Cách đây 2 năm, bóng đá Việt Nam xôn xao trước thông tin Yaya Toure có thể gia nhập V.League. Nhiều dấu hỏi đã được đặt ra, bởi ít người tin có đội bóng nào ở Việt Nam đủ tiềm lực để chiêu mộ ngôi sao từng khuynh đảo giải Ngoại hạng Anh. Thế nhưng khi bức màn phía sau câu chuyện này được kéo lên, sự thật về nó đủ khiến tất cả phải giật mình.
________________
Richard Harcus, hiện là Giám đốc điều hành Harcus Consultancy Group, công ty quản lý về chuyển nhượng và hình ảnh của tiền vệ Yaya Toure ở khu vực Đông Nam Á. Chuyên gia người Scotland đã có gần 10 năm gắn bó với bóng đá Đông Nam Á và trong cuộc trò chuyện với Thethao.vn, ông đã thẳng thắn tiết lộ nhiều góc khuất, không chỉ ở thương vụ Yaya Toure mà còn là nhiều câu chuyện “thâm cung bí sử” khác
- Phóng viên Thethao.vn: Xin chào Richard Harcus, cơ duyên nào đã đưa ông đến với bóng đá Việt Nam?
Chuyên gia Richard Harcus: Tôi là người Scotland và có bằng A HLV của UEFA. Tôi từng làm việc cho em trai của HLV David Moyes nên cũng có khá nhiều mối quan hệ tốt. Sau đó tôi đi học thêm một khóa học để trở thành tuyển trạch viên toàn cầu. Thời điểm ấy, tôi được AS Roma, Valencia và sau đó là Arsenal yêu cầu đến Đông Nam Á để làm tuyển trạch viên, với nhiệm vụ tìm kiếm, xây dựng các mô hình học viện vệ tinh để làm việc.
Lần đầu tiên tôi làm việc liên quan đến bóng đá Việt Nam là khi U20 Việt Nam đá giao hữu với U20 Argentina ở sân Thống Nhất trước thềm U20 World Cup 2017. Bạn tôi là HLV trưởng của U20 Anh và ông ấy muốn tôi viết một báo cáo về U20 Argentina do hai đội nằm cùng bảng. Đó là khởi nguồn để đưa tôi tới Việt Nam.
- Vậy còn việc Yaya Toure suýt tới V.League thi đấu, câu chuyện cụ thể ra sao?
Có một người bạn ở Trung Quốc nói với tôi rằng cậu ta muốn đưa một cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng. Và đó chính là Yaya Toure. Tôi cũng phải chia sẻ thẳng thắn rằng mình không muốn làm trung gian, bởi khi tham gia sâu vào ngành kinh doanh bóng đá, tôi thấy cầu thủ thường gặp vấn đề nan giải về mặt pháp lý và muốn hỗ trợ họ về mặt đó thôi. Nhưng sau đó tôi đã quyết định tham gia vào thương vụ này.
Vào khoảng tháng 2/2020, phía Yaya Toure liên hệ để tìm kiếm một số phương án xem thử. Tôi liên lạc với một vài CLB, trong đó có 1 đội ở Malaysia, 1 đội ở Philippines (Ceres Negros) và 3 đội ở Việt Nam (có 1 đội ở phía Bắc), nhưng cả 5 đội bóng này đều nghĩ rằng họ không thể ký hợp đồng với Yaya Toure. Không phải họ cho rằng Yaya Toure đã già, đã bớt nổi tiếng, mà họ nghĩ cầu thủ như Yaya Toure không bao giờ đến Đông Nam Á thi đấu cả. Họ không tin đây là chuyện có thật.
Mặt khác, một CLB V.League nói rằng nếu thật sự như thế thì chắc chắn Yaya Toure cũng sẽ đòi rất nhiều tiền. Tuy nhiên, Yaya Toure bảo cậu ấy đã đá ở Anh rất nhiều năm, tiền kiếm cũng đủ rồi, nếu không muốn nói là thừa. Điều quan trọng là Yaya Toure muốn chơi cho một CLB trong vài năm cuối sự nghiệp để có thể tham gia học huấn luyện, tham khảo kinh nghiệm để trở thành HLV.
