Novak Djokovic: Chiến binh bất tử
Trên con phố nọ, có một tòa nhà góc cạnh lát bê tông khô cứng, trông không khác gì nhiều những tòa nhà mang kiến trúc thô mộc (Brutalism) rải rác khắp thủ đô Belgrade, Serbia. Đi vào trong, ta sẽ thấy một cánh cổng na ná những cái trong nhà tù có các thanh kim loại thẳng đứng trước lớp cửa màu trắng của căn hộ đầu tiên bên trái. Đó là nhà ông nội Novak Djokovic - Vladimir Djokovic.
Tại đây, khi còn nhỏ, tay vợt số 1 thế giới đã trú ẩn trong những năm tháng mưa bom lửa đạn. NATO đã tàn phá thủ đô Serbia từ tháng 3 tới tháng 6 năm 1999 và với Djokovic, đó là 11 tuần liên tiếp phải thức dậy từ 2,3 giờ sáng vì tiếng bom không ngớt. Nole kể lại rằng, khi tiếng còi báo động không kích dồn dập vang lên, các gia đình với nhiều thế hệ cùng hàng xóm, bạn bè từ các khối nhà gần đó đều bước xuống cầu thang, qua một số cửa thép và xuống tầng hầm. 78 ngày đêm cậu bé Novak 12 tuổi sống trong những nỗi sợ hãi, không chỉ vì tính mạng mình và gia đình đang ngàn cân treo sợi tóc, mà còn vì ước mơ cầm vợt mỗi lúc càng trở nên xa vời.
Đó là một cuộc chiến mà tận hơn hai mươi năm sau, người ta vẫn còn cãi nhau căng thẳng về cách mà NATO đã tàn bạo dội bom xuống Serbia trong nỗ lực đẩy lực lượng quân đội nước này ra khỏi Kosovo, cáo buộc họ vì tội chống lại người dân tộc Albani. Một cuộc chiến mà Djordjo Milenic – bạn của ông nội Nole kể lại rằng: “Bạn không bao giờ biết bom sẽ rơi khi nào, vào đâu. Họ ném bom bất cứ thứ gì họ muốn: cầu, bệnh viện, phụ nữ mang thai…. Mọi chuyện thật khó khăn, thật khó khăn”
Nhưng với Djokovic, đó là những tháng ngày không thể quên đối với anh, vì nó đã tôi rèn nên huyền thoại mà anh đang viết - người giờ đã là chủ nhân của 20 danh hiệu Grand Slam sau chức vô địch Wimbledon lần thứ 6 trong sự nghiệp. Bom rơi thì mặc bom, trong những ngày tăm tối đó, cậu bé Novak đã tự đúc kết ra một quy luật…đánh bom nên đã nhẩm đúng những ngày yên ả để có thể ra sân cầm cây vợt tập luyện. Nole từng bảo rằng tuổi thơ khó khăn không giống những tay vợt đồng trang lứa theo một cách nào đó đã giúp anh trở thành một nhà vô địch, “nó khiến chúng tôi cứng rắn hơn, khiến chúng tôi khao khát thành công hơn".
Hãy nhìn lại con đường của Djokovic: bắt đầu biết đến cây vợt (mà với hình thù khi ấy khó có thể gọi nó như vậy) trên một vùng núi tuyết phủ tới tận tháng 6, lấy bãi đất trống gồ ghề làm sân tập, rồi chiến tranh đến tưởng như sẽ cướp đi tất cả nhưng vẫn cầm chắc cây vợt trong tay. Nole có một xuất phát điểm không tốt, điều kiện tập luyện quá nghèo nàn so với những Federer, Nadal…và cả những tổn thương tâm lý từ quá sớm khi nhìn đất nước mình bị tàn phá.
Nhưng bằng một cách kỳ diệu, tất cả những khó khăn ấy đã nhào nặn ra một tinh thần thi đấu như một chiến binh bất tử, minh chứng bằng những trận đấu 5 set bị dẫn trước tới 2, bằng những lần sự nghiệp tưởng như sẽ đi vào ngõ cụt vì chấn thương và mất động lực như năm 2016-2018 và vẫn quay trở lại ấn tượng hơn cả trước đó để tiếp tục chinh phạt những lãnh địa khác.
