Amazing: 'Trung Quốc là khu vực mạnh nhất, còn châu Âu có thể sánh ngang Hàn Quốc'
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Amazing đã chia sẻ về "cuộc chiến danh hiệu" trong Liên Minh Huyền Thoại, nhận xét các khu vực và những lý do đã kìm hãm anh suốt thời gian qua.
Maurice "Amazing" Stückenschneider vẫn luôn trăn trở với những suy nghĩ về cách để bản thân anh, khu vực của anh và cả nền công nghiệp Esports này trở nên tốt hơn. Amazing đã không ngần ngại khi nói ra những điều mà anh ấy tin là đúng. Với những hiểu biết sâu sắc, Amazing đang thực sự sống đúng với cái tên "Đáng Kinh Ngạc" của mình.
1. Về những điều cần thiết trước khi trở lại đấu trường chuyên nghiệp
- Trước tiên, tôi muốn chúng ta thảo luận một chút về tình trạng hiện tại của anh. Anh từng dành rất nhiều thời gian để tham gia thi đấu, kể cả trong vai trò quản lý, huấn luyện viên hay tuyển thủ. Đây là một trong những lần hiếm hoi mà anh chỉ tập trung vào việc làm nội dung. Vậy anh có cảm nghĩ gì về công việc của mình trong năm nay?
Tôi đã thực sự được thư giãn sau hàng nhiều năm vắt kiệt sức lực. Bạn có thể không nhận ra điều này, nhưng khi được tránh xa mọi thứ, bạn sẽ hoàn toàn được thư giãn. Nó thực sự làm tan biến mọi gánh nặng trên vai bạn. Đây là một điều tốt.
Và rất rõ ràng, tôi đã học hỏi được nhiều thứ về bản thân, những thứ mà tôi đã bỏ qua khi còn là một tuyển thủ và một huấn luyện viên. Bởi khi là một huấn luyện viên, tôi vẫn phải vùi mình trong "bong bóng" thể thao điện tử. Vì vậy, tôi không thể tập trung phát triển các mối quan hệ bên ngoài trò chơi. Những chuyện đơn giản như thăm hỏi bạn bè, chăm sóc gia đình sẽ được thực hiện nếu bạn có một công việc bình thường khác mà không phải Esports. Vì vậy, lần nghỉ ngơi này đã giúp tôi mở rộng tầm mắt để tập trung vào một bức tranh toàn cảnh hơn.
- Cuối năm ngoái, anh đã đề cập việc động lực của anh đã bị cạn kiệt như thế nào. Đã qua một thời gian dài kể từ sau tuyên bố đó, anh nghĩ nguyên nhân cho điều này là gì?
Trước năm ngoái, tôi đã có 2 mùa giải phải ngồi dự bị và sau đó là tham dự giải mùa Hè với một đội mới, trong đó có cả trường hợp của Schalke 04 và 100 Thieves. Tôi ngạc nhiên với Schalke 04 hơn là với 100 Thieves, mặc dù tôi hiểu lý do vì sao họ lại ký hợp đồng với tôi trong năm tiếp theo.
Nhưng tôi đoán điều này đã trở thành sự cản trở cho tôi. Ngay sau đó, tôi chuyển sang làm huấn luyện viên. Tôi đã có một khởi đầu khá ổn với mùa giải đầu tiên. Tuy nhiên, mùa giải thứ hai lại thực sự tồi tệ. Tôi cảm giác những điều mà trước đây tôi làm tốt đã không còn được đánh giá cao. Và tôi nghĩ điều này đã thực sự huỷ diệt tinh thần của mình. Tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai liên quan vì rõ ràng tôi vẫn luôn là bạn tốt của họ. Nhưng tôi cảm nhận được sự khác biệt giữa những điều tôi tin tưởng và những gì mà các tuyển thủ trẻ cùng ban lãnh đạo đánh giá cao.
- Anh cảm thấy thế nào khi bây giờ anh đã có thời gian để đánh giá lại mọi thứ? Anh có muốn quay lại với bộ môn này không?
Có chứ. Sau khi có đủ thời gian để phục hồi về cả tinh thần lẫn thể chất, tôi đã lấy lại được tình yêu với nó. Và tôi nghĩ, điều này đã mang lại cho tôi những ý tưởng về việc trở lại sân thi đấu. Nhưng tôi cũng xác định rằng, tôi sẽ không trở lại nếu nó không phù hợp với lịch trình của tôi. Điều này liên quan đến một số quyền hạn trong ngày của tôi và cách tôi vận hành nó. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn cải thiện bản thân và thiết lập mọi thứ một cách hợp lý.
