên đường. Nếu muốn qua đường, bạn chỉ cần chắp tay cúi đầu trên vỉa hè, các xe sẽ dừng lại nhường đường cho bạn.

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 10

- Vậy biệt danh của anh là "Bon Việt Nam" chứ không phải "Chiến binh Báo Đen"?

Mỗi võ sĩ Muay Thái Lan luôn có biệt danh gắn liền với họ. Tawanchai nghĩa là "cú đá trái", bởi anh thường sử dụng đòn đó khi thi đấu. Saenchai là "trăm trận", vì ông thi đấu rất nhiều. Buakaw là "Bông sen trắng" vì ông theo đạo Phật. Đó đều là biệt danh gắn liền với võ sĩ, không có ai dùng tên thật đi thi đấu cả.

"Muangthai" nghĩa là cú giật chỏ, bởi đó là đòn đánh sở trường của anh ấy. Nhưng người Thái Lan thích cú đánh của anh ấy quá, nên đặt tên đất nước vào biệt danh của anh ấy luôn. Trong số các võ sĩ Muay, chỉ Muangthai có vinh dự đó.

Còn tôi, khi mọi người hỏi biệt danh thì tôi chỉ biết lắc đầu. Tôi chỉ nói tên mình là Bon thôi, thế nên mọi người gọi tôi là Bon Việt Nam. Chứ nếu tôi nói biệt danh của mình là "Chiến binh Báo Đen" chắc mọi người thi nhau bẻ nanh "Báo Đen" quá! Biệt danh đó của tôi là do anh Nhơn (võ sĩ Nguyễn Kế Nhơn) đặt cho (cười).

- Muay Thái Lan khắc nghiệt là vậy, nhưng không thể phủ nhận Việt Nam cũng có nhiều võ sĩ giỏi.

Đúng là như thế. Tôi nâng cao trình độ nhờ thường xuyên tập luyện với những võ sĩ như Huỳnh Hoàng Phi, Trương Cao Minh Phát. Vì tập với Phát, phải đỡ đòn tay của cậu ấy nên mỗi khi ra thi đấu, tôi có thể mở mắt bình tĩnh quan sát, né đòn, đỡ hoặc đánh trả. Chứ bình thường lúc tập luyện với Phát, tôi chỉ biết nhắm mắt đỡ thôi!

Phát là võ sĩ rất giỏi. Cậu ấy từ thất bại đi lên mà có được như hôm nay. Những người mới gặp Phát có thể nghĩ cậu ấy nói nhiều, nhưng Phát là người nói được, làm được. Người khác chỉ nói thôi nhưng không làm, thế nên không ai dám chê trách gì Phát cả. Phát thực ra là người rất thông minh.

Võ sĩ Muay Đặng Y Bon: Tôi không dám nhận mình là 'Chiến binh Báo Đen' - Ảnh 13

Trong số các VĐV khác đang tập luyện cùng câu lạc bộ, tôi rất thích võ sĩ Lê Hữu Toàn. Cậu ấy có kiểu tập luyện giống tôi, liên tục duy trì rèn luyện mỗi ngày thay vì đợi đến giải mới tập cường độ cao. Còn Phát có phương pháp tập luyện riêng cho bản thân, và cậu ấy thông thạo nhiều kỹ thuật nhỏ mà không phải ai cũng biết.

Có thể nói Phát là võ sĩ đã tìm ra bộ giáo án tập cho riêng cậu ấy, và cậu ấy cứ theo giáo án đó để tập. Còn tôi vẫn đang ở giai đoạn học hỏi, tiếp thu kiến thức và sưu tầm giáo án chuẩn cho mình. Tôi còn rất nhiều điều phải học và tiếp thu để trở thành võ sĩ giỏi hơn phiên bản của mình hiện tại.

- Võ thuật đã mang lại cho anh những gì?

