Nổi danh từ khi mới 16 tuổi, Thạch Kim Tuấn nhanh chóng trở thành niềm hi vọng lớn của đoàn thể thao Việt Nam ở mỗi kỳ SEA Games, ASIAD và Olympic. Để đến với cử tạ, Tuấn đã phải đánh đổi không ít, từ việc học hành, sức khỏe, rồi không biết bao nhiêu lần phải nén đau để tập luyện trong suốt 16 năm qua. Nhưng ngược lại, Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận rằng cử tạ đã cho mình rất nhiều.
- Xin chào Thạch Kim Tuấn và cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện cùng Thethao.vn. Olympic Tokyo đã cận kề, việc tập luyện của anh hiện tại như thế nào trong bối cảnh TP.HCM đang trải qua thời kỳ khó khăn bởi dịch Covid-19?
Hiện tại tôi đang tập trung tại Nhà tập luyện Thể thao Phú Thọ (TP.HCM). Sau khi dự giải vô địch châu Á về (tháng 4/2021), tôi cách ly ở Bình Dương rồi về đây tập luyện từ đó tới giờ. Cũng do tình hình dịch bệnh nên sự chuẩn bị không được tốt cho lắm.
Hiện tại mình cố gắng kéo thành tích lên, cũng hơi gấp rút vì phải nghỉ cũng mất khoảng 1 tháng (do cách ly), trong khi vận động viên cử tạ nghỉ 1 tuần thôi là sức đã xuống rồi. Nghỉ 1 tháng luôn thì giống như mình phải tập lại từ đầu vậy. Đến khi nghe tin giành được suất dự Olympic (ngày 12/6), mình phải cố gắng tập luyện nặng để kéo thành tích.
Trước đó trong khu cách ly mình cũng có tập duy trì, tập về thể lực nhiều, còn khi về đây thì mình tập về chuyên môn nhiều hơn. Cho đến thời điểm này thì thành tích cũng ổn định. Mình cứ cố gắng hết mình để đạt được thành tích tốt nhất, cứ vượt qua chính mình trước đã.
Hơn nữa khi cách ly và giờ về đây ăn uống, sinh hoạt đều tốt. Chúng tôi ở trong đây tập luyện vừa an toàn, vừa tránh được dịch bệnh bên ngoài, tâm lý mình cũng thoải mái, không phải sợ gì cả mà cứ tập trung tập luyện thôi.
Đợt trước vợ con còn lên thăm được chứ bây giờ thì chỉ có thể gọi điện về để hỏi thăm thôi. Nói chung mình phải cố gắng thôi. Chịu khổ nhiều rồi giờ khổ thêm chút nữa cũng không sao.
Theo lịch, chiều chủ nhật (18/7) hai thầy trò ra sân bay để bay ra Hà Nội, sau đó nhập đoàn rồi bay qua Tokyo.
- Trước thời điểm ngày 12/6, cử tạ Việt Nam vẫn thấp thỏm trong nỗ lo bị cấm dự Olympic 2020 vì “bóng ma” doping. Lúc biết tin mình có vé tới Tokyo, cảm xúc của Thạch Kim Tuấn như thế nào?
Thực sự rất vui mừng. Olympic 2016 mình cũng đã được tham dự và giờ tiếp tục có vé đi Tokyo. Sau thất bại đó, tôi cũng rút ra nhiều kinh nghiệm, phấn đấu rất nhiều, tích lũy nhiều giải vòng loại để được lọt vào top 8 vận động viên , qua đó được dự Olympic 2020.
Nhưng thực sự trong giai đoạn chờ đợi công bố chính thức, bản thân tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều về tinh thần, tâm lý. Mình đã nỗ lực, phấn đấu rất nhiều để đạt được thành tích tốt, tuy nhiên do có một số vận động viên dính doping, cử tạ Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu Olympic Tokyo, và xa hơn là cấm thi đấu quốc tế trong 1 năm.
- Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, tinh thần. Mình đang nỗ lực chuẩn bị cho Olympic mà nghe tin xong cảm giác như suy sụp vậy. Cố gắng nhiều quá thì liệu có được gì hay không?
Tôi cứ vừa tập vừa lo, vừa nghe ngóng. Về thành tích thì tôi chắc chắn có suất dự Olympic rồi, nhưng quan trọng vẫn phải chờ phán quyết cuối cùng của IWF.