Ví dụ như thói quen hàng ngày của tôi: Tôi chắc chắn muốn tham gia vào một vị trí mà ngay sau khi các trận đấu tập kết thúc, tôi có thể thoải mái sử dụng phần thời gian rảnh rỗi và không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai khác. Thời gian đó sẽ là các chương trình tập thể dục… Tôi sẽ tham gia tập luyện, nhưng sau đó sẽ là thời gian của riêng tôi và tôi được làm mọi thứ mà tôi muốn. Tôi muốn nó trở thành một đặc quyền thay vì bị kiểm soát. Và một điều rõ ràng rằng, tôi muốn cuộc sống bên ngoài xã hội của tôi vẫn được nguyên vẹn trong thời gian tôi thi đấu hoặc huấn luyện. Bởi cho dù là thi đấu hay huấn luyện đi nữa, tôi cũng không từ bỏ cuộc sống của mình để cống hiến tất cả một lần nữa.
- Anh đang nói về thi đấu… Chúng ta sẽ được thấy Amazing thi đấu tại LEC chứ?
Tôi không biết liệu bản thân có đủ tốt để thi đấu tại LEC bây giờ hay không. Tôi vẫn đang quanh quẩn ở mốc 400-500 điểm (Thách Đấu) trong một thời gian khá dài. Tôi vẫn còn 4 đến 5 tháng để chuẩn bị cho mùa giải tiếp theo, trước khi những lời mời được gửi đến. Nhưng tôi tin ngay tại thời điểm này, dù tôi chỉ tập trung sáng tạo nội dung, tôi vẫn có cơ hội để cạnh tranh với các tuyển thủ LEC.
Rõ ràng, tôi muốn tạo ra được sự ảnh hưởng khi trở lại thi đấu, vì vậy, mốc điểm lý tưởng nhất mà tôi muốn đạt đến là 800. Một điều rõ ràng rằng, tôi có thể đánh bại người chơi khác ít nhất trong 40% thời gian chúng tôi đối đầu. Bởi vì tôi biết rằng, kinh nghiệm thi đấu của tôi sẽ giúp tôi đạt được mốc hoàn hảo 50% khi thi đấu ở hầu hết các đội. Miễn là tôi có một số quyền tự quyết khi tham gia với họ.
- Anh sẽ quay trở lại với công việc huấn luyện nếu có cơ hội tốt hay sẽ chỉ tập trung vào việc thi đấu?
Thi đấu là chuyên môn và cũng là trọng tâm của tôi. Một phần cũng vì sự khác biệt giữa huấn luyện và thi đấu. Đây là điều mà nhiều người đã xác định từ những ngày còn là tuyển thủ. Là một huấn luyện viên, bạn có thể quyết định mọi thay đổi về đội hình. Bạn có thể ra quyết định nhưng nó sẽ không thay thế hoàn toàn những gì bạn có thể làm trong trò chơi, đặc biệt là với tư cách đội trưởng. Dựa theo những gì mà tôi biết về mình, thì tôi là mẫu huấn luyện viên chuyên về chiến thuật trong trò chơi hơn là một huấn luyện viên có thể chỉ dẫn mọi mặt kể cả trong cuộc sống.
2. Về meta trong khu vực rừng: phương Đông và phương Tây
- Tôi muốn thảo luận một chút về những người đi rừng ở châu Âu. Gần đây nó thực sự kỳ lạ. Bên cạnh những người chơi máu lửa như Elyoya và Treatz thì phần còn lại có vẻ đang chơi rất thụ động. Ý kiến của anh thì sao?
Nhìn chung những người đi rừng châu Âu có lối chơi thiên về kiểm soát. Tôi nghĩ tất cả họ đều xuất phát từ một trường phái tư tưởng tương đối giống tôi. Sau mùa 5, trò chơi này đã chú trọng hơn đến việc kiểm soát đối thủ và nhịp độ trận đấu, việc tạo ra những đột biến chỉ thực sự xảy ra khi cần thiết.
Tôi nghĩ rằng meta đi rừng châu Âu có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc hơn là Trung Quốc. Lối chơi "ăn tươi nuốt sống" sẽ phát huy tác dụng ở Trung Quốc, nơi mà các tuyển thủ thường sẽ lựa chọn mạo hiểm 55/45 hoặc 60/40. Trong khi đó, châu Âu có xu hướng bỏ qua điều này và lựa chọn lối chơi mang lại tỉ lệ thắng cao hơn, ít nhất là khi đi rừng.
