Suốt sự nghiệp của mình, Tấn Trường từng phải đối diện với không ít cú vấp đau đớn và có cả những nỗi oan ức uất nghẹn. Nhưng rồi sau tất cả, Tấn Trường vẫn luôn là Tấn Trường. Bản lĩnh, vững vàng để vượt qua tất cả những sóng gió.
- Sau mùa giải 2019, xuất hiện thông tin Bùi Tấn Trường tính giải nghệ. Nhưng rồi lúc này, ĐT Việt Nam và Hà Nội FC lại đang có một thủ môn 35 tuổi thi đấu đầy ấn tượng. Chuyện gì đã xảy ra với anh trong hơn 1 năm qua?
Câu chuyện tôi định giải nghệ là thật. Chính xác hơn thì tôi muốn tạm ngừng thi đấu hết giai đoạn 1 của mùa giải 2020 hoặc hết mùa, tạm gác mọi thứ lại để ở bên gia đình. Câu chuyện đó không phải ai đồn thổi gì mà chính tôi nói. Tôi muốn chuyển qua một nghề khác để có dự định cho tương lai.
Nhưng trong thời gian đó, mình thấy khả năng mình vẫn còn. Tôi cũng đã liên hệ với CLB Đồng Tháp để được thi đấu ở quê nhà. Chỉ cần được chơi bóng ở gần nhà và vẫn duy trì việc thi đấu ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp, nhận lương thôi chứ không đòi hỏi phí lót tay gì cả. Nhưng CLB Đồng Tháp không nhận nên tôi quyết định nghỉ.
Sau đó bất ngờ Hà Nội FC liên hệ, mời tôi ra. Khi ấy có rất nhiều lời chỉ trích, nói tôi về đây để dưỡng già. Mình cũng chẳng quan tâm đâu, chỉ muốn được chơi bóng đá và thể hiện trên sân.
- Phải chịu nhiều chỉ trích ác ý, nhưng rồi anh lại thi đấu vô cùng thăng hoa. Và phần thưởng lớn nhất có lẽ tấm vé trở lại ĐT Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng. Ngày biết tin được thầy Park triệu tập, cảm xúc của anh thế nào?
Tôi cũng không nghĩ mình cố gắng chơi để trở lại ĐTQG đâu. Nói chung đó cũng là sự đền bù xứng đáng cho công sức mình bỏ ra. Nhận được tin mình cảm thấy rất vui. Nhiều người còn hỏi tôi: “Thế có lên tuyển không?”.
Nói thực sự thì không lên không được, mà lên có khi lại bị bảo là già còn ham. Nhưng thôi, đưa tới đâu thì mình đi tới đó. Giờ tôi cứ chơi hết mình cái đã, chứ không nghĩ sâu xa chuyện gì cả.
- Có phần đắn đo, nghĩ ngợi nhưng chắc hẳn anh cũng rất háo hức khi lại được mặc lên mình chiếc áo của ĐTQG sau cả một quãng thời gian dài?
Nói chung cũng rất háo hức khi quay lại ĐTQG, vì mọi thứ bây giờ hoàn toàn mới chứ không giống như thời trước nữa. Thời của thầy Park thay đổi hoàn toàn về cách suy nghĩ, sinh hoạt, tập luyện. Sau này mình có tiếp tục với nghề bóng đá, làm HLV thì đó cũng là kinh nghiệm để mình học hỏi những cái tốt để tiếp bước cho tương lai của mình.
Ở tuổi này mình học nhiều hơn, chứ không học thi đấu nữa. Học cách làm huấn luyện, cách bố trí, sinh hoạt, ăn uống của anh em khoa học như thế nào. Mình muốn xem vì sao thầy Park lại thành công. Và học hỏi từ một người thành công thì bao giờ cũng tốt.
- Vậy cảm nhận của anh về sự khác biệt của ĐT Việt Nam bây giờ và ngày xưa là như thế nào?
Khác nhau khá nhiều. Lúc tôi lên ĐTQG thời HLV Calisto, thầy cũng tương đồng giống như thầy Park nhưng lại có phần dễ hơn. Thầy Park thì tương đối khó. Không phải khó quá đáng mà khó theo kiểu ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện rất khoa học. Còn như thầy Calisto đợt trước không như vậy. Ngày đó ăn uống cứ thoải mái, giờ giấc đi chơi cũng thoải mái nhưng đúng giờ tập thì tập luyện tốt là được. Đó là thầy thoải mái về mặt tinh thần.
Còn thầy Park thì cũng thoải mái. Nhưng thầy hơi gò chút xíu việc ăn uống, khoa học dinh dướng rất chuẩn. Cầu thủ thì nên nên ăn cái gì, uống cái gì. Khác hoàn toàn thời trước. Tôi thấy bóng đá hiện giờ có đầy đủ những yếu tố khoa học dinh dưỡng, protein, thuốc bổ rất nhiều, rất tốt cho VĐV.
