Kẻ thù của chính mình. Kẻ thù của tất cả.
Chủ nhật, 20/06/2021 19:41 (GMT+7)
ĐT Pháp và ĐT Tây Ban Nha có chia sẻ với nhau điểm chung nào, trong muôn trùng khác biệt giữa hai màu áo vào thời điểm hiện tại? Có. Nỗi thất vọng dành cho người hâm mộ của họ. Và sự bất lực, trong phía tối của hào quang.
1. Nói riêng về bóng đá cựu lục địa, cho đến lúc này - thời điểm bắt đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21, Pháp và Tây Ban Nha vẫn là những ngọn cờ đầu, những kẻ chinh phục thành công nhất.
Chỉ La Roja mới đủ sức đuổi kịp và vượt qua những gì Les Bleus của thế hệ Zidane đã làm được từ World Cup 1998 đến EURO 2000, bằng sự thống trị tuyệt đối qua ba kỳ vận hội (EURO 2008 – World Cup 2010 – EURO 2012). Ngược lại, đến EURO lần này, cũng chỉ có đoàn lê dương dưới tay Didier Deschamps vào trận với mong muốn củng cố và tiếp nối “ách thống trị” của mình.
Xen giữa họ, Hy Lạp 2004, Italia 2006, Đức 2014 hay Bồ Đào Nha 2016 là những nỗ lực hiếm hoi thành công (hoặc là những bước thoái trào không thể cưỡng lại), qua đó tránh cho bức tranh toàn cảnh chỉ còn lại duy nhất màu lam, hoặc màu lửa.
Ở những giai đoạn vàng son đó, Pháp hoặc Tây Ban Nha đơn giản là không thể bị ngăn cản, bởi ba điểm cốt lõi: Địch thủ không có đủ bóng để tấn công họ (nhờ những siêu tiền vệ trụ mà người Pháp sở hữu, hoặc vì lối đá tiki-taka “siêu phòng ngự” của người Tây Ban Nha); họ không bao giờ thiếu các giải pháp tìm kiếm bàn thắng; và họ sở hữu những vận may không thể lý giải, cả trong cục diện từng cuộc chơi lẫn bối cảnh xu thế chung.
2. Tuy nhiên, đến hết loạt trận thứ hai vòng bảng, thực tế là Les Bleus đương kim vô địch World Cup chưa làm được gì nhiều hơn mấy so với La Roja đang phải xây lại tất cả từ đầu, bằng những lần ôm mặt tiếc nuối của HLV Luis Enrique.
Pháp có 4 điểm, còn Tây Ban Nha mới có 2 điểm thật, nhưng khác biệt đó được tạo nên từ một pha đá phản lưới nhà của Matt Hummels. Còn lại, họ đều đã để thủng lưới một bàn, từ sự nỗ lực không mệt mỏi của các chân sút Đông Âu. Hơn thế, hàng công “bình dân” của Tây Ban Nha hay các tiền đạo thượng thặng của người Pháp cũng đều mới chỉ ghi được một bàn duy nhất.
Vấn đề mà Didier Deschamps hay Luis Enrique đang cùng phải đối diện có thể đến từ bất cứ đâu. Lối chơi, điểm rơi phong độ, những phương án kết hợp nhân sự, sự may mắn ngẫu nhiên… Hoặc có thể, còn là cả một thứ sức ép vô hình, từ vị thế mà cả hai đoàn quân ấy đã hoặc đang sở hữu: vị thế bá chủ.
Nhưng đến đây, sẽ là phiến diện nếu tiếp tục nhào nặn hoặc gán ghép những nét tương đồng giữa họ. Đến đây, nếu dừng lại và nhìn thật sâu vào dư âm của những bản hùng ca đã từng vang vọng, hiện trạng “đồng tính tương cầu” lại xuất phát từ những khác biệt cơ bản về mặt tư tưởng.
Luis Enrique muốn “làm cách mạng” đối với ĐT Tây Ban Nha. Ông từ chối mang theo vào chiến dịch này những gương mặt đã dạn gió dày sương của Real Madrid, và Barcelona cũng chỉ có 3 người được triệu tập. Nói một cách khác, Enrique từ chối xây dựng một “bộ khung”, dựa trên lực lượng của một trong hai người khổng lồ đó – điều hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống.
Ông đặt cược vào những gương mặt vô danh. Đặt cược, như một tay cờ bạc khát nước, bởi vì với sự nghiệp cầu thủ không hề phẳng lặng của mình, chắc chắn Enrique hiểu rất rõ giá trị của những ngôi sao hàng đầu – những người hằng ngày phải chiến đấu trên đỉnh danh vọng.
Tuy nhiên, ông tiến hành cuộc cách mạng đó khi không có người hâm mộ Tây Ban Nha nào chấp nhận nổi rằng đội bóng ấy, theo vòng quay hưng phế, đang trở lại với hình bóng tội nghiệp của chính mình trước thời thịnh trị 2008 – 2012 – một thứ “Vua vòng loại” không hơn không kém.
Alvaro Morata hay Gerard Moreno chưa chắc đã kém cỏi hơn những Kiko Narvaez, Juan Pizzi hay Alfonso Perez thời 1996-1998. Song, sức ép đè lên đôi chân của họ bây giờ nặng nề gấp trăm lần so với các bậc tiền bối kia, lúc thế hệ Butragueno vừa rời đi, mà Raul hay Morientes còn chưa “xuất đạo”.