- Điều gì xảy ra tiếp theo khi thông điệp tiền bạc không quan trọng từ phía Yaya Toure được gửi đi?
Khi đưa ra lý do như vậy thì các CLB V.League không đồng ý, bởi ở đây người ta không ký hợp đồng quá 2 năm với cầu thủ ngoại.
Trong lúc đó, có một CLB ở giải Super League của Ấn Độ liên hệ. Đó là FC Goa. Họ rất muốn ký với Yaya Toure tuy nhiên đúng lúc ấy dịch Covid-19 lại bùng lên ở Ấn Độ. Điều này khiến cho giải VĐQG nước này phải đá theo kiểu tập trung, cắt ngắn thời gian đi. Thế nên CLB của Ấn Độ chỉ muốn ký hợp đồng 3 tháng thôi. Và đương nhiên Yaya Toure không đồng ý.
Sau đó đến lượt một đội ở giải VĐQG Australia đồng ý với tất cả các điều khoản của Yaya Toure, sẵn sàng để cậu ấy ở lại một vài năm để vừa đá bóng vừa học làm HLV. Tuy nhiên dịch Covid-19 bùng lên khiến việc nhập cảnh trở nên khó khăn.
Vì thế Yaya Toure nói rằng có lẽ cậu ấy nên trở lại châu Âu. Việc kiếm tiền với cậu ấy không còn quá áp lực nữa, quan trọng là chuẩn bị một kế hoạch cho tương lai. Bởi vậy tôi đã giới thiệu Yaya Toure với Liên đoàn bóng đá Xứ Wales và sau đó là Tottenham nữa, những nơi mà tôi đã làm việc rất nhiều.
- Cụ thể các CLB V.League đã đề xuất mức lương như thế nào cho Yaya Toure?
Yaya Toure có hợp đồng tài trợ trị giá 2,3 triệu bảng/năm với Puma. Cậu ấy không quá áp lực việc phải đi đá bóng kiếm tiền nữa. Tôi áng chừng con số mà các CLB V.League và Đông Nam Á đưa ra tương đương khoảng 5% mức lương thực tế của Yaya Toure ngày còn đá cho Barcelona. Nhưng trong vụ đàm phán này, lương Yaya Toure nếu về V.League đá 1 năm cũng không bằng lương của Quang Hải.
Và khi Yaya Toure muốn sang Đông Nam Á trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng lên, cậu ấy cũng hiểu rằng điều kiện tài chính của các CLB không phải dư giả gì. Vì thế Yaya chỉ đưa ra yêu cầu rất thấp, chủ yếu là để được ra sân và học hỏi kinh nghiệm huấn luyện thôi.
- Nhìn nhận kỹ vấn đến, ông nghĩ vì sao thương vụ này lại không thể xảy ra?
Rào cản lớn nhất trong quá trình làm việc với các CLB ở V.League là họ rất hay bàn lùi. Tiếp nữa, người ta thích đề cập đến những vấn đề tiêu cực của chính CLB đó, thành phố đó, bóng đá và cả văn hóa nước đó. Người ta không bao chịu nhận ra tiềm năng của mình lớn đến thế nào, tập khách hành lớn tới đâu và họ phổ biến thế nào trên mạng xã hội?
Đó là điều mà một số nhân vật lãnh đạo, quan chức CLB đã thể hiện ra khi làm việc với tôi. Thế nên người ta luôn luôn ngờ vực và e dè, nhất là khi nói đến một cầu thủ lớn như Yaya Toure. Thay vì nghĩ có thể dùng Yaya Toure, người ta lại nghĩ rằng đối phương chắc chỉ tìm hiểu cho vui thôi.
Ở Scotland có một câu nói đại ý là khi bạn không tự tin về bản thân tức là bạn đang không tôn trọng chính mình. Chưa nói đến việc tôn trọng người khác, khi mình chưa tôn trọng chính mình thì khó làm việc lắm.