Ngoài ra, tôi nghĩ sự tập trung vào đường dưới và lối chơi của châu Âu hơi khác một chút. Chúng tôi không thi đấu tập trung ở đường dưới như cách các tuyển thủ Trung Quốc làm ở LPL. Ở LPL, họ có rất nhiều trận đấu diễn ra kiểu: 3-4 thành viên kéo xuống, sau đó "chào nhau" rồi lao vào chiến đấu. Đó là điều tốt hay xấu thì tôi không biết, nhưng tôi nghĩ đây có lẽ là lý do tại sao. Tập trung vào đường đơn đồng nghĩa với việc ít giao tranh và thiên về kiểm soát. Còn việc tập trung vào đường dưới, ít nhất là trong meta hiện tại, đồng nghĩa với việc giao tranh nhiều hơn và ít kiểm soát hơn.
- Khi phỏng vấn Selfmade, anh ấy cũng cho rằng người đi rừng đến từ Hàn Quốc không quá khác biệt so với người đi rừng châu Âu, họ chỉ có kiến thức tốt hơn về thời điểm nên gank. Anh có đồng ý với điều này?
Tôi không nghĩ họ có kiến thức tốt hơn mà đơn giản là họ hướng tới nhiều hơn đến kế hoạch trong trò chơi. Kế hoạch trong trò chơi thường được huấn luyện viên thực hiện trước đó một cách rõ ràng. Nó sẽ mang lại bộ khung hoạt động cho một đội. Nếu tuyển thủ không tuân theo khuôn khổ đó... Tôi không nói rằng họ sẽ phải đối mặt với hậu quả gì nhưng đó là những gì tôi biết về cách mà trò chơi được vận hành theo văn hóa Hàn Quốc. Họ thực sự tuân theo những gì được đưa ra từ ban huấn luyện. Vì vậy, các kế hoạch thi đấu đều được lên và thực hiện một cách nghiêm ngặt. Và tin tôi đi, bạn sẽ không muốn phá vỡ các kế hoạch đó đâu, bởi vì bạn tin rằng nó thực sự tốt. Đây là điều mà rất nhiều người đi rừng Hàn Quốc đang làm.
Tuy nhiên, tôi tin rằng các tuyển thủ hàng đầu Hàn Quốc sẽ có đôi chút khác biệt ở cách mà họ bị kiểm soát, họ có thể thực hiện những pha đấu trực diện như một cỗ máy được lập trình sẵn vậy. Còn về những tuyển thủ tại LPL, ngoại trừ Karsa ra, tôi không nghĩ họ có khả năng phân tích được tình hình ván đấu; họ không hiểu rõ lối chơi kiểm soát cũng như lối đánh trực diện. Họ thà chọn phương án dễ hơn và thường không có kế hoạch chặt chẽ để rèn luyện lối chơi kiểm soát.
- Anh nghĩ khoảng cách giữa những người đi rừng châu Âu nói chung so với những người đi rừng phương Đông còn bao xa?
Tôi nghĩ về mặt bằng chung thì chắc chắn châu Âu vẫn còn kém xa. Nhưng những người đi rừng hàng đầu châu Âu chỉ kém hơn một chút. Họ chỉ cần khởi động một chiến dịch tập huấn tại Hàn Quốc hoặc Trung Quốc để cân bằng. Bởi khá thẳng thắn mà nói, các "siêu máy chủ" ở Trung Quốc và Hàn Quốc là nơi mà các nhà vô địch thực sự đối đầu với nhau với tần suất liên tục. Khả năng học hỏi chắc chắn sẽ được mài giũa tốt hơn ở đó vì xếp hạng đơn của châu Âu có cách hoạt động khác và kể cả việc đấu tập cũng vậy.
Tôi nghĩ Elyoya, Inspired, hay thậm chí là Jankos - người có lối chơi máy móc khá tệ, cũng có thể đạt đến đẳng cấp đó. Ngoài họ, tôi không chắc những người khác có thể làm được điều tương tự. Tôi nghĩ Inspired và Elyoya có thể cạnh tranh cho vị trí đi rừng hàng đầu LPL hoặc LCK nếu họ có thời gian chuẩn bị và luyện tập xếp hạng đơn ở máy chủ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
- Anh đã thi đấu ở cả Bắc Mỹ và châu Âu, vì vậy tôi muốn tham khảo ý kiến của anh về điều này. Phong cách chơi "tối ưu" đã trở nên nhanh và lỏng lẻo hơn so với cách đây khoảng 3 năm, khi anh còn ở thời kỳ đỉnh cao. Vì những thay đổi về tầm nhìn, mục tiêu, cơ hội thu nhập vàng ban đầu lớn hơn, v.v. Anh nghĩ việc đánh giá sức mạnh các khu vực so với trước đây có khó khăn hơn không?