Vận động viên chuyên nghiệp thì không thể ngừng tập luyện được, nhưng tôi chỉ biết cố gắng tập duy trì thôi chứ không dám tập nặng. Tập luyện trong điều kiện tâm lý không tốt thì rất dễ chấn thương. Nói chung mình cũng hoang mang lắm.
Thế nên khi nghe tin cử tạ Việt Nam được 3 suất dự Olympic tôi thực sự rất vui mừng. Tinh thần trở lại và xác định phải cố gắng để có một kỳ Olympic với thành tích tốt nhất có thể.
- Tuy nhiên sau đó hơn 3 tuần, cử tạ Việt Nam vẫn phải nhận án phạt từ IWF và bị cắt đi 1 suất dự Olympic Tokyo. Bầu không khí của đội ra sao khi phải đón nhận tin không vui này?
Vận động viên khi đạt được suất dự Olympic thì ai cũng vui mừng cả. Cả 3 người giành vé đều đã cống hiến rất nhiều, phải trải qua những khó khăn trong tập luyện, chấn thương xảy ra khi tập. Lúc nghe tin cử tạ Việt Nam có 3 suất thực sự vui lắm.
Ngày đi thi giải vô địch châu Á về, ở trong khu cách ly, 3 anh chị em nói chuyện với nhau, ước rằng cả ba đều có suất đi Olympic. Ai cũng cống hiến, nỗ lực cả, hi vọng nỗ lực của mình được đền đáp.
Đến khi nghe tin Việt Nam bị tước mất 1 suất, bản thân mình rất tiếc cho người phải ở nhà (lực sĩ Vương Thị Huyền), khi Liên đoàn cử tạ Việt Nam quyết định chọn Hoàng Thị Duyên bởi bạn ấy có khả năng tranh chấp huy chương cao hơn.
- Chỉ trong 4 năm, cử tạ Việt Nam có tới 4 vận động viên dính doping và phải nhận án phạt nặng từ IWF. Thậm chí có trường hợp cho biết dính chất cấm vì sử dụng thuốc để điều trị chấn thương. Với cá nhân anh, làm thế nào để tránh phải chuyện đáng tiếc như vậy?
Hiện tại điều kiện tập luyện dành cho vận động viên cũng còn thiếu sót rất nhiều. Khi đã theo lên đến thi đấu đỉnh cao, mình phải tập rất nặng. Nếu có HLV tâm lý, dinh dưỡng, rồi phục hồi, massage giống như các nước bạn thì sẽ tốt hơn nhiều.
Còn về những vận động viên không may về doping, tôi nghĩ rằng nhiều người còn trẻ, họ bị đau thì đi ra mua thuốc uống mà không suy nghĩ trước. Thấy đau quá thì ra mua thuốc uống đại vậy thôi. Nói chung đó là việc không may.
Còn với tôi từ xưa đến giờ mỗi khi bị đau hay có vấn đề tâm lý, mình cũng mua thuốc về uống nhưng trước khi mua đều phải hỏi qua chỗ bác sỹ xem thuốc đó có chất cấm hay không. Tự bản thân mình phải chủ động việc an toàn từ trước.
- Thạch Kim Tuấn đánh giá như thế nào về cục diện cuộc đấu ở hạng cân 61kg của mình tại Olympic sắp tới?
Thông qua nhiều kênh thông tin, tôi cũng được biết rằng đoàn Triều Tiên không dự Olympic Tokyo và nhiều vận động viên cử tạ khác cũng bị cấm vì vấn đề doping.
Trước mắt tôi thấy mình muốn có huy chương thì bắt buộc phải thắng được vận động viên người Nhật Bản. Giải vừa rồi thành tích của họ tổng cử cũng chỉ khoảng hơn 280kg (cử giật hơn 120kg, cử đẩy 160kg). Tôi nghĩ nếu mình cứ đạt được thành tích cá nhân tốt nhất là có thể giành được huy chương.
Ở Olympic sắp tới, tôi đánh giá 2 đối thủ nặng ký là Eko Irawan (Indonesia) và Li Fabin (Trung Quốc). Đó là 2 lực sĩ hàng đầu thế giới vào lúc này. Với cá nhân tôi, tôi nghĩ cứ cố gắng vượt qua chính mình, để trước mắt đạt được thành tích tốt nhất cho bản thân đã chứ không đặt nặng về những tấm huy chương.
Mình đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, và nếu giành được huy chương đem về cho tổ quốc Việt Nam thì mình rất vui mừng. Nhưng bây giờ mình cứ thoải mái và cố gắng hết sức thôi, không suy nghĩ nhiều.
