Thomas Muller và 15 năm đi ngược lại chuẩn mực của bóng đá
Hôm nay (13/9/2023), Thomas Muller bước sang tuổi 34. Rạng sáng nay, anh đã tự “tặng quà” cho chính mình với bàn thắng vào lưới đội tuyển Pháp, như một dấu son đánh dấu 15 năm chinh chiến trong thế giới bóng đá đỉnh cao, dù bản thân chưa bao giờ được đánh giá là một siêu sao.
Bóng đá không phải là toán học
Điều gì tạo nên một cầu thủ bóng đá giỏi? Là khả năng rê dắt qua người, lạnh lùng trước khung thành, nhạy bén chiến thuật, hoạt động không biết mệt mỏi hay sự kết hợp của tất cả? Thomas Muller không phải là câu trả lời cho bất kì câu hỏi nào trong số đó, nhưng anh xứng đáng là một trong những cầu thủ đặc biệt nhất bóng đá từ sản sinh ra. Dù cho có sa sút ít nhiều nhưng tiền đạo người Đức là đại diện hoàn hảo nhất cho mẫu cầu thủ không tuân theo một lý thuyết hay khuôn mẫu khô cứng nào.
Toán học và những con số giải nghĩa bóng đá. Nhờ đó, chúng ta có được cái nhìn hơn cả rõ ràng về môn thể thao vua, mở ra con đường thâm nhập vào tâm trí của những chiến lược gia với triết lý sâu xa nhất, và mọi khía cạnh đều được phân tích tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ nhất. Dù vậy, toán học cũng mang lại những tác động tiêu cực đến bóng đá. Nó biến một môn thể thao đã phá vỡ mọi quy chuẩn thành một trò chơi số học, tất cả mọi kĩ năng hay màn trình diễn trên sân đều bị gắn với những con số. Quan trọng nhất, nó không màng đến cảm xúc, thứ quan trọng nhất của mọi môn thể thao với cả người hâm mộ lẫn các vận động viên.
Chúng ta thích xem các trận đấu và các giải đấu lớn bởi vì những kịch tính cùng cảm xúc dâng trào mà chúng đem đến cho cả cầu thủ lẫn người hâm mộ. Màn trình diễn trong các trận đấu ở đẳng cấp cao này định nghĩa những nhà vô địch và ở đó, cũng như bất cứ môn thể thao nào, các cầu thủ đều vượt qua giới hạn về thể chất lẫn kĩ thuật. Giống như Usain Bolt, người đã giành 9 huy chương vàng trong 9 sự kiện Olympic.
Toni Kroos, một tiền vệ ổn định và chính xác như máy móc được lập trình, là ngọn hải đăng sáng chói của bóng đá Đức thế kỉ XXI, thời điểm họ là những người đi tiên phong trong hai thứ: kỹ thuật và bóng đá. Đó là một sự chuyển mình mà Liên đoàn bóng đá Đức DFB đặt rất nhiều kì vọng và nỗ lực sau thất bại đáng xấu hổ tại kì EURO 2000 ở Hà Lan. Trong hai thập kỷ tiếp theo, cơ sở hạ tầng bóng đá Đức đã trải qua một cuộc đại tu hoàn toàn trong nỗ lực tạo nên những cầu thủ giỏi với kĩ thuật tốt, thể chất mạnh mẽ và không thiếu khả năng sáng tạo.
Nhưng trong một hệ thống được thiết kế để đào sâu thêm khoảng cách giữa những cầu thủ tài năng như Kroos với những cầu thủ không có gì nổi trội, Thomas Muller hiện lên là một cá thể hoàn toàn khác biệt. Ngày 12/9/2008, anh ghi bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp cho Bayern Muninch tại Signal Iduna Park. Tròn 15 năm sau, cũng trên sân đấu này, chàng trai mảnh khảnh ngày nào giờ đã là thủ lĩnh, mở ra chiến thắng khép lại chuỗi ngày thảm họa cho dội tuyển Đức trước Pháp.
Thomas Muller, người đi ngược mọi chuẩn mực
Muller được ra mắt dưới thời Louis Van Gaal, một tín đồ trung thành của thứ "bóng đá tổng lực" do Rinus Michels khởi xướng, nhưng lại theo thiên hướng yêu cầu sự chặt chẽ và tính ổn định hơn. Chiến lược gia người Hà Lan nổi lên khi ông dẫn dắt một Ajax Amsterdam trẻ trung đến ngôi vương Cúp C1 châu Âu vào năm 1995. Đội bóng từ trung phong cho đến thủ môn đều thấm nhuyền sự linh hoạt của Cruyff, dựa trên kỹ thuật bẩm sinh cao và luôn thoải mái với quả bóng trong chân.
Những triết lý huấn luyện của Van Gaal được củng cố bởi thành công mà ông có được. Trong The Science of Logic (tạm dịch: Khoa học của Logic), nhà triết học người Đức, Georg Friedrich Hegel đã nói về ba loại hoặc hình thái mâu thuẫn. Đầu tiên là “Being”, một giai đoạn mà những ý tưởng trái ngược không thể kết hợp với nhau. Kỹ năng của Muller với quả bóng trong chân chưa bao giờ thu hút được sự chú ý từ Van Gaal lúc bắt đầu. Nhưng trong trận chung kết Cúp C1 châu Âu 2010, Muller khi ấy mới chỉ 20 tuổi đã chơi đủ 90 phút.
