Một tay vợt cầu lông tốn bao nhiêu tiền khi đi du đấu?
Goh Jin Wei, tay vợt số 77 thế giới, vừa chia sẻ về hành trình thi đấu nước ngoài của cô. Đáng chú ý trong đó là những chi tiết rất thú vị về các khoản tiền mà một tay vợt cầu lông chuyên nghiệp phải chi khi thi đấu nước ngoài.
Goh Jin Wei tham dự hai sự kiện tại Hàn Quốc trong tháng tư. Đầu tiên là giải Hàn Quốc mở rộng, nơi cô đã vào đến vòng tứ kết. Sau đó, cô tiếp tục ở lại xứ kim chi để dự giải Hàn Quốc Masters. Tại đây, cô dừng chân sớm hơn khi thua tay vợt Wang Zhi Yi của Trung Quốc ở vòng hai.
Không nói đến thành tích chuyên môn, qua những chia sẻ thực tế về chi phí đi lại, thi đấu, cộng với tiền kiếm được từ các giải tournament, Goh Jin Wei rút ra một điều gây sốc rằng các tay vợt thực sự không bỏ túi được bao nhiêu. Thậm chí với Goh thì trong 2 tuần qua, cô huề vốn vì tiền thưởng không là bao so với tiền chi ra.
Theo Goh Jin Wei thì khoản phí đầu tiên cần tính tới là đăng ký các sự kiện. Tại Hàn Quốc Mở rộng vừa qua, cô đăng ký ba nội dung là đơn nữ, đôi nữ và đôi nam nữ. Chi phí đăng ký mỗi nội dung khoảng 23 USD, sau đó đến chi phí làm visa (45 USD), test PCR.
"Với sự chuyên nghiệp trong công tác phòng dịch mà họ đã cung cấp, chi phí xét nghiệm PCR không hề rẻ chút nào", tay vợt người Malaysia cho biết. "Nó hết khoảng 65 USD. Nhưng tôi vẫn tốn thêm một khoản xét nghiệm nữa khi trở lại Malaysia, khoảng 110 USD".
Và không thể quên tiền vé máy bay. Goh cho hay để đến được Hàn Quốc dự giải, cô phải mất khoảng 1.150 USD cho 1 vé khứ hồi bay Hàn Quốc - Malaysia. Tiền phòng cũng là một vấn đề với Goh. Cô chia sẻ rằng nhờ tiết kiệm tối đa chi phí ở trong 10 ngày tham dự sự kiện Hàn Quốc Mở rộng nên cô "chỉ" tốn hơn 850 USD.
Chi phí đáng kể cuối cùng là tiền sinh hoạt. Goh ở lại Hàn Quốc tổng cộng 17 ngày cho hai sự kiện, theo chia sẻ của tay vợt này thì cô tốn khoảng 600 USD phí sinh hoạt trong thời gian ở đây, và đây cũng là số tiền mà cô nhấn mạnh “đã chi tiêu tiết kiệm”.
Cộng với các khoản chi lẻ tẻ khác như tiền mua thẻ điện thoại, tiền căng vợt, tổng chi phí tham dự hai giải đấu ở xứ kim chi của Goh lên tới 3000 USD. Trong khi đó, dự tính các khoản thưởng mà Goh Jin Wei có thể nhận thì nó cũng chỉ nhỉnh hơn 3.000 USD một chút.
Nhưng theo Goh, chi phí như cô phải bỏ ra vẫn chỉ ở mức trung bình bởi chi phí khi tới Hàn Quốc tranh tài vẫn còn dễ chịu hơn nhiều so với thời điểm cô dự các sự kiện tại châu Âu.
Goh nói: “Khi tới châu Âu, số tiền mà tôi ở Hàn Quốc tới 17 ngày cũng chỉ đủ để tôi tham dự một sự kiện, thay vì hai sự kiện như tại Hàn Quốc đã qua. Nếu trung bình một năm đi du đấu 15 đến 18 lần, tôi sẽ tốn khoảng… các bạn tự tính lấy nhé”.
Qua những chia sẻ của Goh, có thể thấy rằng nếu không vì đam mê và quyết tâm tiến thân trong nghề, có lẽ tay vợt Malaysia này cùng các đồng nghiệp sẽ không thể có động lực di chuyển liên tục để tham gia các giải đấu như vậy.
Với Goh, điều cô rút ra được trong 17 ngày tại Hàn Quốc là học hỏi cho bản thân. “Tôi đã rút ra được nhiều điều, tôi đã thấy được điểm yếu của mình. Tôi thấy được những vấn đề mình mắc phải để tập luyện, nâng cao trình độ. Và trên hết, tất cả cho tôi những trải nghiệm để tôi tiến thân trong sự nghiệp”, Goh kết lại.
Bốc thăm giải Cầu lông vô địch châu Á 2022: Tiến Minh và Thùy Linh 'leo núi'
Sau giải Korea Masters 2022, guồng quay của cầu lông thế giới tiếp tục khi giải Cầu lông vô địch châu Á 2022 dự kiến diễn ra tại Manila, Philippines từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5. Đây là sự kiện có các đại diện Việt Nam tham dự.
Tay vợt Nguyễn Thùy Linh xác nhận tham dự giải Cầu lông vô địch châu Á
Trên trang cá nhân, tay vợt Nguyễn Thùy Linh xác nhận sẽ tham dự giải Cầu lông vô địch châu Á 2022, sự kiện được chờ đợi sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 này.
Viktor Axelsen nhận giải 'Tay vợt nam xuất sắc nhất châu Âu năm 2021'
Tại lễ trao giải Cầu lông châu Âu 2022 được Liên đoàn cầu lông châu Âu tổ chức ở Malta vào cuối tuần qua, Viktor Axelsen đã được vinh danh với danh hiệu “Tay vợt nam xuất sắc nhất năm 2021”.