Tiến Dũng mờ nhạt và gương mặt 'kiểu mẫu' của ĐT Việt Nam trước Oman
Bùi Tiến Dũng không phải cầu thủ Việt Nam bị chấm điểm thấp nhất trong trận thua Oman, nhưng màn thể hiện của anh suốt 90 phút không thể nói là đạt yêu cầu. Những điểm yếu cố hữu của đội trưởng CLB Viettel khiến anh, cũng như các đồng đội cần phải cải thiện bản thân rất nhiều để vươn tầm châu lục.
Chủ Đề: ĐT Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022
"Lỗi tại tôi vì đã thay trung vệ quá sớm". HLV Park Hang Seo đã nói điều đó sau trận thua đội tuyển Trung Quốc, khi ông rút Tiến Dũng rời sân từ phút 72 và thay bằng Thanh Bình. Người đàn em của Tiến Dũng ở CLB Viettel sau đó mang danh tội đồ khi để Wu Lei thoát xuống lập cú đúp ở 20 phút cuối trận. Nhưng nếu Tiến Dũng còn tiếp tục thi đấu trên sân ở trận gặp Trung Quốc, liệu bi kịch của Thanh Bình có xảy đến với anh?
Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta có thể xem lại tình huống dẫn đến bàn mở tỷ số của đội tuyển Trung Quốc vào phút 53. Tiến Dũng chính là người lao lên tranh bóng thất bại, khiến hàng phòng ngự 3 người bên phần sân nhà của đội tuyển Việt Nam rối loạn. Wu Lei sau đó thoải mái băng xuống dứt điểm, bóng bật ra, và nhiệm vụ của Zhang Yuning chỉ là ghi bàn vào lưới trống. Một khoảnh khắc sai lầm của Tiến Dũng đã khiến ĐT Việt Nam trả giá.
Sự thiếu chắc chắn đó tiếp tục được Tiến Dũng thể hiện trong trận gặp Oman. Chỉ trong 10 phút đầu hiệp 1, cầu thủ này đã tung ra 2 đường chuyền hỏng ngay bên phần sân nhà. Ở tình huống thứ nhất, anh chuyền bóng thẳng vào chân cầu thủ đội bạn ĐT Việt Nam đã gặp may khi Oman tổ chức phản công nhanh không thành công. Trái lại, tình huống thứ 2 diễn ra ở phút thứ 9 khiến ai cũng phải thót tim.
Ở pha chuyền hỏng thứ 2, Tiến Dũng tung ra một đường chuyền khó khiến đồng đội không thể đỡ bóng ở trung lộ. Chỉ chờ có thế, Oman lập tức hướng về phía khung thành Văn Toản. Họ chỉ mất 2-3 lần chạm để dốc bóng thẳng vào vòng cấm địa ĐT Việt Nam, và cầu thủ đội bạn cũng ngã ra rất nhanh khi Duy Mạnh thực hiện động tác truy cản. May cho chúng ta là trọng tài trong pha bóng đó rất dứt khoát từ chối thổi phạt đền cho đội nhà.
Tại sao Tiến Dũng lại liên tiếp thực hiện 2 pha chuyền bóng bất cẩn như vậy chỉ trong vòng 5 phút? Nếu nhìn lại băng quay chậm, có thể thấy Tiến Dũng chuyền bóng bằng chân trái ở cả 2 tình huống đó trong thế bị đối phương gây áp lực. Tiến Dũng vốn là trung vệ đá lệch trái ở CLB lẫn ĐTQG, nhưng anh bẩm sinh là cầu thủ thuận chân phải. Sai số sẽ xảy ra khi một cầu thủ dùng chân không thuận chuyền bóng ở cảnh bị áp sát.
HLV Ivankovic bên phía Oman dường như đã chỉ đạo các học trò khai thác vào điểm yếu Tiến Dũng bên phía đội tuyển Việt Nam để tạo ra các sai số như 2 đường chuyền hỏng đó. Chúng ta đã thoát thua đầu trận, nhưng người xưa vẫn nói "quá tam ba bận". Đến lần thứ 3 bị đối phương tập trung khai thác điểm yếu, Tiến Dũng đã khiến đội nhà phải nhận bàn thua. Nhưng thật khó để trách Tiến Dũng khi lần này điểm yếu của anh là... thể hình!
