Thánh Muay Buakaw là ai? Những điều chưa biết về tên tuổi hàng đầu Thái Lan Buakaw Banchamek
Buakaw Banchamek được không ít khán giả coi là võ sĩ Muay Thái - Kickboxing xuất sắc nhất đến từ xứ Chùa Vàng. Ở tuổi 41, sau hơn 300 trận thượng đài và hơn 20 lần vô địch các giải đấu quốc tế, Buakaw hiện vẫn đang thi đấu, thậm chí còn chuẩn bị thượng đài Quyền Anh tay trần.
Buakaw Banchamek có tên thật là Sombat Banchamek, sinh ngày 08/05/1982, ở làng Ban Ko Kaeo, tỉnh Surin, Thái Lan, trong một gia đình có 5 anh chị em. Anh trai là người dạy Buakaw những kỹ thuật đầu tiên của Muay Thái ngay từ khi Buakaw còn rất nhỏ.
Bắt đầu thượng đài ở sàn đấu địa phương từ năm lên 7, chỉ với 100 baht (67.000 VNĐ) khởi điểm, Buakaw cho biết anh thắng trên dưới 100 trận trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1993, trước khi chính thức thành danh với tư cách “gà chiến” của lò Por. Pramuk. Những trận đấu này, cùng với không ít các trận đấu lẻ tẻ thời trẻ, không được ghi lại và cũng không được tính vào thành tích chuyên nghiệp của “Thánh Muay”.
Vì sao Buakaw Banchamek lại trở thành “Thánh Muay” Thái Lan?
Dù mang biệt danh “Thánh Muay”, Buakaw thực ra lại nổi danh nhờ Kickboxing, nhất là nhờ ngôi vô địch K-1 World MAX, hơn là Muay Thái.
Trước thời điểm đó, Buakaw Por. Pramuk cũng là một cái tên có tiếng trong nước - anh từng cầm đai vô địch ở Omnoi (2001, 2002), vô địch Toyota Muay Thai Tournament (2002).
Dù vậy, với khán giả nước ngoài, Buakaw chưa để lại ấn tượng gì. Người ta chỉ biết đến Buakaw như một võ sĩ đại diện cho lối đánh Muay Tae, chú trọng vào những cú đá vừa khéo, vừa nặng.
Chỉ đến khi K-1 World MAX 2004 diễn ra, mọi người mới há hốc mồm miệng chứng kiến anh chàng vô danh nọ lần lượt chiến thắng nhà vô địch Kickboxing Nhật Bản Takayuki Kohiruimaki, biểu tượng Muay Thái John Wayne Parr, và rồi hạ nốt huyền thoại Masato Kobayashi trong trận chung kết. 3 đối thủ đẳng cấp bậc nhất thế giới, 10 hiệp đấu, bị giải quyết chỉ trong một đêm.
Đó mới chỉ là khởi đầu.
Tại K-1 MAX World Grand Prix 2005, Buakaw Banchamek đối mặt với kỳ phùng địch thủ người Hà Lan Andy Souwer trong trận chung kết. Trận đấu gay cấn và ngang tài ngang sức đến độ người ta phải cho 2 võ sĩ đấu thêm 2 hiệp để tranh đai.
Thua trận năm 2005, Buakaw trở lại sắc bén hơn, đánh bại Andy Souwer bằng TKO hiệp 2 trong trận chung kết K-1 MAX World Grand Prix 2006. Giành ngôi vô địch đến 2 lần, đánh bại hàng loạt những tên tuổi khổng lồ của làng Kickboxing thời đại hoàng kim, Buakaw lúc đó là ông hoàng đích thực của sàn Kickboxing thế giới.
Giữa các trận đấu ở K-1, Buakaw cũng không rảnh rang - anh nhận lời thượng đài với khá nhiều tên tuổi, bao gồm huyền thoại người Pháp Jean-Charles Skarbowsky, biểu tượng Hy Lạp Mike Zambidis, nhà vô địch tương lai Nieky Holzken, chiến binh hàng đầu Giorgio Petrosyan cũng như không ít võ sĩ khác.
