Nghẹt thở 18 ngày giải cứu đội bóng nhí Lợn Hoang mắc kẹt trong hang: Rùng mình chuyện Công chúa Thái Lan chờ báo thù
Tháng 6 năm 2018, cả thế giới đều hướng sự chú ý về Thái Lan, nơi đội bóng nhí Lợn Hoang không may bị mắc kẹt trong một hang động hơn 2 tuần. Nhưng nhờ một chiến dịch cứu hộ thần kỳ mang quy mô quốc tế, 12 em nhỏ và 1 HLV đã giành chiến thắng trong cuộc chiến sinh tồn chống lại thời gian và tự nhiên
Sự kiện bắt đầu với 13 thành viên của một đội bóng thiếu niên có tên Lợn hoang. Vào ngày 23/6/2018, 12 cầu thủ nhí, độ tuổi từ 11 đến 16 tuổi, và một huấn luyện viên 25 tuổi cùng nhau thám hiểm hang động Tham Luang ở khu rừng Khun Nam Nang Non, miền Bắc Thái Lan. Họ tiến sâu vào hang, đi qua những biển cảnh báo khuyến cáo mọi người tránh xa khu vực này vào mùa mưa, vốn kéo dài khá lâu từ khoảng tháng 6 đến tháng 10.
13 thầy trò dự kiến chỉ vào thám hiểm vui vẻ khoảng vài giờ rồi trở ra. Tuy nhiên, cơn ác mộng bắt đầu khi họ bị mắc kẹt trong hang do mưa lớn, nước lũ đột ngột dâng cao trong hang chặn mọi lối ra. Không ai nghe tin gì từ các thành viên trong khoảng 1 tuần. Cuối cùng, sau khi mẹ một cầu thủ cho hay con bà không về nhà, cả nhóm được thông báo là đã mất tích.
Giới chức địa phương bắt đầu tìm kiếm sau khi họ cho rằng cả đội bóng có lẽ đã bị mắc kẹt do mưa lớn chặn lối ra vào chính. Một nhân viên kiểm lâm sau đó phát hiện nhiều xe đạp, giày đá bóng của các em gần lối vào hang. Nhưng lực lượng cứu hộ cũng phải nhanh chóng tạm dừng tìm kiếm vào buổi tối vì lũ lụt đã xảy ra.
Khi nhận được tin, chính phủ Thái Lan ngay lập tức mở chiến dịch giải cứu có quy mô chưa từng có, đồng thời cũng không quên kêu gọi và đón nhận sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Hơn 1.800 người tham gia vào hoạt động cứu hộ, bao gồm quân đội hoàng gia, lực lượng đặc nhiệm SEAL hải quân, các đơn vị y tế của đất nước Triệu voi. Ngoài ra, cuộc giải cứu này có sự tham gia của nhiều thợ lặn, các chuyên gia cùng hàng nghìn tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Myanmar...
Nhưng 3 cho đến 4 ngày sau khi chiến dịch được khởi động, đội giải cứu vẫn chưa chưa có tín hiệu khả quan về vị trí của 13 người bị mắc kẹt. Hang Tham Luang là hệ thống hang động lớn thứ tư Thái Lan, dài 10km với đường hẹp và hầm quanh co, không ai biết rõ cấu trúc trong hang. Sứ mệnh giải cứu càng trở nên khó khăn dưới trời mưa tầm tã, khiến cho nỗ lực tiêu thoát nước trong hang của chính phủ trở nên bất khả thi.
Các thợ lặn SEAL Thái Lan đã đi vào phần chính của hang động, nhưng điều kiện tìm kiếm rất khó khăn bởi nước liên tục chảy vào. Mọi thứ đều chìm trong nước. Thậm chí do lũ lớn, những chấn động làm đá từ nóc hang rơi xuống khiến họ bị thương. Biệt đội SEAL cũng đành tạm dừng công cuộc cứu hộ và ra khỏi hang.
Đến lúc này, các gia đình nạn nhân phải nhờ đến Kruba Boonchum Yannasangwalo, một trong nhưng vị sư đáng kính nhất miền bắc Thái Lan. Nguồn căn việc nhà sư Kruba xuất hiện và hỗ trợ giải cứu đội bóng mất tích là một hành trình tâm linh ly kỳ. Ngay sau khi ông tới thăm hang, cơn mưa dai dẳng ở khu vực rừng Khun Nam Nang Non trước đó đột nhiên dừng hẳn, giúp cho công cuộc tìm kiếm của đội cứu hộ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chưa dừng lại ở đó, một người phụ nữ tên Nattanuch Prasertong đã kể lại trên trang Facebook cá nhân về giấc mơ của cô rằng, cô mơ thấy một nữ thần nói các cậu bé sẽ không thể trở về chừng nào nhà sư Kruba chưa tới hang để cầu nguyện.