Tôi muốn nhắc đến một ví dụ thế này. Ở Anh có một CLB của giai cấp lao động là Burnley. CLB này có nền tảng tài chính vào hạng thấp nhất của bóng đá Anh. Tuy nhiên lứa trẻ của họ thậm chí đã có đến cả đội U9, hơn rất nhiều đội khác. Nói vậy để thấy rằng khi đã có nền tảng CĐV lớn thì tiềm lực sẽ không phải vấn đề. Còn ở Việt Nam, các CLB không bao giờ chịu nhận ra điều đó.
Một điều nữa, tôi đã ở Việt Nam đủ lâu rồi, bạn bè người Việt nhiều lúc nói rằng tôi còn Việt Nam hơn cả họ. Vì thế tôi rất hiểu các lý do về cơ chế, về nguồn tiền và về nhiều thứ khác của bóng đá nơi đây. Tuy nhiên khi một người nước ngoài hiểu nhiều như thế mà một người Việt Nam ở CLB lại không hiểu được điều đó thì phải đặt câu hỏi rằng: Họ có thực sự muốn phát triển bóng đá không?
- Từ câu chuyện này, ông nghĩ vấn đề lớn nhất đang tồn tại ở V.League là gì?
Chúng ta không bàn đến vấn đề cơ sở vật chất vội, mà trước tiên phải nói đến chính nội lực con người ở môi trường bóng đá Việt Nam đã.
Tôi nhớ từng có fanpage có tích xanh của CLB Thanh Hóa đăng tin Yaya Toure tới Việt Nam chơi bóng. Tôi đọc các bình luận trong bài đăng đó và thấy rằng không chỉ lãnh đạo CLB mà chính các CĐV cũng có tư duy rất tiêu cực. Sự tiêu cực của khán giả đôi khi rất cực đoan, trong khi bản thân Yaya Toure trao đổi với tôi rằng cậu ấy muốn đến Việt Nam. Chúng tôi đã liên lạc để làm việc nhưng người ta vẫn không tin, cho rằng đây có thể chỉ là một cái bánh vẽ. Tức là niềm tin của họ rất thấp.
Tầng lớp khán giả của Việt Nam hiện tại đang hơi cũ và các CLB cần phải tiếp cận nhiều hơn với tầng lớp trẻ hơn. Những người trẻ được tiếp cận với nhiều thứ hơn. Họ có cảm nhận về marketing, về truyền thông, biết thật giả ra sao. Và muốn làm được việc đó thì các CLB phải hiện đại hóa cách làm việc. Ví dụ như ngăn chặn các hành động đầu cơ của chính CĐV đội bóng dựa trên tài sản của CLB.
- Cụ thể là sao, thưa ông?
Tôi phải kể một câu chuyện thế này để dễ hiểu hơn. Tôi có một người bạn nước ngoài thường đi xem các trận đấu của Sài Gòn FC nhưng không thể tìm nổi một cái khăn của đội bóng. Thế là cậu ấy tự chế, tự đan ra một mẫu khăn rồi bán cho các CĐV khác. Hành động đó có thể đúng về mặt tình cảm, nhưng lại mang tính trục lợi hình ảnh của CLB. Tuy nhiên CLB lại không muốn kiểm soát và coi nhẹ việc đó. Vì thế tôi nghĩ không cần nói đến chuyện sâu xa như sân vận động hay gì cả.
Mà chính vì các CLB như thế nên ĐTQG không thể mạnh được.Các CLB Việt Nam luôn vận hành như thế, tức là có tiềm lực nhưng không chịu khai thác. Các cầu thủ nước ngoài tới Việt Nam không phải để ổn định, mà họ coi đây là trạm trung chuyển để đến với giải đấu cao hơn, như Malaysia chẳng hạn.
