Hàng thủ tuyển Việt Nam trả giá vì lối đá phiêu lưu và non nớt
Sau 4 trận đầu vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã phải nhận đến 4 quả phạt đền. Khó có thể trách trọng tài hay công nghệ VAR, vì tình huống phạm lỗi của cầu thủ Việt Nam đều rất rõ ràng dưới những thước phim quay chậm. Nhưng 4 quả phạt đền đó chưa phản ánh hết mối nguy tiềm tàng trong lối phòng thủ của ĐT Việt Nam.
Chủ Đề: ĐT Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022
Thông tin bên lề trước trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Oman cho biết đội chủ nhà đã thực hiện một giáo án khá lạ lùng trước giờ bóng lăn: Tập đá phạt đền! Một bài tập thường chỉ thực hiện trước những trận thuộc vòng đấu loại trực tiếp, nay lại được Oman sử dụng để hướng đến cuộc đối đầu với Việt Nam. Hành động kỳ quặc đó cuối cùng lại trở thành sự thực đau lòng cho người hâm mộ ĐT Việt Nam. Chúng ta phải nhận 2 quả phạt đền trong 90 phút.
Khoảnh khắc đội tuyển Việt Nam thực sự gục ngã trước Oman xảy đến khi chúng ta phải nhận bàn thua thứ 3. Duy Mạnh ngơ ngác trước tình huống phạm lỗi khiến đội nhà phải nhận quả phạt đền thứ 2 trong trận đấu này, còn bản thân anh cũng phải nhận thẻ vàng. Vậy tình huống Duy Mạnh (và cả Tấn Tài trước đó) va chạm trong vòng cấm có thực sự là phạm lỗi? Trọng tài liệu có thiên vị đội tuyển Oman trong trận đấu này, khi phần lớn quyết định ông đưa ra đều có lợi cho chủ nhà?
Hãy cùng xem xét lại từng tình huống dẫn đến phạt đền cho Oman ở trận đấu này. Trong pha bóng thứ nhất, Tấn Tài đã vung vào mặt cầu thủ Oman một cách đầy lộ liễu ngay trước mặt trọng tài chính. Ông lập tức chỉ tay vào chấm phạt đền mà không cần tham khảo đến VAR. Kết quả kiểm tra lại qua máy quay chậm sau đó cũng cho thấy việc thổi phạt đền là hoàn toàn chính xác. Oman không thực hiện thành công quả phạt đền đó, nhưng họ đã có bàn thắng ở lần thứ 2 dứt điểm.
Trọng tài chính Adham Makhadmeh có thể không quan sát trực tiếp khoảnh khắc Duy Mạnh vung tay vào mặt cầu thủ Oman, nhưng khi tham khảo video từ phòng VAR, ông cũng không mất nhiều thời gian để chỉ tay vào chấm phạt đền. Cánh tay Duy Mạnh rõ ràng đã vung ra với một quỹ đạo và tốc độ bất thường so với đà tiếp đất. Điều đó trở thành căn cứ để Oman được hưởng quả phạt đền thứ 2 trong trận gặp đội tuyển Việt Nam, và trọng tài chính không hề thiên vị.
Đáng chú ý hơn, đây không phải lần đầu tiên các hậu vệ ĐT Việt Nam đưa đội nhà vào thế khó bằng những quả phạt đền. Ở trận gặp Saudi Arabia, chúng ta cũng có 2 lần bị trọng tài thổi phạt penalty. Một quả trong số đó còn dẫn tới tấm thẻ đỏ cho Duy Mạnh. Tính trong khuôn khổ vòng loại World Cup, Việt Nam cũng bị thổi đến 9 quả phạt đền, nhiều hơn bất cứ đội tuyển nào khác. Phạm lỗi trong vòng cấm trở thành căn bệnh trầm kha nơi hàng thủ Việt Nam suốt nhiều năm qua.
