Nam Định hỏi ngược VPF: ‘Sao không cho V.League đá song song với ĐT Việt Nam’
Ông Trần Thái Toán, Giám đốc điều hành Nam Định không đồng tình với việc V.League hoãn tới tận tháng 2/2022, đồng thời hỏi ngược VPF sao không cho giải đấu tổ chức song song với đội tuyển Việt Nam.
Như thethao.vn đưa tin, hôm qua, VPF đã gửi 3 văn bản đến các CLB V.League. Trọng tâm mà VPF đưa ra là lý do V.League không thể diễn ra từ nay đến tháng 2/2022 và kế hoạch tổ chức giải đấu sau đó. VPF cũng đưa phiếu ý kiến cho các CLB về việc đồng tình hay không đồng tình với phương án này.
Ngay sau đó, ông Trần Thái Toán - Giám đốc điều hành CLB Nam Định đã bày tỏ quan điểm trên youtube của đội bóng. Ông nói: “Trước đó, khi kế hoạch của V.League lùi đến ngày 31/7 thì chúng tôi đồng ý với BTC. Nhưng nếu giải lùi đến sang tháng 2/2022 thì chúng tôi không đồng tình được. Bởi với quỹ thời gian hoãn đến 7 tháng thì cũng gần tương đương với một mùa giải. Chi phí mà các CLB bỏ ra sẽ là rất lớn.
Nếu như đến thời điểm tháng 1 - giai đoạn nghỉ Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, lượng người di chuyển rất lớn, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 là cao thì giả sử nước ta vẫn phải chống dịch thì VPF sẽ giải quyết thế nào?
Nhãn tiền thấy được là chi phí của CLB trong 7 tháng trì hoãn là rất lớn. Toàn bộ các đội V.League có thể phải chi trả hàng trăm tỷ đồng. Ai chịu trách nhiệm cho điều đó. Một ý nữa là quyền lợi của nhà tài trợ ở đây cần phải làm rõ là cho giải và CLB. Nhà tài trợ giải tài trợ 1 năm cho CLB bao nhiêu tiền? Nếu như giải kéo dài như vậy thì thiệt hại quyền lợi cho nhà tài trợ của riêng CLB là bao nhiêu? Các anh thử làm phép tính so sánh xem.
Bài học chúng ta còn nhớ là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 chỉ có 4 ngày mà dịch còn bùng phát như vậy thì chẳng có gì đảm bảo đầu năm sau chúng ta không rơi vào tình cảnh như vậy. Đến lúc đấy VPF làm văn bản vì dịch bệnh mà huỷ giải thì tiền 7 tháng nghỉ mà CLB bỏ ra đổ xuống sông xuống biển hết à? Ai chịu trách nhiệm, ai đền bù cho việc ấy?
2 năm qua, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp cả nước phải oằn mình chống dịch và cũng phải nỗ lực sản xuất kinh doanh. Các nhà tài trợ đầu tư hết mức cho các CLB rồi. Họ tài trợ và mong đội thi đấu để quảng bá thương hiệu, mặt hàng. Giờ 7 tháng CLB không đá được thì quyền lợi của nhà tài trợ ai đảm bảo? Ban Điều hành giải có nói CLB phải chia sẻ thì Ban Điều hành có chia sẻ cho CLB không? Chúng ta không thể bỏ tiền cho những thứ không chắc chắn”.
Ông Trần Thái Toán hỏi ngược VPF: “Tại sao chúng ta không làm việc với nhà tài trợ giải để họ đưa khoản tiền còn lại của năm nay sang năm và bù thêm kinh phí hoạt động mùa tới? Hoặc tại sao đội tuyển Việt Nam đá được mà CLB không đá được? Ở các nước khác, Đội tuyển vẫn đá mà giải vẫn đá chứ có vấn đề gì đâu?
Nếu dịch kiểm soát trong tháng 8 hay tháng 9 thì triển khai đá. Còn nếu không kiểm soát được thì dừng luôn. Bóng đá là môn thể thao giải trí. Làm sao phải níu kéo làm gì. Dịch bệnh mà các anh cứ hoãn thì ai chấp nhận. Các CLB chờ đợi trong vô vọng. Tại sao chúng ta không dừng đi?”
BLV Quang Huy: Tại sao không nghĩ đến việc lùi V.League 2021 sang tổ chức vào năm 2022?
Quỹ thời gian để tổ chức phần còn lại của V.League 2021 đang là bài toán tương đối nan giải trong bối cảnh hiện tại.
Chủ tịch Hồng Lĩnh Hà Tĩnh: Tôi đã đề xuất hủy V.League 2021 với Ban giám đốc VPF
Ông Nguyễn Tiến Dũng, thành viên của HĐQT VPF và cũng là Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã có những chia sẻ với Thethao.vn về quyết định dời V.League sang năm 2022.
VPF gửi công văn đến 14 CLB xin ý kiến hoãn V.League sang 2022
Ngay hôm nay 19/7, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã gửi công văn đến 14 CLB ở V.League. Họ đã bày tỏ nguyện vọng muốn được các đội bóng góp ý về thời gian tổ chức những trận còn lại ở V.League 2021.