Giải Campuchia bây giờ khá chuyên nghiệp nhưng trình độ còn thấp. Vì thế cầu thủ Tây ở đó sẽ coi Việt Nam một trạm trung chuyển để đến một giải đấu vừa có trình độ vừa chuyên nghiệp hơn. Rất nhiều ngoại binh ở V.League trước năm 2018 sau đó đều sang Malaysia, một nơi lương cao, có trình độ và chuyên nghiệp hơn.
Chính vì thế không nên đòi hỏi quá nhiều với ĐTQG Việt Nam. Nói đội tuyển Việt Nam mạnh nhất khu vực là sai. Thậm chí đứng hai cũng chưa đúng. Đừng so với Thái Lan vội, đội tuyển Việt Nam trước tiên phải vô địch AFF Cup nhiều hơn Singapore đã (4 lần) thì khi đó hãy nói đến việc có thể đứng ngang cơ Thái Lan.
ĐTQG chỉ là đầu ra cuối cùng của nền bóng đá thôi. Khi các CLB còn ở tình trạng như thế này, còn mang tính cục bộ rất cao thì chúng ta không nên bàn chuyện quá xa, không nên lên gân quá nhiều vì như thế là sai bản chất.
- Nếu xếp hạng các VĐQG khác ở Đông Nam Á, ông nghĩ V.League đang đứng ở vị trí thứ mấy?
Người Việt Nam luôn muốn giải VĐQG của mình phải mạnh hơn giải VĐQG Thái Lan. Tuy nhiên tốt nhất không nên nghĩ đến điều đó nếu muốn phát triển.
Có thể nhìn ĐTQG Campuchia vẫn còn yếu so với Việt Nam nhưng thực tế là họ đang có cách làm tốt hơn chúng ta. Các CLB ở giải Campuchia như Visakha FC hay Phnom Penh Crown có một sân vân động chỉ ở mức vừa phải nhưng sở hữu nền đế tương đối vững chắc, có học viện ngay trong khuôn viên. Họ làm việc một cách rất căn cơ.
Còn nếu nói về chất lượng bóng đá và khả năng cạnh tranh của các CLB, chưa chắc Việt nam đã hơn được Malaysia và Indonesia. Khả năng cạnh tranh giữa các CLB ở giải Indonesia rất cao, sự chênh lệch cán cân lực lượng không nhiều. Điều tôi nói ra có thể khiến nhiều người không vui nhưng sự thật là vậy. Chúng ta không cần bàn đến Thái Lan làm gì họ làm rất tốt rồi.
Vậy tại sao ông không giới thiệu Yaya Toure đến Thái Lan mà lại chọn Việt Nam?
Nói về bóng đá Thái Lan, tôi nghĩ họ giỏi nhất ở việc tạo nên một vẻ bề ngoài rất đẹp, với khả năng marketing đỉnh cao. Tất nhiên bên trong Thai League có thể còn nhiều vấn đề, nhưng họ luôn khiến cho khu vực nhìn vào và thấy rằng đây là một giải đấu có bề ngoài rất đẹp. Kiểu như ta cứ phải khen nước sơn tốt trước đã chứ chưa bàn đến gỗ bên trong như thế nào.
Khi tôi tiếp cận các CLB Thái Lan, họ có quan điểm rất rõ rằng nếu đã nói chuyện với các CLB Việt Nam rồi thì thôi không cần trao đổi gì với họ nữa.
- Tại sao lại như vậy?
Các CLB Thái Lan hiện tại không có nhu cầu phải cạnh tranh với các đội bóng khác trong khu vực để chiêu mộ cầu thủ. Tức là họ đặt mình ở vị thế cửa trên. Ngoại binh hoặc đến thẳng Thái Lan, hoặc là đi luôn nơi khác, chứ đừng nên có kiểu cùng một lúc đi gặp mấy CLB để đàm phán.