- Cụ thể “cái gì” trong việc ăn uống mà anh nhắc đến là như thế nào?
Đợt rồi ở ĐTQG tôi có được tham gia một khóa học về dinh dưỡng. Họ nói rất hay, mình cũng cảm thấy đúng và hợp lý.
Mỗi buổi sáng, thường thường Tấn Tài hay rủ tôi đi ăn phở. Ở đây (quanh khu nhà ở của Hà Nội FC ở khuôn viên sân Mỹ Đình - PV) thì chỉ có ăn phở thôi chứ ngoài ra chẳng có gì cả.
Rồi vợ tôi mới gửi ra ngũ cốc, sữa, bánh mì. Tôi thay đổi bữa sáng của mình, ăn ngũ cốc, bánh mì với bơ hoặc trứng ốp la. Lâu lâu đổi vị thì đi ăn phở.
Ngũ cốc rất tốt để nạp năng lượng cho mình vào mỗi buổi sáng. Và bữa sáng là bữa tốt nhất cho một ngày, chứ không phải là ăn trưa, ăn chiều. Các bữa kia chỉ là bù đắp năng lượng mình đã mất thôi.
- Đó là về dinh dưỡng. Còn với những điều quan trọng như tâm lý, tính toán chiến thuật thì sao? Anh đã học hỏi được gì từ HLV Park Hang-seo?
Thời trước thầy Calisto có cách chuẩn tâm lý, đốc thúc tinh thần cầu thủ rất tốt. Nó cũng giống như thầy Park hiện giờ, đốc thúc tinh thần cầu thủ, đưa tinh thần của anh em lên rất cao, làm cho anh em rất sân muốn chiến đấu như chiến binh vậy.
Còn về đội hình, với thầy Park thì phải phân tích đối phương trước cái đã, mình sử dụng đội hình nào tính sau. Họ đá 3-5-2 hay 4-4-2 thì mình phải đá thế nào để khắc chế, cách chơi của mình ra sao. Thầy chuẩn bị rất kỹ vấn đề đó nên mình rất thích cách làm chiến thuật như vậy.
- Ở vị trí thủ môn thì sao? Nhìn vào trường hợp của Văn Lâm, có luồng dư luận nói HLV Park không đặt nặng việc thủ môn phải chơi chân tốt. Điều đó có đúng không?
Nếu nói HLV mà không yêu thủ môn chơi chân tốt thì không bao giờ. Không có HLV nào nói kiểu đấy cả.
Một HLV luôn yêu cầu thủ môn phải có được sự chắc chắn, an toàn và bản lĩnh. Văn Lâm đạt được điều đó và chơi rất tốt trong khung thành ĐTQG. Đứng trong khung thành cảm giác thầy Park và anh em rất tin tưởng.
- Còn thủ môn không phải một chân mà phải chơi được hai chân. Lên ĐTQG vừa rồi tôi vẫn tập hai chân. Không chơi chân làm sao phối hợp được với đồng đội, làm sao sáng tạo?
Thủ môn phát bóng tốt, chơi chân tốt rất lợi cho đồng đội, xử lý được những tình huống khó có thể bọc lót được cho hậu vệ phía sau. Đó là một lợi thế rất lớn.
- Ngoài những tính toán chiến thuật, HLV Park Hang-seo còn được biết đến là người rất lưu tâm đến các tiểu tiết. Với cá nhân anh, có lưu ý nhỏ nào từ thầy Park khiến bản thân cảm thấy bất ngờ không?
Thầy Park bắt buộc cầu thủ nào cũng phải chuẩn bị một đôi giày móng sắt, dù đến thi đấu ở sân đấu nào, thời tiết nào. Nếu thời tiết có thay đổi đột ngột thì mình có sự dự phòng rồi, chuẩn bị tốt liền.
Thầy rất tinh tế vào những tình tiết đó, để ý từng ly từng tí. Ai không có sẽ phải đi mua, nếu không sẽ bị phạt. Hoặc giờ giấc ăn uống mà chậm trễ là cũng bị phạt.
- Những điều khác biệt ở ĐTQG so với trước đây có khiến một lão tướng như anh gặp khó khăn trong việc thích nghi không?
Mình quay lại cũng rất bỡ ngỡ vì so với tuổi tác thì các em không phải cùng thời với mình nên đương nhiền cũng có nhiều khó khăn. Anh em trẻ thì cũng rất hòa đồng thôi, nhưng để chia sẻ thì không nhiều lắm.
