'Áp lực ở T1 khiến Oner và Gumayusi lo lắng, run người trước các trận đấu'
Trả lời phỏng vấn với Inven Global, cựu HLV phát triển tuyển thủ T1 - Park “Hajin” Hyunseon đã chia sẻ những khó khăn khi làm việc cũng như các dự định của cô trong tương lai.
Trong mùa chuyển nhượng vừa qua, HLV Hajin đã nói lời chia tay với T1 sau 2 năm gắn bó. Từ khi gia nhập T1 với vai trò phân tích viên đến lúc trở thành HLV phát triển tuyển thủ, hành trình của Hajin chưa bao giờ là dễ dàng. Mỗi thử thách tại T1 đều giống một đỉnh núi Everest mà Hajin phải vượt qua, nhưng lại không có hồi kết. Sau tất cả, cô quyết định rời đội để tìm cơ hội mới trong tương lai.
- Lần cuối cùng chúng ta trò chuyện là 2 năm trước, khi bạn lần đầu gia nhập T1 với tư cách phân tích viên. Rất nhiều điều đã xảy ra trong thời gian qua. Bạn có thể giới thiệu lại bản thân với độc giả được không?
Tên tôi là Hyunseon, nhưng mọi người trong giới thể thao điện tử thường gọi tôi là Hajin. Tôi là người Hàn Quốc nhưng đã chuyển đến Paris sinh sống từ nhỏ. Mọi người thường hỏi tôi về cơ duyên đến với thể thao điện tử. Năm 2015, khi còn theo học đại học tại Paris, tôi đã có cơ hội khám phá về CKTG LMHT (được tổ chức ở Paris). Tôi làm việc ở CKTG 2015 với vai trò là một phiên dịch viên và tôi rất yêu thích công việc đó. Ngay sau CKTG, tôi biết rằng bản thân mình sẽ theo đuổi sự nghiệp ở lĩnh vực thể thao điện tử.
Sau khi hoàn thành chương trình học, tôi đã dành 1 năm để làm dịch giả tự do và dẫn chương trình trong Starcraft 2 cũng như LMHT. Đến năm 2019, tôi có cơ hội làm việc cho Misfits. Thời điểm ấy, họ đã chiêu mộ GorillA và PoohManDu nên cần người phiên dịch. Tôi gia nhập với vai trò phiên dịch viên, nhưng lại lấn sân đôi chút sang quản lý đội học viện. Đó là bước đệm đầu cho công việc nhà phân tích sau này của tôi.
- Trải nghiệm của bạn khi làm việc cho T1?
Một người bạn của tôi từng hỏi câu hỏi này và tôi trả lời là "độc nhất vô nhị". Tôi phải nhìn mọi thứ từ bên trong. Dù học được nhiều điều, nhưng nói chung làm việc ở T1 vẫn là một trải nghiệm đầy gian truân. Chúng tôi đã vô địch mùa Xuân 2020, nhưng lại không thể đến CKTG. Năm nay cũng khởi đầu với nhiều chuyện tồi tệ, nhưng thật may mắn là cả đội đã trở lại và thi đấu tốt. Mặc dù không thể đi đến trận chung kết, tôi vẫn tự hào về các chàng trai. Đây chắc chắn là một chuyến tàu lượn siêu tốc "độc nhất vô nhị", đơn giản vì đó là T1.
- Vai trò của bạn liên tục thay đổi trong suốt 2 năm gắn bó với T1. Bạn có thể chia sẻ về những trách nhiệm mà mình phải thực hiện không?
Vâng, rất nhiều người hỏi tôi chính xác là làm nghề gì, bởi vì chức danh của tôi là "Huấn luyện viên phát triển tuyển thủ". Ban đầu, tôi gia nhập T1 với tư cách nhà quản lý. Vì thời điểm đó, T1 đang tìm kiếm một người quản lý thứ 2. Bên cạnh đó, T1 cũng thuê Tolki làm phân tích viên và cần một người phiên dịch. Rõ ràng, lúc ấy tôi chưa đủ trình độ để đảm nhận vai trò phân tích. Vì vậy, tôi đã nhận công việc phiên dịch cho Tolki để học hỏi thêm. Đây cũng là lý do tôi đảm nhận cả 2 vai trò sau này.
