Kể chuyện EURO 1996: Màu chàm ám ảnh khi bóng đá về nhà
Thứ năm, 10/06/2021 08:05 (GMT+7)
EURO 1996 tổ chức tại Anh, nước chủ nhà thả nhẹ câu slogan "Khi bóng đá về nhà". Nhưng bóng đá năm đó giống như một đứa con ngỗ ngược, trở về nhà trong vài tuần, coi nơi này không khác gì một khách sạn và sau đó nhận lời mời tốt hơn từ người Đức.
Bóng đá có lẽ chưa bao giờ hào hứng đến thế ở chính nơi khai sinh ra nó, kể từ World Cup 1966 huyền thoại. 30 năm sau, người Anh lại được sống trong những giây phút hân hoan nhất, đam mê nhất, kỳ diệu nhất nhưng cũng đau đớn nhất.
Cú ngã từ thiên đường xuống địa ngục chưa bao giờ thấm thía đến thế. Giấc mơ Anh tan tành vì đối thủ truyền kiếp Đức. Tại sao Tam sư lại có thể thua được trong khi họ sở hữu dải ngân hà Seaman, Adams, Pearce, Gascoigne, Ince, Platt, Shearer và Sheringham?
Đặc biệt, Paul Gascoigne với mái đầu bạch kim biểu tượng đã trở thành "nàng thơ" của cả xứ sương mù sau bàn thắng để đời vào lưới Scotland. Alan Shearer sau khởi đầu chậm chạp thì cũng có một kỳ đại hội năng suất nhất trong suốt 8 năm cống hiến cho ĐT Anh.
Dưới sân, các cầu thủ của thế hệ vàng tạo ra những đợt sóng liên tiếp cuốn phăng Scotland, Hà Lan và Tây Ban Nha. Trên khán đài, không khí lễ hội bao trùm, tất cả ôm nhau ngân nga khúc tráng ca truyền thống cùng câu hát quen thuộc: "Bóng đá đã về nhà".
Nhưng trời đã sinh ra Gascoigne và Shearer, sao lại còn sinh ra Gareth Southgate? Chính HLV đương nhiệm của tuyển Anh là người đã đá hỏng quả luân lưu định mệnh, để rồi tạo điều kiện cho Andy Moller bước lên thực hiện pha bóng chốt hạ giành lấy tấm vé vào chung kết cho người Đức. Màn chống tay vào hông xoay đủ 4 hướng khán đài Wembley của Moller là một trong những khoảnh khắc đen tối nhất của mùa hè năm đó.
Và người ta bắt đầu lùng sục một lý do để đổ lỗi. Người hâm mộ và giới truyền thông diều hâu của xứ sương mù quyết không để Gascoigne khóc trong oan ức. Và đây rồi, họ đã tìm ra thủ phạm. Chính là trang phục sân khách lạ đời của tuyển Anh hôm đó.
Theo truyền thống, mẫu áo sân khách của của tuyển Anh có màu đỏ. Nhưng vào năm 1996, nhà tài trợ Umbro đã cho ra mắt mẫu áo màu chàm gây tranh cãi kịch liệt. Màu này trên thị trường được gọi là "indigo blue", Umbro giải thích rằng màu áo này sẽ hợp tông với những chiếc quần jeans - phong cách thời trang đang thịnh hành thời đó.
Những chiếc áo màu chàm "indigo blue" có thể hợp với quần jeans nhưng trông cực kỳ ngớ ngẩn khi kết hợp với quần đùi và tất cùng màu. Các cầu thủ Anh trông như những hiệp sỹ thời trung cổ nhưng châm biếm thay lại đang bảo vệ một "gã hề" - ám chỉ chiếc áo dài tay loang lổ của Seaman trong khung gỗ.
Tổng cộng, Tam sư chỉ mặc trang phục này đúng 3 lần. Một là ở trận giao hữu với Bulgaria ở Wembley. Thứ hai là trận làm khách trên sân Georgia ở Tbilisi tại Vòng loại World Cup 1998. Và lần cuối cùng chính là trận bán kết không thể nào quên với người Đức tại EURO 1996.
Southgate và dáng đi khắc khổ trong tông màu chàm là miền ký ức mà mọi người Anh đều muốn xóa bỏ. Họ từng ngưỡng mộ và đam mê màu xanh dương nhạt của Italia 90 bao nhiêu thì giờ căm phẫn thứ "indigo blue" này bấy nhiêu.
Những ai đã chót bỏ tiền mua chiếc áo này về đều lột ra và ném đi ngay lập tức. Ngay đến mẫu áo sân khách màu xám có phần tương tự của Man United cũng bị vạ lây. Người Anh kinh tởm thứ màu ma quỷ này và chưa một lần nào mặc lại nó nữa.
Nhưng nếu, chỉ giả sử thôi, Southgate thực hiện thành công nhiệm vụ của mình và người Anh giành chiến thắng chung cuộc, liệu "indigo blue" có trở thành cơn sốt của thời đại? Mẫu thiết kế mang hơi hướng retro này liệu có nhận được sự ghi nhận mà nó xứng đáng, khi đi tiên phong phá cách lối suy nghĩ một màu của người Anh?
Câu hỏi này sẽ không bao giờ được trả lời bởi chẳng người Anh nào muốn lật lại đống hoài niệm đau thương để cố trả lại công bằng cho kẻ thù màu chàm của mình. Bóng đá chỉ tạt qua nhà chứ không trở về, hành trình lang thang của nó vẫn đang tiếp tục đến tận bây giờ.
Thâm thù giữa Anh và Pháp tiến thêm một nấc thang mới khi Pháp giành mất quyền đăng cai EURO 1984. Trong khi đó, Anh thậm chí không vượt qua được vòng loại và vắng mặt ở vòng chung kết. Đáp lại, truyền thông Anh trả đũa bằng việc chỉ chiếu đúng... 2 trận trong cả giải đấu, qua đó khiến những người hùng như Jean-François Domergue càng rơi vào vùng lãng quên trong miền ký ức của người hâm mộ.
EURO 2024Nhắc về EURO 1988 thì trong tâm trí người hâm mộ nhuộm một sắc cam chói lọi. Hà Lan rốt cuộc cũng đã có được chức vô địch một giải đấu lớn đầu tiên và duy nhất trong lịch sử. Nhưng chiến thắng của họ lại tương phản với dấu chấm hết của Liên Xô.
EURO 2024Trước 1992, người ta chỉ biết tới cổ tích của Đan Mạch trên những bút tích của Hans Christian Andersen, nhưng sau 1992, thế giới bóng đá đã được nhìn thấy một câu chuyện cổ tích thật sự trên sân cỏ. Bằng một cách nào đó, vô vàn những thứ không thể đã tập hợp lại với nhau để viết nên một kỳ quan sống của làng túc cầu.
EURO 2024