Rất nhiều thứ. Những ngày làm tài xế xe tải, tôi liên tục phải nghe những lời la ó quát mắng, rồi cứ làm công việc ấy thì bao giờ mới phát triển được. Tôi bắt đầu tập võ ở tuổi mà nhiều người đã giải nghệ, tìm công việc khác. Võ mang lại cho tôi niềm vui, cũng như tình yêu hiện tại.

Trước đây tôi cũng có gặp một vài bạn nữ nhưng tất cả đều chê lên chê xuống. Từ khi tập võ, tôi mới quen được người ta. Thú thực, ban đầu tôi tập võ chỉ nghĩ đến việc sống với đam mê, chứ không nghĩ sau này mình sẽ có tiền, sẽ nổi tiếng hay được đặt biệt danh "Chiến binh Báo Đen" đâu.

Tôi còn nhớ trận Fight Night đầu tiên của tôi là gặp một võ sĩ có tên An Lê, vốn tập và đấu võ cổ truyền. Lúc ấy tôi mới tập luyện 1 tháng nên chưa biết nhiều đòn đánh, nhưng cứ đánh hết mình và giành chiến thắng. Tôi luôn được mọi người giúp đỡ, và đó là may mắn với một võ sĩ như tôi.

TIN LIÊN QUAN
Duy Nhất, Minh Phát đấu Muay nhà nghề ngay sau Đại hội Thể thao Toàn quốc

Duy Nhất, Minh Phát đấu Muay nhà nghề ngay sau Đại hội Thể thao Toàn quốc

Ít ngày sau khi Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 khép lại, 2 võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất và Trương Cao Minh Phát sẽ tham dự sự kiện Muaythai Grand Prix tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Võ sĩ Muay tuyên bố nghỉ thi đấu sau trận thua 'lạ' ở Đại hội

Võ sĩ Muay tuyên bố nghỉ thi đấu sau trận thua 'lạ' ở Đại hội

Được đánh giá là ứng viên hàng đầu cho tấm HCV môn Muay ở Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, nhưng võ sĩ Đặng Y Bon (Quân Đội) đã bị loại sớm. Anh lập tức tuyên bố mình sẽ không tham dự các giải VĐQG nữa.

Muay Đại hội: Võ sĩ giành chiến thắng vì đối thủ quên đi cân

Muay Đại hội: Võ sĩ giành chiến thắng vì đối thủ quên đi cân

Tình huống hy hữu đã xảy ra ở môn Muay Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, khi võ sĩ Lê Hoàng Đức (TP Hồ Chí Minh) giành chiến thắng ở vòng Tứ kết nhờ đối thủ quên đi kiểm tra cân nặng.

Nhà vô địch Kickboxing SEA Games chuyển sang đấu Muay Đại hội

Nhà vô địch Kickboxing SEA Games chuyển sang đấu Muay Đại hội

Là đương kim vô địch SEA Games 31 môn Kickboxing, nhưng võ sĩ Nguyễn Quang Huy lại không thi đấu môn võ này ở Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022. Thay vào đó, anh tham dự môn Muay.

Quá nửa số trận chung kết Muay Đại hội bị hủy

Quá nửa số trận chung kết Muay Đại hội bị hủy

Theo thông tin iThethao.vn nhận được, chương trình thi đấu ngày cuối cùng của môn Muay Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 đã rút ngắn đến bất ngờ, khi có tới 9/17 trận đấu phải hủy bỏ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bảng điểm trận so găng Oleksandr Usyk vs Tyson Fury 2: Các trọng tài chấm điểm thế nào?

Bảng điểm trận so găng Oleksandr Usyk vs Tyson Fury 2: Các trọng tài chấm điểm thế nào?

Cả 3 giám định trong trận tái đấu giữa Oleksandr Usyk và Tyson Fury đều cho ra một kết quả điểm giống nhau, khi Usyk thắng 116-112, nhưng điều đó không có nghĩa là điểm mỗi hiệp họ chấm đều giống nhau.