Tại World Cup mùa hè năm đó, ngay sau khi tạo được dấu ấn lớn đầu tiên và thu hút sự chú ý của cả thế giới với cú đúp vào lưới đội tuyển Anh, Muller có mặt để thực hiện buổi phỏng vấn với hàng triệu người theo dõi qua TV. Bạn có thể tha thứ cho một cầu thủ 20 tuổi nếu anh ta thể hiện sự tự hào hay chút kiêu ngạo của mình sau khi trải qua trận đấu căng thẳng và đầy cảm xúc. Ngoài vấn đề tuổi tác, quan trọng là chẳng mấy ai ghi được tới 2 bàn vào lưới Anh trong một trận đấu ở vòng knock-out.
Tất cả mọi thứ về Muller có thể gói gọn là “không giống cầu thủ bóng đá hiện đại”, từ cái tên cho đến kiểu tóc của anh ấy. Theo thống kê, Thomas là cái tên phổ biến bậc nhất tại Đức và thường được dùng để tả những anh chàng cực kì bình thường. Và giống như một anh chàng bình thường, Muller, ít nhất là trong nửa đầu sự nghiệp, đã phải chịu đựng những mối nghi hoặc bất tận về khả năng thực của anh. Việc Bayern Munich bổ nhiệm Pep Guardiola từng tưởng như sẽ là hồi kết cho anh ở câu lạc bộ mà mình gắn bó từ thời niên thiếu.
Trạng thái thứ hai của mâu thuẫn mà Hegel đưa ra là “Essence”, nơi những ý tưởng trái ngược bao hàm và định nghĩa lẫn nhau. Thomas Muller được ra sân 151 trong tổng số 161 trận đấu mà Guardiola dẫn dắt Bayern Munich và thậm chí còn có mùa giải ghi bàn thắng nhất sự nghiệp dưới thời chiến lược gia người Catalan. Giữa 3 mùa giải của Guardiola, Muller trải qua kì World Cup 2014 mà ở đó anh ghi 5 bàn và tất nhiên, mang Cúp vàng thế giới về cho người Đức. Cũng trong năm đó, anh cán đích thứ 5 trong cuộc bầu chọn giành Quả bóng vàng Ballon d’Or, danh hiệu cao quý nhất nhằm tôn vinh những cầu thủ xuất sắc nhất.
“Muller mất bóng nhiều hơn bất kì cầu thủ nào khác của Bayern Munich. Anh ấy chẳng giỏi rê bóng và càng không bao giờ là người nhanh nhất. Khả năng chơi đầu cũng chẳng phải đặc sắc và có chăng chỉ là chút kĩ năng dứt điểm. Anh ấy thích hướng đến khung thành đối thủ với cái đầu luôn quay về phía đồng đội của mình. Nhưng đây là một cầu thủ với tài năng phi thường”, Marti Perarnau viết trong cuốn “Pep Guardiola: Sự tiến hóa”.
Nếu bóng đá chỉ là một môn thể thao điện tử, được mô phỏng bởi một số đoạn mã được viết bởi các nhà khoa học đang ngồi trong một phòng kính, Thomas Muller sẽ không tồn tại bởi toán học và tự động hóa không còn chỗ cho bí ẩn.
Football Manager, trước đây là Championship Manager, là một trong những trò chơi quản lý bóng đá phổ biến nhất, nơi mà toàn bộ thế giới được mô phỏng để bạn quản lý và huấn luyện. Ngày trước, trong phiên bản FM18, khi bạn cố gắng tìm một vai trò cụ thể , bạn có những lựa chọn như Inside Forward (tiền đạo cắm) và Winger (cầu thủ chạy cánh). Một trong những lựa chọn còn có Raumdeuter, tiếng Đức của “người chiếm lĩnh khoảng trống”, cách người ta thường gọi Thomas Muller.
Trạng thái mâu thuẫn thứ ba của Hegel là “Concept”, nơi các ý tưởng đối lập chồng lên nhau và một hình thức hiểu biết cao hơn, phát triển hơn được hình thành bằng cách hủy bỏ và bảo toàn hai ý tưởng đối lập. Thomas Muller, nói đơn giản là một cầu thủ chẳng đi theo một khuôn mẫu hay bất kì ý tưởng nào cả.
Hansi Flick đi vào lịch sử 123 năm của ĐT Đức theo cách không thể tệ hơn
Lần đầu tiên trong lịch sử kéo dài 123 năm, một HLV trưởng của đội tuyển Đức bị sa thải chứ không phải ra đi tự nguyện, đó chính là Hansi Flick.
Bayern Munich hy sinh, ĐT Đức chỉ chờ một ‘đèn xanh’ để bổ nhiệm Nagelsmann
Để giúp Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) có thể bổ nhiệm HLV Julian Nagelsmann một cách thuận lợi, Bayern Munich sẽ không yêu cầu khoản phí đền bù “khủng” như cách đây vài tháng.
Muller lập công, ĐT Đức thắng sốc Pháp dù chưa có HLV thay Flick
Trên sân nhà, đội tuyển Đức trình diễn một bộ mặt hoàn toàn khác sau khi HLV Hansi Flick bị sa thải, giám đốc Rudi Voller ngồi ghế tạm quyền và bất ngờ đánh bại Pháp.