GAM Izumin: Mỗi ngày, tôi luôn tưởng tượng ra cảnh nhận Huy chương vàng SEA Games 31
Ngồi trò chuyện cùng Thethao.vn, Quản lý cấp cao Izumin đã có những chia sẻ thú vị về sự nghiệp LMHT, đồng thời nhấn mạnh GAM Esports đặt tham vọng rất lớn trong năm 2022 với nhiều giải đấu mang tầm cỡ khu vực lẫn thế giới.
Nguyễn “Izumin” Khánh Hiệp không phải là cái tên xa lạ với cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại khi từng khoác áo Saigon Jokers trước khi chuyển sang làm bình luận viên và nay là Quản lý cấp cao tại GAM Esports. Trải qua cuộc hành trình dài gần 10 năm, trước mặt Izumin lúc này là cơ hội làm nên lịch sử khi GAM Esports đại diện cho Việt Nam ở SEA Games 31 và đang đếm từng ngày bước lên bục nhận Huy chương vàng.
Xin chào độc giả của Thethao.vn, tôi là Nguyễn “Izumin” Khánh Hiệp, hiện là Quản lý cấp cao của GAM Esports.
- Trong chặng đường 2 năm, anh cảm thấy cá nhân mình và GAM đã thay đổi ra sao?
Tôi gia nhập GAM ở thời điểm đội tuyển khó khăn nhất về tất cả mọi thứ, từ tài chính đến nhân sự. Khá nhiều tuyển thủ giỏi đã nói lời chia tay với GAM. GAM phải bắt đầu lại, không hẳn là từ con số 0 nhưng đó là mớ hỗn độn. Sau 2 năm, tôi cảm thấy chúng tôi đã trải qua hành trình thực sự vất vả và tôi hài lòng, mãn nguyện với thành tựu mà GAM đạt được.
Từ tuyển thủ đến huấn luyện viên, các bạn đã gặp nhiều khó khăn và cùng đội vượt qua những giai đoạn gian khó nhất để được như bây giờ.
- Anh vừa chia sẻ rằng GAM không phải bắt đầu lại từ số 0. Vậy theo anh, GAM của hiện tại đang là số mấy?
Nếu các bạn để ý, từ xưa đến nay GAM luôn có những giai đoạn thăng trầm. Năm 2014, chúng tôi được thành lập và nòng cốt là những thành viên ở phòng net. Sau đó, họ nhận những thất bại để rồi lột xác và giành 1 chức vô địch. Tuy nhiên, GAM lại bắt đầu đi xuống cho tới năm 2017. Thời điểm ấy, chúng tôi thực hiện sự thay đổi lớn trong đội hình.
GAM bắt đầu tuyển những tài năng khác vào, họ tạo ra lịch sử vào năm 2017 và lại đi xuống thêm một lần nữa. Luôn có những giai đoạn thăng trầm liên tục như vậy tại GAM. Tôi nghĩ từ mớ hỗn độn mà chúng tôi hay gọi là “sự trầm xuống” ấy, GAM đã lên được số 8 hoặc 9. Điều làm tôi cảm thấy chưa thực sự tuyệt vời là GAM chưa được thi đấu các giải quốc tế trong khoảng thời gian tôi gia nhập đội tuyển.
GAM vẫn chỉ thi đấu VCS, có cơ hội đến với SEA Games 31 nhưng chưa có cơ hội thi đấu ở đấu trường quốc tế. Đó có lẽ là thiếu sót để chúng tôi có thể lên được số điểm cao hơn.
- Anh từng chia sẻ mình quản lý mọi vấn đề của GAM với vai trò Giám đốc vận hành. Tuy nhiên, lúc anh đến với GAM, các đội VCS không được đi MSI cũng như CKTG. Anh đã gặp những khó khăn gì trong quá trình vận hành GAM?
Đầu tiên phải đề cập đến việc GAM có một vài siêu sao. Tất nhiên, làm việc với các siêu sao cũng không phải dễ dàng. Thứ hai, tại GAM có những di sản, có lịch sử lâu đời được các tuyển thủ thế hệ trước, hệ thống trước để lại. Chúng tôi luôn nghĩ đến việc tiếp nối những di sản ấy. GAM phải là số một hoặc không là gì cả.