Có chứ, bởi vì không còn cách chơi nào gọi là "hoàn hảo" nữa. Chỉ có những cách gần như hoàn hảo, khoảng 95% hoặc 90% thôi. Nhưng hầu hết các lối chơi đều có một số khuyết điểm. Điều này có nghĩa là ngay cả khi bạn cố gắng chơi một cách hoàn hảo, đúng như những gì mà trong sách viết, bạn vẫn sẽ đột nhiên gặp trục trặc.
Ví dụ, trong giai đoạn đầu trận, bạn sẽ dọn sạch 6 bãi quái rồi ăn cua, với điều kiện lý tưởng là có 2 đường thắng. Nhưng sau đó, đột nhiên kẻ địch tấn công đường giữa và rồi lấy đi cua của bạn. Đó chỉ là một ví dụ chung chung vì tôi không nghĩ có một lối chơi nào thực sự hoàn hảo để mô phỏng lại. Vì vậy, bạn không thể đánh giá được khu vực nào là mạnh nhất. Bạn chỉ có thể đưa ra các giả định. Dựa trên những gì tôi thấy, tôi sẽ nói LPL là tốt nhất. Và tôi nghĩ LCK có lẽ là khu vực đứng thứ hai. Công bằng mà nói, tôi nghĩ rằng các đội đứng đầu châu Âu có thể bằng hoặc mạnh hơn so với các đội LCK, nhưng những đội thuộc tầm trung của châu Âu lại yếu hơn rất nhiều. Nhìn chung thì theo quan điểm của tôi, LPL vẫn là khu vực vượt trội nhất.
3. Về những “Cuộc Chiến Danh Hiệu”
- Gần đây anh đã nhắc rất nhiều về những sự sai lệch trong Liên Minh Huyền Thoại. Anh có thể nói rõ hơn về điều này không? Những vấn đề nổi cộm trong Liên Minh Huyền Thoại phương Tây mà anh thấy ở hiện tại là gì?
Tôi không chắc chỉ có Liên Minh Huyền Thoại phương Tây mới xuất hiện vấn đề hay không, vì nó liên quan đến nhượng quyền thương mại. Khi chúng ta xem xét đến sự phát triển của nhượng quyền thương mại, đặc biệt là ở châu Âu, nó là cách để các tổ chức mua quyền tham dự và tạo ra các kế hoạch riêng trong tương lai. Cho dù đó là kế hoạch về sắp xếp đội hình, điều phối quản lý hay bất kỳ kế hoạch gì đi nữa, nó đều khiến chúng tôi trở thành "vấn đề" của đội dù trước đó chúng tôi đã thi đấu tốt. Điều này dẫn đến những tuyển thủ bị đào thải như tôi. Sau đó thì sOAZ được thay vào vì một số công lao trước đó mà họ thấy ở anh ấy, ít nhất thì mọi người vẫn đánh giá cao sOAZ vì thành tích của anh ấy tại CKTG. Nhưng dù là sOAZ đi nữa thì đôi lúc anh ấy vẫn phải thi đấu cho 1 đội khác thay vì đội mà anh ấy thích.
Có vẻ như nhiều đội đã chiêu mộ tuyển thủ dựa trên những triết lý của riêng họ. Nhưng những triết lý đó đôi lúc lại không phải là “chiến thắng”. Không phải bất cứ đội nào cũng muốn giành chiến thắng.
Đây là vấn đề cơ bản khiến nhiều điều tồi tệ đang xảy ra. "Xứng đáng", về cơ bản có nghĩa "người chơi này có thể giúp chúng tôi chiến thắng, có hoặc không?". Điều này đang một phần bị phớt lờ bởi những kế hoạch bởi một số người thiết lập, những người mà thậm chí còn không biết nhiều về Esports và Liên Minh Huyền Thoại. Và kiểu "lăn cầu tuyết" này đã xảy ra liên tục trong những năm qua. Chúng ta đã thấy những đội tuyển thay vì phải xuống hạng khi xếp thứ 8 hoặc 9 trong 2 mùa giải liên tiếp, họ lại tiếp tục ở lại giải đấu.
Và rõ ràng khi được ở lại với giải đấu, họ cần cố gắng phát triển và trở nên tốt hơn để đạt được mục tiêu chiến thắng. Tuy nhiên, một số đội tuyển lại chưa bao giờ làm điều đó. Họ chưa từng cố gắng cải thiện những hiểu biết của mình về Liên Minh Huyền Thoại. Và thay vì thừa nhận vị trí của mình, họ tiếp tục "cuộc chiến vì danh hiệu", nơi họ tiếp tục phớt lờ lời cầu xin từ những tuyển thủ thực sự biết điều gì đang và sẽ xảy ra, mà thay vào đó là ưu tiên những tuyển thủ im lặng và chịu nghe lời hơn.