Ngược lại, Didier Deschamps lại chẳng có lý do gì để nhất thiết phải cố gắng tìm kiếm những thay đổi. Hay đúng hơn, với việc gọi lại Benzema, người thủ quân hiển hách nhất trong lịch sử Les Bleus ấy còn đang trở nên “bảo thủ” hơn. Ông có trong tay một guồng máy đang hoạt động trơn tru, với tiềm năng “cống hiến” cũng còn vô cùng rộng mở. Dường như, ông chẳng phạm sai lầm nào đáng kể về mặt “bài binh bố trận”, kể cả khi phải bằng lòng với chiến thắng tối thiểu trước người Đức, và sau đó là phải chật vật mới giành lại được một điểm từ tay người Hung.
Điều làm Deschamps phải đau đầu, có lẽ thực sự không hiện hữu trong các yếu tố chuyên môn. Nó nằm sâu trong tâm lý của những nhà vô địch thế giới, với sự ngạo mạn được khuếch trương một cách đáng sợ, nhờ cả sự tôn trọng đến nể sợ của các địch thủ lẫn những lời ca tụng rỗng tuếch của giới truyền thông. Nó thể hiện ở từng đường bóng quyết định, khi chúng luôn thiếu một chút sắc bén, một chút chuẩn xác, một chút sáng tạo, một chút uy lực… nào đó. Ngay cả bàn thắng của Griezmann cũng khó có thể xem là một mảng miếng phối hợp mẫu mực, bởi thực tế là quả bóng đã nảy tới trước mặt anh, chỉ bởi hậu vệ Hungary phá bóng lỗi.
Và cùng với Rabiot, cả Benzema lẫn Paul Pogba đều phải sớm rời sân. Họ không chỉ không thể hiện được đúng phong độ mong đợi. Họ đứng trên sân với quá ít sự tập trung, và quá thiếu sức căng tâm lý – điều đã manh nha được thể hiện ngay từ trận ra quân thắng Đức. Quá thiếu khát vọng chiến thắng, bằng mọi giá.
3. Cũng như Tây Ban Nha, vị thế bá chủ khiến Les Bleus trở thành kẻ thù lớn nhất của chính mình. Nhưng khác với Tây Ban Nha, do đang là đương kim vô địch thế giới, Les Bleus còn là kẻ thù số 1 của tất cả. Chặn đứng hay quật ngã một “ông lớn” sừng sỏ như họ, đó sẽ luôn là viễn cảnh đầy hào hứng và vinh quang, đủ sức kích hoạt hơn 100% khả năng từ sâu thẳm nội tại bất cứ kẻ thách thức nào.
Như cách Hungary đã thực hiện, cho dù mất Adam Szalai từ rất sớm – thứ “triệu bất tường” gợi lại nỗi cay đắng màu lam trong trận chung kết EURO 2016. Và có thể tin, ở trận chung kết của bảng F sắp tới, Cristiano Ronaldo cùng đồng đội cũng sẽ làm tất cả để tái hiện chiến công đó.
Bồ Đào Nha cũng đang là đương kim vô địch châu Âu, cũng có niềm kiêu hãnh của mình, cũng phải tận lực khổ chiến vì tấm vé đi tiếp của chính mình. Cho dù họ không có nhiều lựa chọn về chiến thuật (khi Cristiano Ronaldo vẫn sẽ là điểm đến của hầu hết mọi đường chuyền) thì chỉ cần một lần may mắn thôi, nếu Paul Pogba và các vệ tinh không thể đặt được chân xuống mặt đất, thành bại thịnh suy hay sừng sững cơ đồ cũng có thể dễ dàng như nước trôi xuôi…
Màn chuẩn bị cho EURO 2020 của Kevin de Bruyne thật lạ lùng. Trong khi các đồng đội tại tuyển Bỉ miệt mài trên sân tập, một mình chàng cầu thủ sinh năm 1991 trèo lên giường phẫu thuật. Rất nhiều người lo ngại hệ quả từ pha can thiệp vào hốc mắt đó nhưng De Bruyne vừa mới chứng minh thị lực của anh hoàn toàn bình thường.
EURO 2024Lần thứ 2 tại EURO 2020, Harry Kane bị thay ra giữa chừng trong trận đấu của ĐT Anh. Nếu đây là thủ lĩnh của Tam sư thì hãy cẩn thận, cái đầu này có thể kéo cả con sư tử đi xuống lòng đất.
EURO 2024Trước thềm EURO 2020, Aymeric Laporte đã hoàn thành việc chuyển quốc tịch từ Pháp sang Tây Ban Nha để được đầu quân cho La Roja. Trong những năm bị ĐT Pháp bỏ rơi, đã bao giờ Karim Benzema có trong đầu suy nghĩ tương tự như vậy chưa? Bởi lẽ dường như sự kết nối với Les Bleus của Mèo lười đã nằm hết ở quá khứ.
EURO 2024Một câu chuyện được truyền thông “đào” lại sau khi Đức đè bẹp Bồ Đào Nha đêm qua: hậu vệ trái Robin Gosens của đội tuyển Đức từng xin đổi áo với Cristiano Ronaldo và bị từ chối thẳng thừng, ngắn gọn: “KHÔNG”.
EURO 2024