Chúng tôi phải luôn nghĩ rằng làm thế nào để vô địch chứ không phải làm thế nào để trụ hạng hay lọt vào Top 4 hay có được vé đến CKTG. Và khi đến với CKTG, GAM cũng nghĩ đến việc đánh bại các đội tuyển lớn trên thế giới để đem vinh quang về cho đất nước chứ không chỉ đơn giản tham dự giải đấu để học hỏi và ra về.
- Trước khi đến với GAM, anh từng là bình luận viên và streamer. Liệu có khoảng cách lớn giữa anh và các tuyển thủ của GAM không khi anh chưa từng đảm nhận vị trí nào tương tự trong quá khứ?
Về sự nghiệp, tôi cũng bắt đầu giống như những khán giả đang xem hay những người thi đấu Esports. Tôi từng là những cậu bé chơi tại phòng net và sau đó đi thi đấu chuyên nghiệp. Năm 2012, tôi bắt đầu thi đấu cho Saigon Jokers chỉ vỏn vẹn vài tháng nhưng đó cũng là một trải nghiệm. Kế đó, tôi bắt đầu sự nghiệp bình luận viên.
Tuy nhiên, có bước chuyển mình vào năm 2013 khi tôi bắt đầu làm quản lý và một phần liên quan đến chuyên môn cho Hanoi Dragons và Hanoi Phoenix. Đó là những đội tuyển chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được đào tạo và xây dựng bài bản ngay từ đầu do Garena tài trợ.
Tôi đã có kinh nghiệm từ thời điểm ấy và cũng làm việc với khá nhiều siêu sao ở khu vực miền Bắc. Từ 2014 - 2020, tôi trải qua giai đoạn 6 năm không làm những công việc liên quan đến các đội tuyển chuyên nghiệp, chỉ làm bình luận viên, làm streamer. Dù vậy, khi quay lại, tôi vẫn có một ít kinh nghiệm từ lần làm việc trước đó nên cũng không gặp nhiều khó khăn.
- Anh đã gắn bó với VETV trong khoảng thời gian 6 năm với vai trò bình luận viên. Cảm xúc của anh thế nào khi chính thức chia tay sự nghiệp bình luận vào năm 2018?
Mỗi người có một kế hoạch cho cuộc đời của mình, tôi cũng vậy. Khi gia nhập Garena, ngay từ đầu tôi xác định mình chỉ làm bình luận viên trong 5 năm. Việc tôi gắn bó với nghề 6 năm đã hơi “sai” so với kế hoạch ban đầu. Tôi muốn ra ngoài làm các công việc khác để có thêm kỹ năng, có thêm trải nghiệm trong cuộc sống, đó là điều tôi mong muốn.
Tôi không muốn làm một công việc cụ thể nào đó suốt cả đời. Vì vậy, tôi cần thay đổi và có làm những nghề như streamer và nghề liên quan đến “Agency”. Tôi làm khoảng 2 đến 3 năm và được mời vào làm việc tại GAM. Đây cũng là một trải nghiệm mới và tôi thích những trải nghiệm như vậy.
- Những công việc như bình luận viên, streamer hơi mang thiên hướng giải trí và anh sắm vai là người của công chúng. Tuy nhiên, công việc tại GAM lại vô cùng nghiêm túc. Anh có nghĩ rằng Izumin của trước đó hay Khánh Hiệp ở hiện tại là 2 người hoàn toàn khác nhau không?
Tôi nghĩ con người tôi vẫn vậy. Từ trước đó, tôi mang vẻ ngoài khá “lầy lội” nhưng không nhiều người biết được nhiều tính cách bên trong tôi. Thấy tôi hay cười và pha trò, mọi người đều nghĩ tôi dễ gần. Tôi không dám nhận mình là người sống hướng nội, tuy nhiên tôi cũng không thích giao tiếp nhiều với những người quá lạ lẫm với mình và tôi thường bị “ngại”.
Tôi thích lùi về phía sau hơn. Dần dần, sở thích và cá tính ấy xuất hiện nhiều hơn trong tôi để dẫn đến công việc như hiện tại. Tôi nghĩ rằng, Khánh Hiệp ở hiện tại đang tìm được đúng điều mình mong muốn hơn Izumin của ngày xưa.
- Khi anh mới gia nhập GAM, phản ứng của các tuyển thủ ra sao khi đó gần như là những người anh tiếp xúc mỗi ngày?
