Trưởng đoàn Vũ Tiến Thành: Cách làm của Phố Hiến giống HAGL năm 2015 nhưng phù hợp hơn
Giám đốc bóng đá PVF, Trưởng đoàn CLB Phố Hiến, ông Vũ Tiến Thành chia sẻ về cuộc cách mạng nhân sự cũng như lối chơi để đội bóng đạt thành tích ấn tượng sau nửa chặng đường của giải Hạng Nhất 2022.
-Ông có thể chia sẻ về động lực nào khiến Phố Hiến có sự cải tổ lớn ở mùa giải này?
Khi về quản lý PVF và Phố Hiến, tôi cho rằng trung tâm cần một đội bóng đỉnh cao, một môi trường để các cầu thủ trẻ sau 18 tuổi rèn luyện. Trước đó, các cầu thủ được đưa tới các CLB khác nhưng không được sử dụng, điều ấy làm mai một tài năng cầu thủ. Vì như thời tôi còn làm Sài Gòn, một số cầu thủ như Tẩy Văn Toàn, Lý Trung Hiếu, Võ Nguyễn Hoàng,... được tôi sử dụng. Còn các trường hợp khác, khi cho mượn ở các đội bóng lại không được các HLV tin tưởng. Họ bị áp lực thành tích và không dám sử dụng ngay vì các em còn quá trẻ. Chúng ta phải thông cảm cho các HLV.
Khi tôi về đây, Phố Hiến mua, sử dụng người ngoài. Triết lý của Phố Hiến khi ấy không đồng nhất với PVF. Hiện tại giáo trình đào tạo các đội trẻ PVF vận dụng hệ thống chiến thuật 4-3-3, chơi tấn công, áp đặt trận đấu. Với triết lý đó, chỉ vận hành trong PVF không là chưa đủ mà cần một đội bóng chuyên nghiệp để rèn giũa.
Phố Hiến ở mùa giải 2021 chưa làm được điều đó nên tôi muốn một sự xuyên suốt từ trẻ đến đội một. Giống như học đại học, sinh viên cần môi trường thực tập rồi từ đó phát triển lên tầm cao hơn thì với cầu thủ, cái đích cao hơn đó là V.League I. Họ cần được thi đấu.
Tôi cho rằng quyết định tái cấu trúc là đúng đắn khi lúc này đội đang đứng đầu bảng giải Hạng Nhất.
-Với các đội trẻ, ông đưa thêm ý tưởng nào không?
Ở mỗi giải trẻ, PVF luôn cử hai đội tham dự. Một đội đúng tuổi tham dự để lấy thành tích. Đội thứ hai ít tuổi hơn. Như năm nay, chúng tôi để đội U14 mang tên của Hải Phòng dự giải U15 Quốc gia. Bọ phận phân tích thống kê rà soát lại các con số, chúng tôi phát hiện ra một chi tiết là các cầu thủ được thi đấu quá ít trong hệ thống giải trẻ quốc gia. Vì vậy trong sáu tháng đầu năm 2022, các em thi đấu nhiều nhất là 35 trận, ít nhất là 15 trận nên chúng tôi có những đánh giá và thiết lập kế hoạch cho từng đội và từng cá nhân của PVF.
Ý tưởng của Phố Hiến giống HAGL năm 2015, khi đẩy khoá I của Công Phượng lên đội 1. Tuy nhiên, cách làm của Phố Hiến phù hợp hơn khi các em xuất phát điểm từ giải Hạng Nhất, đấu trường ở mức vừa tầm hơn. Nếu đào tạo một đội bóng, lấy cầu thủ xuất sắc gửi đi nơi khác thì HLV của họ bị áp lực nhiều. HLV cần có thành tích nên cần cầu thủ hiệu quả ngay. Nhưng nếu đào tạo cùng một lứa cầu thủ thì có lợi thế là các em chơi cùng với nhau, triết lý tương đồng như Mauro Jeronimo đang làm, giúp các cầu thủ phát triển đồng đều hơn.
-Ông đặt mục tiêu nào với Phố Hiến mùa này?
Chúng tôi đặt chỉ tiêu top 5, nhiều người cho rằng top 5 vẫn là quá sức cho các cầu thủ trẻ. Nhưng tôi có niềm tin. Ví như Công Đến hay Văn Đô, họ không được sử dụng ở SHB Đà Nẵng nhưng khi trở về Phố Hiến, các bạn được tạo điều kiện thi đấu thường xuyên, họ lấy lại phong độ nên được triệu tập lên tuyển U23 Việt Nam. Một số cầu thủ như Nguyên Hoàng hay Thanh Nhàn lẽ ra cũng được triệu tập nhưng chấn thương nên không thể ở lại.
-Nếu các cầu thủ thi đấu vượt ngoài mong đợi, giành suất thăng hạng mùa tới thì ông sẽ tính sao?