Nhìn chung, Buakaw không hề kén chọn đối thủ. Anh chỉ đơn thuần muốn thượng đài, bất kể kèo đấu khó đến đâu. Trong 279 trận Kickboxing được ghi nhận thành tích, Buakaw có 240 trận thắng, 73 KOs, thua 24 trận, hòa 14 trận, 1 trận không kết quả.
Cuộc chia tay với Gym Por. Pramuk
Thông thường, các võ sĩ sẽ khá gắn bó với lò võ đã nuôi dưỡng, cho họ ăn tập, dạy họ các miếng võ đặc sắc từ tấm bé. Trường hợp của Buakaw cũng gần tương tự. Anh được ông bầu Pramuk Rochannatan đón vào lò Por. Pramuk Gym từ năm 1994, khi Buakaw mới 12 tuổi, cho ăn tập cùng những cái tên xuất sắc như Namsaknoi, Chokdee, Ponsawan, Kompayak, Nonthanon,...
Chuyện vẫn êm xuôi cho đến khi Buakaw bắt đầu có danh tiếng lớn, thu được những khoản thưởng khổng lồ từ K-1 MAX và các giải đấu quốc tế khác. Có tin đồn rằng trong 10 triệu Yên Nhật được thưởng từ K-1, Buakaw chỉ nhận được cỡ 20 nghìn Yên. Trong lúc đó, ông bầu Por. Pramuk đã kịp sắm hẳn mấy căn nhà mới.
Tiền nong là một chuyện, cách Gym Por. Pramuk quản lý hoạt động của Buakaw cũng nhiều bất cập. Bắt đầu từ năm 2009, đến đầu năm 2012 thì xung đột giữa Buakaw với Team Pramuk đạt đến đỉnh điểm. Đáng lẽ Buakaw đã có dịp đi cùng cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra để thực hiện một trận đấu biểu diễn giao hữu tại Nhật, nhưng bị hủy với lý do ông bầu muốn ưu tiên cho anh thượng đài một trận đấu khác.
Bức xúc, cho rằng những người điều hành ở Por. Pramuk coi mình không ra gì, Buakaw quyết định rời lò võ. Anh cũng đổi biệt danh sàn đài từ Buakaw Por. Pramuk thành Buakaw Banchamek.
Cuộc chia tay diễn ra không êm đẹp. Gym Por. Pramuk khởi kiện Buakaw, đòi anh bồi thường 100 triệu baht Thái (hơn 67 tỷ đồng); trong khi vốn liếng quanh người Buakaw chắc được trên dưới 2 triệu baht. Buakaw không chia sẻ nhiều về chuyện kiện cáo, chỉ biết là nửa tháng sau anh rời Bangkok về quê, dựng phòng tập Banchamek mới từ gỗ, bạt dứa với mái tranh.
2 trận đấu giữa Buakaw và Yi Long
Các giải Kickboxing thế giới dần dần hạ nhiệt vào khoảng những năm 2013 - 2015. Dù vậy, Buakaw Banchamek vẫn là một tên tuổi lớn, những trận đấu có mặt anh chưa bao giờ hết hot. Giải Kickboxing Trung Quốc Wu Lin Feng đã thương thảo với Buakaw vào thời điểm đó, dẫn đến trận Buakaw vs. Yi Long 1 vào năm 2015.
Được mệnh danh là “trận Muay Thái vs. Kungfu thế kỷ”, trận đấu thu hút được lượng theo dõi cực lớn. Yi Long mở đầu khá lấn lướt, và có loạt đòn không tệ ở hiệp cuối, còn Buakaw chiếm ưu thế ở 2 hiệp sau. Tuy nhiên, các trọng tài chấm phần thắng bằng tính điểm đồng thuận hoàn toàn nghiêng về Buakaw, khiến dư luận Trung Quốc xôn xao một thời gian dài.
