Chuyên gia Lê Minh Dũng: Đã đến lúc Việt Nam tấn công trước các đội mạnh
Trao đổi với Thethao.vn, chuyên gia Lê Minh Dũng phân tích những mặt được và chưa được của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Trung Quốc. Theo anh, 10 phút cuối trận mở ra cho Việt Nam về hy vọng có thể tổ chức tấn công một cách mạch lạc trước những đội mạnh hơn.
Trung Quốc không thể hiện được thế “cửa trên” so với Việt Nam, thậm chí những thông số đều cho thấy Trung Quốc lép vế hơn Việt Nam, anh có bất ngờ về điều này?
Tôi bất ngờ với cách Trung Quốc đã chơi toàn bộ trận đấu này. Họ ít đẩy lên áp sát. Có lẽ đó cũng là điều mà ĐT Việt Nam hay bất cứ ai cũng không tính toán đến. Thực ra đây là một trận đấu mà cả hai đều chuẩn bị cả tháng trời.
Vì thế, việc Trung Quốc ít đẩy cao đội hình tấn công về phía Việt Nam là điều lạ lẫm. Tôi nghĩ, Trung Quốc cũng thận trọng, tránh để Việt Nam có bàn trước. Như tôi đã nói, chính điều này khiến Việt Nam cũng bị động.
Sự bị động của Việt Nam được thể hiện thế nào trên sân?
Quan điểm của tôi có cảm giác Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam chưa có sự tính toán cho kịch bản Trung Quốc ít áp sát như vậy trong hiệp 1. Vì vậy sang hiệp 2, tôi thấy anh em cầu thủ Việt Nam bắt đầu đẩy đội hình lên phần sân Trung Quốc.
Nhưng điều đó cũng kéo theo việc chúng ta để đối phương có một số cơ hội nguy hiểm. Thật ra trước khi chúng ta chịu bàn thua đầu tiên ở phút 53, đội tuyển Việt Nam cũng đã chịu 2 tình huống Trung Quốc phản công nguy hiểm rồi.
Lại nói về tình huống chúng ta nhận bàn thua, khi đó Việt Nam đang tổ chức tấn công rồi sau đó mất bóng. Ngay lập tức, tôi thấy tiếng Ban huấn luyện bảo đội tiếp tục đẩy lên. Hoàng Đức còn quay về phía Ban huấn luyện để nhận hiệu lệnh trước khi chạy lên. Nhưng chúng ta có lẽ chưa tính toán thấu đáo.
Bởi khi khối đội hình Việt Nam dâng cao như vậy thì cơ hội phản công của Trung Quốc với 3 mũi nhọn là Zhang Yuning, Wu Lei và Elkesson sẽ có tăng lên. Cần nói thêm là trong tình huống 3 đấu 3, 3 đấu 4 thì Việt Nam thua đa phần trước Trung Quốc.
Cũng ở tình huống bàn thua đầu tiên này, tôi có cảm giác đội tuyển Việt Nam chưa có sự đồng bộ trong cách đẩy đội hình lên, hay xác định ai áp sát vị trí nào, nhiệm vụ ra sao.
Vậy còn việc thay người thì sao, lâu lắm rồi chúng ta mới thấy HLV Park Hang Seo thay người không hiệu quả. Cụ thể ở đây là trường hợp Thanh Bình?
Tôi chỉ bất ngờ là tại sao Bùi Tiến Dũng lại ra. Bởi Dũng đang là người chơi hay nhất trong ba trung vệ. Có thể vì cậu ấy chấn thương hay gặp điều gì đó chăng. Còn việc thay Thanh Bình vào thì việc cậu ấy mắc sai sót trong những trận đấu lớn thế này cũng là bình thường, khi Bình còn quá trẻ và ít kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.