Mình cảm thấy cái gì nên thì chia sẻ, còn không thì thôi. Chứ không phải mình cứ ra sân rồi thấy mình là đàn anh rồi chỉ trỏ, bảo các em sai cái này, phải làm thế này thế kia mới đúng.
- Nhìn rộng hơn, theo anh đâu là sự khác biệt giữa thế hệ đội tuyển hiện tại và ngày trước?
Tôi cảm nhận hai thế hệ khác nhau hoàn toàn về cách sống, cách chơi, cách suy nghĩ về bóng đá. Hồi trước suy nghĩ bóng đá rất đơn giản, chỉ biết enjoy, tận hưởng nó. Còn thời nay mọi thứ chuyên nghiệp hơn. Ăn uống cái gì, tập luyện ra sao, nghỉ ngơi thế nào và lên sân thi đấu với đối tượng nào.
Anh em hiện giờ ra sân tương đối tuân theo chiến thuật của ban huấn luyện.Nó khác hoàn toàn với thời trước, khi mà cầu thủ ra sân chơi theo ngẫu hứng. Họp chiến thuật HLV yêu cầu chơi chiến thuật này nhưng trên sân họ lại có tính ngẫu hứng cao.
Hồi trước cầu thủ tốt rất nhiều, giống anh Minh Phương, Tài Em, Việt Thắng. Những người đó chơi với đầu óc sáng tạo cực kỳ cao. Thời điểm hiện tại thì ít cầu thủ như vậy. Họ bị dập khuôn nhiều, nhưng được cái là tuân theo kỷ luật của HLV nhiều hơn. Hai thời kỳ có sự khác nhau.
- Anh có gặp khó khăn trong việc thích nghi ở thời kỳ mới này không?
Mình sống thời nào thì theo thời đó thôi. Không thể cổ hủ, đem những tư duy của thời trước để áp vô được. Không thể bảo anh em phải chơi sáng tạo đi, giống như những đàn anh ngàytrước. Mình không thể nào so sánh với thế hệ trước được, vì mỗi thời lại khác nhau, cách nhìn nhận khác nhau và con người cũng vậy. Nên mình phải thay đổi để hòa nhập với nó.
Đương nhiên cầu thủ thì phải được sáng tạo. Không ai cấm cầu thủ sáng tạo cả. Không sáng tạo thì không phải bóng đá. Anh phải sáng tạo trong việc đường bóng nào nên phản công nhanh, triển khai bóng như thế nào chẳng hạn.
Còn hiện giờ thì theo tôi nghĩ, Quang Hải, Phan Văn Đức, Hoàng Đức là những cầu thủ chơi sáng tạo rất tốt. Những cầu thủ đó có sự đột biến rất cao. Họ có thể giải quyết một tình huống mình tưởng là không thể và đem lại kết quả rất bất ngờ. ĐTQG hiện tại có những cầu thủ sáng tạo chứ không phải không, chỉ là không còn nhiều như trước.
- Còn điều gì khác biệt mà anh cảm nhận được nữa không?
Bây giờ bóng đá là chuyên nghiệp, nghề nghiệp và làm ra tiền. Thời của anh Minh Phương, Tài Em bắt đầu vào bóng đá thì họ không suy nghĩ về tiền. Họ nghĩ về đam mê, thích được ra sân và chơi. Thời của tôi cũng vậy. Nhưng bây giờ họ nhìn nhận bóng đá là một cái nghề, muốn lập nghiệp và nổi tiếng từ nó. Đó là một sự khác biệt lớn.
- Anh có nhắc nhiều đến tính ngẫu hứng của thế hệ đội tuyển cách đây 10 năm. Nhưng đã có khi nào các anh vì thi đấu ngẫu hứng mà khiến HLV nổi cáu không?
Có chứ. Tôi cũng đã chứng kiến thầy Calisto bực tức, nổi nóng vì chuyện đó rồi. Cầu thủ không theo ý mình thì HLV phải nổi nóng. Ai cũng vậy thôi. Hiện giờ thầy Park cũng vậy.
Đôi lúc có những sự ngẫu hứng thiếu hợp lý thì xảy ra chuyện như vậy. Đó là chuyện bình thường trong bóng đá. Mình không thể nào nói sáng tạo thì phải thành công, phải có siêu phẩm. Không phải thế. Không sai thì đâu có là bóng đá. Bóng đá cái gì mình cũng xử lý đúng thì cầu thủ Việt Nam có thể ra nước ngoài thi đấu hết rồi.
- Anh có nhớ trận đấu nào khiến HLV Calisto bực bội nhất vì lý do nói trên không?
Đó là trận đá với Singapore ở vòng bảng AFF Cup 2010. Hết hết hiệp 1, vào phòng thay đồ, thầy la: “Tụi bay có muốn đá nữa không? Tụi bay đá như thế à? Tinh thần như thế à?”
