Nửa thế kỷ săn tìm 'cổ vật' của nhà sưu tầm bóng đá nổi tiếng nhất Việt Nam
Tới thăm ‘viện bảo tàng’ của ông Hà Bôn, chúng tôi choáng ngợp với số lượng kỷ vật đồ sộ được trưng bày kín một căn hộ. Bên cạnh đó, câu chuyện về một thời trai trẻ của cựu thủ môn lừng danh bóng đá Hà Thành cũng được chia sẻ một cách chân thực.
‘Chàng David’ trong khung gỗ
Những người yêu mến bóng đá Việt Nam hiện tại có lẽ không biết nhiều tới ông Hà Bôn, nhưng đối với các cầu thủ, thủ môn của thời kỳ trước, người gác đền chỉ cao có 1,65m là huyền thoại của sân phủi Long Biên. Với biệt danh là ‘con vượn Thuế vụ’, ông Hà Bôn đã thực sự ‘bay nhảy’ trong khung thành của toàn Hà Nội và khắp miền Bắc để lưu danh đến tận đầu những năm 2000.
Có lẽ hiếm có một cái tên nào được cựu thủ môn Trần Văn Khánh, một trong những người gác đền xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam thời kỳ 1960-1970, tôn trọng như ông Hà Bôn. Ông Khánh một mực gọi ông Hà Bôn là ‘sư phụ’, dù cả hai chưa từng có thời gian tập luyện hay chỉ bảo nhau trong khung gỗ.
Chia sẻ với Thethao.vn về sự nghiệp thủ môn của mình, ông Hà Bôn, một người vốn không xuất phát từ các lò đào tạo, nhớ lại: “Khi mà tôi còn là học sinh thì đã thích các môn thể thao rồi. Dù tầm vóc lúc đấy nhỏ bé nhưng rất thích làm thủ môn, kể từ khi còn dùng 2 chiếc cặp làm khung thành là tôi đã bắt gôn rồi.
Sau này, càng lớn lên tôi càng mê bóng đá. Rồi tôi đi sang sân Long Biên để tập và thi đấu cho CLB Thủ Đô. Sau này, tôi tốt nghiệp phổ thông thì được Sở Thuế Vụ mời về làm thủ môn chính cho đội hạng 2.
Họ đến tận nhà mời tôi đi làm, rồi 1 tuần được tập 2 buổi ở sân Long Biên. Lúc đó tôi còn trẻ, có công ăn việc làm ổn định lại được nuôi đam mê nên cảm thấy rất tuyệt vời”.
Sự nghiệp bóng đá của ông Hà Bôn bắt đầu từ Sở Thuế Vụ và những trận cầu diễn ra trên khắp miền Bắc. Chính nhờ đó, ông Bôn bắt đầu tạo ra được danh tiếng cho mình trên sân cỏ, dù chỉ có dáng người nhỏ bé như David trong câu chuyện thần thoại phương Tây: “Tuy chỉ là đội hạng 2 nhưng Sở Thuế Vụ tổ chức rất tốt, anh em được đi thi đấu ở nhiều nơi như Hồng Quảng, Lạng Sơn… Nhờ đó, tôi bắt đầu quen nhiều danh thủ sau này.
Sau khi rời Sở Thuế Vụ thì tôi bắt cho đội Đường Sắt, rồi đi nghĩa vụ quân sự ở đội Quân khu Việt Bắc trên Thái Nguyên. Khi được ăn tập tốt hơn rồi thì năng khiếu của tôi tự nâng cao chứ cũng không có HLV thủ môn để được học, thi đấu tốt nên dần trở nên nổi tiếng.
Trận đấu mà tôi nhớ nhất diễn ra vào năm 64, tôi gặp đội Thể Công rồi sau đó là đội Trường Huấn Luyện. Đó đều là những tập hợp gồm nhiều tuyển thủ giỏi. Các ông Trần Duy Long, Lê Thế Thọ, Tô Đình Phàn, Trương Tấn Nghĩa, Đàm Thu Trang… đều là những cầu thủ giỏi nhất Việt Nam thời đó.
Trận gặp Thể Công năm 1964, đội của tôi hòa 3-3. Thực tế thì chúng tôi dẫn trước 3-2 và tôi bắt tất cả những cú sút của đối thủ. Nhưng tới cuối trận thì trọng tài cho họ hưởng quả phạt đền nên mới có kết quả hòa 3-3. Sau trận, cả đồng đội và đối thủ đều sang chúc mừng tôi, bảo sao anh bắt tốt quá”.
Hà Bôn luôn là thủ môn có thể hình thấp nhất trong mọi đội bóng mà ông thi đấu. Thế nhưng, chính người gác đền chỉ cao có 1,65m ấy lại là người bắt chính trong mọi trận đấu, trong khi những thủ môn có thể hình lý tưởng hơn phải ngồi ngoài xem bóng trổ tài.