Oleksandr Usyk hạ Tyson Fury ở trận tái đấu

Oleksandr Usyk hạ Tyson Fury ở trận tái đấu

Trong lần thứ 2 chạm trán Tyson Fury, Oleksandr Usyk đã không để đối phương có cơ hội chạm vào mình nhiều như trước, qua đó tiếp tục là nhà vô địch bất bại.

Nghiêm Văn Ý hạ knock-out Negochadle trong hiệp 1, giành lại đai Lion Championship

Nghiêm Văn Ý hạ knock-out Negochadle trong hiệp 1, giành lại đai Lion Championship

Nhà vô địch Lion Championship mùa đầu tiên đã thi đấu ngoạn mục trong trận giành lại đai hạng cân 65kg nam, khi anh đánh bại đối thủ Felipe Negochadle ngay trong hiệp đầu tiên.

Jovidon Khojaev đánh bại Nguyễn Văn Kamil, giành đai Lion Championship

Jovidon Khojaev đánh bại Nguyễn Văn Kamil, giành đai Lion Championship

Sau 2 năm chờ đợi, Jovidon Khojaev đã trở thành nhà vô địch mới của Lion Championship, khi anh hạ gục đàn anh Nguyễn Văn Kamil ngay trong hiệp thi đấu đầu tiên.

Chelsey Cashwell khóa Lò Thị Tâm, bảo vệ thành công đai Lion Championship

Chelsey Cashwell khóa Lò Thị Tâm, bảo vệ thành công đai Lion Championship

Trước một đối thủ rất mạnh về bộ kỹ năng striking là Lò Thị Tâm, nhà vô địch Chelsey Cashwell đã không ngại đôi công cùng đối thủ và giành chiến thắng ngay đầu hiệp 2.

Hà Thị Linh khép lại năm 2024 bằng tấm HCB Boxing châu Á

Hà Thị Linh khép lại năm 2024 bằng tấm HCB Boxing châu Á

Võ sĩ kỳ cựu Hà Thị Linh đã khép lại một năm thi đấu thành công khi cô vừa có vé tham dự Olympic, vừa kết thúc hành trình tại giải vô địch Boxing châu Á 2024 bằng tấm huy chương bạc.

Ngọc Trân thua võ sĩ Thái Lan, giành HCB giải Boxing châu Á 2024

Ngọc Trân thua võ sĩ Thái Lan, giành HCB giải Boxing châu Á 2024

Trước một đối thủ quá mạnh trong trận chung kết hạng cân 50kg nữ giải vô địch Boxing châu Á 2024, võ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trân đã nhận thất bại sau 3 hiệp đấu.

Ngô Ngọc Linh Chi giành HCB giải Boxing vô địch châu Á 2024

Ngô Ngọc Linh Chi giành HCB giải Boxing vô địch châu Á 2024

Trong trận chung kết hạng cân 48kg nữ giải Boxing vô địch châu Á 2024, võ sĩ Ngô Ngọc Linh Chi đã nhận thất bại trước một đối thủ mạnh là Fozilova Farzona (Uzbekistan).

Alexandre Pantoja hạ Kai Asakura, bảo vệ thành công đai vô địch UFC

Alexandre Pantoja hạ Kai Asakura, bảo vệ thành công đai vô địch UFC

Đẳng cấp của một nhà vô địch được Alexandre Pantoja thể hiện tại UFC 310, khi anh khóa cổ Kai Asakura trong hiệp 2 để bảo vệ thành công danh hiệu lần thứ 3 liên tiếp.

Nate Diaz gây rối với Makhachev tại UFC 310

Nate Diaz gây rối với Makhachev tại UFC 310

Chuyên gia gây rối của UFC là Nate Diaz đã tiếp tục gây chú ý tại UFC 310, khi anh và các thành viên trong đội gây hấn, ném chai nước về phía nhà vô địch Islam Makhachev.

Tin nổi bật