- Tháng 10/2018, IWF quyết định thay đổi các hạng cân thi đấu, trong đó hạng cân 56kg sở trường của Tuấn bị “khai tử”, thay vào đó là hạng 55kg. Đứng trước thử thách lớn nhất sự nghiệp, việc phải đôn lên thi đấu ở hạng 61kg có khiến anh gặp khó khăn nhiều không?
Đối với tôi, khi IWF đưa ra thay đổi như vậy, hạng cân 61kg trở thành hạng cân chủ lực. Chỉ có hạng cân đó mới tổ chức ở Olympic, ASIAD, SEA Games hay những giải quan trọng, đấu trường lớn.
Hơn nữa, những mức tạ ở hạng cân thấp hơn mình đã giành được nhiều huy chương rồi. Vì thế mà tôi lựa chọn tăng lên hạng cân 61kg vì mong muốn chinh phục những mốc mới. Đó là khát khao thúc đẩy tôi.
Cá nhân tôi cũng không gặp khó khăn nhiều, lên hạng thì thành tích nâng tạ cũng tăng lên. Ngày trước ở hạng 56kg mình đã cử giật hơn 130kg, cử đẩy hơn 160-170kg rồi. Khi không cần ép cân nữa, tăng lên hạng cân 61kg, tôi có thể cử giật hơn 140kg, cử đẩy lên được 180kg. Với những con số đó, mình có thể vô địch thế giới hay có những tấm huy chương Olympic rồi. Tôi nghĩ mình có thể làm được và muốn chinh phục những dấu mốc mới.
- Trò chuyện với anh, tôi nhìn thấy rất rõ những vết chai, vết hằn lõm cả hai bên xương quai xanh. Cử tạ rõ ràng là một môn một thể thao vô cùng vất vả để có thể theo đuổi đến cùng?
(Cười) Mấy cục xương này ở bên trong bị móp hết luôn rồi, bởi mình phải gánh tạ nặng nhiều. Đến hơn 200kg đè xuống nên xương móp hết cả.
Với cử tạ, có nhiều vận động viên gặp khó khăn lắm. Mọi người bị có nguy cơ bị những chấn thương rất nặng, nhất là về lưng: trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm rồi thoái hóa, tổn thương dây chằng.
Nhiều người nói rằng khi nghỉ thi đấu thì cảm giác mình bị già hơn những người đồng trang lứa. Sau này mình đi đứng cũng khó khăn lắm.
Tuy nhiên giờ còn trẻ (27 tuổi) nên mình cũng không suy nghĩa tới điều đó nhiều, cứ cống hiến đã, bởi khi đạt được tấm huy chương, đem vinh quang về cho tổ quốc Việt Nam luôn là một niềm tự hào rất lớn.
Trước mắt mình cứ cố gắng và nỗ lực thôi, còn những thứ sau này nó ảnh hưởng chỉ là phụ, tới lúc đó rồi tính. Đó là suy nghĩ của tôi.
- Với cá nhân anh, lần chấn thương phải nghỉ lâu nhất kéo dài bao lâu? Và nó có ảnh hưởng gì đến quyết tâm theo đuổi con đường này hay không?
Với tôi hay vận động viên nói chung, khi mình đau rồi thì mình cố chịu khổ, chịu đau để tập luyện thôi chứ bỏ không được. Tâm lý, tinh thần mình ham muốn giành được những tấm huy chương, giành thành tích cao để đem vinh quang về cho tổ quốc. Lúc nào cũng cố gắng hết mình để có được kết quả tốt nhất.
Thực sự khi đứng lên bục lãnh nhận giải, mình không chỉ vui mừng mà còn suy nghĩ rằng đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều, mình chịu đựng được những con đau đó để đem về những tấm huy chương cho tổ quốc Việt Nam.
Với cá nhân tôi, nếu có bị chấn thương phải nghỉ thì cũng chỉ điều trị trong vòng nửa tháng, một tháng thôi chứ không được nghỉ nhiều. Nhiều khi nó cũng không hết hẳn, chưa khỏi đau nhưng mà vẫn cố gắng tập luyện duy trì thôi. Nếu có đau thì mình uống thuốc giảm đau.
- Vất vả như vậy, tại sao ngày trước anh lại chọn theo cử tạ?