Ông Bôn nhớ lại: “Thể hình của tôi không tốt như các thủ môn khác nhưng tôi được ăn tập chuyên nghiệp khi ở đội Đường Sắt, Quân khu Việt Bắc… Trong khi tập luyện, tôi tập về sức bật và chọn vị trí, ra vào. Lúc đó, tôi tự tập do không có HLV nhưng năng khiếu tốt nên vẫn hoàn thành công việc. Tôi tự rèn luyện và học hỏi từ chính mình và các đối thủ. Những quả bóng bổng, nhiều khi băng ra bắt bóng lộn mấy vòng nhưng bóng không bao giờ bay ra ngoài. Nhờ đó, mọi người rất hâm mộ tôi vì dù chỉ có tầm vóc thiệt thòi nhưng thi đấu rất tốt, luôn là thủ môn số 1 ở bất kỳ đội nào.
Tôi thi đấu vào những năm mà đất nước còn nhiều khó khăn. Thiết bị tập không có nhiều, áo thủ môn và găng thủ môn cũng không. Thậm chí, sau này còn phải đi sơ tán. Tập thì rất mệt, toàn vào lúc 2 giờ chiều khi trời rất nắng. Mỗi thứ Năm đội phải chạy 10km bất kể nắng mưa.
Còn khi đi thi đấu thì cũng không được nhiều. Đội của tôi giành hạng 2 quốc gia nhưng cũng chỉ có lá cờ lưu niệm, đôi lúc vô địch các giải cũng chỉ được lãnh đạo chiêu đãi những cốc nước mía. Nói chung bóng đá thời này khó khăn lắm.
Tôi còn nhớ có những trận đấu, cả 2 bên đang đá rồi thì có báo động, thế là lại tạm nghỉ và đi trốn vì sợ bom. Khi nào hết báo động thì lại vào thi đấu. Thế nhưng, tinh thần và đam mê của chúng tôi rất cao. Nếu không có tinh thần thi đấu thì có lẽ tất cả đều không theo nghiệp bóng đá đâu”.
Sự nghiệp bóng đá ‘chuyên nghiệp’ của ông Hà Bôn dừng lại khi điều kiện chung không còn cho phép. Nhưng khoản thời gian sau đó, ông Bôn công tác ở một công việc khác nhưng vẫn có được những hoạt động tích cực trong bóng đá và thể thao. Ông kể: “Năm đó, chiến tranh bắn phá ác quá nên đội bóng giải tán, tôi trở về Hà Nội làm việc ở đại sứ quán. Tất cả mọi người đều rất ngạc nhiên, bởi một người làm thể thao mà về đi theo nghề khác là rất khó, lại còn tiếp xúc với người nước ngoài. Tôi có nghề và ngoại ngữ nên các đại sứ rất thích. Tôi cũng rất tận tụy, tháo vát nên được tín nhiệm. Khi đi làm tôi cũng có chơi bóng ở các CLB như Sao Mai, Đoàn Ngoại Giao….
Sau này tôi có tuổi, không chơi bóng đá nữa mà chuyển sang chơi quần vợt. Cho đến giờ (hơn 80 tuổi) tôi vẫn chơi quần vợt hàng tuần. Hiện nay, tôi là Chủ tịch của CLB Đại sứ quán Hoa Kỳ, kết nối cho mọi người có trận đấu. Tôi cũng hay kết nối với ông Mai Đức Chung nên các cầu thủ ĐT nữ Việt Nam luôn có quân xanh khi cần”.
Và ‘Viện bảo tàng’ bóng đá độc nhất Việt Nam
Căn nhà của ông Hà Bôn hiện nay ngập tràn kỷ vật bóng đá. Ông kể, mục đích của mình chỉ là một khu lưu giữ kỷ niệm mang tính cá nhân, nhưng càng làm càng được mọi người ủng hộ để đến mức trở thành một ‘viện bảo tàng’ như thời điểm hiện tại.
“Tôi sưu tập kỷ vật bóng đá từ khi còn là cầu thủ trẻ, khoảng 55, 60 năm trước. Đến khi tôi nghỉ hưu (năm 2000) mới bắt đầu thống kê lại và bắt đầu thu thập nhiều hơn. Tôi chỉ muốn tạo ra một bar rượu và có những kỷ vật bóng đá. Nhưng không ngờ càng ngày lại có càng nhiều kỷ vật và được mọi người tặng nhiều hơn. Hầu hết những kỷ vật của tôi đều là được mọi người đem tặng”.