Có người nói rằng, nữ thần báo mộng trong giấc mơ của Nattanuch chính là nàng công chúa bí ẩn gắn liền với truyền thuyết về ngọn núi bao quanh khu vực hang Tham Luang. Dọc theo con đường núi lầy lội không xa cửa hang, xuất hiện một miếu thờ mà trong đó có bức tượng mang hình dáng một gái trẻ mặc bộ đồ dân tộc màu hồng.
Đó là bức tượng Jao Mae Nang Non, nghĩa là nữ thần đang nằm. Tên của nữ thần - Nang Non – cũng chính là tên đầy đủ của cái hang mà 13 nạn nhân đang chờ được giải cứu: Tham Luang Nang Non – nghĩa là hang động lớn của người con gái đang ngủ. Ngọn núi bao quanh hang động kỳ bí cũng có tên Doi Nang Non. Nếu nhìn từ con đường chính dẫn đến công viên quốc gia nơi có hang Tham Luang, núi Doi Nang Non có hình giống như một người đang nằm ngủ. Và người dân địa phương nói rằng người con gái đang ngủ đó chính là nàng công chúa bí ẩn.
Truyền thuyết kể rằng, vào thời xa xưa, có một nàng công chúa xinh đẹp mang lòng yêu một chàng trai chăn ngựa và mang thai. Biết rằng tình yêu của mình bị cấm đoán, họ chạy trốn và cuối cùng vào trong hang để nương náu. Khi chàng trai ra ngoài tìm thức ăn, chàng bị lính của vua cha công chúa bắt và giết hại. Đau đớn trước cái chết của người yêu, công chúa đã tự sát bằng trâm cài đầu. Sau này, nơi công chúa qua đời mọc lên một ngọn núi và tương truyền rằng, nước chảy qua hang Tham Luang là máu của công chúa.
Một số người cho biết nhà sư Kruba chính là hiện thân của chàng trai nghèo yêu công chúa và là cha của đứa trẻ chưa chào đời. Người dân địa phương tin rằng, nhà sư Kruba tới hang Tham Luang để thỉnh cầu người con gái ông từng yêu thả đội bóng trẻ và huấn luyện viên của họ. Sự xuất hiện của nhà sư đã mang lại niềm hy vọng cho gia đình của các cậu bé.
Sau khi làm các nghi lễ tôn giáo tại cửa hang Tham Luang vào ngày 29/6 để cầu nguyện cho sức khỏe của những người mất tích, nhà sư 53 tuổi đã nói với người thân của các thành viên trong đội bóng rằng: “Đừng lo. Các cậu bé vẫn an toàn. Chúng sẽ xuất hiện trong vài ngày tới”. Ngày hôm sau, nhà sư Kruba tiếp tục chủ trì một lễ cầu an để tiếp thêm động lực về tinh thần cho các thành viên trong đội cứu họ. Lần này, ông tiên đoán: “Các thợ lặn SEAL cách chỗ các cậu bé không xa nữa đâu”. Quả thật phép màu đã xuất hiện. Công cuộc tìm kiếm đã đạt được kết quả khả quan khi đội cứu hộ phát hiện ra các thành viên đội bóng Lợn Hoang vào tối ngày 2/7. Cả 13 con người tội nghiệp đều an toàn.
Dù đã tìm được các nạn nhân, nhưng những người trong cuộc hiểu rằng chặng đường trước mắt vẫn còn nhiều gian truân. Việc một đứa trẻ không biết lặn có thể vượt qua quãng đường đầy bùn, nước và nhiều chướng ngại trong không gian hiểm trở như hang Tham Luang là điều gần như không thể, huống chi là tận 12 em nhỏ đã kiệt sức sau nhiều ngày mắc kẹt.
Một kế hoạch táo bạo đã được lực lượng cứu hộ đề ra trong sứ mệnh giải cứu đội bóng. Họ buộc phải cho 12 thành viên nhỏ tuổi dùng một loại thuốc an thần mạnh để gây mê, còng tay, đeo mặt nạ chứa oxy với khóa silicon trên mặt để ngăn những đứa trẻ tỉnh lại và trở nên hoảng loạn, sau đó mới đưa ra ngoài.