Thực ra vì ngày xưa gia đình khó khăn nên tôi mới đi theo môn cử tạ. Đa số vận động viên cử tạ đều có hoàn cảnh khó khăn cả. Nhiều người gia cảnh không khó khăn, vào tập chút xíu là muốn nghỉ rồi, không tập được nữa.
Còn với những người như chúng tôi, lúc nào cũng nỗ lực phấn đấu. Kiếm được đồng tiền về phụ giúp gia đình thì mừng lắm. Vì thế mà đam mê, lao vào tập. Dần dần này càng theo càng mê hơn nữa khi mà đem được những tấm huy chương về cho tổ quốc.
- Theo tôi biết, cả anh và anh trai đều thử đi tập cử tạ nhưng chỉ có anh trụ lại được. Ngày ấy gia đình có ủng hộ việc anh đi theo con đường này không?
Lúc đó mình cũng còn nhỏ lắm. Mất mẹ sớm quá nên gia đình cũng rất khó khăn. Khi theo cử tạ, vào được đội tuyển rồi lãnh được tiền để đem về phụ gia đình, thực sự mình cảm thấy rất quý những đồng tiền mình làm ra.
Tôi luôn muốn làm vậy bởi gia đình vốn đã khó khăn quá nên mình càng cố gắng tập luyện. Minh thi đấu vừa có huy chương vừa có tiền thưởng ngày một lớn hơn để đem về phụ gia đình. Khi có điều kiện một chút thì mình đầu tư vô dinh dưỡng nhiều hơn để tập lên để chinh phục những đỉnh cao mới. Bản thân mình cũng rất may mắn khi theo môn cử tạ và từ đó mới có được thành công đến ngày hôm nay.
- Để đến với cử tạ, anh chấp nhận nghỉ học giữa chừng. Thế nhưng sau này, cũng chính anh quyết tâm đi học trở lại dù việc tập luyện đã rất mệt mỏi và tốn nhiều thời gian. Điều gì đã thôi thúc anh?
Ngày xưa mình đang đi học thấy gia đình khó khăn quá, chị cả phải lo cho mình rất nhiều. Tôi suy nghĩ đơn giản là muốn có một số tiền để phụ gia đình thôi.
Thế rồi có một anh trong đội cử tạ hỏi tôi có muốn đi tập không. Vào đội tập tạ vừa có sức khỏe mà còn được trả tiền lương. Nghe thấy thế tôi chẳng nghĩ ngợi nhiều, chẳng nghĩ đến chuyện chấn thương hay đau đớn gì cả, cứ thế đi tập thôi.
Tôi tập từ năm 2005, đến năm 2009 thì bắt đầu có những tấm huy chương quốc tế ở giải thiếu niên thế giới. Niềm đam mê với cử tạ ngày một tăng lên. Đó cũng là động lực để mình tiếp tục chinh phục những thành tích cao hơn nữa như vô địch SEA Game, vô địch châu Á, ASIAD…
Sau khi giành được tấm huy chương vàng Olympic trẻ 2010, tôi rất mừng đồng thời cũng có được một khoản để phụ giúp rất nhiều được cho gia đình. Sau giải đấu đó, các bác lãnh đạo, các thầy, anh em bạn bè đều khuyên tôi gắng đi theo cử tạ, sau ra làm HLV để dạy cho những lứa tiếp theo.
Thế là trong thời gian rảnh, tôi quyết định đi học bổ túc trở lại. Dù tập rất mệt nhưng mình vẫn cố vào ngồi nghe giảng mấy tiếng đồng hồ. Thực sự là tập mệt thì học không nổi đâu nhưng mình vẫn cố gắng và giờ cũng là sinh viên đại học năm hai rồi.
Tất nhiên chuyện ra trường sớm hay muộn với tôi cũng chưa quá quan trọng, bởi trước mắt mình cứ cống hiến cái đã.
- Nhắc đến Olympic trẻ 2010, tấm huy chương vàng ở hạng cân 56kg năm đó có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp của anh?
Vốn dĩ trước đó tôi đã cạnh tranh huy chương vàng với đối thủ người Trung Quốc ở giải trẻ vô địch thế giới. Vì thế khi bước vào Olympic trẻ, tôi cũng nhận được nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên bản thân tôi không đặt nặng áp lực cho mình.