Tôi nghĩ đây là một cách sai lầm khi tiếp cận thể thao và ít nhất là thể thao điện tử. Vì có những tuyển thủ dù xảy ra nhiều vấn đề cần giải quyết, thì họ vẫn thể hiện được niềm đam mê của mình. Họ xứng đáng được tiếp tục thi đấu và họ có khả năng giành chiến thắng. Việc liên tục bị phớt lờ cho thấy tốt hơn hết bạn nên im lặng và làm bất cứ điều gì đội của bạn đang làm hoặc muốn bạn làm. Bạn cần là người tuân theo, thay vì trở thành một người có thể nắm quyền tự quyết.
Đây là trải nghiệm thực tế của tôi, và tôi nghĩ nó không nên là một phần của môi trường cạnh tranh như thể thao điện tử. Khi tôi lớn lên, tôi vẫn hồn nhiên cho rằng sau khi thi đấu, mọi người có thể gặp gỡ bạn bè, uống một vài ly và rồi trở lại cạnh tranh với nhau ở ngày thi đấu tiếp theo. Nhưng qua nhiều năm, tôi phát hiện chuyện này đã phát triển thành kế hoạch kiếm tiền. Tôi không muốn thảo luận về "Chủ Nghĩa Tư Bản" nhưng rõ ràng là nó đang làm hỏng những quyết định. Đôi khi, nó là việc tiết kiệm tiền trong một số trường hợp không cần thiết. Và đôi khi, nó còn dẫn đến việc kỳ kèo về số tiền mua tuyển thủ hay giảm mức lương của họ trong bối cảnh liên quan đến tình hình kinh tế.
Vì vậy, tôi thấy có rất nhiều tân binh được mua về và ra sân thi đấu mà lẽ ra, những vị trí đó nên thuộc về những cựu binh xứng đáng hơn. Và điều tương tự cũng xảy ra đối với một số huấn luyện viên nếu họ tỏ ra khó chịu với cách quản lý đó. Tôi nghĩ đây là một lối đi thực sự sai lầm.
- Về chủ đề các tuyển thủ kỳ cựu, anh nghĩ gì về tình huống của Dardoch? Anh ấy có phải là một cựu binh đã bị vắt kiệt sức không?
Không, tôi nghĩ vấn đề của Dardoch là vì anh ấy quá "toxic". Ý tôi là về cơ bản anh ấy đã tự khiến mọi chuyện ra như vậy. Anh ấy gia nhập vào mọi đội và bị đá từ mọi đội. Khi điều này xảy ra, ít nhất là sau lần thứ 3 hoặc thứ 4 thì bạn là người thực sự có vấn đề. Không thể có chuyện tất cả mọi người đều sai, chỉ có thể là do bạn sai.
Và tôi nghĩ trường hợp của Dardoch hơi đặc biệt. Tôi sẽ nói rằng… ai sẽ là một ví dụ tốt hơn? Tôi là một ví dụ điển hình và tôi nghĩ rằng ngay cả Goldenglue cũng như thế. Tôi không chắc anh ấy có đấu tranh để giành quyền tự quyết hay không, nhưng anh ấy chắc chắn là một cựu binh có nhiều công lao, dù anh ấy liên tục bị các đối thủ vượt qua hoặc bị loại khỏi đội hình sau thời gian thi đấu thiếu hiệu quả. Anh ấy không phải người giỏi nhất, nhưng vẫn tốt hơn hầu hết các tân binh. Vì vậy, ban lãnh đạo cố gắng để tìm một tân binh thay thế anh ấy nhưng vào một thời điểm nào đó, họ sẽ lại hi vọng anh ấy xuất hiện. Sau đó thì họ nhận ra "Ồ, tân binh này không phải mẫu người chơi mà chúng tôi muốn, hãy đưa Goldenglue trở lại".
Tôi không hiểu lắm về những quyết định của các Tổng quản lý. Họ đang chơi trò giải đố thay vì tập trung phân tích những vấn đề của đội hình. Đó là những vấn đề liên quan đến khả năng quản lý của các lãnh đạo kỳ cựu và khả năng vận hành đội. Bạn cần phải có bộ não, nhưng bạn cũng cần có sức mạnh. Và rất nhiều chủ sở hữu, bao gồm cả GMs, tin rằng họ truyền đạt các thông tin tốt hơn tuyển thủ. Điều này khá ngu ngốc, bởi vì họ không chơi trò chơi này. Ngay cả khi bạn là người giỏi nhất trong việc truyền đạt thông tin, ngay cả khi bạn là giáo viên giỏi nhất mọi thời đại, nhưng nếu học sinh không có bộ não để tiếp thu những kiến thức đó, thì nó sẽ giúp gì cho họ trong trò chơi? Hoàn toàn không.
