Đắm say. Được, mất và tìm lại
Thứ bảy, 12/06/2021 14:01 (GMT+7)
Sẽ là dễ dàng để nói về sự “thay da đổi thịt” của một Squadra d’Azzurri dưới tay Roberto Mancini, và có lẽ vẫn còn là quá sớm để đưa ra những tiên liệu về khả năng tiến xa đến đâu của đoàn quân ấy, tại kỳ vận hội lần này. Tuy nhiên, giữa khúc hoan ca của niềm hứng khởi, sự thèm khát chiến thắng và những nỗ lực tấn công không ngừng nghỉ, dường như vẫn còn lẩn khuất những nỗi bất an…
1. Hãy trở lại EURO 2000, nơi Ý cũng chạm trán Thổ Nhĩ Kỳ ở trận ra quân. Cũng hừng hực khí thế như đêm qua, và cũng vấp phải sự kháng cự kiên cường ngoài trông đợi của “kẻ chiếu dưới”, để rồi cuộc chơi chỉ khép lại với khoảng cách tối thiểu.
Filippo Inzaghi ghi bàn từ chấm 11m. Stefano Fiore làm các tifosi ngây ngất trong vai trò của một “số 10”, nhưng cả anh lẫn Francesco Totti - đang chuẩn bị bước vào thời đỉnh cao sự nghiệp – cũng đều không thể hạ gục Rustu Recber trong khung thành phía bên kia. Người thực hiện điều đó từ một pha bóng sống, lại là…tiền vệ trung tâm Conte, với một cú volley không thể nào quên.
Nhìn từ khía cạnh này, việc Thổ Nhĩ Kỳ thi đấu chặt chẽ như chính…Ý, còn Ý chơi rực lửa như Brazil, thực ra, lại không phải điều gì quá mức dị thường. Chỉ là, có lẽ, sự đổi vai ấy, việc đối diện và phải nỗ lực khuất phục một địch thủ giống mình đến như vậy, luôn luôn tạo nên cảm giác không thoải mái.
2. Những thay đổi về mặt nhân sự cũng như cách “bài binh bố trận” mà Roberto Mancini thực hiện ở đầu hiệp hai, rõ ràng, là tác nhân quan trọng tạo nên “đột phá khẩu”. Vấn đề là, không ai dám nói chắc, nếu Cakir không bị đánh bẫy bởi pha phản lưới của Merih Demiral, thì sẽ mất bao nhiêu thời gian để những thay đổi của Mancini phát huy hiệu quả. Hay nói cách khác, nếu may mắn vẫn thuộc về phía Thổ Nhĩ Kỳ (khi tác động của Demiral chỉ đưa bóng đi chệch khung thành chẳng hạn), thì Stadio Olimpio có cơ hội phát cuồng với một bữa tiệc bàn thắng không?
Có một yếu tố vô hình đã luôn hiện hữu ở đó, từ tiếng còi khai cuộc cho tới khi Berardi thực hiện đường căng ngang, đánh sập những lô cốt tinh thần bên phía ĐT Thổ Nhĩ Kỳ. Bóng ngắn hay bóng dài, bóng bổng hay bóng sệt, phối hợp nhỏ hay đột phá cá nhân, trung lộ hay lệch trái (và sau đó trở nên cân bằng hơn sau giờ nghỉ), “Đội tuyển Thiên Thanh” vẫn duy trì một điều bất biến: Nhịp độ của những đợt lên bóng.
Họ đã bước vào trận ra quân như thể bước vào một trận chung kết. Đã đẩy đội hình lên rất cao như thể bất ngờ sớm bị dẫn bàn. Đã áp đặt một thứ sức ép như thể bị đẩy vào cửa tử, chứ không chỉ đơn thuần là muốn nghiền nát đối thủ để có một bước khởi đầu vang dội. Khi Chiellini thường xuyên lởn vởn ở bên kia vòng cung trung tâm, thế giới thấy một Italy cởi mở hơn, khoáng đạt hơn, say đắm hơn và cũng lạ lẫm hơn nhiều, so với chính họ.
Song, cũng chính là vì như thế, một cách gián tiếp, phải chăng Ý đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ thích ứng nhanh hơn? Và mỗi lúc một trở nên tự tin hơn?
3. Xét cho cùng, say đắm và tận hiến, “ghi nhiều hơn đối thủ một bàn” chứ không phải “bị thủng lưới ít hơn đối thủ một bàn” lại không phải là những tố chất truyền thống tạo nên vị trí “đại cường” của Squadra d’Azzurri, trong dòng chảy lịch sử bóng đá thế giới. Người Ý đã luôn được nể sợ, không phải chỉ vì sự nhẫn nại trong nghệ thuật phòng ngự hay sự sắc bén của những đợt phản công, mà đầu tiên, chính là từ sự lạnh lùng và khả năng tiết chế trong tư duy.
Thứ nhịp độ không thay đổi trong cả 45 phút hiệp một thể hiện khá rõ sự thiếu khả năng điều tiết của Ý hiện tại. Họ tràn ngập cảm xúc, và để cảm xúc dẫn mình ào ạt hướng lên phía trước. Nếu là một Squadra d’Azzurra nào khác, hoặc cụ thể là có một Andrea Pirlo nào khác còn đứng đó, có thể tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó thích nghi với tiết tấu của trận đấu hơn, khi những khoảng nghỉ được tạo nên từ cách đọc trận đấu của một nhà điều phối đích thực, “dọn đường” cho các đợt bùng nổ kế tiếp trở nên mãnh liệt hơn.
Ru ngủ và làm địch thủ mất hướng, rồi ra đòn trong bất ngờ choáng váng, dù thế nào, cũng vẫn là kỹ năng then chốt của những kẻ chinh phục.
Ý đêm ra quân chưa thể hiện rõ được điều đó, thực tế là vậy. Cánh cửa đã được mở toang cho họ, từ một pha đốt đền.
Song, khi không có quá nhiều thứ trong tay để lựa chọn và cũng không cần quan tâm nhiều đến tỷ số chung cuộc, đặt lên bàn cân được mất, thì diện mạo mới cũng như những nguồn sinh khí mới dậy lên từ hình bóng tàn tạ của EURO 2016, không phải cũng đã là một bữa tiệc thực thụ rồi sao?
Trước 1992, người ta chỉ biết tới cổ tích của Đan Mạch trên những bút tích của Hans Christian Andersen, nhưng sau 1992, thế giới bóng đá đã được nhìn thấy một câu chuyện cổ tích thật sự trên sân cỏ. Bằng một cách nào đó, vô vàn những thứ không thể đã tập hợp lại với nhau để viết nên một kỳ quan sống của làng túc cầu.
EURO 2024Azerbaijan là đội chủ nhà đầu tiên trong lịch sử EURO không thể tham dự vòng chung kết, thậm chí quốc gia này còn không nằm ở châu Âu.
EURO 2024EURO 1996 tổ chức tại Anh, nước chủ nhà thả nhẹ câu slogan "Khi bóng đá về nhà". Nhưng bóng đá năm đó giống như một đứa con ngỗ ngược, trở về nhà trong vài tuần, coi nơi này không khác gì một khách sạn và sau đó nhận lời mời tốt hơn từ người Đức.
EURO 2024