Bước vào thi đấu, cũng có một phần may mắn khi đối thủ đẩy không tốt, còn mình nhỉnh hơn họ 1,2kg và giành được huy chương vàng. Thực tình vào thi tôi cũng chỉ có gắng thôi chứ cũng không nghĩ về sau mình lại giành được tấm huy chương vàng. Đó là năm tôi phải tập tạ rất nặng và bị chấn thương. Trước Olympic trẻ, tôi đã bị chấn thương 1 tháng rồi nhưng mình cứ tập luyện và nỗ lực.
Đến khi giành huy chương vàng thực sự vui lắm. Được đứng trên bục cao nhất, đạt được thành tích này nghĩa là mình đã đem được vinh quang về cho tổ quốc và sự hãnh diện cho gia đình. Nhờ tấm huy chương đó mà tôi cũng nhận được phần thưởng, sự động viên rất nhiều. Từ lúc đó tôi càng nỗ lực nhiều hơn, để chinh phục từng bước tiếp theo trong sự nghiệp.
- Từ đầu cuộc trò chuyện, anh nhắc rất nhiều đến việc phụ giúp cho gia đình. Mẹ mất sớm, chị em trong nhà phải tự chăm lo cho nhau. Và có lẽ sau nhiều năm thi đấu, việc hỗ trợ được cho các anh chị của mình là một trong những điều khiến anh cảm thấy mãn nguyện nhất?
Bản thân tôi luôn cố gắng lo cho gia đình của mình. Mình cứ cố gắng tập luyện rồi đạt được thành tích, giành được tiền thưởng lại về đưa cho chị để dành dụm, sau này mua nhà cho mấy anh chị em ở chung.
Năm 2014, tôi cũng đã mua được nhà cho chị gái ở quận 12 với giá 700 triệu. Đồng thời tôi cũng mua được cả nhà riêng cho mình nữa.
Với gia đình nhỏ của tôi, vợ tôi cũng luôn ủng hộ chồng tập luyện. Nhiều khi thấy chồng than khi bị chấn thương thì cũng cố gắng động viên, lo cho chồng rất nhiều để vượt qua những cơn đau đó và nỗ lực hơn nữa.
- Trong suốt sự nghiệp của mình, anh đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng nhưng đôi lúc cũng có những giải đấu chưa thành công được như mong đợi. Anh đã làm thế nào để vượt qua được những thất bại đó để trở lại ngày một mạnh mẽ hơn?
Như đã nói, tôi thấy mình cần hỗ trợ rất nhiều từ bác sĩ tâm lý, dinh dưỡng, massage. Tôi chỉ cần thêm những thứ đó thôi. Còn về tập luyện chuyên môn mình cũng đã tập mười mấy năm rồi, đã rút ra được nhiều kinh nghiệm.
Khi thi đấu không đạt được kết quả như mong muốn, tự bản thân cũng suy nghĩ tại sao lúc đó mình không đạt được thành tích như vậy, trong khi tinh thần, thể lực mình dư sức làm được.
Nói chung sau mỗi giải về mình lại rút kinh nghiệm và từ từ hiểu ra để tập luyện. Và khi đạt được thành tích tốt thì tôi thấy rất vui. Sau nhiều năm thi đấu, thắng cũng có, thua cũng có, những điều gì mình nói cũng đều đã trải qua hết.
- Với Olympic Tokyo sắp tới, anh đặt mục tiêu cho mình là gì?
Bản thân tôi luôn muốn chinh phục được tấm huy chương. Đoạt được huy chương đồng rồi thì muốn lên huy chương bạc, rồi cố gắng lên huy chương vàng. Tôi luôn luôn cố gắng để đạt được thành tích cao nhất.
Từ sau khi đạt được huy chương vàng Olympic trẻ, lúc nào tôi cũng suy nghĩ cố gắng để đạt được tấm huy chương Olympic. Đó là mong muốn lớn nhất của tôi và đến bây giờ mình vẫn luôn luôn hướng về mục tiêu đó.
Tất nhiên, mình cứ cố gắng tập luyện, trước mắt không đặt nặng vấn đề huy chương mà cứ vượt qua chính mình, giữ được thành tích tốt nhất của bản thân đã.
- Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện và chúc anh sẽ có mội giải đấu thành công trên đất Nhật Bản!
Viễn cảnh u ám của Manchester United trong thời gian tới tiếp tục được cựu tiền vệ Paul Scholes dự đoán, khi anh khẳng định MU có thể rơi vào cuộc chiến trụ hạng trong 1 năm nữa.
Trong loạt trận thứ 7 Cúp C1 châu Á, các đại diện Nhật Bản đã thể hiện sức mạnh áp đảo so với phần còn lại.
