Bia San Miguel, Guinness và huyền thoại về Tour đấu Billiard xuyên châu Á
Ở thời chưa có mạng xã hội, người hâm mộ Billiard đã biết Philippines có Efren Reyes, Đài Bắc Trung Hoa có Chao Fong Pang, và Guinness không chỉ ghi nhận kỷ lục thế giới. Đó là dấu ấn từ WPA Asian 9ball Tour, giải Billiard xuyên châu Á được tài trợ bởi 2 hãng bia San Miguel và Guinness.
Bia, Billiard và San Miguel
Năm 2003, trước thời điểm SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, người hâm mộ thể thao còn háo hức trước một thông tin khác. Thành công từ 2 giải đấu Billiard tổ chức tại Singapore và Philippines khiến WPA Asian 9ball Tour quyết định mở rộng quy mô sang 5 quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Việc một giải thể thao chuyên nghiệp tầm cỡ quốc tế như WPA Asian 9ball Tour đến Việt Nam đã thực sự tạo một cơn sốt trong cộng đồng Billiard Việt Nam. Khán giả có thể đến nhà thi đấu để tận mắt chiêm ngưỡng đường cơ của những "quái vật" như Efren Reyes, Chao Fong Pang, Francisco Bustamante thay vì chỉ quan sát qua màn hình ti vi như trước đây.
Trong giai đoạn 2004-2006, WPA Asian 9ball Tour tổ chức 4-5 sự kiện mỗi năm. Bên cạnh tiền thưởng hấp dẫn tính theo từng vòng đấu, những cơ thủ còn nhận được điểm thưởng theo bảng xếp hạng thế giới hạng mục Pool 9 bi. Đó là điều kiện cần và đủ giúp WPA Asian 9ball Tour quy tụ những cơ thủ hàng đầu châu Á góp mặt.
Thành công của WPA Asian 9ball Tour xuất phát từ sự đồng hành của một doanh nghiệp lớn. Đó là San Miguel Corporation (SMC), một trong những tập đoàn lớn nhất Philippines. Được thành lập từ năm 1890, SMC có hơn 1 thế kỷ hình thành và phát triển. Tầm cỡ của SMC đã vươn tầm quốc tế, nhưng sản phẩm chủ lực của họ vẫn là bia San Miguel.
Từ rất lâu trước khi bỏ tiền vào Billiard, SMC đã xây dựng thương hiệu từ thể thao. Từ thập niên 30 của thế kỷ trước, doanh nghiệp này đã thành lập một đội bóng rổ quốc gia. Vào thời điểm giải bóng rổ nhà nghề Philippines được thành lập, SMC không chỉ sở hữu 3-4 đội bóng hàng đầu. Họ còn là nhà tài trợ lớn của giải đấu.
Thời điểm SMC lấn sân sang Billiard cũng là lúc doanh nghiệp này tiến hành hàng loạt thương vụ sáp nhập và mua lại trên toàn châu Á. Họ đã mua cổ phần từ những doanh nghiệp sản xuất bia tại Australia, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Số tiền họ chi ra cho những thương vụ đó lên tới hơn 1,3 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với chi phí tổ chức những giải Billiard.
Những huyền thoại
Từ năm 2003 đến 2005, mỗi sự kiện WPA Asian 9ball Tour quy tụ 32 cơ thủ góp mặt. Người vô địch nhận khoản tiền thưởng lên tới 50.000 USD. Đến năm 2006, số cơ thủ tham dự giảm xuống còn 24, và tiền thưởng cũng giảm xuống chỉ còn 40.000. Có tổng cộng 15 sự kiện được tổ chức, và đây cũng là nơi chứng kiến tài năng kiệt xuất của Efren Reyes.
Không thể phủ nhận WPA Asian 9ball Tour chính là nơi chứng kiến tài năng của Efren Reyes tỏa sáng rực rỡ nhất. "Phù thủy của những đường cơ" vô địch tới 7 giải đấu. Những đồng hương của Reyes cũng vô địch 5 lần. Người duy nhất có thể chen vào giữa chuỗi thành tích rực rỡ đó của những cơ thủ Philippines là Yang Ching Shun với 3 lần vô địch.
Sự tích "không bao giờ thua trong những giải đấu nhiều tiền thưởng" của Reyes cũng xuất phát từ WPA Asian 9ball Tour. Đây là nơi ông đánh bại hàng loạt tượng đài như Warren Kiamco, Chao Fong Pang và Yang Ching Shun. Khi nhắc đến WPA Asian 9ball Tour, tất cả đều nhắc đến Reyes với những từ đẹp nhất, và đó là lý do giúp ông được hưởng nhiều biệt đãi.
Theo quy định của WPA Asian 9ball Tour, mỗi cơ thủ vô địch sẽ nhận 10.000 USD tiền thưởng cho mỗi trận thắng. Tuy nhiên, Reyes được hưởng tới 20.000 USD khi vô địch giải đấu tổ chức tại Philippines vào năm 2003. Nếu dịch SARS không bùng nổ trong năm đó, WPA Asian 9ball Tour đã có thêm 3 giải đấu được tổ chức, và Reyes có thể vô địch thêm ít nhất một lần nữa.