Lúc đầu, việc các CLB Thái Lan tỏ ra không thích Yaya Toure khiến tôi khá ngạc nhiên. Tôi đặt câu hỏi tại sao họ lại bỏ qua một cầu thủ lớn như thế? Tuy nhiên sau khi đã nắm được tinh thần như vậy, ở góc độ cá nhân tôi đã khuyên Yaya Toure nên đến Việt Nam hơn là Thái Lan. Không phải do tôi đang sống ở TP.HCM, mà về góc độ làm việc như thế sẽ dễ hơn, bởi các CLB Thái Lan luôn đặt mình ở thế cửa trên chứ không có chuyện mặc cả điều khoản gì đâu.
Tất nhiên, cũng phải nói thêm rằng Yaya Toure khi gặp tôi cũng có trao đổi rằng cậu ấy muốn được hỗ trợ tối đa về các vấn đề thường nhật nếu đến một quốc gia xa lạ, từ việc mở tài khoản ngân hàng, chỉ dẫn đường đi lối lại rồi nhà hàng, quán xá.Vì thế đến Việt Nam cũng là một lựa chọn hợp lý hơn khi tôi nắm khá rõ mọi thứ ở đây rồi. Nếu có vấn đề gì tôi đều xử lý được cả. Còn nếu đưa Yaya Toure sang Thái Lan thì sẽ phải xây dựng từ đầu một hệ thống để hỗ trợ cậu ấy.
- Yaya Toure cuối không thể có được một bản hợp đồng dài hạn để đến V.League thi đấu. Theo ông, vì sao các CLB ở Việt Nam lại không có thói quen ký dài hạn với ngoại binh?
Tôi từng nói chuyện với Danny van Bakel và tôi nghĩ cậu ấy có thể giải thích chi tiết hơn. Nhưng về cơ bản, vấn đề nằm ở việc các ngoại binh sang Việt Nam chơi bóng cũng không muốn ký hợp đồng dài hạn. Ngoài lý do tài chính CLB không quá dồi dào hay thường xuyên thay đổi nhà tài trợ, chính bản thân các ngoại binh cũng muốn vừa đá vừa thăm dò.
Thậm chí nhiều cầu thủ Tây sang Việt Nam muốn ký hợp đồng liên tục, mỗi năm đá một đội cho đến khi nào CLB chủ quản phải trả bảo hiểm cho cầu thủ, tức là đảm bảo kể cả khi phải chữa trị chấn thương họ vẫn được nhận lương. Khi đó ngoại binh mới muốn ổn định với một hợp đồng dài hạn. Vừa qua Hà Nội FC đã làm được điều đó với Geovane.
- Chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề ngoại binh ở V.League. Còn ở chiều ngược lại, ông nghĩ sao về cơ hội ra nước ngoài thi đấu của cầu thủ Việt Nam?
Tôi đã xây dựng được mối quan hệ với nhiều đội bóng ở V.League nên chỉ trả lời được trong phạm vi có thể.Thứ nhất, các CLB Việt Nam không có thói quen đặt ra các mục tiêu dài, chỉ có mục tiêu ngắn hạn thôi. Ngay cả khi năm nào cũng hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn nhưng thực chất là các CLB đó không đi lên. Và khi chỉ là mục tiêu ngắn hạn thì sẽ dẫn đến việc mình luôn lặp đi lặp lại các sai lầm nhưng lại không biết việc đó.
Thứ hai, tôi không dám nói là tất cả, nhưng có một số người ở một số vị trí tại một số CLB của Việt Nam thực sự nên nghỉ để nhường vị trí quản lý bóng đá cho những người trẻ hơn. Bởi những người đó hiện không phải quản lý đội bóng mà giống như đang quản lý một đơn vị quân ngũ. Điều đó không hợp lý.
Tôi thấy buồn cười ở chỗ người ta nghĩ rằng họ cho cầu thủ chỗ ăn, chỗ ở và ban phát công việc, chứ không phải cầu thủ đến vì mong muốn được cống hiến. Đó là tư duy rất sai lầm.
