Công Vinh và những vụ chuyển nhượng lật kèo ‘kiểu Ronaldo' của bóng đá Việt Nam
Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến không ít nhưng thương vụ ‘lật kèo’ kinh điển như những gì mà Cristiano Ronaldo, MU và Man City đã làm trong kỳ chuyển nhượng 2021.
Ngày 27/8, Ronaldo chính thức đạt thỏa thuận để có thể trở về khoác áo MU trong mùa giải 2021/22. Đây được coi là một thương vụ ‘quay xe, lật kèo’ kinh điển khi chỉ trước đó 1 ngày, tất cả mọi người đều tin rằng anh sẽ gia nhập CLB Man City. Dù xuất phát muộn nhưng MU đã có thể thuyết phục người cũ trở lại với sân Old Trafford.
Những thương vụ chuyển nhượng lật kèo ‘kiểu Ronaldo' không chỉ diễn ra ở bóng đá quốc tế. Ở Việt Nam, việc các cầu thủ tưởng chừng như đã khoác áo đội bóng này nhưng cuối cùng lại thi đấu cho CLB khác không hiếm. Thậm chí, có nhiều vụ đã vào hàng ‘kinh điển’.
Công Vinh lật kèo với Hà Nội T&T để khoác áo Hà Nội ACB
Năm 2008, Lê Công Vinh rời Sông Lam Nghệ An sau khi hết hợp đồng đào tạo trẻ. Anh từ chối lời đề nghị của Thể Công và gia nhập CLB Hà Nội T&T. Tại đây, ngôi sao sinh năm 1985 có 3 năm thi đấu khá thành công, giành một chức vô địch quốc gia và một lần vô địch Siêu Cúp.
Tới năm 2011, anh hết hạn hợp đồng 3 năm với CLB và dự tính sẽ ở lại với một giao kèo mới. Mọi thứ tưởng chừng như đã an bài khi Công Vinh luôn chia sẻ tình cảm với đội bóng, coi đây ‘là nhà’. Ngoài ra, CLB Hà Nội T&T cùng bầu Hiển đã cưu mang chân sút người Nghệ An trong quãng thời gian chấn thương hơn 1 năm.
Cả hai bên đã đồng ý với một hợp đồng 3 năm, lương 80 triệu/tháng. Tưởng chừng như hợp đồng mới chỉ chờ ngày công bố thì Công Vinh đã ‘quay đầu’ gia nhập CLB Hà Nội ACB.
Theo đó, bầu Kiên đề nghị nhà vô địch AFF Cup 2008 hợp đồng 3 năm, mức lót tay 14 tỷ đồng và mức lương 120 triệu/tháng. Công Vinh đồng ý gia nhập đội bóng mới, điều mà anh sau này giải thích trong tự truyện rằng bản thân ‘muốn giữ mối quan hệ với Thủy Tiên’.
Cuối cùng, Công Vinh cầm đủ 14 tỷ đồng nhưng chỉ thi đấu 1 năm cho CLB Hà Nội ACB do đội này giải thể. Anh gia nhập SLNA trong 1 mùa giải trước khi sang Nhật Bản thi đấu.
Huỳnh Quang Thanh: Một cầu thủ, hai lần ‘quay xe’
Quang Thanh là một trong những hậu vệ cánh xuất sắc nhất Việt Nam vào thời của mình, và những thương vụ chuyển nhượng của anh cũng tốc độ như những gì anh thể hiện trên sân cỏ.
Năm 2010, hậu vệ sinh năm 1984 đang là trụ cột của CLB Becamex Bình Dương và giành vô số danh hiệu lớn nhỏ. Tuy nhiên, anh phung phí số tiền kiếm được vào những thú chơi xa xỉ nên gặp khó khăn. Lúc này, CLB Sài Gòn Xuân Thành tiếp cận, muốn anh rời Bình Dương về thành phố thi đấu.
Thương vụ này có giá 14 tỷ, trong đó có 12 tỷ ‘tiền tươi thóc thật’. Quang Thanh nhanh chóng đồng ý rồi xin giấy thanh lý từ Becamex Bình Dương. Phía đội bóng đất Thủ không muốn để anh đi nhưng cuối cùng đã chấp nhận sau những 'chia sẻ thật lòng'.