Chúng ta cũng nhìn ở góc độ tích cực là HLV Park Hang Seo cũng thay người tốt ở trường hợp Tấn Tài. Ngay ở V.League thì Tài đã chơi tốt. Trước khi giải đấu tạm dừng, Bình Định đã đẩy Tài lên chơi cao hơn để cậu ấy có thể phát huy khả năng xâm nhập vòng cấm và dứt điểm.
Ngoài bàn thắng của Tấn Tài, chúng ta có bàn thắng mang dấu ấn phối hợp của bộ ba Tiến Linh, Quang Hải, Công Phượng. Anh đánh giá thế nào về cách tổ chức thành bàn của Việt Nam khi đó?
Tôi cho đó là một tình huống rất quan trọng. Trong khoảng 10 phút cuối trận mà Việt Nam ghi 2 bàn thắng, quan điểm của tôi là đã đến lúc Việt Nam phải nghĩ mình có thể cầm bóng để chơi, tổ chức bài bản hơn về tấn công. Có thể mình không thể cầm hết bóng, kiểm soát thể trận như những đội mạnh nhất trên thế giới. Nhưng trong thế trận mà đội bạn đá không quá rát, mình có thể chủ động sử dụng cầm bóng hiệu quả hơn.
Tôi lấy ví dụ là nửa sau hiệp 1. Chúng ta cầm bóng thoải mái. Nhưng có thể chính vì vậy mà ĐT Việt Nam bị bất ngờ trong việc dễ dàng kiểm soát bóng như vậy. Đặc biệt ở vị trí của Ngọc Hải. Nếu như chọn ra một cầu thủ đá thiếu tự tin trong hiệp 1 thì đó là Ngọc Hải. Cậu ấy có ít nhất 3 tình huống đúng kiểu phá bóng lên chứ không có chủ đích cụ thể nào.
Ngược lại, chúng ta nhìn thấy có những cầu thủ tự tin như Tuấn Anh, Văn Thanh hay đặc biệt là Hoàng Đức. Họ đã tự tin để xử lý trái bóng. Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế như vậy để có thể chơi bóng tấn công. Bàn thắng thứ 2 hoàn toàn xứng đáng là căn cứ để ĐT Việt Nam mạnh dạn tấn công hơn nữa.
Văn Đức có xứng đáng tiếp tục đá chính trong trận Việt Nam gặp Oman sắp tới không?
Tôi nghĩ về mặt phòng ngự, Văn Đức đóng góp tạm ổn. Nhưng nếu như rơi vào áp lực như hiện tại, tôi nghĩ cách giải toả tốt nhất là ngồi dự bị một thời gian để cầu thủ khác cùng vị trí, ví dụ như Văn Toàn đang có sự đóng góp tích cực có thể vào sân thi đấu.
Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi.
ĐT Việt Nam thêm 2 lần ‘vô duyên’ với VAR tại vòng loại World Cup 2022
Các cầu thủ của ĐT Việt Nam tiếp tục nhận trái đắng từ công nghệ VAR trong trận đấu gặp ĐT Trung Quốc.
Việt Nam - Trung Quốc: Ngày không thanh bình của Thanh Bình
Trung vệ trẻ của ĐT Việt Nam đã có kỷ niệm đáng quên ở một trong những trận đấu quan trọng nhất sự nghiệp của mình.
Báo Trung Quốc: 'Chúng ta không hay hơn Việt Nam, chỉ khỏe hơn'
Không ít tờ báo và người hâm mộ Trung Quốc đã phải thừa nhận rằng, thầy trò Li Tie đã giành chiến thắng trước Việt Nam nhờ may mắn và thể chất tốt hơn.
Cựu trung vệ ĐT Việt Nam: Bàn thắng của Wu Lei là lỗi cả hệ thống, không thể trách mình Thanh Bình
Cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng đã có những phân tích, mổ xẻ với Thethao.vn về hai bàn thắng mà Wu Lei ghi vào lưới ĐT Việt Nam ở trận đấu vừa qua.