Saenchai là ai? Những điều chưa biết về Ông hoàng Muay Thái Saenchai Suphachai Saepong
Nếu như Buakaw được tôn xưng là “Thánh Muay”, thì Saenchai cũng không kém cạnh với những danh hiệu như “Ông hoàng Muay Thái”, “Võ sĩ pound-for-pound số 1 Thái Lan”, “Huyền thoại sống của làng Muay”.
Saenchai tên thật là Suphachai Saepong, sinh ngày 30/07/1980, ở huyện Kosum Phisai, tỉnh Maha Sarakham, Thái Lan. Sở hữu kỹ thuật thần sầu, Saenchai hầu như bất bại ở hạng cân của anh. Do vậy, Saenchai thường xuyên nhận đấu chấp cân, lựa những đối thủ to cao hơn hẳn, nhất là khi đấu với võ sĩ ngoại quốc.
Nhận định “Không gì phô bày vẻ đẹp Muay Thái như một trận đấu của Saenchai” phần nào nói lên lý do Saenchai trở thành một huyền thoại sống, với lượng fan hâm mộ khổng lồ trên khắp thế giới.
Footwork xuất sắc, head movement xuất sắc, khả năng né đòn đỉnh cao, những cú đá độc nhất vô nhị, những cú nhảy tung đòn, kèm thêm vẻ mặt têu tếu chọc ghẹo; không ít khán giả cười bò ra khi thấy đối thủ vừa chẳng đấm trúng được đòn nào, vừa bị Saenchai quần cho tối tăm mặt mũi.
Ba chục baht dẫn lối Saenchai lên sàn đấu như thế nào?
Saenchai sinh ra trong một gia đình ít anh em, chỉ có một cô em gái ruột, nên ngày nhỏ anh dành khá nhiều thời gian với bạn bè. Ông hoàng Muay Thái kể lại rằng hồi 8 tuổi, anh tận mắt chứng kiến người anh trai của bạn mình lên sàn Muay, rồi nhận tiền thưởng nhờ một trận đấm đá.
Ngẫm kiếm tiền cũng thơm, lại hiếu động thích đấm đá, Saenchai bắt đầu học Muay ở phòng tập Sor. Kingstar, một phòng tập địa phương cách thành phố Khon Kaen khoảng 20km. Vừa học được một tuần thì anh có trận thượng đài đầu tiên. Người ta trả cho Saenchai 30 baht, tức là tầm 20 nghìn đồng, sau khi chiến thắng.
Về sau, Saenchai cũng vừa học vừa đánh - anh thượng đài khoảng 80 trận đấu trong 6 năm ở Sor. Kingstar, quét sạch các giải thiếu niên địa phương vùng Isaan. Tiềm năng của Saenchai nhanh chóng được các ông bầu Bangkok để ý, nhưng người thực sự kéo Saenchai phát triển, rèn dũa bộ kỹ thuật đỉnh cao như hiện tại, thì là Somrak Kamsing, người từng giành HCV boxing Olympic Atlanta 1996.
17 tuổi, Saenchai tập cùng Somrak Kamsing ở Jocky Gym. Trong 5 năm tại đây, anh giành 2 đai vô địch Lumpinee đầu tiên ở hạng cân super flyweight (1997) và hạng bantamweight (1998). Về sau, khi Somrak Kamsing ra riêng, mở phòng tập mới, Saenchai cũng đi theo thầy.
Tiếc là duyên thầy trò không kéo dài lâu hơn - Saenchai và Somrak có xích mích về tiền nong, dẫn đến việc Saenchai rời lò Somrak không vui vẻ gì vào năm 2006. Sau đó, Saenchai tập ở lò 13 Coins Resort của triệu phú Somchai Nitivangue một thời gian dài, trước khi mở phòng tập của chính anh ở Bang Kho Laem, Bangkok vào năm 2014.
Tổng kết lại, Saenchai có 5 lần vô địch Lumpinee ở 4 hạng cân, 24 đai vô địch ở các giải Muay Thái - Kickboxing quốc tế, thắng 327 trận (41 trận thắng KOs), thua 49 trận, hòa 2.