Tôi không nghĩ rằng các tuyển thủ quan tâm quá nhiều đến việc tôi gia nhập đội tuyển. Tôi nghĩ rằng các bạn muốn có người đứng đằng sau hỗ trợ mình về những khâu như luyện tập hay thi đấu. Tất nhiên vẫn có những mảng khác khi tổ chức đã đầu tư về chi phí, về hình ảnh - những thứ trước đó GAM đã làm rất tốt rồi.
Khá may mắn khi ở thời điểm tôi cập bến GAM, những tuyển thủ “cứng” nhất như Levi hay Kiaya sắm vai “anh cả”, sắm vai người đi trước và đã làm hết nhiệm vụ tôi cần phải làm như dạy các tuyển thủ phải làm gì, nói năng ra sao hay thái độ sống, thái độ luyện tập thế nào. Tôi cũng bất ngờ khi thế hệ tuyển thủ khi tôi làm việc ở Hanoi Dragons vào năm 2013 và GAM của năm 2020 hoàn toàn khác nhau.
Các bạn hiện tại đã có góc nhìn nhận về cuộc sống, về công việc tốt hơn hẳn so với ngày xưa. Các bạn cực kỳ nghiêm túc và hướng dẫn cho những người mới vào. Đó là sự khác biệt.
- Anh nghĩ gì khi NRG đầu tư vào GAM? Động thái này mang ý nghĩa thế nào với GAM nói riêng và LMHT Việt Nam nói chung?
Cách đây 6 - 7 năm, thời Esports còn chưa phát triển, tôi luôn có mong muốn làm thay đổi nền Esports Việt Nam dù sợ khi nói ra, nhiều người nghĩ rằng tôi đang “đao to búa lớn”. Tuy nhiên, đó là mong muốn của tôi. Tôi muốn mọi thứ phát triển hơn, hoành tráng hơn và tôi là người có tiêu chuẩn rất khắt khe về một đội tuyển Esports.
Tôi muốn các tuyển thủ phải thế này, phải thế kia, không hề có chuyện “toxic”, chửi nhau, đi đêm hay bán độ, tôi không bao giờ chấp nhận những chuyện như thế. Nhiều người khác thường có suy nghĩ rằng “Thôi, tha cho bạn này một lần, cho bạn cơ hội để bạn ghi nhớ”. Với tôi thì không, tôi sẽ cho một tuyển thủ phải chịu trách nhiệm nếu có những hành vi kể trên.
Tôi cảm thấy mình tương đối khắc nghiệt với những chuyện như vậy. Có lẽ đó cũng là lý do làm nên tố chất trong con người tôi. Về NRG, họ là tổ chức rất lớn tại Bắc Mỹ và bắt đầu đầu tư cho Esports Việt Nam. Họ có những nền tảng, bộ khung có sẵn và áp dụng khi chuyển vùng hoạt động sang Việt Nam.
Khi đó, GAM có cơ sở vật chất tốt hơn, có những người lãnh đạo tốt hơn để đưa đội tuyển bước đi trên hành trình sắp tới. Phía NRG không chỉ đơn giản muốn các tuyển thủ chỉ chơi game mà còn phải biết nhiều thứ hơn. Tôi chưa bao giờ thấy đội tuyển nào ở Việt Nam đưa tuyển thủ tham gia các buổi thuyết trình để giảng dạy về các vấn đề trong cuộc sống.
Ngoài ra, NRG còn mang tới cho các bạn những hoạt động khác như luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe và trang thiết bị cũng cực kỳ tốt. Tôi chưa từng thấy đội nào ở Việt Nam quan tâm đến tuyển thủ tốt như NRG Asia.
- Dựa vào những gì anh vừa chia sẻ, liệu GAM có hướng đến việc bổ sung một huấn luyện viên hiệu suất như các tổ chức lớn ở châu Âu hay Bắc Mỹ không?
Một đội ở Hàn Quốc, Trung Quốc có rất nhiều huấn luyện viên. Thậm chí, ở Suning Gaming, mỗi vị trí trong đội hình chính đều có một huấn luyện viên theo kèm, chỉ dẫn. Lấy ví dụ ở các môn thể thao truyền thống như bóng đá, các bạn có thể thấy họ có huấn luyện viên thủ môn, huấn luyện tiền đạo, hậu vệ hay cả huấn luyện viên thể lực.
Càng nhiều vị trí trong thành phần ban huấn luyện chứng tỏ sự phát triển của bộ môn ấy càng lớn. Việc GAM có huấn luyện viên hiệu suất hay không phụ thuộc vào yếu tố con người. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có đủ sức ngồi vào vị trí đó không. Thực ra, ở Việt Nam, các bạn huấn luyện viên chỉ là những tuyển thủ hay những bạn có hiểu biết về game tốt hơn người khác.
