Kể chuyện EURO 1980: Mùa hè ác mộng của người Anh
Chủ nhật, 06/06/2021 08:10 (GMT+7)
Khi phải liệt kê ra những khoảnh khắc đáng quên nhất trong lịch sử bóng đá Anh, kỳ EURO 1980 sẽ nắm quanh quẩn ở tốp đầu. Đoàn quân của HLV Ron Greenwood hội tụ mọi yếu tố để thành công nhưng rốt cuộc đã thất bại thảm hại ngay sau vòng bảng và hậu quả của nó còn kéo dài tới mãi sau này.
Anh có lý do để tự tin ở kỳ đại hội 41 năm trước. Liverpool và Nottingham Forest là những nhà vô địch cúp châu Âu năm đó với đội hình gồm toàn cầu thủ bản địa. Giải thưởng Quả bóng vàng thì được trao cho Kevin Keegan, người có năm thứ 2 liên tiếp giành được vinh dự này kể từ lúc chuyển từ Liverpool sang Hamburg.
EURO 1980 cũng là lần đầu tiên Anh vượt qua vòng loại một giải đấu lớn kể từ năm 1970. Sau một thập kỷ tổn thương, Greenwood đã mang đến những nét tích cực cho Tam sư sau triều đại của Don Revie. Greenwood là một nhà đào tạo mát tay, người đã phát triển ra những huyền thoại như Bobby Moore, Geoff Hurst và Martin Peters - cái lõi của đội tuyển Anh vô địch World Cup 1966.
Những dấu hiệu trước giải đấu là cực kỳ lạc quan. Vào tháng 5, Anh giao hữu với nhà đương kim vô địch thế giới Argentina với thần đồng 19 tuổi Diego Maradona trong đội hình. Sau 90 phút ở Wembley, đội chủ nhà thắng 3-1.
Trận thua 1-4 trước Xứ Wales sau đó không để lại quá nhiều thất vọng bởi người hâm mộ còn bận sung sướng trong men say chiến thắng khi Forrest bảo vệ thành công chức vô địch C1 của mình khi đánh bại Hamburg 1-0. Nước Anh sống trong những ngày lễ hội thật sự.
Nhưng FA lại có một sự chuẩn bị kỳ lạ. Chỉ 12 ngày trước khi EURO 1980 khởi tranh, họ sắp xếp trận giao hữu với tuyển Australia ở Sydney. Đội hình B, với chỉ 4 người trong số đó sẽ được dự EURO 1980, được cử đi. Trong chuyến hành trình ngớ ngẩn này, có Bryan Robson - người khi đó chưa phải là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới. Trong chuyến bay trở lại Anh, Robson được thông báo rằng mình không nằm trong thành phần đến Italia. "Chuyến bay đó thật tệ hại", Robson nhớ lại. "Thật kinh khủng khi người ta có thể làm như thế".
Điểm nhấn của màn chạy đà là chuyến viếng thăm tòa nhà số 10 phố Downing, nơi thầy trò Greenwood được gặp Thủ tướng Anh, người có biệt danh là "Bà đầm thép" Margaret Thatcher. Sau cuộc gặp đó, toàn đội bình tĩnh đến lạ, như những giám đốc trẻ khởi hành tới một hội nghị bán hàng.
Đây là kỳ đại hội đầu tiên VCK có 8 đội tham dự và được chia thành hai bảng đấu. Anh ở chung bảng với Bỉ, Italia và Tây Ban Nha. Tin tốt là chủ nhà Italia đang ở trong thời kỳ hỗn loạn giữa scandal giàn xếp tỷ số và chân sút nổi tiếng Paulo Rossi còn đang nhận án treo giò 2 năm. Bỉ quá yếu và được coi là bia đỡ đạn. Còn vào 2 tháng trước, Anh vừa dễ dàng đánh bại Tây Ban Nha. Con đường tới trận chung kết coi như rộng mở.
Trận ra quân của Anh là trước Bỉ ở Turin. Tam sư mở tỷ số trước nhưng để Bỉ gỡ hòa rất nhanh sau đó. Đến lúc này, bầu không khí lễ hội dần tan biến, thay vào đó là thứ được miêu tả là "kẻ thù bên trong".