Chúng ta hết lần này đến lần khác thấy những vị huấn luyện viên được coi là thông minh, cố gắng truyền dạy thông tin đến những tuyển thủ không đủ thông minh, và rồi đội hình này tan rã. Vì vậy, hãy tạo ra sự cân bằng và tôn trọng những bộ não trong đội. Đó là những gì đang không được các đội thực hiện. Tôi nghĩ bộ não chiếm ít nhất 50% tỉ lệ thắng trong trò chơi, nó đã từng là 80% - nhưng bây giờ có lẽ là 50/50.
4. Về xây dựng đội, hợp đồng tuyển thủ và... gia đình
- Gần đây, Jankos đã nói rằng một trong những lý do dẫn đến thành tích tệ hại của G2 ở mùa giải trước là do thiếu môi trường để xây dựng đội. Anh có nghĩ đây là lý do chính khiến họ hoạt động kém hiệu quả không?
Tôi sẽ không cho là vậy. Tôi không chắc điều này chiếm bao nhiêu phần trăm, nhưng tôi cho rằng bầu không khí gia đình sẽ có lợi về nhiều mặt. Vì dù bạn có ghét gia đình mình đến thế nào, bạn vẫn thường đứng về phía họ. Đó là cách nó hoạt động. Khi bạn trở về nhà vào Lễ Tạ ơn hay đón Giáng sinh, mọi người trong gia đình có thể tranh cãi kịch liệt nhưng bạn biết rằng đây vẫn là gia đình của mình và không điều gì có thể thay thế được nó. Ý tôi là nếu bạn nhìn vào các đồng đội và nhận ra "Này, chúng ta đã gắn bó với nhau trong hai năm", bạn sẽ đối xử với họ theo cách khác. Bạn sẽ trở nên bao dung và nhân hậu hơn. Và trong những cuộc thảo luận cần thiết, bạn sẽ không tạo ra những cái bẫy để người kia rơi vào, bởi vì các bạn đã thực sự thân thuộc với nhau.
Nếu bạn ở trong một đội mà lúc nào cũng biết được rằng "bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể bị thay thế 1 thành viên", bạn sẽ cố gắng để cô lập những người có khả năng cao bị loại. Nghe có vẻ ngu ngốc nhưng đó là cách hoạt động của rất nhiều đội, nơi họ chỉ muốn thực hiện các mục đích cá nhân mà không hướng tới một mục tiêu chung. Và nếu có ai đó không đồng ý với ý kiến của họ, thay vì cố gắng giải quyết vấn đề, họ sẽ tạo ra các kế hoạch để loại người đó ra khỏi đội. Họ sẽ tạo ra tình huống để khiến người đó không thể tập trung tập luyện và dần trở thành một "con cừu đen" trong đội.
Bạn nên tạo ra bầu không khí gia đình. Mỗi người trong số các bạn đều đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một đội tuyển tốt hơn. Bầu không khí gia đình nơi không có động cơ riêng sẽ là chìa khoá quan trọng để thành công. Theo thống kê của tôi, hầu hết các đội tuyển thành công đều làm được điều này. Tôi chưa bao giờ thấy trường hợp ngoại lệ.
Hầu hết mọi người sẽ không nhận ra điều này trừ khi có người khác chỉ dẫn cho họ. Và cá nhân tôi đã có một may mắn lớn là được Regi chỉ dạy trong những ngày tháng quý giá trước đây. Bởi vì dù Regi là một người khá thô lỗ và thẳng thắng, anh ấy vẫn tạo ra được một gia đình, vẫn tạo ra một đội gắn bó với nhau. Tôi đã không thể làm được điều này trong quá trình thi đấu Esports cho đến mãi sau này. Tôi đã đến các đội khác nhau và giúp cho việc "gia đình hoá" được thực hiện nhiều lần. Đây là điều mà bạn không thể dạy. Bạn chỉ làm được khi tự trải nghiệm nó.