Họ là những người đảm nhận vai trò về chuyên môn. Có những người am hiểu về số liệu sẽ tham gia vào vị trí này. Tuy nhiên, chưa có ai đi học để làm về hiệu suất của một tuyển thủ hay sở hữu chứng chỉ để chứng minh mình có khả năng. Tôi cũng rất mong chờ sẽ xuất hiện những nhân vật làm thể thao truyền thống và biết về Esport sẽ can thiệp để hỗ trợ các tuyển thủ về thể lực, hiệu suất. Đó sẽ là điều rất tuyệt vời.
- SEA Games 31 có phải là tiền đề để những nhân vật anh vừa đề cập biết đến Esports nhiều hơn?
Tôi nghĩ là có thể. Tuy nhiên, ở Việt Nam, độ tuổi của những huấn luyện viên thể thao truyền thống tương đối lớn để có thể tiếp cận với Esports, đó không phải là điều dễ dàng. Thông thường, những người có năng lực làm Esports rơi vào độ tuổi 25 - 30.
Tuy nhiên, hãy thử nghĩ xem, thật khó để ai quan tâm đến việc trở thành huấn luyện viên ở độ tuổi đó, trừ những người trong ngành Esports. Bởi lẽ, khi 25 - 30 tuổi, họ còn muốn được thi đấu và làm những điều cao siêu hơn. Đó là điều còn khá rắc rối tại Việt Nam.
Dù vậy, tôi nghĩ rằng khi lứa HLV hiện tại “già” hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn và chịu khó đi học hỏi, được sang Hàn Quốc hay Trung Quốc để trau dồi, có lẽ chúng ta sẽ có thêm nhiều vị trí như vậy trong tương lai.
- Sau trận chung kết vòng tuyển chọn, các tuyển thủ GAM đã có khoảnh khắc bùng nổ, đặc biệt là Kiaya. Vậy khi các tuyển thủ quá “hừng” như vậy, đây có phải là áp lực cho GAM trước khi bước vào SEA Games 31?
Thực tế cho thấy các tuyển thủ rất vất vả. Nếu như ai chưa biết về lịch trình của GAM, thường các bạn sẽ dậy lúc 11h, ăn trưa lúc 12h và sẽ luyện tập từ 13h - 16h. Sau đó, các bạn sẽ tiếp tục ăn uống và luyện tập từ 18h đến tầm 21h - 22h. Chế độ này sẽ duy trì 5 ngày/tuần nếu như trong tuần chỉ có 1 trận thi đấu.
Ở giai đoạn cao điểm như vòng loại SEA Games 31, hầu như GAM không nghỉ ngơi. Và khi đạt được thành quả sau những ngày tháng kìm nén đó, chuyện bùng nổ là bình thường và không có gì là “quá hừng”. Hơn thế nữa, Kiaya là tuyển thủ chăm chỉ nhất ở cả khâu luyện tập cá nhân lẫn đồng đội. Cho nên, việc Kiaya bùng nổ rất đúng với cảm xúc của một tuyển thủ.
- Đâu là trận đấu khó khăn nhất của GAM ở vòng tuyển chọn SEA Games 31?
Có lẽ là trận thua SE. Đó không phải là trận thua làm ảnh hưởng đến thành tích của toàn đội. Tuy nhiên, thất bại đó đến ở thời điểm vừa nghỉ Tết xong và quay trở lại. Chúng tôi có lịch thi đấu và luyện tập không quá thoải mái. Mọi thứ cứ liên tục và đó là trận thua không đáng có, GAM hoàn toàn có thể thắng ở trận đấu ấy.
Sau thất bại, các thành viên không nói gì nhiều với nhau. Dù vậy, trong buổi họp, các bạn tỏ ra rất nghiêm túc tập trung cho vòng tuyển chọn SEA Games 31 để trở lại mạnh mẽ. Thế nên, trong 1 số của series #GAMLife, chúng tôi có gửi lời cảm ơn đến SE vì đã thắng GAM ở trận đấu ấy. Đó là một “cú vả”, một gáo nước lạnh để các bạn tỉnh ngộ.
- Cảm xúc của anh ra sao khi SEA Games 31 có thể được tổ chức ở sân khấu lớn, nhất là khi đã rất lâu rồi các đội của Việt Nam vắng bóng ở các sự kiện lớn như vậy?