Người hâm mộ Anh vốn nổi tiếng từ lâu là bạo lực nay đã có dịp thể hiện trên đất Italia. Chứng kiến nhóm fan trung lập ăn mừng bàn gỡ của tuyển Bỉ, hooligan xứ sương mù bất ngờ tràn sang tấn công những người vô tội. Cảnh sát phải dùng tới hơi cay để giải tán nhóm ẩu đả. Khói vàng bốc lên khiến Ray Clemence - thủ môn của ĐT Anh còn cảm thấy ngạt thở. "Không khí rất tệ", Clemence nhớ lại. "Tôi không chứng kiến nhưng tôi đoán chắc có thứ gì đó rất tệ đang xảy ra phía sau lưng mình".
Vào tối hôm trước, 36 kẻ gây rối đến từ nước Anh đa bị bắt ở trung tâm Turin. Những "kẻ thù bên trong" khiến mọi thứ trở nên thật tồi tệ. "Chúng tôi xấu hổ khi có những người hâm mộ như thế", HLV Greenwood tức giận. "Chúng tôi đã làm tất cả mọi thứ để tạo ra thiện cảm nhưng rồi những tên khốn đó đã phá hỏng tất cả".
3 ngày sau, Anh để thua chủ nhà Italia và những cuộc đánh nhau lại xảy ra. Tình hình dần mất kiểm soát dù cảnh sát địa phương đã lên các phương án đề phòng. Trận đấu cuối cùng của tuyển Anh là trước Tây Ban Nha ở Napoli nhưng "chiến trường" bên ngoài sân cỏ thì vẫn xuất hiện ở Turin.
Cảnh tượng khó coi đó rút cạn sự hứng khởi với bóng đá của Thủ tướng Thatcher. Khi đó, bà đang ở Venice để tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Âu và đã có một phen bẽ mặt vì đám đông cổ động người đồng hương. Hành vì của fan bóng đá khiến nước Anh ê chê xấu hổ.
Anh thắng Tây Ban Nha 2-1 nhưng vẫn bị loại ngay sau vòng bảng. Trong phòng họp báo, chẳng ai quan tâm tới chiến thắng này mà dường như chỉ thi nhau chì chiết Greenwood và đám cầu thủ.
"Chúng tôi bị đem ra mổ xẻ", nhân chứng sống Ray Wilkins nhớ lại đầy đau thương. "Chúng tôi nghĩ mình đã có cơ hội để vô địch nhưng mọi thứ đều đột nhiên đi chệch hướng".
Nhưng tác động lớn nhất lại ở bên ngoài sân cỏ. Nước Anh muốn đăng cai EURO 1984 nhưng sau scandal của nhóm hooligan, điều đó đương nhiên không thể thành hiện thực. Pháp giành được quyền tổ chức và sau đó giành chức vô địch. Còn Anh thậm chí không vượt qua được vòng loại. Tất cả hi vọng và sự lạc quan dồn nén suốt một thập kỷ đều trôi hết xuống sông ở Turin. EURO 1980 trở thành cơn ác mộng không thể quên của lịch sử Tam sư.
Người Anh từng sung sướng vì năm 1966 chưa có công nghệ Goal-line nên "bàn thắng ma" của Geoff Hurst trong trận chung kết World Cup với người Đức mới được công nhận. Nhưng sau đó 2 năm, lại chính Tam sư hiểu được cảm giác của một nạn nhân trong thời kỳ mông muội của bóng đá.
EURO 2024Tin được không, trước khi bị gắn mác xù xì là Cỗ xe tăng, ĐT Đức từng là một chiếc xe hoa, với toàn những nhà thơ lãng mạn ngồi phía trên. EURO 1972 là ngày hội châu lục đầu tiên mà Đức tham gia, và cũng là nơi họ trình bày thứ bóng đá Ramba-Zamba-Fußball vô tiền khoáng hậu.
EURO 2024Có rất nhiều thứ vĩ đại chỉ bởi nó là lần đầu tiên. Ở lần đầu, nó có thể không hoàn mỹ nhưng là sự thăng hoa tột cùng của một ý tưởng chưa từng có. Bấm bóng, từ chấm phạt đền, ở loạt luân lưu cuối cùng trong trận chung kết EURO? 40 năm sau, người ta vẫn phải nhìn Antonín Panenka bằng con mắt kinh ngạc.
EURO 2024