Khoảnh khắc trọng tài Dương Mạnh Hùng bị nhổ nước bọt vào mặt
Sân Lạch Tray vốn nổi tiếng là nơi đi dễ khó về bởi sức nóng từ 3 vạn CĐV. Không chỉ cầu thủ đội khách, trọng tài nhiều khi cũng phải run sợ trước sức ép khủng khiếp của chảo lửa có biệt danh 'San Siro Việt Nam'. Ông vua áo đen Dương Mạnh Hùng là người hiểu hơn ai hết điều đó, với trải nghiệm có một không hai của trọng tài V.League.
Chủ Đề: Thâm cung bóng Việt
"Ông không ra khỏi Hải Phòng được đâu"
Những thước phim kinh điển về V.League ngày xưa là nội dung được phát rất nhiều trên nền tảng mạng xã hội thời gian gần đây. Nếu các bạn muốn dừng lại xem một đoạn video nào đó, hãy chọn video có đội Hải Phòng trên sân Lạch Tray. Mỗi lần trọng tài cắt còi mang lại kết quả bất lợi cho đội nhà là một lần những ông vua áo đen bị rủa xả ngay trên sân bóng.
Tiếng hô vang thóa mạ trọng tài của CĐV Hải Phòng ngày ấy có thể được nghe rõ mồn một trên sóng truyền hình quốc gia. Những lúc bực tức, người hâm mộ đội bóng đất Cảng lại trút giận bằng một cơn mưa "vật thể lạ" xuống sân. Những người nhặt ve chai trong sân Lạch Tray kể trong cái đống hỗn độn họ thu lượm được cơ man nào là giày dép, chai lọ, và cả... điện thoại di động nữa.
Một chú "dế yêu" ngày đó có giá trị tương đương vài chỉ cho đến cả cây vàng, nhưng vẫn bị CĐV Hải Phòng ném đi không thương tiếc vì một bàn thua. Điều đó nói lên phần nào sự khốc liệt trên sân cỏ V.League thời kỳ mới lên chuyên nghiệp. Trên khán đài vốn đã nóng thì dưới sân các cầu thủ lại càng nóng hơn, trọng tài vì thế cũng phải tập trung cao độ để bắt sao cho thật chuẩn xác.
Để làm trọng tài V.League cần có tài năng lẫn bản lĩnh; và chỉ có những người tài năng nhất, bản lĩnh nhất mới được tin tưởng bắt chính 1 trận đấu trên sân Lạch Tray. Đó là lý do trọng tài "đạn bắn không thủng" Dương Mạnh Hùng thường xuyên được tín nhiệm hành quân xuống thành phố Cảng. Ông chính là trọng tài đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu Còi vàng và nổi tiếng nhờ thái độ thẳng thắn, trung thực.
"2/3 số trận tôi bắt ở V.League có người đề nghị bắt thiên vị để nhận lộc". Trọng tài Dương Mạnh Hùng đã chia sẻ với Thethao.vn như thế khi chiêm nghiệm về những biến cố trong quá khứ thời còn làm người cầm cân nảy mực. Nếu không thể mua chuộc trọng tài phía sau cánh gà, các đội bóng sẽ tìm cách hăm dọa ông vua áo đen bằng áp lực trên sân cỏ. Đó có thể là những khán đài chật kín người hoặc thái độ của cầu thủ khi thi đấu.
Trong những chuyến hành quân đến Hải Phòng, sự cố trên sân Lạch Tray mùa giải V.League 2006 cho đến giờ thỉnh thoảng vẫn được Dương Mạnh Hùng nhắc lại như một dấu ấn khó quên trong nghề. Đó là thời điểm đội bóng thành phố Cảng đang loay hoay với cuộc chiến trụ hạng, và họ phải tiếp đón ứng cử viên vô địch Bình Dương. VFF biết đây sẽ là một trận cầu rất nóng nên họ bổ nhiệm ông Hùng bắt chính.
Mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của trọng tài Dương Mạnh Hùng cho đến phút 88, lúc Hải Phòng đang tạm dẫn 1-0. Amaobi bên phía Bình Dương xâm nhập vòng cấm và đối mặt với thủ môn. Hậu vệ Đào Thế Phong của Hải Phòng lao tới phạm lỗi từ phía sau với Amaobi. Ông Hùng ngay lập tức chỉ tay vào chấm phạt đền kèm thẻ đỏ trực tiếp cho Thế Phong, bất chấp hàng loại cầu thủ lao vào cự cãi.
"Tất cả các bạn hãy bình tĩnh. Tôi làm đúng luật. Ai muốn khiếu nại có thể làm điều đó sau trận đấu, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn", trọng tài Dương Mạnh Hùng nói to với những cái đầu nóng bên phía Hải Phòng. Cái uy của một cựu cầu thủ từng tung hoành trên khắp các sân cỏ Việt Nam của ông Hùng khiến đội bóng thành phố Cảng cũng dần dịu đi. Ngoại trừ Thế Phong!