Một chi tiết đặc biệt khác của WPA Asian 9ball Tour là thể thức thi đấu không cho phép các cơ thủ "ngâm cơ" quá lâu. Trong mỗi ván đấu, cơ thủ có 45 giây để suy nghĩ trước khi đánh mỗi đường cơ. Phương thức phạt của giải đấu cũng thú vị không kém: Mỗi đường cơ quá giờ bị trừ 50 USD vào tiền thưởng. Số tiền không quá nhiều, nhưng cũng đủ khiến cho cơ thủ phải xử lý nhanh.
Thể thức thi đấu đó dường như cũng là một nhân tố khiến Reyes trở thành bất khả chiến bại ở WPA Asian 9ball Tour. Tỷ lệ vô địch trong các trận chung kết của ông là 100%. Chao Fong Pang và Jeong Young Hwa là những cơ thủ hiếm hoi chỉ thua Reyes với cách biệt 2 ván đấu. Những bại tướng còn lại đều nhận thất bại với cách biệt rất lớn.
Di sản còn mãi
Năm 2006 chứng kiến sự thay đổi theo chiều hướng suy giảm của WPA Asian 9ball Tour về quy mô giải đấu và tiền thưởng. Trên thực tế, SMC dần rút chân khỏi Billiard không phải vì thiếu tiền. Họ chỉ đơn giản là thay đổi phương thức tiếp cận trong kinh doanh. Từ chỗ mua lại hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài, SMC chuyển sang bán ồ ạt, đồng thời tái cơ cấu các khoản chi.
Kỷ nguyên San Miguel của WPA Asian 9ball Tour khép lại với giải đấu tổ chức tại Jakarta, Indonesia năm 2006. Reyes đánh bại cơ thủ chủ nhà Ricky Yang trong trận chung kết với tỷ số 11-6. Bước sang năm 2007, San Miguel cũng rút lui, nhường chỗ cho một nhà tài trợ mới, cũng là một hãng bia: Guinness.
Nếu như San Miguel là doanh nghiệp lớn tại Philippines và châu Á, Guinness từ lâu đã trở thành một đế chế sản xuất tầm cỡ thế giới. Những ông chủ châu Âu không ngại bỏ tiền giúp WPA Asian 9ball Tour duy trì 6 giải đấu mỗi năm. Ở một góc độ nào đó, quy mô WPA Asian 9ball Tour dưới kỷ nguyên Guinness còn lớn hơn cả San Miguel.
Tuy nhiên, thành công của WPA Asian 9ball Tour trong giai đoạn này lại không chứng kiến sự thống trị từ Reyes và các cơ thủ Philippines nữa. Những người thi đấu tốt nhất lại là VĐV đến từ Đài Bắc Trung Hoa, với Chang Jung Lin và Yang Ching Shun là nhân vật chính. Đó dường như là một phần nguyên nhân khiến giải đấu không còn hấp dẫn như trước, số người xem cũng giảm đi.
Khoảng thời gian 2007-2008 còn chứng kiến quá trình suy thoái kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Âu, nơi Guinness đóng đại bản doanh, là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì lý do đó, hãng bia này quyết định ngừng tài trợ. WPA Asian 9ball Tour cũng khép lại, chấm dứt một thời kỳ hoàng kim của Billiard châu Á.
WPA Asian 9ball Tour đã dừng lại từ lâu, nhưng ký ức về một giải đấu huyền thoại cũng những cơ thủ xuất sắc vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người hâm mộ. San Miguel và Guinness, nhờ đó, vẫn có một vị trí nhất định trong tâm khảm những người theo dõi Billiard, và họ thậm chí không cần phải chi tiền để làm việc đó nữa.
Minh Tài ‘hủy diệt’ Văn Đăng, vào chung kết giải Billiards VĐQG 2023
Nguyễn Hoàng Minh Tài có chiến thắng với tỷ số 9-2 để lọt vào chung kết nội dung 9 bi giải Billiards VĐQG 2023.
Nữ cơ thủ gặp sự cố trang phục bi hài, khiến khán giả trầm trồ về cách xử lý ở giải Billiards VĐQG 2023
Trần Ngọc Hương đã gặp tình huống ‘dở khóc, dở cười’ ở trận đấu với Nguyễn Hoàng Yến Nhi nhưng cô có cách xử lý tỉnh táo và giành chiến thắng chung cuộc.
Phương Linh kết thúc ngày toàn thắng của Billiards Việt Nam tại PBA
Nguyễn Huỳnh Phương Linh không cho Kang Dong Ku cơ hội nào khi giành chiến thắng 3-0 ở vòng 1/16 chặng 1 PBA Tour 2023/2024.
ĐKVĐ Tạ Văn Linh chủ động xin thua Dương Quốc Hoàng tại tứ kết giải Billiards VĐQG 2023
Tạ Văn Linh ra bắt tay Dương Quốc Hoàng ngay sau đi đánh trượt bi mục tiêu số 6 tại giải Billiards VĐQG 2023.
Nguyễn Duy Trung đánh bại Quyết Chiến, hoàn tất cú đúp tại giải Billiards VĐQG 2023
Nguyễn Duy Trung giành chiến thắng trước cơ thủ số 1 Việt Nam Trần Quyết Chiến để lên ngôi vô địch quốc gia nội dung carom 3 băng năm 2023.