Những trận so tài liên tục từ tấm bé rèn cho Saenchai tâm tính “chẳng ngán kèo nào”, bất kể là phải ra nước ngoài đấu hay phải nhận kèo lệch cân.
Cao 1m65 nặng 66kg, tương đối nhỏ con kể cả là so với các võ sĩ Thái Lan, Saenchai thường nhận đấu chấp cân trong khoảng 2,5kg chênh lệch nếu đối thủ là người Thái. Còn với các đối thủ nước ngoài, giới hạn chấp cân của Saenchai dao động trong khoảng 6 - 7kg, có khi nhiều hơn. Saenchai từng chấp 12kg trong trận đấu với Fabio Pinca (2012), thậm chí có thể đã chấp đến 18kg trong trận đấu với Adaylton Freitas (2017).
Người sáng chế cú đá móc bọ cạp Cartwheel kick
Saenchai tự nhận anh là người đánh Muay theo phong cách Muay Femur - chú trọng vào nhiều kỹ thuật toàn diện và đa dạng để áp đảo đối thủ, hơn là tung ra những cú knockout.
Điều đáng sợ ở Saenchai là khả năng đọc vị đối thủ và có phương án đối phó ngay trên sàn đấu. Footwork linh hoạt của anh cũng được không ít khán giả so sánh với huyền thoại Muhammad Ali. Khả năng né đòn của Saenchai tốt đến mức anh hiếm khi phải ăn đòn nặng trên sàn đấu, và có thể thoải mái thượng đài vài lần mỗi tháng mà chẳng cần nghỉ ngơi mấy để hồi phục.
Né đòn xuất sắc không có nghĩa là Saenchai không giỏi tấn công. Với độ “quái” của mình, Saenchai rất thành công trong việc dùng động tác giả để bẫy đối thủ, sau đó thuận thế phản đòn bằng chỏ hoặc bằng đá.
Cú đá Cartwheel kick, hay được gọi là cú đá móc bọ cạp, là một đặc sản thể hiện sự quái chiêu không giống ai của Saenchai. Xuất phát điểm gần giống một cú đá vòng cầu, nhưng Saenchai sẽ chống một tay xuống sàn làm trụ, đẩy hông lên không, rồi dùng quán tính thân dưới tung chân đá móc vào vùng đầu của đối thủ.
Đây là cú đá được “chế” ra từ cách đá của môn cầu mây, Saenchai cho biết.
Cartwheel kick cực khó thực hiện, ở rất nhiều chi tiết. Lực đá quá yếu thì đá chưa tới đã hết đà, lực đá quá mạnh thì nguy cơ ngã trượt gãy tay. Chưa kể đối thủ tung đấm, tung đá, chắc chắn nhanh hơn mình chống tay nhào lộn.
Saenchai, dù có thể thực hiện cú đá nhanh như chớp, cũng sẽ không mấy khi dùng nó một cách vô tội vạ. Cú đá Cartwheel này nằm trong một series “Những gì Saenchai có thể làm khi bắt lấy chân đối thủ” - đôi khi anh sẽ chọn đá thấp vào mặt trong cẳng chân để gạt ngã, đôi khi anh sẽ chọn đá body kick phản đòn vào vùng sườn. Và đôi khi, Saenchai thoạt nhìn chỉ như đang hạ thấp trọng tâm, buông chân của đối thủ ra, nhưng thực tế anh sẽ nhân đó mà hạ tay chống xuống sàn, rồi bật lên đá móc.
Nghĩa là, trước khi có thể đá Cartwheel kick, Saenchai đã phải “lập trình” sao cho đối thủ quen với việc hễ bị anh bắt chân là họ phải chuẩn bị phòng thủ phần thân, hoặc chuẩn bị để check leg kick. Khi đó, vùng đầu hoàn toàn sơ hở, và cú đá bọ cạp có thể biến thành cú đá knockout.