Theo tiết lộ, ông Hà Bôn có khoảng 300 quả bóng, 200 đôi găng tay thủ môn và hàng nghìn tấm ảnh, cùng với đó là Cúp, huy chương vô địch bóng đá lớn nhỏ. Đặc biệt, ông Hà Bôn còn được trao tặng 4 huân chương: Huân Chương hạng nhì của đội quân khu Việt Bắc, huy chương vì sự nghiệp ngoại giao của Bộ Ngoại giao, huy chương vì sự nghiệp thể dục thể thao của Tổng cục Thể dục thể thao và huy chương vì sự nghiệp bóng đá do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tặng.
Tại đây, chúng tôi bắt gặp những kỷ vật quý giá của bóng đá Việt Nam như Quả bóng Công Vinh ghi bàn giúp ĐT Việt Nam giành AFF Cup 2008, quả bóng vô địch AFF Cup 2018 có chữ ký của toàn đội. Các sự kiện lớn của bóng đá Việt Nam như đội U20 dự World Cup năm 2017, đội U23 vô địch Merdeka Cup, đội nữ giành huy chương vàng SEA Games nhiều năm liền… đều có lưu giữ kỷ nhiệm tại đây như quả bóng có chữ ký hay thậm chí là cả cúp vô địch. ‘Viện bảo tàng’ Hà Bôn còn lưu giữ chiếc Cúp Merdeka thật cùng với một phiên bản mini.
Ngoài ra, ông Hà Bôn cũng có rất nhiều kỷ vật liên quan tới các thủ môn. Những thủ môn từ xưa tới nay như Trần Minh Quang, Đặng Văn Lâm, Bùi Tiến Dũng, Phạm Văn Cường, các thủ môn nữ Kiều Trinh, Kim Thanh, Kim Hồng… đều có ít nhất 1 đôi găng tay ở đây. Thậm chí có những người còn tặng 2, 3 đôi.
Kỷ vật về bóng đá quốc tế ở ‘bảo tàng’ nhà bác Hà Bôn cũng có nhiều, đó là khăn, bóng của các CLB nổi tiếng thế giới, cùng nhiều kỷ niệm về các danh thủ Đức. Ngoài ra, trong bảo tàng còn có Quả bóng 118 năm tuổi do Cựu phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Duy Ly tặng. Đây là quả bóng đầu tiên được FIFA công nhận kỷ tổ chức này được thành lập năm 1904.
Đối với ông Hà Bôn, bóng đá không chỉ là sự nghiệp, là đam mê mà còn là nơi níu giữ những kỷ niệm và là nơi suy ngẫm về cuộc đời. Nhà của ông Bôn giờ là điểm hội tụ của giới đam mê bóng đá. Họ đến đây với một tình yêu bóng đá không bao giờ cạn. Ông Bôn luôn mở rộng cửa, tiếp những vị “khách quý” bằng khối kiến thức và những câu chuyện về từng kỷ vật. Cùng với đó, thông qua bóng đá mà ông Bôn chia sẻ về những ý nghĩa của cuộc đời.
Tiểu sử bóng đá của ông Hà Bôn
Chiều cao: 1,65m
Vị trí: Thủ môn
Sự nghiệp CLB: Thủ đô, Sở thuế Vụ, Đường Sắt, Quân khu Việt Bắc
Sau khi giải nghệ, ông công tác tại Đại sứ quán Bulgaria và Đức
Một vài hình ảnh các kỷ vật trong 'viện bảo tàng' của ông Hà Bôn
HLV Mai Đức Chung: ‘Đá thắng là phần của các con, còn thua thì để bác chịu cho’
Chia sẻ với Thethao.vn về phong cách huấn luyện, ông Mai Đức Chung thừa nhận có sử dụng một số phương pháp tâm lý với các cầu thủ nữ Việt Nam. Trong đó, ông sẵn sàng chịu trách nhiệm với những trận thua của đội nhà.
HLV Mai Đức Chung: Quân giỏi, tướng không giỏi thì cũng như CLB MU
Chia sẻ với Thethao.vn về quan điểm cầm quân, HLV Mai Đức Chung nhận định, một đội bóng muốn thành công cần có HLV, cầu thủ tốt và cả yếu tố may mắn.
HLV Mai Đức Chung và 'triết lý câu cá' trong huấn luyện bóng đá
Câu cá không chỉ là 1 thú vui của HLV Mai Đức Chung mỗi khi trở lại cuộc sống "không bóng đá". Với ông, những "triết lý" từ bộ môn câu cá còn giúp ích rất nhiều trong nghiệp cầm quân.
HLV Mai Đức Chung tự đóng đồ, chạy xe máy hội quân cùng ĐT nữ Việt Nam
HLV Mai Đức Chung ở tuổi 71 tự gói ghém hành lý, chạy xe tay ga lên đường nhận nhiệm vụ cùng ĐT nữ Việt Nam tại SEA Games 31. Ông cùng cả đội bắt đầu hội quân tập huấn từ hôm nay (27/3).