Rồi ông vừa đập đồ vừa nói: “Tụi bay đang mang áo ĐTQG chứ không phải CLB. Màu áo ĐTQG khác hoàn toàn. Chiến tranh người ta có thể chết trên chiến trường được. Nhưng đây chỉ là một trận đấu mà tụi bay thể hiện tinh thần như thế là bạc nhược”.
Được HLV sốc tinh thần dậy, anh em mới hô hào nhau để hiệp 2 chơi tốt hơn. Đó cũng là trận đầu tiên tôi được bắt chính ở ĐTQG. Áp lực rất lớn vì nếu sơ sảy, để bị hòa thôi là đội bị loại từ vòng bảng, trong khi 2 năm trước cũng lứa cầu thủ này chúng ta đã vô địch AFF Cup.
Ngoài ra còn là áp lực tâm lý, áp lực sân nhà, áp lực muốn thể hiện của một thủ môn trẻ. May mắn là trận đấu đó mình bước qua được áp lực. Mình cũng là người có bản lĩnh.
Nhưng đến khi đi sân khách lại khác hoàn toàn. Dưới biết bao nhiêu ngàn khán giả của Malaysia ở bán kết, mình bị “gãy” và mắc sai sót. Tuyển Việt Nam thua 0-2.
Nói chung mình cảm thấy rất buồn, nhưng đó cũng là kinh nghiệm cuộc sống cho mình.
- HLV Calisto có nổi nóng với anh vì mắc lỗi ở trận đấu đó không?
Thầy Calisto không bao giờ nóng với riêng cầu thủ mắc sai sót. Thầy chỉ bảo rằng đó mới là bóng đá. Thầy nói nếu làm gì cũng đúng thì bọn tôi không đá ở Việt Nam đâu mà qua châu Âu hết rồi. Có sai thì mới lớn được.
Quan trọng một thằng sai phải nhìn được cái sai đó thì nó mới là người đàn ông. Phải chấp nhận nó, chứ không thể nào chối bỏ cái sai của mình.
- Nhưng đến tận bây giờ, tấm hình giữa anh và HLV Calisto sau trận chung kết SEA Games 2009 thỉnh thoảng vẫn bị đem ra với những lời lẽ chế giễu. Có đúng là ông ấy đã bóp cổ thủ môn Tấn Trường như lời đồn thổi không?
Chuyện này tôi nói hoài rồi chứ không phải không nói gì. Nói suốt từ 2009 đến nay là 12 năm rồi. Không biết ông phóng viên nào ác vậy. Chụp một loạt tấm hình lúc đó, nhưng còn những tấm sau lúc thầy Tô ôm, vỗ về tôi thì không đưa lên.
- Vậy chính xác điều gì đã xảy ra?
Lúc thua trận tôi rất ức, vì bàn thua đến ở phút 83. Chỉ cần vào thi đấu phạt đền thôi thì U23 Việt Nam chắc chắn sẽ thắng vì thời điểm đó mình cực kỳ tự tin. Thầy để lại tôi để bắt penalty đó chứ, vì cũng gần hết giờ rồi. Nhưng Mai Xuân Hợp đã chạm bóng và bàn thua xảy đến. Tôi ức lắm, rất ức.
Tuy nhiên mình không muốn khóc trên sân mà ráng cầm nước mắt để đi vào trong phòng thay đồ. Thầy Tô thấy thế đè tôi xuống, giữ lại và bảo:“Mày là người đàn ông thì phải đối mặt với nó. Một người đàn ông không bao giờ trốn tránh thất bại. Trốn tránh thất bại là một thằng thất bại. Phải ngồi đây, chứng kiến người ta nhận chức vô địch, chứng kiến thất bại của mình thì mày mới là người đàn ông”.
Thấy hai thầy trò giằng co như thế thì bác Nguyễn Trọng Hỷ, anh Phan Thanh Hùng mới tới can. Thế rồi tôi khóc. Thầy Tô thấy thế mới vỗ về, hai thầy trò ôm nhau nhưng hình lúc đó thì không thấy đâu cả. Chỉ thấy tấm hình lúc cả hai đang giằng co.
- Còn về chấn thương, người ta nói rằng anh bị đau nhưng cố tình không chịu ra sân. Vậy sự thật là như thế nào?
Lúc đầu bác sỹ nhận định là tôi bị trật khớp vai trái. Tôi bước ra sân rồi, bảo nếu trật khớp thì thôi, nó cứ đơ vậy thì sao em thi đấu được, tay có lên xuống được đâu.