Trong lúc “Muay Thái vs. Kungfu” còn chưa hạ nhiệt, Wu Lin Feng sắp xếp trận Buakaw vs. Yi Long 2 lên sàn vào cuối năm 2016. Lần này, Buakaw là người hoàn toàn làm chủ thế trận, kiểm soát từ đầu đến cuối, nhưng phần thắng bằng tính điểm thì lại thuộc về Yi Long.
Sau trận Buakaw vs. Yi Long 2 bị dàn xếp kết quả trắng trợn, Wu Lin Feng mất điểm khá nhiều trong mắt người hâm mộ. Dù về sau họ vẫn muốn thực hiện tái đấu Buakaw vs. Yi Long 3, kèo đấu này có vẻ khó có cơ hội khả thi.
Buakaw Banchamek là người gốc Campuchia?
Khoảng năm 2021, từng có một thời gian khán giả Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia, nháo nhào khi xuất hiện video hai võ sĩ vùng Surin biểu diễn võ thuật đặc sắc địa phương trên mạng. Dù dân Thái mặc định đó là Muay Thái, dân Campuchia nằng nặc cho rằng đó là Bokator - môn võ cổ truyền của Campuchia.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Surin, Buakaw cũng bị kéo vào cuộc. Người ta tranh cãi rất hăng xem võ thuật tại Surin nói chung và võ thuật của Buakaw nói riêng có phải thật là Muay Thái, hay có họ hàng gốc gác gì với Bokator hay không.
Trong bối cảnh người Thái và người Campuchia tranh giành nguồn gốc môn võ dân tộc, chuyện rùm beng đến mức Buakaw phải lên tiếng chứng thực rằng dù anh là người dân tộc Kuy - một dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực dãy núi Dangrek, nơi giáp ranh giữa Thái Lan, Lào, Campuchia; nhưng Buakaw chính thức sinh ra ở địa vực Thái Lan, học võ Muay Thái, chứ không phải người Campuchia và cũng chưa tập Bokator ngày nào trong đời.
Buakaw thắng KO trận Boxing tay trần đầu tiên
Trong ngày ra mắt đấu trường Boxing tay trần, 'thánh Muay' Buakaw Banchamek đã giành chiến thắng trước đối thủ Erkan Varol bằng một pha KO body shot ngay hiệp 1 trận đấu.
YouTuber Campuchia kêu gọi các võ sĩ đấu Buakaw, treo tiền thưởng 200 triệu
Sau những tranh cãi về nguồn gốc của môn Muay Thái - Kun Khmer, phía Campuchia đã có nhiều người kêu gọi võ sĩ lên tiếng bảo vệ truyền thống, bao gồm cả việc thách đấu 'thánh Muay' Buakaw.
Buakaw và Saenchai đấu Boxing tay trần đầu tháng 11
Sau khi phải tạm dừng vô thời hạn do vướng mắc các thủ tục pháp lý, giải Boxing tay trần BKFC đã chính thức chốt được thời điểm diễn ra trận đấu giữa 2 tượng đài Muay là Buakaw và Saenchai.
Buakaw được trả 13,5 tỷ để đấu Boxing tay trần với Saenchai
Chia sẻ trên trang cá nhân, 'Thánh Muay' Buakaw Banchamek tiết lộ anh được ban tổ chức giải đấu trả thù lao lên tới 20 triệu Baht (tương đương 13,5 tỷ đồng) để đấu với Saenchai tại BKFC.
Buakaw được ưu ái ra sao trong trận Boxing tay trần với Saenchai?
Bên cạnh mức thù lao kỷ lục, Buakaw Banchamek còn nhận được nhiều ưu đãi khác từ giải đấu Boxing tay trần BKFC khi anh nhận lời thi đấu với Saenchai.