Còn sống, còn tin
Thứ bảy, 19/06/2021 18:54 (GMT+7)
Thế hệ này của Croatia đã mỏi mệt rồi, và bóng đá cũng đã thay đổi quá nhiều. Thế nhưng, rất may là theo dòng dâu bể, những gì tinh túy nhất vẫn còn chưa bị cuốn trôi đi. Chúng ở lại, để khi cuộc chơi hạ màn, không có lời than tiếc nào phải thốt lên cho phẩm giá và lòng kiêu hãnh.
1. Perisic cùng pha ngoặt bóng gọn ghẽ và cú dứt điểm lạnh lùng của mình, trong thực tế, không chỉ giành lại được một điểm từ tay ĐT Czech. Điều quan trọng đích thực mà bàn thắng ấy mang đến cho thời gian còn lại của trận đấu, là một sự lột xác hoàn toàn so với những gì đã diễn ra trong 45 phút đầu – cùn nhụt, bế tắc, cực kỳ thiếu thanh thoát…
Những pha phạm lỗi liên tiếp, ngoài chuyện khiến trận đấu bị cắt vụn, còn âm thầm bộc lộ một thực trạng: Croatia đã chơi dưới cơ Czech. Điều đó lại càng khiến Patrik Schick trông giống một siêu anh hùng trong phim Hollywood. Anh bị đánh ngã, phải lăn lộn vật vã, cố gượng dậy, nhưng rồi vẫn khảng khái bước lên, và ra đòn quyết định với chiếc mũi vẫn còn hoen dấu máu.
Lovren có thể đã phải chịu oan ức, và cảm giác chung ấy cũng có thể đã đầu độc tâm lý thi đấu của toàn bộ đoàn quân dưới tay HLV Zlatko Dalic. Song, phải nói là từ trước tình huống đó, Croatia cũng chẳng thể hiện được gì nhiều. Để nhớ. Và để nhớ đến tầm vóc thực thụ mà họ đang sở hữu.
2. Phải đợi đến khi Perisic bừng tỉnh, diện mạo đích thực của đương kim á quân thế giới mới trở lại cùng Croatia, trong từng đợt lên bóng.
Dĩ nhiên, vẫn còn đó bóng dáng của những người không thể có mặt, như Rakitic hay đặc biệt là Mandzukic. Nếu là ba năm về trước, họ cũng vẫn có thể thất bại dưới tay những người láng giềng Czech, nhưng cũng lại sở hữu nhiều cơ hội hơn để những đợt công hãm như nước vỡ bờ có thể được đền đáp bằng một màn lội ngược dòng trọn vẹn.
Tuy nhiên, Rebic hay Brekalo không có lỗi. Cũng như Ivica Olic từng không có lỗi, khi buộc phải tiếp quản vị trí của Davor Suker, hay Dado Prso phải thay thế Alen Boksic, hoặc chính Luka Modric lúc đầu phải lấp vào chỗ trống mà Zvonimir Boban để lại. Thịnh suy là một tiến trình tất yếu, đối với mọi nền bóng đá, mà trong đó, các tiến trình chuyển giao thế hệ luôn tạo nên hụt hẫng. Đôi khi, tre đã già nhưng măng chưa kịp mọc, chẳng có cách nào khác là chấp nhận và nhẫn nại chờ đợi. Vấn đề là không được tự cho phép mình dừng lại, vì quả bóng trên thế giới chẳng bao giờ ngừng lăn cả, nếu không muốn nói là mỗi lúc mật độ các trận đấu còn diễn ra dày đặc hơn.
“Chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì” – Luka Modric nói thế, khi nhìn về phía trước – “Chúng ta phải thắng nếu muốn đi tiếp, và đó là điều tốt. Chúng ta phải hồi phục, phải phân tích được rõ những sai lầm đã mắc, và khắc phục chúng”.