Thầy Calisto mới hỏi bác sỹ là có cách nào cho Trường thi đấu được không? Bác sỹ Hiền bảo có, gây tê tại chỗ cho mất cảm giác đau thì có thể đứng trên sân thi đấu tiếp được.Tôi bảo “ok anh làm đi”. Và thế là bác sỹ tiêm thẳng thuốc tê vào chỗ trật khớp.
Lúc ấy cũng sắp hết giờ rồi. Anh em cũng xuống khuyên, bảo cố gắng lên Trường ơi, anh mà ra là anh em sụp tinh thần liền. Mai Xuân Hợp, Long Giang, Thành Lương đều động viên tôi. Giờ cứ hỏi họ thì biết cảm giác lúc đó là như thế nào.
- Vẫn thi đấu được tiếp, tức là ở tình huống U23 Việt Nam để thua, việc đổ lỗi cho anh là một nhận định sai lầm?
Trước tình huống thua, có một cầu thủ Malaysia xuống đối mặt, tôi đã đẩy được quả bóng xa ra tận biên. Khi họ tạt vào, bóng rất nhẹ nhàng, mình chỉ cần đưa tay ra là bắt nhưng Mai Xuân Hợp đứng trước mặt, đưa vai ra đụng vào và bóng bay vào lưới.
Ai cũng bảo là lỗi Tấn Trường. Lỗi chỗ nào vậy? Lỗi là đứng đúng vị trí hả? Quả đó phải đứng sai vị trí thì mới bắt được bóng. Nhìn nhận bằng con mắt nào mà lại bảo Tấn Trường sai?
Nói chung mình không muốn giãi bày nhiều vì nó rất lâu rồi. Nhưng khi mình nhớ lại cảm thấy ức lắm. Lúc nào cũng bảo Tấn Trường tiêu cực, nhắc lại là “sai sót của Tấn Trường ở SEA Games”.
Tấn Trường sai sót ở chỗ nào? Các bạn chỉ ra xem. Chỉ được ra đi rồi hãy bảo tôi sai, bảo tôi bán độ. Nhắc lại vẫn còn cảm thấy ấm ức nên muốn nói như vậy.
- Thời điểm ấy, những áp lực dư luận có khiến tâm lý anh bị bất ổn không?
Với thủ môn, tâm lý là điều rất quan trọng. Nếu thủ môn gặp sai sót và chịu chỉ trích như tôi thì vấp phải nhiều khó khăn. Thực sự năm 2009 là một bài học để sau này khi có vấn đề gì mình lại tự suy nghĩ để vực dậy bản thân. Khó có ai làm được như thế lắm, không phải dễ đâu.
- Nhưng rồi đến năm 2019, anh lại gặp phải “tai họa” khi mắc lỗi ở trận gặp Ceres Negros tại AFC Cup và bị kỷ luật nội bộ. Câu chuyện đó diễn ra thế nào?
CLB Bình Dương đổ cho tội bán độ tiêu cực, bảo cấm thi đấu hết giai đoạn 1. Mình nói thẳng trực tiếp với HLV trưởng, Giám đốc, Chủ tịch CLB rằng các anh không điều tra rõ mà gán luôn tội cho em. Sau này đội khó khăn, em quay lại bắt thì chắc chắn em sẽ sai y như vậy. Hoặc là em bị ám ảnh, không thi đấu tốt được.
Một thủ môn sai, nhìn nhận nó sai trong trận đấu đó thì cố gắng giúp nó vượt qua để làm tốt hơn ở những trận đấu sau. Đằng này không, sau trận đấu đó đè nó ra, “giết” nó luôn. Như thế có xứng đáng với công thần, với sự cống hiến của tôi hay không? Làm như vậy có tốt cho thủ môn hay không?
- Đó dường như cũng là nguyên nhân đến cuối mùa giải đó, CLB Bình Dương quyết định để anh rời đi?
Chính xác thì tôi bị thanh lý hợp đồng. Hợp đồng còn 1 năm nhưng CLB Bình Dương quyết định thanh lý.
Nói chung CLB Bình Dương rất nhạt nhẽo. Nói về độ phũ thì không ai phũ bằng Bình Dương. Chia tay nhưng lãnh đạo đội bóng cũng chả nói lời nào cả. Làm tờ giấy thanh lý hợp đồng nhờ người đại diện hẹn qua quán café ký một cái. Xong!
- Phải chăng những ấm ức đó là lý do khiến anh quyết định tạm nghỉ đá bóng?
Đúng vậy. Kết thúc ở CLB Bình Dương xong mình thấy bóng đá bạc bẽo, phũ quá, trong khi mình có thời gian cống hiến cho đội bóng như thế.