Trong lúc các đồng đội dần tản ra phía ngoài vòng cấm chờ quả phạt đền, chỉ còn mình Thế Phong đứng lại thóa mạ trọng tài Dương Mạnh Hùng. Được ông vua áo đen, cũng là người đàn anh khuyên can hết mực, Thế Phong vẫn buông lời hăm dọa: "Thích đánh nhau không? Ông không ra khỏi Hải Phòng được đâu!". Rồi cầu thủ này cởi áo, đi về phía ông Hùng, nhổ nước bọt thẳng vào mặt ông vua sân cỏ trước khi ra ngoài sân.
Cái kết buồn của Thế Phong và Hải Phòng
Ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, có thể ví Thế Phong là một cầu thủ không thể thiếu của Hải Phòng bên hành lang cánh trái. Anh có thể đá tốt cả vị trí hậu vệ lẫn tiền vệ nhờ tốc độ tốt cùng những quả tạt như đặt vào cho tiền đạo phía trong. Đáng tiếc là Thế Phong chưa bao giờ giữ được sự điềm tĩnh trên sân cỏ. Tính khí nóng nảy cùng hành động thiếu suy nghĩ của anh không ít lần khiến đội nhà mang họa.
Mãi sau này trọng tài Dương Mạnh Hùng mới chia sẻ ông vô cùng tức giận trước cách hành xử vô văn hóa của Thế Phong trong trận đấu hôm đó. Chỉ có sự từng trải của một người đã bước qua tuổi 40 ở thời điểm đó mới giúp ông Hùng kìm nén cảm xúc, tránh một màn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cầu thủ ngay trên sân bóng. Thay vì lời qua tiếng lại với Thế Phong, ông chỉ cười với giọng chua chát.
"Em dại lắm Phong ạ, hậu quả em tự chịu đấy", trọng tài Dương Mạnh Hùng nói với cầu thủ Hải Phòng khi anh quay lưng bước đi. Thay vì để trận đấu tiếp tục diễn ra, ông bước ra chỗ trọng tài bàn tường thuật lại vụ việc cùng bãi nước bọt vẫn còn nguyên để làm bằng chứng. Hải Phòng hôm đó mất 3 điểm đầy đáng tiếc trên sân Lạch Tray, nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó.
Ít ngày sau khi trận đấu kết thúc, Ban kỷ luật VFF quyết định phạt Thế Phong 10 triệu đồng cùng án treo giò 6 tháng vì hành vi phi thể thao. Đáng chú ý hơn, đó không phải lần đầu tiên Phong nhận thẻ đỏ, cũng không phải lần đầu anh bị cấm thi đấu ở V.League 2006. Ở giai đoạn lượt đi mùa giải ấy, Phong từng lập kỷ lục nhận 2 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ chỉ trong... 5 trận.
Một trong những tấm thẻ đỏ ở lượt đi V.League 2006 đã khiến Thế Phong bị treo giò 6 trận. Người khiến anh phải rời sân ngày hôm đó cũng chính là trọng tài Dương Mạnh Hùng! Liên tiếp mất đi trụ cột quan trọng vì bị cấm thi đấu, Hải Phòng thi đấu trồi sụt ở mùa giải năm đó. Họ xếp áp chót trên bảng xếp hạng V.League và phải đá trận playoff trụ hạng với Huda Huế.
Trên sân Thiên Trường, cái tên Dương Mạnh Hùng một lần nữa trở thành vận xui với đội bóng thành phố Cảng. Kết thúc 120 phút bất phân thắng bại, 2 đội dẫn nhau đến loạt sút luân lưu. Hải Phòng thua, chính thức xuống hạng. Đó là kết quả không ai ngờ đến trước khi bóng lăn, đánh dấu thời điểm cầu thủ đội bóng thành phố Cảng tứ tán mỗi người một nơi.
Mến mộ tài năng của Thế Phong, CLB Đà Nẵng đưa anh về thi đấu ở mùa giải V.League 2007, nhưng anh cũng chỉ ở đây 1 năm rồi quay lại Hải Phòng. Đến năm 2010, Thế Phong vào Nam đầu quân cho Tây Ninh. Từ V.League xuống giải hạng Nhất, Phong vẫn là cầu thủ ngổ ngáo trên sân cỏ. "Phạt Thế Phong 15 triệu đồng, treo giò 6 trận vì đe dọa trọng tài ở giải hạng Nhất 2010" là dòng tin tức cuối cùng về cầu thủ này trên các trang báo thể thao.