Khi được đại diện cho Việt Nam thi đấu, tất cả các thành viên GAM đều rất tự hào, tôi cũng vậy. Tôi luôn luôn tưởng tượng mỗi ngày về cảnh được hát quốc ca ở thời điểm được trao Huy chương vàng, sau đó tay đặt lên ngực và hướng về quốc kỳ Việt Nam. Những khoảnh khắc ấy, ngày thường tôi đã cảm thấy rất đẹp.
Giờ đây, hãy tưởng tượng đó là khoảnh khắc dành cho đội tuyển mình đặt rất nhiều tâm huyết, cho các tuyển thủ mình nhìn thấy mỗi ngày, cảm giác tự hào sẽ còn được tăng lên và tôi đang rất mong chờ kịch bản ấy xảy ra.
- Giả sử GAM giành Huy chương vàng SEA Games 31, đó có phải là danh hiệu giúp nâng tầm LMHT nói riêng và Esports Việt Nam nói chung?
Bất kỳ bộ môn nào cũng cần nhận được sự đầu tư và nhìn nhận từ xã hội. Ví dụ ở Việt Nam, có những môn có thể giành Huy chương vàng như chưa chắc đã nổi tiếng hay được nhiều người quan tâm. Tôi nghĩ rằng SEA Games 31 là bước đệm khi nhiều bộ môn của chúng ta có cơ hội giành Huy chương vàng như LMHT, Liên Quân Mobile hay thậm chí là Free Fire.
Khi đó, nhiều nhà tài trợ sẽ đổ tiền đầu tư vào Esports. Đó là yếu tố giúp Esports được nâng tầm và tôi thực sự rất mong chờ. Người Việt Nam chúng ta không có thể hình cao to như các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, tôi luôn nghĩ rằng người Việt Nam rất thông minh và khéo léo, chơi Esports chắc chắn sẽ hợp và là bộ môn chúng ta nên đầu tư.
- Anh có nghiên cứu về các đối thủ của GAM ở SEA Games 31 sắp tới hay chưa?
Tôi không can thiệp vào vấn đề chuyên môn, đó là vấn đề của huấn luyện viên. Tuy nhiên, tôi đã thử hỏi và huấn luyện viên GAM có tiết lộ rằng “Anh yên tâm, đã đánh thử mấy lần rồi”. Chỉ cần nói “Anh yên tâm” thôi là mọi thứ sẽ ổn.
- Vị thế của LMHT Việt Nam đang ra sao so với các đội trong khu vực Đông Nam Á?
Tôi nghĩ Việt Nam đã là số một từ năm 2017. LMHT ở khu vực Đông Nam Á đang thoái trào, chỉ có Việt Nam là đi lên hoặc đi ngang, vị thế không có gì thay đổi. Nếu ở SEA Games 31 sắp tới không có những vấn đề liên quan đến dịch bệnh hay sức khỏe, GAM rất tự tin sẽ giành Huy chương vàng.
- Có lẽ anh đã quá quen với những cái tên như Kuala Lumpur Hunters, Singapore Sentinels hay Bangkok Titan. Anh nghĩ đâu là lý do khiến các đội tuyển giàu truyền thống ở các quốc gia như vậy hoàn toàn tụt hậu so với khu vực Việt Nam?
Tôi nghĩ là vấn đề thành tích. Thông thường, thành tích rất quan trọng với các khu vực như vậy. LMHT Việt Nam bùng nổ khi GAM có được dấu ấn lớn ở đấu trường quốc tế trong năm 2017. Hay có thể kể đến Saigon Jokers của năm 2012, chúng ta đánh bại Dignitas ngay trên đất Mỹ. Thành tích ấy giúp nhiều người biết đến và chơi LMHT nhiều hơn.
Năm 2017, lại là GAM và LMHT phát triển theo hướng đi lên. Đến năm 2020, chúng ta lại bắt đầu có xu hướng đi ngang và tôi nghĩ một phần đã đi xuống do không được tham dự các giải đấu quốc tế.
- Sau SEA Games 31, mục tiêu của GAM là gì?
Việc đại diện cho Việt Nam tham dự SEA Games 31 khiến GAM không thể tham dự MSI 2022. Vì thế, chúng tôi sẽ tập trung cho VCS mùa Hè 2022, ASIAD 2022 và CKTG 2022. Đó cũng là giải đấu cực kỳ quan trọng.