Tình huống đó cũng chẳng có gì. Mình sai trong việc nhìn nhận, khi nghĩ pha đó việt vị. Vậy thôi. Nhưng vừa kết thúc trận đấu thì lãnh đạo CLB ra phát biểu Tấn Trường có biểu hiện tiêu cực, nói chúng tôi sẽ mời công an vào cuộc. Rồi họ phán xét, nhận định qua 1,2 ngày thì quyết định kỷ luật Tấn Trường hết giai đoạn 1.
Bằng chứng đâu mà lại làm thế? Tin nhắn, cuộc gọi nói Tấn Trường tiêu cực đâu? Một người lãnh đạo như thế có xứng đáng không? Trong khi đó cầu thủ của họ ở đó 6 năm trời rồi, cống hiến giúp đội giành bao nhiêu chức vô địch, giúp đội bóng rất nhiều. Họ làm bóng đá mấy chục năm chứ đâu phải ngày một ngày hai đâu mà không nhìn nhận được hay sao.
Tôi cảm nhận Bình Dương rất phũ nên thấy nản quá. Thôi mình tạm thời nghỉ, sau này tìm đội bóng nào đó tốt hơn để thi đấu lại. Nói chung cũng may mắn chứ mình không nghĩ là ra được Hà Nội chơi bóng đâu.
- Việc tới thi đấu cho Hà Nội FC dường như mang đến sự cải thiện rất nhiều về tâm lý đối với anh?
Thời gian trước mình bị nản, ức mà không giãi bày được với ai về chuyện ở Bình Dương. Nói chung nhiều lúc mình muốn nói nhưng không phân trần được. Rất khó chịu.
Mình muốn nói rằng HLV rồi Giám đốc điều hành CLB Bình Dương đều bảo: “Thôi em ơi, cố gắng nhịn đi cho nó qua chuyện”. Ừm nhịn cho qua chuyện, rồi sao nữa? Cũng bị thanh lý thôi. Chẳng giúp ích được gì.
Còn ở Hà Nội FC có sự thoải mái hơn về tâm lý.HLV, anh em cầu thủ tin tưởng mình, không phải lo nghĩ nhiều. Như thế thì mình cứ thoải mải mà chơi bóng thôi.Trong đội bóng mà thiếu sự tin tưởng lẫn nhau thì rất khó thành công.
Tôi ví dụ HLV đổ tội cho một cầu thủ. Sau này sử dụng lại người đó thì anh ta có thểnghĩ rằng HLV này không tốt, mình không thi đấu hết mình vì ông ấy nữa. Điều đó không tốt cho đội bóng.
- Việc tới thi đấu cho Hà Nội FC dường như mang đến sự cải thiện rất nhiều về tâm lý đối với anh?
Thời gian trước mình bị nản, ức mà không giãi bày được với ai về chuyện ở Bình Dương. Nói chung nhiều lúc mình muốn nói nhưng không phân trần được. Rất khó chịu
- Ở Hà Nội FC cũng có một thủ môn từng gặp phải nhiều chỉ trích vì sai lầm ở đội tuyển. Đó là Phí Minh Long. Anh nghĩ sao về trường hợp của người đàn em này?
Thường khi Minh Long thi đấu không tốt thì người ta cứ bảo do cậu ấy chơi game nhiều. Thực sự không phải thế đâu. Minh Long bị chỉ trích nhiều vì sai lầm ngày trước, thành ra ám ảnh, không vượt qua được.
Tôi cũng đã nói thủ môn phải vượt qua được ám ảnh đó thì mới chơi tiếp được. Hiện tại, theo tôi nhìn nhận thì Minh Long không vượt qua được ám ảnh SEA Games đó, nên hiện giờ cậu ấy thi đấu rất khó khăn, bị lập bập. Chứ không phải vì chơi game đâu
Ngày tôi ra đây, người đón tôi là Minh Long. Giúp đỡ tôi làm quen môi trường mới cũng là Minh Long. Và anh em cũng rất hợp nhau về game, bàn luận nhiều thứ. Trò chơi chúng tôi bây giờ chơi cũng tương đối lành mạnh, không phải dạng game lôi cuốn kiểu như Võ Lâm Truyền Kỳ ngày xưa.
- Nhắc đến game, anh đã bao giờ bị ảnh hưởng vì dành quá nhiều thời gian cho nó chưa?
Thời kỳ 2004 đến 2008 tôi cực kỳ nghiện game. Ngoài thời gian luyện tập ra, mình không đi đâu cả, chỉ lên máy ngồi chơi game. Thời điểm chơi game nhiều đó làm mình phân tâm rất nhiều, không có thời gian để nghỉ ngơi. Hầu như thời gian đều nghĩ về game, không nghĩ về bóng đá đâu.
Sau này mình quen được người yêu - cũng là vợ bây giờ - mới nhìn nhận được rằng nên tiết chế lại, nghĩ nhiều cho tương lai, cho bóng đá rồi từ thời điểm đó mới có thành công.
