Tại sao Ronaldo lại là vấn đề lớn với MU và Solskjaer?
Sau trận thua ngược của MU trước Leicester, HLV Ole Gunnar Solskjaer thêm một lần nữa đứng trước nguy cơ mất việc. Tuy nhiên, chiến lược gia người Na Uy không hoàn toàn có lỗi. Vấn đề thực sự đang nảy sinh từ ngôi sao số 1 của Quỷ đỏ, Cristiano Ronaldo.
Chủ Đề: Messi và Ronaldo ai vĩ đại hơn
Đã 2 ngày kể khi MU trải qua 90 phút điên rồ trên King Power nhưng nhiều CĐV của họ vẫn không hiểu tại sao đội nhà có thể thua ngược một cách bẽ bàng như vậy. Có tới 4 trên tổng số 6 bàn thắng xuất hiện trong 12 phút cuối và 3 thuộc về Leicester. Khách quan mà nói, đây là thành quả xứng đáng dành cho “Bầy cáo”. Đoàn quân của HLV Brendan Rodgers chơi có tổ chức và gắn kết hơn, đúng nghĩa là một tập thể chứ không phải như Quỷ đỏ, chỉ là tập hợp của những cá nhân.
Cristiano Ronaldo, người được coi là biểu tượng sau khi “về nhà” cũng chính là hình ảnh tóm gọn tình trạng bất ổn của MU. Siêu sao người Bồ Đào Nha vẫn chứng minh được đẳng cấp ở tuổi 36 nhưng sự thật là có những điều anh không thể làm được, hay chính xác hơn là không còn đủ khả năng để thực hiện.
Ronaldo lười gây áp lực hay cũng có thể hiểu là thể lực của anh không còn cho phép việc gây áp lực với đối thủ. Những con số thống kê chẳng nói dối chút nào. Trên biểu đồ về số lần gây áp lực trung bình mỗi 90 phút của các tiền đạo Ngoại hạng Anh mùa này (chỉ tính những cầu thủ đã đá ít nhất 270 phút), CR7 xếp ở vị trí bét bảng.
Mỗi 90 phút, Ronaldo chỉ có trung bình 2,7 lần gây áp lực lên đối phương khi đội nhà mất bóng. Chưa cần so với các “máy chạy” cần cù như Diogo Jota (Liverpool, trung bình 19,8 lần gây áp lực/mỗi 90 phút) hay Gabriel Jesus (Man City, trung bình 17,8 lần gây áp lực/mỗi 90 phút), Ronaldo còn kém xa những ngôi sao thuộc nhóm chỉ chăm chăm tấn công như Mohamed Salah (Liverpool, trung bình 12,7 lần gây áp lực/mỗi 90 phút) và Son Heung Min (Tottenham, trung bình 12,3 lần gây áp lực/mỗi 90 phút).
Đến cả Romelu Lukaku (Chelsea) cũng chăm chỉ hơn Ronaldo ở khoản này, với trung bình 6,2 lần gây áp lực/mỗi 90 phút. Người xếp gần nhất với CR7 là Allan Saint-Maximin cũng có số lần gây áp lực trung bình mỗi trận gần gấp đôi.
Tất nhiên, MU thừa hiểu điểm hạn chế ấy khi tái hợp Ronaldo. Quỷ đỏ chấp nhận đánh đổi bằng những bàn thắng. Trung bình, Ronaldo nổ súng 1 lần mỗi 111 phút, trong đó chưa có quả phạt đền nào. Nếu siêu sao người Bồ Đào Nha đứng trên chấm 11m thay vì Bruno Fernandes và ghi bàn ở trận thua Aston Villa, hiệu suất của anh sẽ là khoảng 1 bàn/90 phút, con số đáng mơ ước.
Thế nhưng có Ronaldo đồng nghĩa với việc đội bóng sẽ phải chấp nhận hy sinh để “phục vụ” anh. Real Madrid, Juventus, đội tuyển Bồ Đào Nha hay chính MU của Sir Alex trước kia đều phải thay đổi để thích ứng với CR7. Nếu Ronaldo đá cánh trái, người chơi ở cánh đối diện sẽ phải bó vào trong nhiều hơn.
Nếu Ronaldo đá trung phong, các cầu thủ đá cánh hoặc “số 10” sẽ phải lùi sâu hơn thường lệ. Không phải vô cớ mà sau khi CR7 ra đi, những “vệ tinh” như Wayne Rooney hay Karim Benzema lại bước lên tầm cao mới trong sự nghiệp. Họ không còn phải làm cái bóng của tiền đạo sinh năm 1985 nữa.
Thế nhưng lúc này MU không, hoặc chưa thành công trong việc “bao bọc” Ronaldo. Những gì xảy ra trước Leicester chứng minh một thực tế là Quỷ đỏ rất mong manh, dễ vỡ khi không kiểm soát bóng và họ chẳng thể gây đủ áp lực cho đối thủ để giành lại bóng.
Trong tình huống đầu tiên diễn ra ở phút thứ 10, Boubakary Soumare chỉ cần vỏn vẹn 1 đường chuyền để đưa bóng vượt qua cả tuyến tiền vệ MU, tìm đến chân Kelechi Iheanacho. Một ví dụ khác đến ở phút 38 khi James Maddison nhận bóng thoải mái từ Youri Tielemans. Cặp tiền vệ trung tâm của Quỷ đỏ, Paul Pogba - Nemanja Matic đứng đâu ở pha bóng này?