Có thể ví Tiến Dũng (và cả Đình Trọng) như những ngoại lệ đặc biệt của vị trí trung vệ ngay tại sân chơi V.League. Cho đến khi lên thi đấu chuyên nghiệp, Tiến Dũng chỉ có chiều cao khiêm tốn 1m72 nhưng lại được mọi HLV tin cậy trao suất đá chính. Phong thái thi đấu điềm tĩnh cùng tố chất thủ lĩnh giúp Tiến Dũng khẳng định tên tuổi ở sân chơi Việt Nam và Đông Nam Á. Dù vậy, đấu trường châu lục lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Chúng ta hãy cũng quay lại khoảnh khắc Tiến Dũng tranh bóng thua dẫn đến bàn mở tỷ số của Trung Quốc vào lưới ĐT Việt Nam. Anh lép vế vì thấp hơn đối thủ khoảng 10cm, tức gần nửa cái đầu. Sự thua thiệt đó tiếp tục được Tiến Dũng lộ ra khi tiền đạo cắm của ĐT Oman, Issam Al Sabhi liên tục di chuyển đến vị trí Tiến Dũng án ngữ để chờ nhồi bóng bổng vào. Việc phải không chiến với một cầu thủ cao lớn hơn hẳn mình khiến Dũng hoàn toàn thất thế.
Phút 45+1, trong một tình huống tranh bóng bổng như vậy, Tiến Dũng ngã xuống trong khi Al Sabhi vẫn đứng vững. Tiền đạo bên phía ĐT Oman sau đó vẫn còn sức để tung ra một pha móc bóng đánh bại Văn Toản trong lúc Tiến Dũng vẫn chưa kịp đứng dậy. Đó cũng là khoảnh khắc Dũng, và cả đội biết anh hoàn toàn không có cơ hội không chiến với cầu thủ Oman, nhất là khi họ chọn lối chơi "ruồi bu" ở mỗi tình huống phạt góc.
Tiến Dũng thi đấu trọn vẹn 90 phút ở trận đấu này nhưng chỉ có 3 tình huống tranh chấp tay đôi (thắng 1, thua 2), bao gồm 2 pha không chiến. Tại sao Dũng lại tranh bóng bổng ít đến vậy? Lý do là các cầu thủ ĐT Việt Nam sau hiệp 1 đã nhận ra vị trí của Dũng bị khai thác, nên họ không để anh tranh bóng trong vòng cấm nữa. Ở tình huống Oman đá phạt góc nâng tỷ số lên 2-1, Tiến Dũng chỉ đứng ở vòng ngoài.
Làm thế nào để đánh giá đóng góp của Tiến Dũng trong trận đấu này khi anh gần như không có mặt ở những điểm nóng, không thực hiện không chiến? Đó chính là vấn đề ĐT Việt Nam đang gặp phải khi sử dụng anh. Tiến Dũng là một trung vệ giỏi nhưng chỉ trong phạm vi Đông Nam Á, nơi các cầu thủ đối phương có thể chất tương đồng với chúng ta. Khi bước ra sân chơi châu lục, những điểm yếu về tầm vóc, sức mạnh của Tiến Dũng càng lộ rõ.
Tiến Dũng đã mắc nhiều sai sót ở 2 trận đấu liên tiếp, nhưng thật thiếu khách quan nếu cho rằng đó là những lỗi điển hình của một cá nhân. Anh không thể cải thiện chiều cao, tầm vóc khi đã bước sang tuổi 26, và cơ hội để đội trưởng CLB Viettel trải nghiệm thêm ở môi trường bóng đá cấp độ châu lục vẫn còn khá hạn chế. Điểm yếu của Tiến Dũng, suy cho cùng, cũng là điểm yếu cố hữu của bóng đá Việt Nam.
Giá trị vô hình của Văn Đức
0 bàn thắng, 0 kiến tạo, thậm chí còn không có pha dứt điểm nào và phải rời sân sau chưa đầy 60 phút, nhưng hóa ra Phan Văn Đức lại chơi không tệ chút nào.
ĐT Việt Nam chịu 2 quả penalty từ ‘đặc sản V.League’
Các học trò của HLV Park Hang Seo đã phải nhận những quả 11m rất ít gặp ở bóng đá đỉnh cao trên thế giới.
HLV Park Hang Seo: 'ĐT Việt Nam cần cải thiện nhưng trọng tài không nhất quán'
Chia sẻ sau thất bại của ĐT Việt Nam trước Oman, HLV Park Hang Seo thừa nhận đội bóng của mình cần cải thiện thêm nhưng cũng tỏ ra không hài lòng với công tác trọng tài.
ĐT Việt Nam thất bại vì ‘độc chiêu’ của những đại gia châu Á
Thầy trò HLV Park Hang Seo dường như không có sự chuẩn bị kỹ trước những ‘bài độc’ của Australia, Oman, Trung Quốc ở vòng loại World Cup.