Lần hẹn gặp không thành
"Ngay tối hôm kết thúc trận đấu giữa Hải Phòng và Bình Dương, tôi ăn uống tắm rửa xong rồi gọi xe ôm đến đại bản doanh đội Hải Phòng", trọng tài Dương Mạnh Hùng kể. Lý giải về việc "tự chui đầu vào hang cọp" đó, ông Hùng nói mình khi ấy muốn ba mặt một lời nói chuyện rõ ràng với Thế Phong. Chẳng biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào nếu 2 người giáp mặt nhau, bởi hôm đó ông Hùng không gặp được cầu thủ này.
Thay vì để Thế Phong ra nói chuyện với trọng tài Dương Mạnh Hùng, người tiếp ông vua áo đen "đạn bắn không thủng" ngày hôm đó là HLV Đinh Thế Nam. Là bạn đồng niên, lại từng là đồng đội cũ thời còn thi đấu nên HLV Đinh Thế Nam đã lựa lời khuyên can trọng tài Dương Mạnh Hùng, nói Thế Phong chỉ bảo vậy trong lúc nóng giận. Mãi sau này khi ông Hùng về Hải Phòng làm việc, mọi người mới bảo Thế Phong nhờ gửi lời xin lỗi.
Cả Thế Phong và trọng tài Dương Mạnh Hùng đều có số phận khá tréo ngoe với trái bóng. Vốn là thủ môn ở đội trẻ, Thế Phong được đôn lên đá tiền đạo ở giải U21 quốc gia vì Hải Phòng thiếu người. Từ đó anh bắt đầu bén duyên với nghiệp cầu thủ. Hơn 1 thập niên gắn bó với bóng đá Hải Phòng, Thế Phong giải nghệ một cách âm thầm và lặng lẽ, trái ngược hoàn toàn với hàng loạt rắc rối mình từng gây ra trước kia.
Cuộc sống hậu sự nghiệp của Thế Phong cũng gặp không ít khó khăn. Cầu thủ này phải làm khá nhiều nghề, nhưng công việc của anh thời gian qua chịu ảnh hưởng không ít từ dịch COVID-19. May mắn cho Thế Phong là anh vẫn có những đồng đội cũ sát cánh bên cạnh và giúp đỡ. Những lúc rảnh rỗi, cựu cầu thủ Hải Phòng đôi lúc lại xuất hiện trên sân đấu phủi. Giải nghệ đã 10 năm nhưng Phong vẫn có thể đá 2-3 trận trong ngày nếu có “kèo”.
Về phần Dương Mạnh Hùng, ông từng theo nghiệp quần đùi áo số và thi đấu cho nhiều CLB tại Hà Nội như Quân khu Thủ đô, Quân đội, Công an Hà Nội... Sau ngày giải nghệ, Dương Mạnh Hùng theo học lớp huấn luyện trọng tài. Ông được đánh giá là một trong những ông vua áo đen có đẳng cấp cao nhất của bóng đá Việt Nam nhưng chưa bao giờ được công nhận là trọng tài cấp FIFA. Đến năm 2007, ông bất ngờ bị loại trong buổi sát hạch trước thềm V.League.
Kể từ đó, trọng tài Dương Mạnh Hùng không bao giờ xuất hiện trong một trận đấu chính thức nào nữa. So với Thế Phong, cuộc sống hậu sự nghiệp sân cỏ của trọng tài “đạn bắn không thủng” còn có phần khó khăn hơn. Gia đình đổ vỡ, còn cá nhân trọng tài Dương Mạnh Hùng từng trải qua hơn 1 năm nằm liệt giường vì di chứng chấn thương dây chằng năm nào. Cái đầu gối đau mỗi khi trái gió trở trời khiến Dương Mạnh Hùng già đi rất nhiều so với tuổi hiện tại.
Trưởng ban trọng tài VFF: ‘ĐT Việt Nam đáng ra phải được hưởng penalty’
Ông Dương Văn Hiền, Trưởng ban trọng tài VFF cho rằng ĐT Việt Nam xứng đáng được hưởng quả penalty ở tình huống Hồng Duy sút bóng trúng tay hậu vệ Australia.
HLV Park Hang Seo nói về 2 tình huống bóng chạm tay tranh cãi: 'Tôi chỉ biết tuân theo trọng tài'
Tại vòng loại cuối World Cup 2022, tuyển Việt Nam phải đối mặt 2 tình huống bóng chạm tay gây tranh cãi liên quan đến Đỗ Duy Mạnh và Nguyễn Phong Hồng Duy.
VFF gửi đơn đề nghị AFC đánh giá lại chất lượng trọng tài ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022
VFF đã có những hành động kịp thời đề nghị AFC xem lại công tác trọng tài trong thời gian qua, đặc biệt là ở trận đấu giữa Việt Nam gặp Australia.
Vì sao trọng tài không công nhận bàn thắng cho ĐT futsal Việt Nam, kể cả khi sử dụng VS
Trọng tài không công nhận bàn thắng của thủ môn Hồ Văn Ý vào lưới tuyển futsal Panama trong hiệp một sau khi tham khảo VS.