Đây cũng là lý do tại sao tôi rất không đồng ý với việc đánh giá một người trong trong một bối cảnh riêng biệt, họ đã loại bỏ yếu tố con người ra khỏi trò chơi. Đây là một trò chơi rất con người, nó là sự hợp tác giữa 5 người chơi để chống lại 5 người chơi khác. Yếu tố con người lớn hơn nhiều so với những gì mà họ muốn thừa nhận. Bạn có thể chơi Liên Minh Huyền Thoại với chất lượng chuyên môn cao nhất của mình, nhưng bạn sẽ thất bại nếu đồng đội của bạn chỉ quan tâm đến việc soi mói sai lầm của bạn. Bạn sẽ hiểu được việc một đội chỉ thực sự mạnh hơn nếu những liên kết yếu nhất không còn tồn tại nữa. Tôi ước rằng các đội có hiểu rõ hơn về khía cạnh này của trò chơi.
- Đó có phải là lý do tại sao trước đây anh là người ủng hộ các giải đấu đi theo xu hướng của NBA? Anh có nghĩ rằng nếu hoạt động theo hướng đó sẽ thành công không?
Đúng vậy. Sự khác biệt giữa NBA và Liên Minh Huyền Thoại ngay bây giờ một liên đoàn dành cho tuyển thủ. Hiệp hội cầu thủ ở NBA có rất nhiều tác động khi nói đến đàm phán hợp đồng, thỏa thuận thương lượng tập thể và họ còn là một cơ quan đại diện cho các cầu thủ theo nhiều cách. Họ có thể tổ chức bỏ phiếu để bầu chọn người đại diện. Và việc có một tập thể lớn ủng hộ sẽ là một lá chắn tuyệt vời trước những quyết định từ chủ sở hữu đội. Vì thế mà bạn có quyền quyết định trong nhiều việc mà trước đây bạn không được lựa chọn.
Tôi nghĩ rằng rất nhiều hợp đồng tân binh tệ hại. Theo đúng nghĩa đen là rất khủng khiếp vì các đội chỉ đảm bảo 1 năm hợp đồng. Vậy 1 năm có ý nghĩa gì? Giả sử một ai đó bỏ học. Anh ấy ở lại 1 năm, và sau đó bị đá. Anh ấy có thể đã kiếm được 100.000 USD hoặc bất cứ thứ gì trong khoảng thời gian đó, nhưng điều này sẽ không gắn bó với anh ấy suốt đời. Vậy đó có thực sự là điều chúng ta muốn làm khi đưa về các tân binh không?
Ví dụ, họ nên có ít nhất 1 hợp đồng 2 năm. Và bất kỳ liên hệ nào cũng phải ít nhất kéo dài một năm. Không bao giờ là nửa năm. Mọi người sẽ có sự bảo đảm trong một năm và không ai bị đào thải trong năm đó. Điều đó đã thực sự được thực hiện chưa? Một phần, nhưng không được thực thi tương tự như thỏa ước lao động tập thể.
Đó là điều mà các tuyển thủ phải được nhận thông qua đại diện của họ, thay vì chỉ một cơ quan đại diện. Việc này khiến các cầu thủ có ít quyền tự quyết hơn trong đội. Về cơ bản các đội tạo ra doanh thu nhưng nếu không có người chơi thì sẽ không có giải đấu. Tuyển thủ chỉ đang được xem là vật phẩm để tạo ra lợi nhuận cho các đội. Họ giống như những tấm biển quảng cáo và các đội tuyển phải đưa họ đến CKTG để nhận được nhiều doanh thu quốc tế hơn. Tôi cảm thấy khía cạnh cạnh tranh của Liên Minh Huyền Thoại đang dần bị mất đi bởi vì các đội không còn nghĩ đến việc "Chúng tôi muốn chiến thắng và đó là lý do tại sao chúng tôi nỗ lực như vậy". Không, đó là "Chúng tôi muốn được nhìn thấy ở khắp mọi nơi và trên mọi bảng quảng cáo với tư cách một đội. Đó là lý do tại sao chúng tôi đổ tiền vào".
Nếu mục tiêu của bạn là giành chiến thắng, bạn sẽ làm mọi thứ để giành chiến thắng. Nếu mục tiêu của bạn là kiếm nhiều tiền nhất, thì rõ ràng đó là một mục tiêu khác. Vì vậy, các bước trên lộ trình bạn lập ra sẽ trở nên méo mó ở một mức độ nhất định.
- Điều mà tôi suy nghĩ rất nhiều khi theo dõi sự nghiệp của anh đó là việc anh tự nhìn nhận bản thân như thế nào, đặc biệt là khi anh tạo Tweet về chủ đề khám phá lại ý nghĩa của tên mình? Nếu bây giờ phải nói về ý nghĩa tên của anh, nó sẽ là gì?