Một vài người hẳn sẽ thắc mắc: Khi thi đấu ở V.League, các cầu thủ đâu có mắc những lỗi đó? Tại sao khi chơi ở đấu trường quốc tế thì họ lại vướng phải sai lầm sơ đẳng như vậy? Trên thực tế, những cú vung tay như Tấn Tài hay Duy Mạnh làm là điều thường xuyên xảy ra tại V.League nhưng hiếm khi nào trọng tài đứng ra thổi phạt. Số lượng máy quay hạn chế cùng việc chưa phổ cập VAR trong giải vô địch quốc gia khiến những hậu vệ có thể phạm lỗi kín mà không lo bị phát hiện.
Chính HLV Park Hang Seo là người nhận thức rõ hơn ai hết về thói quen phạm lỗi trong vòng cấm của các cầu thủ Việt Nam. Ông thậm chí biết điều này ngay từ khi mới đặt chân đến dải đất hình chữ S làm việc, và thẳng thừng nói chuyện đó trong phòng họp báo như sau trận thu Saudi Arabia. Ở những kỳ tập trung đội tuyển quốc gia, ông còn phải gọi riêng một số trung vệ ra nhắc nhở về việc bỏ thói quen phạm lỗi kín. Họ có thể trót lọt ở V.League, nhưng đấu trường quốc tế thì không.
Thủ môn Nguyên Mạnh là người rõ hơn ai hết về hậu quả phải nhận với một tình huống phạm lỗi kín ở đấu trường quốc tế. Từ một người gác đền chắc suất bắt chính ở đội tuyển quốc gia, Nguyên Mạnh suýt mất nghiệp vì tấm thẻ đỏ khi đấu Indonesia ở bán kết lượt về AFF Cup 2016 trên sân Mỹ Đình. Pha đánh kín của Nguyên Mạnh với tiền đạo Indonesia ở thời chưa có VAR không bị trọng tài chính nhìn thấy, nhưng trọng tài biên lại quan sát được.
Hình ảnh Quế Ngọc Hải mặc áo thủ môn đứng trong khung gỗ bắt phạt đền cho đến giờ vẫn là một trong những khoảnh khắc ám ảnh nhất của bóng đá Việt Nam. Nó thể hiện sự non nớt trong tâm trí của các cầu thủ đứng trên sân, khi họ nghĩ mình có thể qua mặt trong tài và hàng nghìn máy quay chĩa vào. Với tiến bộ của công nghệ, mọi quyết định gây tranh cãi đều được phơi bày hết trước ống kính, thế nên khả năng cầu thủ qua mặt trọng tài như "Bàn tay của Chúa" năm nào là điều không thể.
Kỳ tích giành ngôi Á quân U23 châu Á 2018 của đội tuyển Việt Nam cũng là một con đường bước trên rất nhiều quả phạt đền không đáng có. Chúng ta bị thổi 1 tình huống penalty ở trận tứ kết với Iraq, và thêm 1 quả nữa khi đấu Qatar. Chứng kiến cảnh đó diễn ra ở các giải đấu quốc tế mà chúng ta tham dự, HLV Park Hang Seo không ít lần nhận xét "Cầu thủ Việt Nam có thói quen phạm lỗi trong khu cấm địa". Đó chính là nguyên nhân dẫn đến 9 quả phạt đền ở vòng loại World Cup.
Sự non nớt, những cái tay vung thừa theo lối trả đũa trẻ con như thế không chỉ thể hiện ở 2 tình huống đội tuyển Việt Nam bị thổi phạt đền. Ở những phút cuối trận, khi đồng đội phá bóng trước cầu môn, Văn Toản có một "hành động lạ". Anh không bắt rồi đưa bóng nhập cuộc trở lại ngay lập tức, mà chậm lại một nhịp để cầu thủ Oman xông vào. Việc đối thủ ở khoảng cách gần hơn giúp Toản có cơ hội dùng vai huých cầu thủ đội bạn một cái khi bắt bóng.