Nhưng tôi nhận ra rằng công việc phân tích viên quá mơ hồ. Tôi không thực sự là một phần của đội. Tuy được gọi là "phân tích viên" và cung cấp dữ liệu, nhưng tôi lại không được xem các trận đấu tập. Do đó, tôi quyết định bày tỏ ý kiến với cấp trên của mình. Vào cuối mùa giải 2020, tôi đã nói chuyện với COO John Kim (đã qua đời vào tháng 7/2021) về vai trò thực sự của tôi và những gì tôi muốn làm. Họ đã suy nghĩ về sức khỏe của các tuyển thủ và giao cho tôi một vai trò mới - "Huấn luyện viên phát triển tuyển thủ".
Bên ngoài việc thi đấu, tuyển thủ cũng cần được phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. Những thứ như trí tuệ, cảm xúc, thể trạng,... liên quan rất nhiều đến động lực, sự tập trung và sự tự tin của tuyển thủ khi thi đấu. Bản thân tôi cũng muốn mang đến một số ý tưởng về phát triển cá nhân. Vì vậy, tôi đã trình bày các ý tưởng về một số chương trình huấn luyện cho cấp trên.
Các tuyển thủ đều là thanh thiếu niên. Họ có thể là chuyên gia trong trò chơi, nhưng lại không có nhiều cơ hội để tiếp xúc thế giới bên ngoài. Họ hầu như chỉ gắn bó với game nên không có thời gian để phát triển những phần quan trọng khác. Do đó, công việc của tôi là sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống tuyển cầu thủ ở bên ngoài trò chơi.
Tuy nhiên, đội hình chính lại quá bận rộn với lịch tập luyện. Họ luôn tập trung 100% vào việc đạt kết quả tốt nhất. Họ tập luyện mọi lúc, từ xếp hạng đơn, đến đấu tập và rồi những hoạt động liên quan đến nhà tài trợ cần phải hoàn thành. Vì vậy, họ không có thời gian cho những chương trình huấn luyện cá nhân. Đó là lý do tại sao T1 thực hiện chương trình từ cấp bậc học viện.
- Điều gì đã dẫn bạn đến quyết định chia tay T1, ít nhất là từ phía bạn?
Tôi đã không thể làm tất cả những gì tôi muốn để giúp đỡ các tuyển thủ. Tôi muốn mang lại điều gì đó cho các cầu thủ, để họ hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, nhưng tôi nghĩ rằng cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc không có chỗ cho điều này.
Tôi không biết khi nói điều này có thể gây tranh cãi không, nhưng tôi là người phụ nữ duy nhất trong số tất cả các tuyển thủ và ban huấn luyện. Làm việc ở phương diện "người duy nhất" thật sự rất khó. Nó khiến tôi trở nên cô đơn. Tôi cảm thấy bản thân cần đặc biệt cẩn thận khi tương tác với các tuyển thủ và ngược lại, họ cũng vô cùng cẩn trọng trước tôi. Tôi ước mình có thể gắn kết với các tuyển thủ nhiều hơn.
- Làm việc với một đội đẳng cấp thế giới như T1, đâu là yếu tố khiến họ khác biệt với phần còn lại?
Một nét độc đáo khi làm việc cho T1 đó là "luôn phải chịu áp lực". Nếu bạn thi đấu tốt, đó là điều bình thường vì chúng tôi là T1. Nhưng nếu thi đấu yếu kém, sẽ luôn có một cộng đồng sẵn sàng chỉ trích bạn. Áp lực là thứ tạo nên sự khác biệt.
- Liệu áp lực có thực sự khiến các tuyển thủ thể hiện tốt hơn không? Bởi vì đôi khi, người chơi có những phát ngôn và hành động bài bản như rô-bốt?
Nó tuỳ thuộc từng cá nhân. Ở T1, có rất nhiều tuyển thủ kỳ cựu có thể chịu được áp lực. Nhưng những người chơi mới như Gumayusi và Oner, dù luôn thể hiện sự tự tin, nhưng vẫn cảm thấy lo lắng khi thi đấu. Đôi lúc, tôi thấy họ run người lên theo đúng nghĩa đen trước các trận đấu.
- Trước đây, bạn đã đề cập việc là bạn thân của Yang “Daeny” Dae-in (cựu huấn luyện viên trưởng của T1, đang dẫn dắt Damwon]. Mối quan hệ công việc cũng như tình bạn với anh ấy là như thế nào?
Khi Daeny gia nhập, tôi vốn đã là một phần của đội. Tôi nói với anh ấy rằng mình không đủ khả năng để dạy những thứ trong trò chơi cho tuyển thủ. Vì vậy, tôi sẽ tham gia nhiều hơn ở mảng phát triển cá nhân. Tuy nhiên, anh ấy vẫn luôn coi tôi như một HLV khác của đội. Tôi thực sự biết ơn vì điều đó và tôi cũng học được nhiều điều từ anh ấy.