Tôi hy vọng nó có nghĩa là ngay thẳng. Ít nhất đó là những gì tôi đã cố gắng giữ vững. Và tiếp theo là sự minh bạch. Tôi nghĩ đó là điều mà tôi thấy được nhiều nhất ở bản thân. Tôi đã thực sự cởi mở về mọi thứ tôi làm và tôi thấy trong suốt sự nghiệp của mình. Dù điều này nghe có vẻ hơi tự mãn nhưng một bằng cách nào đó tôi đã lạc vào tử đạo thay vì cố gắng hết sức để trở thành một tuyển thủ tốt.
Đó là một lỗi khi cởi mở, đôi khi tôi nghĩ rằng tôi quá cởi mở và do đó cung cấp cho các đồng đội quá nhiều suy nghĩ sâu sắc và có thể khiến họ e ngại về tính cách của tôi, thay vì để họ khám phá bản thân. Sự cởi mở và minh bạch đó là ý nghĩa của tên tôi ngay bây giờ. Nhưng ý nghĩa của nó còn là phấn đấu cho sự vĩ đại. Tôi luôn là một người hâm mộ lớn của Kobe kể từ lần đầu tiên tôi xem NBA vào năm 2004. Và tôi nghĩ rằng tôi đã có "tinh thần chiến đấu của Black Mamba" trong một thời gian khá dài, đặc biệt là trong mùa 4 và 5. Và tôi nghĩ đây mới là những gì tôi cần khám phá trong những năm qua thay vì cố gắng tạo ra những kết quả tốt hơn cho người khác. Rõ ràng, tôi vẫn đang cố gắng làm điều này, nhưng nó sẽ không phải trả giá bằng chính sự nghiệp của tôi như ngày xưa.
- Vâng, Kobe đã đạt được sự vĩ đại sánh ngang với Shaq, và sau đó một vài năm, anh ấy lại đạt được điều đó. Có lẽ có một số điểm tương đồng.
Anh ấy đã có nhiều cuộc tranh cãi vì tính tình anh ấy khá hiếu chiến. Tôi không muốn so sánh bản thân mình với anh ấy, bởi vì rõ ràng là tôi khác xa anh ấy. Tuy nhiên, tôi nghĩ bản thân cũng có một số đặc điểm "sao chép" lại từ anh ấy do tôi đã dõi theo anh ấy trong thời gian dài. Đó là sự cởi mở và sẵn sàng tranh cãi. Và tôi nghĩ rằng việc sẵn sàng đối đầu là cần thiết khi cần bảo vệ những điều mà mình tin là đúng.
Amazing tên thật là Maurice Stü Chickenchneider, sinh ngày 2/4/1994. Anh được biết đến là một tuyển thủ kiêm huấn luyện viên Liên Minh Huyền Thoại người Đức. Amazing từng là huấn luyện viên của Misfits Gaming tại giải vô địch Liên minh Huyền thoại châu Âu (LEC) năm 2020. Anh từng lọt vào bán kết tại CKTG 2015 khi còn thi đấu dưới màu áo Origen. Stü Chickenchneider được gọi là "một trong những tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại người Đức thành công nhất mọi thời đại".
Selfmade: 'Tôi đã không biết tương lai của mình sẽ đi về đâu'
Trong cuộc phỏng vấn với Inven Global, tân binh đi rừng của Vitality đã trải lòng về những vấn đề xảy ra trong giai đoạn tiền mùa giải, về các trang bị mới và xu hướng hoán đổi vị trí của các đội tuyển lớn trên thế giới.
Adam: 'Fnatic sẽ không bỏ lỡ kỳ CKTG 2021'
Trả lời phỏng vấn của Inven Global, tân binh đường trên của Fnatic Adam "Adam" Maanane đã tâm sự về hành trình đến với LEC và cảm nhận của anh khi sát cánh cùng người đi rừng mới Bwipo.
YamatoCannon: 'Faker và T1 đã đi trước thời đại từ CKTG mùa 3'
Trả lời phỏng vấn với Inven Global, huấn luyện viên Jakob "YamatoCannon" Mebdi của Fnatic đã chia sẻ về sự hoán đổi vị trí giữa Selfmade và Bwipo, về triết lý của việc săn tìm tuyển thủ tài năng và sự khác biệt trong văn hoá giữa các tổ chức châu Âu và Hàn Quốc.
Kold: 'Tôi không có ý định trở thành HLV trưởng của Team Liquid'
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, huấn luyện viên trưởng tạm quyền Jonas "Kold" Anderson thừa nhận rằng ở thời điểm hiện tại, TL cần một người bước lên, nhận lấy vị trí lãnh đạo và đó cũng là lý do tại sao anh đang ở đây.