Nhưng, nếu như anh cùng các đồng đội không thể hồi phục, và không còn đủ sức thực hiện tất cả những mục tiêu đó? Trong khi Scotland vừa chứng tỏ rằng họ là một “khúc xương khó nhằn” thế nào, đặc biệt là nếu chủ động biến cuộc chơi thành một thứ “cối xay thể lực”?
3. Thì cuối cùng, nếu xuất hiện, danh dự và lòng tự trọng cũng vẫn sẽ là những vị thần hộ mệnh đáng tin cậy nhất, trong các thời khắc sinh tử.
“Vatreni vẫn sống!” – tờ Sportske novosti chạy tít. “Vatreni” – hay Večernji, cái biệt danh ấy mà người Croatia gọi đội tuyển của mình, có nghĩa là “ngọn lửa”. Đặt vào ngữ cảnh, nó trở thành phép ẩn dụ và một lời hiệu triệu thăm thẳm nỗi mong đợi.
Chắc chưa ai còn kịp quên, ba năm trước, Croatia đã bị vắt kiệt sinh lực đến tận cùng như thế nào, trước khi gục ngã dưới chân một ĐT Pháp quá vượt trội (không chỉ so với họ, mà so với toàn giải đấu). Kể từ vòng 16 đội đến hết bán kết, ba trận liền, Croatia phải chơi đủ 120 phút. Nhưng, khi ấy, sự suy kiệt về mặt thể lực cũng không thể giúp lần lượt ĐT Nga hay ĐT Anh chặn được bước tiến được thắp sáng bằng lòng kiêu hãnh của họ.
Cũng như đêm qua, cảm giác bất lực và bị vượt mặt, dù đã ngự trị suốt 45 phút, cũng chẳng buộc được Modric cùng đội cận vệ già quanh mình hoàn toàn gục ngã.
Không ai biết, họ đã nói với nhau những gì trong giờ nghỉ. Song, có lẽ, chỉ cần một người nhắc đến những chặng đường gập ghềnh đã để lại sau lưng trên đất Nga, mùa hè 2018 ấy, và nhắc đến cảm giác khi đặt chân lên bậc thềm của trận chung kết năm đó thôi, cũng đã là những liều doping tinh thần vô giá.
Đôi khi, chỉ một khoảnh khắc vô định như thế cũng đã là đủ để những giá trị sâu thẳm lên tiếng, đủ để đẩy toang cánh cửa cho những ngọn gió phấn khích ùa tới, và làm hồi sinh cả lòng tự tin lẫn những niềm hy vọng. Miễn là, người ta không chấp nhận cúi đầu, khi hồi còi chung cuộc chưa vang lên…
Không có gì bất ngờ, cả việc Paul Pogba nhận danh hiệu Star of the Match, lẫn chuyện ĐT Pháp thư thả lấy trọn ba điểm từ tay những người láng giềng Đức. Cả hai điều đó đều vô cùng xứng đáng. Tuy vậy, dường như chính vì thế mà những địch thủ sắp tới của Les Bleus lại có nhiều cơ hội để tự tin hơn...
EURO 2024Làm sao tránh được, cú sút phạt đền hỏng ăn ấy sẽ còn được nhắc lại nhiều, như một nỗi ám ảnh. Song, màn trình diễn trên những tầng mây kết tinh bằng hai đường chuyền “dọn cỗ” cho Aaron Ramsey và Connor Roberts trở thành những người hùng sẽ còn được nhớ tới nhiều hơn thế, bất kể Xứ Wales của Gareth Bale dừng bước ở chặng đường nào.
EURO 2024Ai cũng thấy là quỹ đạo cuộc chơi đã bị bẻ ngoặt 180 độ như thế nào, kể từ khi Kevin de Bruyne xuất hiện. Bởi vậy, khi Romelu Lukaku được xướng tên là Star of the Match, có lẽ ngoại trừ các thành viên của hội đồng kỹ thuật – những người trực tiếp ra quyết định – hầu hết những người đã theo dõi cả 90 phút cuộc lội ngược dòng ấy đều sẽ nhướn mày lên một chút.
EURO 2024