Ở trong sâu thẳm sự tôn trọng, tôi nghĩ Hà Nội FC nên để Quang Hải ra nước ngoài. Quang Hải nên đi, còn tất nhiên nếu cậu ấy muốn ở lại thì đó là một câu chuyện khác.Khi Quang Hải đi và trở về, tất cả cùng được lợi. Còn nếu Quang Hải ở lại thì chỉ Hà Nội FC được lợi thôi. Và cái lợi của Hà Nội FC cũng chỉ là ngắn hạn.
Nếu Quang Hải không đi, có lẽ Hà Nội FC trong vòng 20 năm tới cũng chỉ có một Quang Hải thôi, không thêm được ai như thế cả. Nhưng nếu Quang Hải đi, đó sẽ là cái lợi dài hạn và tất cả các bên sẽ cùng có lợi.
Tôi ví dụ thế này. Rooney là fan của Everton và đá cho Everton. Cậu ấy sinh ra ở Liverpol, nơi được biết đến là đối đấu với Manchester, nhưng đến tuổi thì Rooney vẫn phải đi. Rooney đi thì chính CLB cũ mới có không gian để phát triển, tuyển thêm được người hay về. Và ngược lại, bản thân Rooney phải đến một CLB lớn hơn để phát triển hết tiềm năng của mình.
- Từ kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc, ông có thể rút ra kết luận gì về bóng đá Việt Nam cũng như bóng đá khu vực?
Bóng đá Đông Nam Á nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng có một điểm rất giống nhau, đó là biết sai mà vẫn làm. Điều này dẫn đến việc chúng ta sẽ phải nhận những thứ mà mình không hề muốn.
Văn hóa của bóng đá Việt Nam là không được hỏi. Từ “ông Tây” đến “ông ta” đều không được hỏi, nên nhiều khi biết không ổn mà vẫn phải làm. Đến khi giải trình lại nói rằng vì sếp muốn thế. Mà “văn hóa” như vậy không thay đổi được thì thành vấn nạn.
Một điều nữa, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng khi người Việt Nam thuê các chuyên gia nước ngoài về làm việc, họ chỉ muốn chuyên gia nói điều mà họ muốn nghe, chứ không phải muốn chuyên gia nói điều cần phải góp ý. Vì thế khó có được sự trung thực trong giao tiếp. Ngay cả bản thân tôi khi đi nói chuyện có lúc cũng phải “giả ngây giả ngô”, nói ra những điều mà đối phương muốn nghe chứ không phải việc mình cần góp ý. Vì quá ít sự trung thực nên mọi thứ khó phát triển.
- Với góc độ cá nhân, ông nghĩ mình có thể làm gì để thay đổi những tình trạng của bóng đá Việt Nam mà mình vừa nhắc đến?
Mục tiêu của tôi là có thể hỗ trợ cho VFF hoặc các CLB V.League nhiều hơn, góp phần mang đến những chương trình phù hợp để phát triển bóng đá tại Việt Nam.
Với cấp độ CLB, không chỉ hỗ trợ về chuyên môn cho HLV trưởng, tôi nghĩ việc hỗ trợ phát triển công tác đào tạo trẻ, xây dựng học viện cũng rất quan trọng. Ngoài ra, phát triển bóng đá nữ cũng là điều cần nhận được sự chú trọng hơn.
Tất nhiên tôi hiểu tôi là một người nước ngoài và mọi việc sẽ không dễ dàng. Nhưng bản thân tôi thực sự mong muốn được đóng góp để bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển hơn. Tôi yêu Việt Nam và muốn thể hiện điều đó bằng những hành động cụ thể!
- Xin cảm ơn ông với cuộc trò chuyện cùng Thethao.vn!
Sau khi kết thúc trận chung kết Cúp C2 châu Âu vào rạng sáng nay, dường như đã xuất hiện va chạm giữa Maguire và Romero. Hai cầu thủ này đã dằn mặt nhau khi kết thúc trận đấu.
Để thua Alexandre Muller, Alexander Zverev đã phải dừng bước ngay tại vòng 2 Hamburg Open 2025. Sau trận, anh đã có những chia sẻ về nguyên nhân mình không có phong độ cao nhất.