Trong cuộc chiến sinh tồn chống lại tự nhiên, những con người quả cảm còn phải chạy đua với thời gian để trốn tránh tử thần. Mức oxy được bơm vào hang để hỗ trợ các nạn nhân hồi phục sức khỏe bắt đầu cạn kiệt, giảm từ mức bình thường 21% xuống còn báo động 15%.
Vào ngày 8/7, lực lượng cứu hộ quyết tâm đưa các nạn nhân ra ngoài. Mỗi cậu bé được hai thợ lặn tháp tùng đưa ra ngoài qua các đường hầm tối tăm, chật hẹp, ngập nước. Đến ngày 10/7, toàn bộ 12 cậu bé và huấn luyện viên đội bóng Lợn Hoang đã được giải cứu thành công khỏi hang và được chuyển đến bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên, trong quá trình giải cứu các nạn nhân, 2 thợ lặn SEAL không may đã thiệt mạng.
Cựu thợ lặn của lực lượng SEAL Hải quân Thái Lan, Saman Kunan đã qua đời do ngạt thở vào ngày 6/7 khi đang làm nhiệm vụ cung cấp oxy cho các cậu bé trong hang. Beirut Pakbara, một SEAL Hải quân Thái Lan khác cũng thiệt mạng một năm sau đó vì nhiễm trùng máu trong quá trình tham gia nhiệm vụ giải cứu đội bóng Lợn Hoang trong hang Tham Luang. Hiện nay, hệ thống hang động Tham Luang hiện nay đã trở thành một "bảo tàng sống" để tưởng nhớ cho cuộc giải cứu nghẹt thở đã từng gây chấn động trong năm 2018 này.
Sự kiện giải cứu đội bóng trong hang động mang tên Tham Luang là câu chuyện nhân văn về tình người. Ở đó không có sự phân biệt về sắc tộc, giới tính, quốc tịch mà chỉ là những con người đang làm hết sức mình để giúp đỡ những người hoạn nạn. Thêm vào đó, đối với nhiều người dân Thái Lan, việc giải cứu thành công đội bóng nhí không chỉ là thành quả nỗ lực phi thường của lực lượng cứu hộ, mà còn có liên hệ với những lời tiên tri của một nhà sư, và truyền thuyết huyền bí về một nữ thần ẩn mình trong hang tối.
Hình ảnh cao thượng nhất Olympic Rio 2016: Hai đối thủ dìu nhau về đích sau vấp ngã
Năm 2016, Thế vận hội Olympic tại Rio đã chứng kiến một trong những câu chuyện đáng nhớ và truyền cảm hứng nhất đến từ hai nữ vận động viên điền kinh Nikki Hamblin – người New Zealand - và Abbey D'Agostino – người Mỹ. Họ va vào nhau trên đường chạy và cùng vấp ngã. Cứ như thế, cuộc sống của cả hai thay đổi và mãi mãi gắn kết với nhau.
Chuyện tình cảm động nhất Olympic 2008: Giá trị của lời hứa và tấm HCV tặng người vợ đã khuất
Giây phút trên bục nhận HCV cử tạ hạng cân trên 105kg Olympic 2008, lực sĩ Matthias Steiner một tay giương lên phần thưởng cao quý nhất, tay còn lại, nâng niu bức hình một người phụ nữ với nụ cười đầy ấm áp. Đó là nụ cười của tình yêu vĩnh cửu và lời hứa với người vợ đã khuất. Quyết tâm giành “vàng” tặng vợ của Steiner đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng bậc nhất lịch sử Thế vận hội.
Vụ án ‘người không chân’ Pistorius giết bạn gái: 4 phát súng ngày Valentine, từ đường đua Olympic đến nhà tù
Tại London năm 2012, hình ảnh VĐV khuyết tật Oscar Pistorius với đôi chân nhân tạo bước vào cuộc đua với những VĐV bình thường tại Olympic thật sự làm lay động trái tim của hàng triệu người trên thế giới. Nhưng chỉ chưa đầy 12 tháng sau, người hùng không chân ấy lại gây sốc cho cả thế giới khi bắn chết bạn gái ngay tại nhà riêng vào đúng lễ tình nhân. Một câu chuyện còn bi kịch hơn cả những tác phẩm của William Shakespeare.