- Trở lại câu chuyện được nhắc đến lúc đầu. Anh tiết lộ rằng đầu mùa giải 2020 đã ngỏ ý xin về CLB Đồng Tháp thi đấu. Với anh, kỷ niệm nào với đội bóng quê hương là đáng nhớ nhất?
Ở Đồng Tháp có rất nhiều kỷ niệm đối với tôi. Mình rạng danh, trưởng thành, thành công từ đó mà ra. Hầu như ở Đồng Tháp đều là những kỷ niệm đẹp với ký ức không bao giờ quên.
Ví dụ như mỗi buổi sáng mình sẽ bắt đầu tập cái gì, nên ăn hay không vì sợ ăn thì sẽ ói. Tại vì hồi đó tập nặng lắm, phải tập chạy nhiều. Mình nhớ rất kỹ mình đã ở đâu, làm gì, bắt đầu từ đâu, lên đội tuyển năm nào, thành công ở thời điểm nào, tập luyện cái gì để được thành công như thế. Tự bản thân mình rèn rũa thôi, không có nhờ ai cả vì Đồng Tháp không có HLV thủ môn. Cứ ôm trái bóng ra tường tự đấm đá tầm 1,2 tiếng đồng hồ.
Đến giờ nhìn lại hiện tại của bóng đá Đồng Tháp thấy rất buồn và xót. Ngày xưa bóng đá Đồng Tháp rất nổi danh, từng là một trong những lò đào tạo cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam, chỉ thua mỗi SLNA. Cầu thủ Đồng Tháp ngày xưa lên ĐTQG nhiều và thi đấu tốt. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì không còn một ai. Trước còn Công Thành lên U22 Việt Nam, còn bây giờ thì không có luôn.
Rồi bây giờ đá hạng Nhì mà không có sân để đá nữa. Hỏi tôi có buồn không à? Buồn chứ. Buồn lắm luôn. Lúc trước mình cũng muốn về để giúp đỡ bóng đá Đồng Tháp nhưng người ta lại không nhận mới khổ. Thành ra cũng không biết làm cách nào được, chỉ biết than trời than đất thôi.
- Vậy mối duyên nào đã đưa anh đến với lò đào tạo của Đồng Tháp?
Mình cũng mê đá bóng, nhưng không mê theo chuyên nghiệp. Ngày trước học xong lớp 8, nhà nghèo nên tôi bỏ học, ra làm cho một công ty thủy sản ở Vũng Tàu. Làm được 6 tháng thì biển động, không có cá nên công ty cho nhân viên về nghỉ hết.
Nghỉ ở nhà thì anh em gọi đi đá bóng chơi, rồi rủ đi đá giải huyện vì thủ môn của đội bị chấn thương. Mình đi nhưng thực ra là ham chơi thì mình đi thôi chứ thời điểm đó không biết đeo găng, đi giày. Vào sân đứng trong khung thành cảm giác nó to thiệt là to, còn mình thì nhỏ tí.
Đá 4 trận tôi để thủng lưới 29 quả. Họ đá kiểu nào cũng vào hết. Gôn thì to mà mình chụp không có nổi. Phát bóng cũng không biết. Đặt bóng ở vạch 5m50 mà phát không qua được vòng 16m50.
Tầm 1 tháng sau bà ngoại nhận được giấy báo, gọi điện bảo thằng Út Cưng (tên ở nhà của tôi) được người ta gọi đi tập. Nhưng mẹ tôi không cho đi. May mà ông cậu ruột, chính là ba của Phan Thanh Bình đó, mới qua thuyết phục. Chứ mình cũng đâu có nghĩ đi đá bóng để kiếm tiền.
- Nhưng điều gì khiến một thủ môn bị thủng lưới đến 29 bàn lại lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên?
Lúc đó tôi rất cao. Mới học hết lớp 8 mà cao đến 1m77. Cao nhất so với đồng đội cùng lứa. Nhưng vào tập luyện thì rất khó khăn. Được 1 tháng thì tôi xin nghỉ, bởi tập thủ môn mà không biết cách ngã, làm đau hết hai bên hông, nằm ngủ không lăn tới lăn lui được.
Xin về được 1 tuần thì Giám đốc điều hành CLB mới về tận nhà thuyết phục. Bảo thôi ráng đi con, về cũng không làm được gì ra tiền giúp đỡ gia đình, cứ lên kia người ta lo ăn lo học. Thế là lại quay lên lại và cố gắng theo nên mới có thành công như hiện giờ. Chứ không thì đâu có Tấn Trường như ngày nay đâu.
- Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!