Trên thực tế, ngoài Saenchai ra, không nhiều người có khả năng phỏng chế cú đá móc bọ cạp này trên sàn đấu. Một ví dụ đẹp mắt nhất của cú đá này là có lẽ là ở UFC Fight Night 71, khi mà Alan Jouban knockdown Matt Dwyer.
Saenchai và Buakaw thân thiết đến mức nào?
Trong quá trình Saenchai và Buakaw chuẩn bị đối đầu ở giải boxing tay trần BKFC, sẽ diễn ra vào ngày 04/11 sắp tới, một số khán giả đã lo ngại rằng vì mối quan hệ bạn bè thân thiết, hai người sẽ không dồn hết sức thượng đài, mà chỉ ở mức “múa võ” giao hữu.
Ít nhất có thể khẳng định, Saenchai và Buakaw là bạn thân từ nhiều năm nay. Do chênh lệch thể hình khá lớn, cũng như ưu tiên đối đầu với võ sĩ ngoại quốc hơn là “nội đấu” giữa các tay đấm Thái Lan, hai người chưa từng thượng đài với nhau bao giờ. Dù vậy, họ đã cùng đồng hành với tư cách võ sĩ khách mời ở nhiều sự kiện quốc tế.
Clip sparring giữa Buakaw và Saenchai xưa nhất có thể kể đến màn sparring biểu diễn ở Muay Thai Expo Italy, diễn ra từ năm 2011. Gần đây hơn, vào tháng 02/2021, thì Buakaw cũng có dịp ghé Bangkok và giao lưu với Saenchai tại phòng tập Bang Kho Laem.
Bên ngoài sàn võ, cả Saenchai lẫn Buakaw đều thích bóng đá. Họ cùng xuất hiện, cùng đá chung một đội trong rất nhiều trận bóng với mục đích từ thiện.
Dù thân thiết, trong họp báo chuẩn bị cho BKFC Thailand 5, cả Buakaw lẫn Saenchai đều cam đoan với khán giả rằng họ có thể yên tâm. Cả hai võ sĩ đều sẽ rất chuyên nghiệp, sẽ dốc hết sức lực cho trận đấu.
Với Buakaw, trận đấu này là trận đấu xác lập xem ai mới xứng đáng với danh hiệu “Huyền thoại sàn đài”. Còn với Saenchai, anh khẳng định Buakaw là đối thủ vô cùng đáng sợ, nhưng Saenchai, mới là võ sĩ xuất sắc nhất!
Saenchai từ chối lời mời đấu Boxing của Mayweather
Chia sẻ trên trang cá nhân, 'vua Muay' Saenchai nói ông vừa được Độc cô cầu bại Floyd Mayweather mời thi đấu giao hữu Boxing chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Saenchai đã từ chối đề nghị này.
Buakaw được trả 13,5 tỷ để đấu Boxing tay trần với Saenchai
Chia sẻ trên trang cá nhân, 'Thánh Muay' Buakaw Banchamek tiết lộ anh được ban tổ chức giải đấu trả thù lao lên tới 20 triệu Baht (tương đương 13,5 tỷ đồng) để đấu với Saenchai tại BKFC.
Buakaw được ưu ái ra sao trong trận Boxing tay trần với Saenchai?
Bên cạnh mức thù lao kỷ lục, Buakaw Banchamek còn nhận được nhiều ưu đãi khác từ giải đấu Boxing tay trần BKFC khi anh nhận lời thi đấu với Saenchai.
Nhà vô địch SEA Games của Việt Nam thượng đài bên cạnh Saenchai
Trong buổi tối 18/6, võ sĩ Việt Nam Triệu Thị Phương Thủy đã thượng đài ở sự kiện Thai Fight, một trong những chuỗi giải đấu Muay Thái danh tiếng nhất Thái Lan hiện nay.
Vua Muay Saenchai chuẩn bị đến Việt Nam
Theo thông tin iThethao.vn ghi nhận, tượng đài Muay Thái Lan đương đại Saenchai chuẩn bị đến thăm Việt Nam, với tư cách khách mời một sự kiện Muay quốc tế sắp diễn ra.