Nole từng phải thi đấu với một cái chân đau ở Australian Open 2012. Ở trận bán kết gặp Andy Murray khi ấy, khán giả đã thấy anh thở dốc và vô cùng mệt mỏi từ chấn thương đã đeo bám từ cuối mùa giải 2011 nhưng Nole vẫn chiến thắng và thậm chí còn vô địch. “Tôi đã cảm nhận được từng giây phút cơn đau của đôi chân. Tôi chịu đựng nó. Tôi thậm chí biết rằng bàn chân mình đang chảy máu, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi thấy hài lòng với cơn đau ấy khi nó giúp tôi mạnh mẽ hơn để chinh phục danh hiệu này.”, anh tâm sự như thế.
Những cuộc vươn lên chiến thắng nghịch cạnh, chiến thắng chính mình trong thể thao không phải câu chuyện xa lạ. Khán giả đã được chứng kiến không ít và truyền thông cũng cố khai thác triệt để. Nhưng câu chuyện của Djokovic vẫn luôn phảng phất mùi bom đạn, mang dáng dấp của những cuộc chiến thật sự, không chỉ trong quá khứ, mà còn ngay trên khán đài khi khán giả ở những giải như Wimbledon hay Roland Garros tỏ rõ thái độ “con yêu con ghét“ với anh. Djokovic đến từ Serbia, đất nước nhỏ bé nằm trên bán đảo Balkan chỉ có 7 triệu dân, không ngạc nhiên khi anh được ví như người hùng dân tộc ở quê hương mình.
Trên những khán đài tennis khắp thế giới, nơi phô bày sự giàu có, thịnh vượng, sang chảnh của nước sở tại, nơi mà những Nadal, Federer hay bất kỳ ai đánh với Djokovic đều được ưu ái hơn với những tràng vỗ tay, giờ đây đều đã được phủ cái bóng khổng lồ của tay vợt người Serbia. Anh đang ở đó, và có lẽ còn ở đó lâu nữa với tinh thần độc cô cầu bại thế này.
Djokovic đã đi trên một con đường chông gai hơn những gì ta tưởng tượng được, với sự thất vọng, nỗi sợ hãi, máu, nước mắt và cả sự ghẻ lạnh của người đời. Mỗi cú bạt phải, dọc dây, smash của anh có thể đều chứa đựng những ký ức không mấy vui vẻ mình đã đi qua. Nhưng có lẽ, đó lại là liều thuốc kích thích vô lý mà cũng mạnh mẽ nhất để anh chinh phục những nấc thang cao hơn.
Cậu bé Novak 6 tuổi từng tự gấp giấy thành những chiếc cúp Wimbledon khi xưa đã đứng trước gương và bảo rằng mình là một nhà vô địch. Bây giờ, không cần gấp giấy nữa, 6 chiếc cúp Wimbledon “bằng xương bằng thịt“ đã thuộc về anh, nhưng những hồi ức ngày ấy vẫn xứng đáng được nhắc đi nhắc lại để thế giới này nói chung, hay những con người la ó mỗi khi anh cầm giao bóng trên khán đài nói riêng phải hiểu rằng, tất cả những gì nằm trong tay anh đã vượt qua cả hai chữ: xứng đáng.
Djokovic ‘lập hat-trick’ Grand Slam trong năm, san bằng kỷ lục vĩ đại của Nadal và Federer
Với việc vô địch Wimbledon 2021, Novak Djokovic đã san bằng kỷ lục giành nhiều danh hiệu Grand Slam nhất lịch sử của Rafael Nadal và Roger Federer.
Cán mốc 20 Grand Slam, Djokovic nghẹn ngào: ‘Tôi phải cảm ơn Nadal và Federer’
Trong ngày đăng quang Wimbledon 2021, Novak Djokovic đã gửi lời cảm ơn đến Rafael Nadal và Roger Federer - những người cho anh động lực để hướng đến những nấc thang cao nhất trong sự nghiệp.
Nadal, Federer phản ứng thế nào trong ngày Djokovic vô địch Wimbledon?
Rafael Nadal và Roger Federer đã không quên gửi lời chúc mừng đến Novak Djokovic trong ngày tay vợt số một thế giới đăng quang tại Wimbledon 2021.