Đến pha bóng sau đó 3 phút, có thể thông cảm cho cặp Pogba - Matic bởi thực tế họ bị buộc phải bao quát một khoảng trống quá lớn trong khi chẳng có bất cứ sự trợ giúp nào từ các cầu thủ đá cánh. Đây là MU khi chống đỡ những pha lên bóng của đối phương còn lúc họ phải gây áp lực mới thấy vấn đề nghiêm trọng ra sao.
Phút 62, Ronaldo quan sát trước khi ra hiệu cho Mason Greenwood tạo áp lực lên Caglar Soyuncu. Greenwood làm theo lời Ronaldo nhưng chỉ đơn thuần là băng lên áp sát chứ không có chút tác dụng cụ thể nào. Nếu ở trong một tập thể có tổ chức hơn, Greenwood sẽ be góc để hạn chế lựa chọn chuyền bóng của Soyuncu. Nhưng không, hậu vệ của Leicester chỉ đơn giản là xoay người rồi chuyền cho Timothy Castagne.
Castagne sau đó có bóng mà không chịu bất cứ áp lực nào từ Ronaldo trước khi chuyền cho một tiền vệ, khởi phát đợt lên bóng của Leicester. Hệ thống gây sức ép bên phần sân đối phương của MU quá dễ bị phá vỡ khi Ronaldo không thể gây sức ép.
Trái ngược là Leicester. Tiêu biểu là ở bàn thắng của Tielemans khi Iheanacho tạo sức ép, can thiệp vào tình huống David de Gea chuyền bóng cho Harry Maguire. Lúc Jamie Vardy bắt đầu tiến về phía Victor Lindelof, 5 cầu thủ đá lệch trái trong hệ thống của Leicester đồng loạt di chuyển theo.
Sơ đồ của MU, 4-2-3-1 khi không có bóng trở thành 4-2-4, điều mà gần như không xuất hiện ở đội bóng nào khác tại Ngoại hạng Anh. Quá nhiều khoảng trống lộ ra giữa các cá nhân của Quỷ đỏ trong hệ thống này. Đội hình mà HLV Ole Gunnar Solskjaer sử dụng về lý thuyết rất mạnh với những cá nhân kiệt xuất nhưng xét về mặt cân bằng và độ kết dính thì quá tồi.
Sự có mặt của Ronaldo là nguyên nhân khiến Bruno Fernandes không còn bùng nổ. Tiền vệ người Bồ Đào Nha phải chạy nhiều hơn khi MU không có bóng, tiêu tốn nhiều năng lượng hơn dẫn đến chất lượng của những pha xử lý cuối cùng giảm đi rõ rệt. Trong khi đó, đôi cánh Jadon Sancho - Greenwood quá thiên về tấn công và đương nhiên chẳng thể trông chờ họ trở thành một cầu thủ đá biên cần cù kiểu Park Ji Sung được.
Ở khu vực giữa sân, ai cũng biết Pogba phòng ngự tệ ra sao và từng thăng hoa thế nào khi được đá tự do. Tuy nhiên, khi Ronaldo buộc phải đá tiền đạo, vai trò ấy thuộc về Greenwood và Pogba lại phải về chỗ cũ. Vấn đề ở tuyến giữa của MU, hóa ra đến từ chính Ronaldo.
Loại bỏ Ronaldo hay Bruno Fernandes là bất khả thi. Quá khó để “bom tấn” trị giá 73 triệu bảng như Sancho dự bị còn Greenwood cùng Pogba quá xứng đáng đá chính xét về mặt phong độ. Ngay cả Marcus Rashford lẫn Edinson Cavani còn phải chấp nhận vai trò dự bị. Tất cả đều là khó khăn được dự báo từ khi Ronaldo mới cập bến Old Trafford nhưng quả thực sự có mặt của anh đang đặt ra bài toán không có lời giải cho HLV Solskjaer.
(theo The Athletic)
Sir Alex ủng hộ Ronaldo giành Quả bóng Vàng
HLV huyền thoại Alex Ferguson mới đây đã bày tỏ quan điểm ủng hộ học trò cũ Cristiano Ronaldo giành Quả bóng Vàng châu Âu năm nay.
Solskjaer phản pháo Sir Alex: ‘Tôi để Ronaldo dự bị là đúng’
HLV Ole Gunna Solskjaer mới đây đã tự đứng ra bảo vệ quyết định của mình khi để Cristiano Ronaldo ngồi dự bị trong trận MU gặp Everton.
Ronaldo đòi đá chính mọi trận đấu ở MU
Mặc dù đã bước sang tuổi 36 nhưng Cristiano Ronaldo vẫn thể hiện khát khao chinh phục các cột mốc mới và ra sân ở mọi trận đấu.
Ronaldo bị buộc phải ở lại chào khán giả sau trận MU thua Leicester
HLV Solskjaer đã ngăn Cristiano Ronaldo một lần nữa đi thẳng vào phòng thay đồ sau thất bại của MU trước Leicester ở vòng 8 Ngoại hạng Anh vừa qua.