Nghề tay trái của những VĐV 'nghèo' nhất Olympic Tokyo 2021
Thứ sáu, 06/08/2021 06:00 (GMT+7)
Không phải ai cũng có hành trang đến Olympic Tokyo là mức thu nhập triệu đô cùng nhiều bản hợp đồng tài trợ hậu hĩnh. Một vài VĐV, bao gồm cả những nhà vô địch, đã phải làm đủ thứ nghề để giúp họ có thêm kinh phí hoàn tất giấc mơ.
Anna Kiesenhofer
Tuổi: 30
Đoàn thể thao: Áo
Môn thi đấu: Đua xe đạp
Nghề tay trái: Nhà toán học
Tiến sĩ toán học giành huy chương vàng Olympic Tokyo là một trong những câu chuyện thú vị nhất tại Thế vận hội năm nay. Trước ngày lên đường chinh phục danh hiệu, Kiesenhofer còn đăng lên blog cá nhân một bài phân tích dày đặc những phép toán phức tạp giúp cô có thể chiến thắng cuộc đua.
Có học có hơn, và Kiesenhofer đã trở thành nhà vô địch Olympic. Chia sẻ về hành trình đến Olympic, cô nói: "Toán học khiến tôi phải tự tìm ra đáp án cho mọi vấn đề, và đạp xe cũng thế. Nhiều VĐV khác được tập cùng HLV, chuyên gia dinh dưỡng và trợ lý vạch ra kế hoạch. Tôi thì chỉ có một mình thôi".
Kết thúc chiến dịch Olympic Tokyo bằng tấm huy chương vàng, Kiesenhofer sẽ trở lại công việc nghiên cứu của mình tại Viện Lausanne. Cô đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học tại đây. Trước đó Kiesenhofer từng tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Vienna và Đại học Cambridge.
Javad Foroughi
Tuổi: 41
Đoàn thể thao: Iran
Môn thi đấu: Bắn súng
Nghề tay trái: Y tá
Người "mở vàng" cho đoàn thể thao Iran tại Olympic Tokyo 2021 chính là Javad Foroughi. Thi đấu ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam cùng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Foroughi đã thể hiện xuất sắc để giành huy chương vàng cùng kỷ lục mới của Thế vận hội (244,8 điểm).
Điều đáng chú ý là Foroughi chỉ tập bắn "chay" ở nhà trước thềm Thế vận hội vì các quy định phòng dịch nghiêm ngặt. Anh cũng vừa trải qua 1 năm đáng nhớ khi hệ thống y tế Iran quá tải vì COVID-19. Trong thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, Foroughi sẽ xuống tầng hầm bệnh viện tập bắn súng.
Giỏi việc nước, đảm việc công, Foroughi được truyền thông Iran ca ngợi không ngớt lời trong những ngày qua. Thật khó tin khi biết một nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch lại có thể hoàn thành xuất sắc cả 2 công việc cùng lúc như vậy.
Benjamin Savsek
Tuổi: 34
Đoàn thể thao: Slovenia
Môn thi đấu: Canoeing
Nghề tay trái: Cảnh sát, thợ điện
Kể từ lần đầu tiên xuất hiện và tranh tài ở Olympic London, Savsek phải mất tới 9 năm để biến giấc mơ chinh phục huy chương Thế vận hội trở thành sự thật. Quãng thời gian khổ luyện thành tài của Savsek lâu hơn những VĐV bình thường bởi anh vốn là một sĩ quan cảnh sát.
Tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời Savsek, mọi người mới biết anh cảnh sát này còn là một thợ điện có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề đàng hoàng. Đa nghề lại còn đa tài, có vẻ như Savsek đã chuẩn bị mọi thứ để anh có thể làm bất cứ công việc gì trong tương lai.
Jo Brigden-Jones
Tuổi: 33
Đoàn thể thao: Australia
Môn thi đấu: Canoeing
Nghề tay trái: Y tá, nhân viên cứu hộ
Có tài năng thiên bẩm với canoeing, Jo Brigden-Jones được tuyển chọn vào chương trình đào tạo VĐV tài năng của Australia khi mới 13 tuổi. 2 năm sau đó, cô được gọi lên đội tuyển quốc gia. Nhưng thay vì dành trọn thời gian cho đua thuyền canoeing, cô vẫn giữ nguyên khao khát muốn trở thành y tá như mơ ước hồi nhỏ.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Jo Brigden-Jones ghi danh vào khoa Điều dưỡng của Đại học Công nghệ Sydney. Hiện tại cô đã hoàn thành chương trình học Thạc sĩ và có 9 năm kinh nghiệm trong nghề. Bên cạnh nghiệp vụ y tá, cô còn được đào tạo trở thành nhân viên cứu hộ.