Novak Djokovic vừa có chiến thắng đầu tiên trên mặt sân đất nện ở mùa giải năm nay. Kết quả này giúp anh chính thức giành vé vào vòng tứ kết Geneva Open 2025.
HAGL đã có công văn gửi lên VPF sau khi phía CLB Đà Nẵng đề nghi ban tổ chức mời trọng tài ngoại về cầm còi cuộc đấu giữa hai đội ở vòng 24 V.League.
Thủ thành Chatchai Budprom thổ lộ đầy cảm xúc sau trận đấu căng như dây đàn, khẳng định màn trình diễn xuất thần trong loạt luân lưu chính là khoảnh khắc đỉnh cao nhất sự nghiệp của bản thân.
Giải bóng chuyền nữ AVC Nations Cup 2025 diễn ra khi nào, ở đâu? Đây là giải đấu lớn thứ 2 của bóng chuyền châu Á.
Danh sách các đội tham dự giải bóng chuyền nữ AVC Nations Cup 2025 gồm chủ nhà Việt Nam và 10 đội bóng khác.
Bóng chuyền nữ Qatar từ chối dự AVC Nations Cup 2025 tại Việt Nam, như vậy giải đấu chỉ có 11 đội bóng tham dự.
Chức vô địch Cúp C2 2024/25 không chỉ mang lại niềm vui cho các CĐV Tottenham, mà còn chứng minh cái duyên đặc biệt của HLV Angelos Postecoglou. Trong khi đó, Onana và Diallo tiếp tục gắn mình với cái danh “chuyên gia về nhì”.
Sao bóng chuyền Hàn Quốc Jeong Ji-seok gãy xương ngay khi vừa tập trung đội tuyển quốc gia.
Tối qua (21/5), HLV Mano Polking đã thêm một lần nhận thất bại trước Buriram. Nó khiến ông thiết lập nên cột mốc đáng quên trong sự nghiệp, khi thua cả 8 lần phải phân định thắng thua bằng đá luân lưu.
Dù không thể giành chức vô địch Cúp C1 Đông Nam Á sau thất bại cay đắng trên chấm luân lưu trước Buriram Utd, CLB CAHN vẫn có lý do để tự hào khi tiền đạo Alan Grafite giành danh hiệu đồng Vua phá lưới của giải đấu.
Quang Hải tỏ ra rất không hài lòng về các quyết định của trọng tài trong trận chung kết lượt về ở Buriram. Tiền vệ CAHN nhấn mạnh rằng người cầm trịch trận đấu đã có những quyết định bất lợi cho đội bóng của anh.
Cập nhật lịch thi đấu tennis ngày 22/5/2025 với tâm điểm là cá trận đấu thuộc vòng tứ kết Hamburg Open và Geneva Open 2025. Xem lịch thi đấu tennis trong ngày nhanh nhất, chính xác nhất trên iThethao.vn.
Cập nhật kết quả tennis ngày 22/5 với tâm điểm là các trận đấu thuộc vòng 2 đơn nam Hamburg Open 2025. Xem tỷ số các trận đấu tennis trong ngày cùng iThethao.vn.
Nguyễn Filip đã gửi đi một thông điệp trên trang cá nhân sau thất bại đáng tiếc của CAHN trước Buriram vào tối qua...
Nhận định Club America vs Toluca lúc 9h00 ngày 23/5 tại VĐQG Mexico hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Club America vs Toluca.
Tottenham đã chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài suốt 17 năm khi đánh bại MU trong trận chung kết Cúp C2. Thế nhưng, niềm vui của ngày lên ngôi lại bị ảnh hưởng bởi một sự cố hy hữu và khó tin từ phía UEFA: thiếu huy chương để trao cho nhà vô địch.
Nhận định Twente vs NEC Nijmegen lúc 2h00 ngày 23/5 tại VĐQG Hà Lan hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Twente vs NEC Nijmegen.
Nhận định Heidenheim vs Elversberg lúc 1h30 ngày 23/5 tại Play-off VĐQG Đức hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Heidenheim vs Elversberg.