Tuy nhiên, sau đó Quang Thanh tập cùng Sài Gòn Xuân Thành 2 tuần nhưng không được ký hợp đồng. Vụ chuyển nhượng bị trì trệ nên anh đành phải ‘quay đầu’ về Bình Dương xin ở lại. Sau này mới biết, lãnh đạo CLB Sài Gòn không vui khi bị nhiều người đại diện ‘làm tiền’ nên quyết định thắt chặt chi tiêu.
Ngoài vụ việc nổi đình nổi đám kể trên, hậu vệ sinh ra ở TP.HCM còn có một lần ‘lật kèo’ nữa. Năm 2013, anh bị Bình Dương thanh lý nên tìm bến đỗ mới.
CLB Thanh Hóa muốn chiêu mộ Quang Thanh và gọi anh bay ra miền Bắc nói chuyện. Hai bên cơ bản đạt được thỏa thuận với mức lương 50 triệu 1 tháng, lót tay 1,4 tỷ/năm, trả trước 500 triệu. Thương vụ thậm chí đã đi đến bước cuối cùng là ký hợp đồng. Nhưng sau đó, giao kèo được đưa ra lại có những con số thấp hơn hẳn nên Thanh ‘quay xe’, vào Long An ký hợp đồng mới chỉ trong vài ngày.
Nguyễn Tăng Tuấn – ‘Nạn nhân’ của bầu Đức
Nếu ai đã từng nghe tới câu nói “Cầu thủ càng ngày càng mất dạy’ của bầu Đức năm 2013 hẳn sẽ biết tới Tăng Tuấn. Anh chính là cái tên bị ám chỉ trong câu nói của ông chủ HAGL.
Theo đó, Tăng Tuấn là thành viên của đội bóng thuộc tỉnh Gia Lai kể từ thời trẻ. Sau đó, anh thể hiện tốt và được HAGL thu nhận, thi đấu 5 năm đầu tiên khá thành công.
Lúc này, ai cũng nghĩ Tăng Tuấn sẽ ở lại và ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với đội bóng phố Núi. Tuy nhiên, cuối cùng tiền đạo quê Thanh Hóa tới khoác áo CLB Becamex Bình Dương.
Sau này, anh chia sẻ, CLB HAGL đề nghị một bản hợp đồng có mức lương, phí lót tay chỉ bằng một nửa các CLB khác. Anh chứng kiến nhiều cầu thủ đàn anh gặp khó khăn tại CLB nên quyết định ra đi.
Về câu nói của bầu Đức, chân sút sinh năm 1986 chia sẻ, anh thuộc biên chế Sở thể dục thể thao Gia Lai chứ không thuộc HAGL. Chỉ khi HAGL mượn đội U16 của tỉnh đi thi đấu, thấy ấn tượng với Tuấn nên mới ký hợp đồng đào tạo trẻ. Bầu Đức nghĩ rằng Nguyễn Tăng Tuấn là cầu thủ do mình đào tạo nên cho rằng anh phản bội.
Tăng Tuấn, Công Vinh và Quang Thanh chỉ là một trong rất nhiều cầu thủ thi đấu ở Việt Nam thực hiện những vụ lật kèo. Rất nhiều ngôi sao đã từng hứa sẽ ở lại đội bóng này nhưng rồi ký hợp đồng với đội khác, trong đó có cả những cầu thủ ngoại. Ngôi sao Leandro từng hứa ở lại Hải Phòng rồi ký hợp đồng với Bình Dương cũng là một thương vụ như vậy. Ngoài ra, Samson Kayode (Hoàng Vũ Samson) từng muốn ‘lật kèo’ việc gia nhập CLB Hà Nội để sang Atletico Madrid (Tây Ban Nha) cũng là một ví dụ điển hình, dù anh chưa bao giờ thực hiện được mục đích.
Bùi Tấn Trường gia hạn hợp đồng với CLB Hà Nội
Thủ thành của ĐT Việt Nam và CLB Hà Nội Bùi Tấn Trường nhận phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của mình.
Hải Phòng gửi đơn lên VPF đề nghị bầu lại lãnh đạo
CLB Hải Phòng đã có văn bản gửi lên VPF yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để bầu lại lãnh đạo.
Duy Mạnh gia hạn hợp đồng với CLB Hà Nội đến năm 2024
Theo nguồn tin của Thethao.vn, trung vệ Đỗ Duy Mạnh đã đặt bút ký vào bản hợp đồng mới có thời hạn 3 năm với CLB Hà Nội.