"Tôi thích công việc mình đang làm, bởi trở thành một nhân viên cứu hộ có thể giúp đỡ nhiều người. Tôi cũng phải di chuyển liên tục để làm việc nữa", Jo giải thích. "Ngoài ra tôi còn được thám hiểm nhiều nơi, đến những vùng có cá sấu và cá mập".
Rosangela Santos
Tuổi: 30
Đoàn thể thao: Brazil
Môn thi đấu: Điền kinh
Nghề tay trái: Tài xế Uber
Sinh ra, lớn lên và tập luyện tại Mỹ, nhưng Rosangela Santos lại quyết định thi đấu cho đội tuyển điền kinh Brazil. Olympic Tokyo đã là kỳ Thế vận hội thứ 4 của một trong những VĐV chạy cự ly ngắn xuất sắc nhất lịch sử điền kinh xứ samba. Nhưng ít ai biết để tham dự Olympic, Santos đã phải khốn đốn ra sao để kiếm tiền.
VĐV tham dự nội dung chạy 100m và 4x100m tiếp sức tại Olympic Tokyo trang trải chi phí sinh hoạt bằng công việc của một tài xế Uber tại Mỹ. Cô không ngại chia sẻ mình thường cố gắng kiếm thêm chút ít tiền boa từ khách đi xe nhờ chuyện trò với họ trên suốt hành trình. Đó là cách để cô tự thân nuôi dưỡng giấc mơ dự Thế vận hội.
Ruben Limardo
Tuổi: 35
Đoàn thể thao: Venezuela
Môn thi đấu: Đấu kiếm
Nghề tay trái: Nhân viên giao đồ ăn
Sinh ra và lớn lên ở Venezuela, ba anh em nhà Limardo được truyền tình yêu với môn đấu kiếm từ người chú ruột. Họ rủ nhau đến Ba Lan, nơi có những trung tâm đào tạo VĐV đấu kiếm chuyên nghiệp. Để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, Limardo đã làm nhân viên giao đồ ăn bằng xe đạp.
Thói quen nhận đơn, rồi đạp xe giao đồ ăn cho khách hàng của Limardo vẫn không hề thay đổi ngay cả khi anh giành huy chương vàng Olympic. Khi được hỏi vì sao một nhà vô địch Thế vận hội lại đi giao đồ ăn, Limardo trả lời đơn giản: "Ai cũng phải chọn 1 công việc để sống, và đây là công việc tôi chọn".
Một điểm thú vị khác về Limardo là anh vốn thuận tay phải, nhưng lại cầm kiếm tay trái. Số là hồi nhỏ Limardo từng tập cầm kiếm liễu rồi gặp chấn thương nặng khi thi đấu. Không thể cầm kiếm liễu bằng tay phải nữa, Limardo chuyển sang tay trái và cầm kiếm 3 cạnh.
Benjamin Fletcher
Tuổi: 29
Đoàn thể thao: Cộng hòa Ireland
Môn thi đấu: Judo
Nghề tay trái: Thợ làm vườn
Nếu ban tổ chức Olympic Tokyo muốn tìm một người phụ giúp công việc cắt tỉa cây cối, họ chắc chắn sẽ tìm đến Fletcher. Ngoài niềm đam mê với võ thuật, anh còn phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình. Hàng ngày Fletcher gửi thư chào mời sản phẩm đến khách hàng, chốt đơn rồi đến sửa sang vườn tược cho họ. Bận rộn như vậy nhưng Fletcher từng giành 2 huy chương vàng judo thế giới.
Bữa sáng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và các nhà vô địch Olympic rất khác nhau. Một số người chọn đồ ăn theo phong cách phương Tây, số khác lại thích ăn đồ châu Á truyền thống. Những người chuyên cần tập luyện lại để ý đến dinh dưỡng của món ăn thay vì ngon miệng.
OlympicHầu hết các VĐV tham dự Olympic Tokyo 2021 được quốc gia hoặc CLB chủ quản chăm sóc, đầu tư. Tuy nhiên có không ít người phải gây quỹ cộng đồng. Nghịch lý là những người này đều đến từ các cường quốc.
OlympicKhuôn mặt tươi tắn, nụ cười xinh xắn cùng dáng vẻ nhí nhảnh là hình ảnh thường thấy của VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh. Tuy nhiên, đằng sau tâm trạng yêu đời hạnh phúc ấy là những nỗi buồn được chôn giấu rất sâu không thể nói nên lời.
OlympicTay vợt Nguyễn Thùy Linh đã được Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) lựa chọn là một trong những gương mặt tiêu biểu trước thềm ngày thi đấu thứ ba của bộ môn cầu lông tại Olympic Tokyo 2021.
OlympicMột phát đạn không trúng hồng tâm. Một cú đánh chệch dây. Một pha tiếp đất lỗi. Ranh giới giữa người thắng và kẻ bại, giữa người hùng và tội đồ luôn rất mong manh. Vận động viên nào cũng có thể mắc sai lầm, nhưng liệu họ có đáng trách?
Olympic