Nhận định Buriram vs Ulsan lúc 19h00 ngày 12/2 tại giải Cup C1 châu Á hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Buriram vs Ulsan.
Nhận định U20 Trung Quốc vs U20 Qatar lúc 18h30 ngày 12/2 tại giải U20 châu Á hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu U20 Trung Quốc vs U20 Qatar.
Nhận định Yokohama F Marinos vs Shanghai Shenhua, lúc 17h00 ngày 12/2 tại giải Cup C1 châu Á hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Yokohama F Marinos vs Shanghai Shenhua.
Nhận định U20 Úc vs U20 Kyrgyzstan lúc 16h15 ngày 12/2 tại giải U20 châu Á hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu U20 Úc vs U20 Kyrgyzstan.
Ngày đầu tiên của Giải vô địch cầu lông đồng đội hỗn hợp châu Á 2025 đã chứng kiến một số bất ngờ nhỏ, nhưng những đội tuyển được đánh giá cao hơn vẫn giành chiến thắng chung cuộc.
HLV Jorge Jesus đang dẫn dắt Al Hilal, đối thủ kình địch của Al Nassr. Ông mang quốc tịch Bồ Đào Nha giống như Ronaldo. Mới đây, ông đã đưa ra phát biểu đáng chú ý.
Số thành viên ủng hộ World Boxing ngày một tăng lên, nhưng tổ chức này vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc thay thế Hiệp hội Boxing Quốc tế (IBA) trong việc quản lý, tổ chức môn Boxing thành tích cao ở cấp độ thế giới.
Olympic Esports Games sẽ là sự kiện mang tính bước ngoặt với thể thao điện tử thế giới nói riêng và Phong trào Olympic nói chung. Theo đó, vòng loại Olympic Esports Games sẽ diễn ra ngay trong năm 2025 này.
Johor Darul Ta'zim (Johor DT) đã mở ra cánh cửa vào vòng 1/8 Cúp C1 châu Á bằng cách đánh bại Central Coast Mariners trong trận đấu vừa kết thúc.
Sau khi bảo vệ thành công đai vô địch UFC tại sự kiện UFC 312, Zhang Wei Li đã hé lộ về đối thủ cô muốn đấu trong tương lai, đó là nhà vô địch Valentina Shevchenko.
Ở ván mở đầu thuộc nội dung đôi nam nữ giải cầu lông đồng đội châu Á 2025, đội tuyển Singapore đã xuất sắc đánh bại Trung Quốc, nhưng nước chủ nhà đã sớm đưa trận đấu về thế cân bằng.
Không dừng lại ở Kai Laws và Silva Mexes, LĐBĐ Thái Lan đã tiếp cận thêm một tài năng trẻ mang dòng máu châu Âu. Họ hy vọng rằng họ có thể tăng cường chất lượng cho đội U17 quốc gia để dự VCK châu Á 2025.
Trung vệ Lucas Alves đã chỉ ra vị trí nguy hiểm nhất bên phía Sanfrecce Hiroshima, đối thủ Nam Định sẽ gặp tại vòng 1/8 Cúp C2 châu Á vào tối 12/2.
HLV Hồng Việt của Thép Xanh Nam Định vừa có những tuyên bố đầy tự tin trước trận đấu với Sanfrecce Hiroshima tại lượt đi vòng 1/8 Cúp C2 châu Á...
SHB Đà Nẵng vừa thông báo chuyển sang sân Tam Kỳ ở giai đoạn lượt về của V.League 2024/25. Lý do vì sân Hòa Xuân của CLB này phải tiến hành tu sửa, nâng cấp.
Leygley Adou Minh vừa có thêm một trận đấu ấn tượng nữa trong màu áo Hà Tĩnh. Qua đây, trung vệ 27 tuổi này cũng bày tỏ nguyện vọng được khoác áo ĐT Việt Nam.
Khép lại Vòng Loại Việt Nam II, tìm ra 26 tuyển thủ ĐTCL tiếp theo của quốc gia đến với giải đấu Cúp Chiến Thuật II mùa giải thứ 13.
Cập nhật lịch thi đấu tennis đêm nay 11/2 và sáng mai 12/2/2025 với tâm điểm là các trận đấu thuộc vòng 1 Argentina Open, Marseille Open 2025. Xem lịch thi đấu tennis trong ngày nhanh nhất, chính xác nhất trên iThethao.vn.