Chúng tôi đã nói rất nhiều điều. Anh ấy là người mà tôi rất kính trọng và là động lực để tôi làm việc chăm chỉ. Đó cũng là điều mà anh ấy đã mang đến cho các cầu thủ. Tôi chưa từng thấy ai có đam mê với trò chơi này như anh ấy. Anh ấy là một người nghiện công việc. Tất cả những gì anh ấy làm là ăn, ngủ và làm việc.
- Hai năm làm việc với T1 có thay đổi quan điểm của bạn về sự nghiệp trong lĩnh vực thể thao điện tử không?
Tôi vẫn đam mê thể thao điện tử và ngày càng tôn trọng các tuyển thủ hơn. Sau 2 năm, tôi nhận thấy sự khác biệt trong tinh thần làm việc giữa các đội Hàn Quốc và các đội châu Âu. Tôi không nói rằng Misfits không tập luyện chăm chỉ hay bất cứ điều gì tương tự, nhưng sự khác biệt về thời lượng luyện tập là vô cùng đáng kể.
Có những ưu và nhược điểm ở 2 khu vực. Việc tập luyện liên tục có thể giúp cải thiện màn trình diễn của tuyển thủ, nhưng về lâu dài, nó sẽ không tốt cho sức khỏe. Nhìn lại, hợp đồng của tuyển thủ với 1 đội thường là ngắn hạn (1-2 năm). Do đó, việc luyện tập cường độ cao trong thời gian ngắn là chuyện buộc phải xảy ra. Các đội sẽ phải tự cân nhắc về mục tiêu mà họ muốn hướng đến. Đó là đạt kết quả tốt trong thời gian ngắn hay hướng đến sự phát triển lâu dài và sức khỏe của các tuyển thủ.
- Hiện tại hành trình của bạn với T1 đã kết thúc, bạn có dự định gì tiếp theo chưa?
Tôi không biết, và vẫn chưa có quyết định. Tôi thực sự rất do dự. Tôi muốn thực hiện các nghiên cứu tâm lý để đạt đủ trình độ và giúp đỡ các tuyển thủ. Đó là điều đầu tiên. Thứ 2 là làm việc trong một tổ chức thể thao điện tử để học hỏi cách tổ chức và quản lý nhiều hơn. Tôi đã thấy rất nhiều mảng khác nhau của thể thao điện tử và suy nghĩ lâu dài về sự nghiệp của mình.
- Thể thao điện tử đang ngày càng phát triển và sẽ có nhiều người trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực này. Bạn có lời khuyên nào để gửi đến họ?
Điều duy nhất tôi muốn nói đó là hãy tìm một thứ mà bạn thực sự yêu thích và trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Ban đầu, nó không nhất thiết phải liên quan đến trò chơi. Nhìn lại thì con đường sự nghiệp của tôi thật kỳ lạ - từ đại học ngành kỹ sư, đến phiên dịch rồi đến quản lý tuyển thủ. Hãy cởi mở hơn trong suy nghĩ, bắt đầu từ một điểm nào đó và xây dựng mối quan hệ từng chút một. Nếu bạn muốn làm việc như một nhà phân tích, hãy bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu trò chơi.
Perkz suýt giải nghệ
Trong giai đoạn khó khăn ở Cloud9, tuyển thủ đường giữa Luka "Perkz" Perković đã nghĩ đến việc giải nghệ ở mùa giải 2022 trước khi quyết định trở lại châu Âu và gia nhập Team Vitality.
Doinb gia nhập LNG Esports
Sau khi chia tay FunPlus Phoenix, siêu sao đường giữa Kim "Doinb" Tae-sang đã chọn LNG Esports là bến đỗ tiếp theo trong sự nghiệp.
Fnatic chốt đội hình tham dự mùa giải 2022
Đội hình của Fnatic ở mùa giải 2022 sẽ có sự góp mặt của 3 bản hợp đồng mới là Wunder, Razork và Humanoid. Tuy nhiên, FNC sẽ phải đợi sự chấp thuận chuyển nhượng từ Riot Games.
Humanoid rời MAD Lions, chuyển đến Fnatic
Sau khi chiêu mộ tuyển thủ đường giữa Steven "Reeker" Chen, MAD Lions quyết định chia tay Marek "Humanoid" Brázda sau 2 năm gắn bó.