Tôi nghĩ 2022 là năm tuyệt vời nhất để LMHT Việt Nam bùng nổ tiếp theo sau năm 2017. Chúng ta có thể thấy được chu kỳ 5 năm của LMHT, từ 2012, 2017 và giờ là 2022. Tôi nghĩ chúng ta nên tạo ra một chu kỳ như vậy.
- Với những gì anh vừa nhận định, liệu GAM sẽ đặt tham vọng rất lớn trong năm nay?
Năm 2017, tôi thấy GAM cực kỳ xứng đáng và cũng đã có cơ hội lớn để lọt vào tứ kết CKTG. Tuy nhiên, GAM “cầm vàng lại để vàng rơi”, bản lĩnh chúng ta chưa có. Dù vậy, thời điểm này GAM có những cái tên như Kiaya, Levi và Kati trong đội hình. Đó đều là các tuyển thủ chinh chiến nhiều mùa giải và cũng có bản lĩnh nhiều hơn.
Tuy nhiên, chúng ta phải nói rằng cơ hội của GAM phụ thuộc vào bốc thăm khá nhiều. Nếu rơi vào bảng đấu có các đội Hàn Quốc hoặc Trung Quốc, sẽ rất khó để GAM tạo ra bất ngờ. Nhưng nếu rơi vào bảng đấu đủ tốt, tôi nghĩ GAM sẽ có thể tạo dấu ấn ở đấu trường quốc tế.
- Ở SEA Games 31, đội tuyển Thái Lan vẫn còn đó những gương mặt quen thuộc như Sek hay WarLock. Anh có nghĩ rằng Thái Lan là đối trọng lớn nhất của Việt Nam hay không?
Theo tôi được biết, một đội tuyển đến từ Philippines mới là đội có khả năng thi đấu tốt nhất chứ không phải Thái Lan hay Singapore. Trước đây, Singapore và Thái Lan là đối trọng của Việt Nam, đồng thời còn có cả Kuala Lumpur Hunters của Malaysia.
Giờ đây, cá nhân tôi nghĩ Philippines có một đội tuyển khá mạnh và sẽ là đối trọng lớn của GAM, của LMHT Việt Nam tại SEA Games 31. Tuy nhiên, tôi nghĩ là không có vấn đề gì và GAM cũng rất tự tin.
- Nhắc đến LMHT Philippines, anh có ấn tượng gì với 2 cái tên Kaigu và Exo hay không?
Đó cũng là những tuyển thủ từng góp mặt ở CKTG của LMHT. Có lẽ họ cũng có đôi chút kinh nghiệm. Tuy nhiên, khá lâu rồi tôi không nhìn thấy họ thi đấu ở những môi trường đỉnh cao. Nhiều khả năng Kaigu và Exo sẽ gặp khá nhiều khó khăn trước GAM.
- Cuối cùng, anh có lời gì muốn nhắn gửi đến người hâm mộ GAM trước thềm SEA Games 31?
Chúng tôi rất tự tin cho việc giành Huy chương vàng tại SEA Games. Đó là lời khẳng định của GAM dành cho người hâm mộ. Kế hoạch của chúng tôi vẫn là vô địch tất cả các giải đấu có thể ở Việt Nam, đồng thời mong muốn của GAM là tạo dấu ấn ở đấu trường quốc tế, tiến xa hơn và đạt đến giới hạn mà chưa đội LMHT Việt Nam làm được từ trước đến nay.
- Cảm ơn anh Khánh Hiệp về buổi phỏng vấn!
AS Esports giành vé dự VCS mùa Hè 2022
Bản lĩnh hơn ở những thời khắc then chốt, AS Esports đã không gặp khó khăn nào để giành chiến thắng 3-1 trước Genius Esports, qua đó có luôn tấm vé tham dự VCS mùa Hè 2022.
5 đường trên đáng xem nhất MSI 2022: Bin, Zeus so tài Impact
Theo nhận định của Inven Global, MSI 2022 có khả năng sẽ là cuộc đối đầu thú vị giữa các nhân tố giàu kinh nghiệm như Hanabi và Impact với những ngôi sao trẻ gồm Bin hay Zeus.
5 người đi rừng đáng xem nhất MSI 2022: Oner số 1
Theo bình chọn của Inven Global, Oner là người đi rừng đáng xem nhất MSI 2022 bên cạnh những gương mặt quen thuộc như Wei, Jankos hay Inspired.