Bất ngờ tiếp tục diễn ra trong ngày thi đấu thứ 2 của giải cầu lông China Masters 2024, khi những ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch là Akane Yamaguchi (đơn nữ) và Li Shi Feng (đơn nam) sớm rời cuộc chơi.
Thất bại của ĐT Tây Ban Nha tại Tứ kết Davis Cup 2024 cũng chính là là lời chào kết cả Rafael Nadal với sự nghiệp thi đấu quần vợt chuyên nghiệp.
Trong cuộc phỏng vấn sau chiến thắng 2-0 Saudi Arabia tại vòng loại World Cup 2026, HLV Shin Tae Yong cho biết ĐT Indonesia đã có thể ghi nhiều bàn thắng hơn nhờ việc các cầu thủ đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Đội tuyển Indonesia đã cải thiện đáng kể thứ hạng ở vòng loại 3 World Cup 2026 nhờ chiến thắng trước Saudi Arabia. 3 điểm này cũng giúp họ cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng FIFA.
Đội tuyển Argentina đã tìm lại cảm giác chiến thắng. Và không ai khác, Lionel Messi là người khởi nguồn cho chiến thắng này với đường kiến tạo. Trong khi đó, Brazil lại thêm một lần mất điểm.
Nhận định Công an Hà Nội vs Bình Định lúc 19h15 ngày 20/11 tại V-League hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Công an Hà Nội vs Bình Định.
Nhận định Al-Arabi vs Al Batin lúc 19h15 ngày 20/11 tại Hạng 2 Saudi Arabia hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Al-Arabi vs Al Batin.
Pep Guardiola đang mang tới tin mừng cho NHM Man City khi ông đồng ý gia hạn hợp đồng với đội bóng đến năm 2027, qua đó kéo dài thời gian gắn bó với đội bóng đến hơn 10 năm.
Nhận định Port FC vs BG Pathum United lúc 19h00 ngày 20/11 tại Cúp FA Thái Lan hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Port FC vs BG Pathum United.
Nhận định Bangkok United vs Pattaya Dolphins United lúc 18h00 ngày 20/11 tại Cúp FA Thái Lan hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Bangkok United vs Pattaya Dolphins United.
Sau 6 lượt trận ở bảng C vòng loại World Cup 2026, có thể nói Nhật Bản coi như đã nắm một suất đi tiếp. Suất thứ 2 là sự cạnh tranh của tất cả 5 đội còn lại.
Đêm qua, một kết quả sốc đã xuất hiện tại bảng A vòng loại 3 World Cup 2026. Đội tuyển Qatar đường đường là nhà đương kim vô địch châu Á đã đại bại 0-5 trên sân của UAE.
Chiến thắng lịch sử 2-0 trước Saudi Arabia đã mang lại cho NHM Indonesia những cảm xúc khó tả. Họ có dịp "bùng cháy" trên mạng xã hội sau trận đấu này.
Trực tiếp tennis trận Tứ kết Davis Cup 2024 giữa Rafael Nadal vs Botic van de Zandschulp, 23h00 ngày 19/11. Link xem trực tiếp trận De Zandschulp vs Nadal thuộc giải Davis Cup 2024 cập nhật nhanh nhất và chính xác nhất trên iThethao.vn.
Kết thúc giai đoạn vòng bảng, hai đại diện Việt Nam là D'Xavier và GETSO ROY Esports đã giành quyền vào vòng Survival. Dù Team Secret đã không thể giành quyền đi tiếp, cả ba đội tuyển đều thể hiện rất nỗ lực để đạt những thông số tốt.
Trong trận bán kết 2 giải futsal nữ Đông Nam Á 2024, ĐT futsal nữ Việt Nam hủy diệt chủ nhà Philippines với tỷ số 6-1, qua đó giành vé vào chung kết gặp Thái Lan.
ĐT Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự “vô đối” ở bảng C vòng loại 3 World Cup 2026 châu Á khi đánh bại Trung Quốc 3-1 ngay trên sân khách.
Bất ngờ đã xảy ra trong ngày đầu của giải cầu lông China Masters 2024, khi 2 hạt giống hàng đầu nội dung đơn nữ là Han Yue và Aya Ohori đã bất ngờ sớm dừng cuộc chơi.
Trên sân nhà Gelora Bung Karno, ĐT Indonesia tạo nên cơn địa chấn với chiến thắng 2-0 trước Saudi Arabia. Đây cũng là chiến thắng đầu tiên của thầy trò HLV Shin Tae Yong tại vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á sau 5 trận chỉ biết hòa và thua.
Người hâm mộ CLB Hải Phòng phải chờ đến vòng 9 V.League mùa giải 2024/25 mới được chứng kiến đội nhà có chiến thắng đầu tiên, khi họ vượt qua HAGL trên sân Lạch Tray.