Nếu được lên V.League chúng tôi sẽ tìm nguồn đầu tư. Tôi thấy đây là đội bóng có tiềm năng nhất đá được ở V.League. Tôi từng làm ở Sài Gòn, nơi không có nhiều cầu thủ hay. Tôi đã chứng minh và đưa nhận định này. Ở môi trường bóng đá Việt Nam, nếu có tổ chức tập luyện tốt, lối chơi rõ ràng thì sẽ thành công. Khi tôi tái cấu trúc Phố Hiến thì cũng được lắng nghe những phản biện, liệu họ có đủ sức đá hay không. Nhưng với những cầu thủ như Công Đến, Văn Đô, Nguyên Hoàng và lứa cầu thủ U19 hai lần lên ngôi vô địch thì ta phải mạnh dạn làm.
Bóng đá chuyên nghiệp luôn phải đối đầu với sức ép, chỉ tiêu đặt ra là top 5. Nếu các em lên được V.League thì các em như Văn Đô, Văn Toàn, Công Đến sẽ xây dựng thương hiệu cho chính họ là đủ khả năng đá ở các đội bóng khác. Những em 18-19 tuổi mình sẽ giữ lại để tiếp tục làm nhiệm vụ.
-Có vẻ như hiện tại, PVF và Phố Hiến vẫn đặt trong tâm là nơi đào tạo, trung chuyển cầu thủ?
Phố Hiến sẽ là nơi trung chuyển, xây dựng giá trị cầu thủ. Nếu thành tích tốt thì Phố Hiến sẽ có đơn vị đầu tư. Nếu được đầu tư, chúng tôi sẽ giữ lại các cầu thủ này và bổ sung những cầu thủ cùng trang lứa không được thi đấu nhiều như Quốc Việt (Nutifood) hay thủ môn Tuấn Hưng (Đà Nẵng).
Sứ mệnh của PVF, Phố Hiến là đào tạo các tài năng cho bóng đá Việt Nam.Vì vậy chính sách mở của PVF hiện nay cho thử việc các cầu thủ Việt kiều như Khánh Hưng (Canada), Tony Lê và Đức Thiện (CH Séc). Nếu qua vượt qua đợt sách hạch chuyên môn, chúng tôi sẽ đăg ký họ cho giai đoạn hai HNQG 2022. Sắp tới sẽ có thêm các cầu thủ từ Mỹ và Đan Mạch đến thử việc.
-Công tác tuyển sinh của đội hiện nay ra sao, thưa ông?
Tuyển sinh của PVF mọi năm là theo lứa tuổi, còn năm nay, chúng tôi chỉ lấy cầu thủ từ 14 tuổi. Chúng tôi xây dựng các trung tâm bóng đá cộng đồng trên toàn quốc. Trước đây, chúng tôi tuyển cầu thủ còn nhỏ quá, từ 10-11 tuổi. Điều này trái đi sự giáo dục của các em khi quá ít tuổi các em đã phải xa gia đình, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của đứa trẻ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng cầu thủ phải chơi bóng đá từ 8-9 tuổi, tôi cho là đúng và thậm chí là có thể chơi ở độ tuổi thấp hơn. Nhưng đó là lứa tuổi các em chơi ở các trung tâm bóng đá cộng đồng, chứ không phải 10 tuổi là phải vào trung tâm ăn ở sinh hoạt như cầu thủ lớn. Vì vậy, tôi thay đổi quan điểm không đúng đó của PVF trước đây.
Chúng tôi tuyển chọn nhưng cầu thủ thiên về kỹ thuật, phục vụ hệ thống chiến thuật 4-3-3 tấn công như đang vận hành ở đội một. Đề bài mà chúng tôi đưa ra là làm sao cầu thủ Phố Hiến ra sân thi đấu là kiểm soát bóng nhiều hơn. Đối với việc đào tạo cầu thủ trẻ có kỹ thuật, kỹ năng chơi bóng tấn công, gây áp lực và áp đặt đối phương sẽ khó hơn nên phải dạy từ nhỏ vì đây chính là nền tảng khi tiếp cận bóng đá hiện đại.
Huấn luyện thể lực ở PVF hay Phố hiến có cả một bộ phận khoa học thể thao. Người đứng đầu bộ phận này của Phố Hiến là ông Nick Harvey, người có 10 năm kinh nghiệm làm việc ở Premier League.
Bộ phận này sẽ thu thập thông số trực tiếp của cầu thủ qua các buổi tập và thi đấu để đưa ra giáo án phù hợp, cải thiện thể chất cho cầu thủ. Chơi cường độ cao như Phố Hiến hiện tại đòi hỏi nền tảng thể lực rất cao cho nên thể lực luôn được đặt tầm quan trọng lên hàng đầu.
-Ông đánh giá sao về Mauro Jeronimo, người làm việc nhiều năm ở PVF và hiện nay đang giữ vai trò thuyền trưởng CLB Phố Hiến?