Mọi chuyện sẽ ra sao nếu như Oman thấy tỷ số 3-1 là chưa đủ? Trọng tài có dùng VAR can thiệp và thổi thêm một quả phạt đền nữa nếu như tiền đạo đội bạn ngã ra? Cái vung tay, huých vai như Tấn Tài, Duy Mạnh và Văn Toản đã làm ở trận gặp Oman cho thấy cầu thủ Việt Nam còn quá non nớt khi thi đấu ở những giải lớn. Họ chưa nhận thức được mỗi động tác thừa đều có thể trở thành một pha phạm lỗi bị cả thế giới nhìn vào qua ống kính máy quay.
Bên cạnh lối đá hồn nhiên và ngây thơ đó, hàng thủ Việt Nam còn nhiều lần khiến đội nhà lâm vào thế khó bởi phong cách chơi bóng phiêu lưu đến khó tin. Ở tình huống Duy Mạnh phạm lỗi dẫn tới phạt đền, anh không phải người mắc sai lầm đáng trách nhất. Hồng Duy mới thực sự là người cần cải thiện thói quen phòng ngự, khi anh phá bóng lỗi, biến nó thành một quả tạt bổng ngay trước vòng cấm địa. Tiến Dũng cũng thi đấu không tập trung ở đầu trận, khi anh có 2 đường chuyền hỏng liên tiếp trong 10 phút đầu tiên.
Nếu ví đội bóng như một ngôi nhà, thì hàng phòng ngự chính là nền móng giúp cả đội hướng đến hàng công. Phải đến khi gặp mặt những đối thủ ở đẳng cấp châu Á, chúng ta mới nhận ra mình sở hữu một bộ móng quá yếu. Để giải quyết tình trạng đó, biện pháp duy nhất những người làm bóng đá Việt Nam có thể làm lúc này là thay đổi một cách căn bản từ công tác tư duy cho cầu thủ. Một cái vung tay, huých vai thừa cũng có thể là lỗi và biến một ngôi sao trở thành tội đồ.
Trưởng ban Trọng tài VFF: ‘Trọng tài không nghe VAR trong tình huống Việt Nam đáng được hưởng penalty’
Trưởng ban Trọng tài VFF - Dương Văn Hiền khẳng định có hai tình huống mà VAR và trọng tài chính Makhadmeh Adham đã sai lầm gây bất lợi cho đội tuyển Việt Nam.
Thủ môn ĐT Oman: 'Thắng Việt Nam, chúng tôi trở lại với cuộc đua giành vé dự World Cup'
Fayez Al-Rashidi, thủ môn đội tuyển Oman, tin rằng chiến thắng trước Việt Nam mới đây sẽ giúp anh cùng các đồng đội trở lại với cuộc đua giành vé dự World Cup 2022.
CĐV Việt Nam dậy sóng vì trọng tài 'thân mật' với cầu thủ Oman
Hình ảnh trọng tài tươi cười với các cầu thủ chủ nhà ở những phút cuối trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Oman ở vòng loại World Cup 2022 đã khiến cho không ít CĐV cảm thấy nóng mắt.
Truyền thông Oman: 'Những chiến binh đỏ đập tan sự ngoan cố của ĐT Việt Nam'
Sau màn lội ngược dòng trước ĐT Việt Nam, các trang báo Oman hầu hết đều dành lời khen ngợi cho tinh thần chiến đấu của đội nhà để hồi sinh lại hy vọng vượt qua vòng lại World Cup 2022.
Bình tĩnh Việt Nam ơi, đừng đi vào vết xe đổ của người Thái!
Trận thua Oman báo hiệu tương lai dậy sóng của HLV Park Hang Seo. Tuy nhiên, sẽ là quá vội vàng nếu người hâm mộ Việt Nam tạo áp lực khiến HLV người Hàn Quốc phải từ chức hoặc bị sa thải vì thất bại tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đừng quên, bài học của người Thái Lan và HLV Kiatisuk Senamuang vẫn còn nguyên giá trị!