Khi tôi về đây, Mauro Jeronimo là HLV trưởng của đội U19 hai lần vô địch quốc gia. Khi tái cấu trúc, tôi đưa lên giải U21. Và hiện giờ vai trò của Mauro là HLV trưởng của đội Phố Hiến. Tôi đánh giá Mauro có tiềm năng rất lớn trong việc nâng tầm cầu thủ trẻ và đủ sức làm HLV ở V.League. Đương nhiên việc lên chuyên nghiệp sẽ khác với giải trẻ, nhưng Mauro học hỏi và cũng đã thích nghi rất nhanh. Với vai trò là Trưởng đoàn, tôi hỗ trợ Mauro những đặc thù của bóng đá Việt Nam mà cậu ấy còn thiểu.
Ví dụ trường hợp cầu thủ trẻ Hiểu Minh, người cao 1m84 và chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm. Tôi và Mauro cho rằng nên để cầu thủ này đá trung vệ. Ở Việt Nam ít có cầu thủ nào có thể hình tốt, phán đoán tốt lại chơi kỹ thuật, nhanh nhẹn. Nhưng việc cho một cầu thủ 18 tuổi chơi ở vị trí trung vệ sẽ rất mạo hiểm ở giải chuyên nghiệp, tôi hiểu điều này và khuyến khích Mauro đặt niềm tin cho Hiểu Minh và 8 trận đấu vừa qua chúng tôi có quyết định chính xác.
Hay tôi chia sẻ cho cậu ấy về sự linh hoạt trong chiến thuật, khi đội chơi thiếu người. Ở giải chuyên nghiệp, đôi lúc anh phải thay đổi lối chơi, sẵn sàng đá phòng ngự để đạt kết quả tốt. Triết lý của PVF là tấn công nhưng trong một số trận đấu cụ thể thì phải linh hoạt. Ví như trận gặp Phù Đổng, đội mất người, nhưng thắng 5-1 trên sân khách. Hay như trận đấu giằng co trong thế thiếu người với CAND rồi cuối cùng hòa 2-2. Tôi và Mauro xác định những cầu thủ khi khác áo Phố Hiến thì đã là những cầu thủ chuyên nghiệp, không còn là các cầu thủ trẻ PVF nên họ phải thích ứng linh hoạt “thiên biến vạn hoá“ của đấu trường V.League.
-Vậy Giám đốc kỹ thuật Eric Abrams thì sao?
Giám đốc kỹ thuật của PVF phụ trách về chuyên môn. Ông ấy từng là người đào tạo nổi tiếng của bóng đá Bỉ. De Bruyne, Hazard,... là những sản phẩm trứ danh của Eric. GĐKT Eric là chuyên gia hoạch định Giáo trình, các module đào tạo của PVF. Ông kiểm tra và hoàn thiện tất cả các giáo án tập của các HLV. Giáo án này được soạn thảo dựa trên công nghệ “giáo án điện tử“, sau đó đưa tới tay các HLV PVF để tiến hành huấn luyện và có góp ý phản hồi từ Eric.
Tôi muốn chia sẻ thêm, PVF đang thực hiện cuộc cách mạng về chơi bóng bằng chân của thủ môn. PVF vẫn đang tiếp tục hợp tác với ông Willy Stevaert để phát triển công nghệ này. Thủ môn được xem như một cầu thủ. Khi đội tấn công, chúng ta sẽ hưởng lợi về quân số với 11 người đấu 10 người của họ. Công nghệ này gồm một giáo trình. Các HLV ở PVF phải làm giáo án điện tử. Các cầu thủ sẽ được quan sát trực quan. Hình ảnh của các trận đấu đều được quay lại bằng Fly Cam để HLV trưởng xem lại.
Vậy vai trò Giám đốc bóng đá PVF của ông có giống như khi còn làm Chủ tịch kiêm HLV trưởng Sài Gòn FC?
Khác hoàn toàn, tôi định hướng phát triển và thúc đẩy PVF hay CLB Phố Hiến ở mức chuyên sâu hơn. Điều đó giúp ích cho việc đào tạo các cầu thủ ưu tú cho BĐVN. Vì đây là sứ mệnh của PVF .
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
‘Vua giải trẻ’ Quốc Việt mất cơ hội thi đấu giải chuyên nghiệp trong năm 2022
Tiền đạo Quốc Việt sẽ không thể khoác áo CLB Phố Hiến ở giai đoạn hai V.League II 2022 do quy định đăng ký cầu thủ thi đấu của LĐBĐ Việt Nam.
Kết quả giải hạng Nhất hôm nay 23/7: Khánh Hòa, Phố Hiến thắng trận
Thethao.vn cung cấp kết quả giải hạng Nhất hôm nay 23/7. Các trận Phố Hiến gặp Huế, Đắk Lắk gặp Khánh Hòa thu hút sự chú ý lớn của NHM.