Giá trị của niềm đau
Thứ hai, 12/07/2021 17:07 (GMT+7)
Chê trách gì thì chuyện cũng đã rồi. Mà có lẽ, mọi lời chê trách dành cho tập thể ấy – cái tập thể mới chỉ 24 giờ trước còn khiến cả nước Anh bồng bềnh trong những giấc mơ tươi đẹp đã từng trốn tránh đảo quốc suốt 55 năm – đều là tàn nhẫn. Là bất công. Và là một kiểu tự đầu độc những hạt mầm hy vọng, sót lại dưới đáy một chiếc hộp Pandora vô định.
1. Là người chịu trách nhiệm tối cao và duy nhất về khía cạnh chiến thuật, Gareth Southgate có mắc sai lầm nào không? Dĩ nhiên là có. Nhất là khi vinh quang đã nằm trong tay chỉ chưa đầy 2 phút sau tiếng còi khai cuộc.
Tuy nhiên, chính là với pha lập công đó của Luke Shaw, thật kỳ lạ nếu như toàn bộ “chân tài thực học” của ông – người mới hôm trước thôi còn được The Guardian đặt vào tầm vóc của Sir Alf Ramsey huyền thoại – lại bị phủi đi sạch sẽ. Bởi vì, Southgate đã làm tất cả những gì cần thiết trong cách bài binh bố trận, để có được bước khởi đầu như mơ ấy.
Tư duy của ông cũng không có gì quá phức tạp, chỉ đơn giản là cách nhập trận đó quá hợp lý. Sơ đồ 3 trung vệ với 2 wingback cùng những đường chuyền đổi cánh chóng mặt từng kẹp vỡ sức chịu đựng của hàng thủ Đức, nay lại được sử dụng nhằm khoét vào những điểm yếu của người Ý. Điểm yếu ấy là tốc độ, là khoảng trống mà Spinazzola để lại ở cánh trái, là sự thiếu hụt cơ bắp cũng như khả năng tranh chấp tay đôi ở trung lộ.
Một cách hình tượng, Southgate bày “thế trận vành trăng khuyết” cổ điển, nơi bộ binh nặng trụ lại ở trung tâm, còn kỵ binh hai cánh vu hồi đánh tạt sườn tạo thế hợp vây. Khi Luke Shaw tập kích thành công, hàng thủ Ý không đủ người để bịt các khoảng trống, ngay trong vòng cấm của mình. Bởi vì, Harry Kane cũng như Sterling đã làm quá tốt nhiệm vụ gây nhiễu, còn các tiền vệ trung tâm áo trắng thì càn quét dũng mãnh không khác gì cách người Tây Ban Nha đã làm với Azzurri.
Càng lúc càng dễ đá. Càng lúc những đợt lên bóng của Italia càng trở nên bế tắc, và gần như phụ thuộc hết vào khả năng xoay sở của Chiesa. Roberto Mancini, thực ra, không đủ “vũ khí” trong tay để xoay chuyển cục diện trận thế ấy.
2. Cũng có thể nhận xét ngắn gọn: Sự khác biệt giữa bước khởi đầu rực rỡ với kết thúc bi kịch, giữa thế thượng phong và việc bị dồn ép của ĐT Anh là bởi Gareth Southgate thiếu dũng khí, để ra lệnh cho các học trò tiếp tục tấn công, nhằm đóng hẳn trận đấu lại bằng một bàn cách biệt nữa.
Song, nếu đặt yêu cầu tưởng chừng dễ dàng ấy vào bối cảnh của một trận chung kết 55 năm chờ đợi dưới sức ép nghẹt thở từ các kỳ vọng, đặt vào tâm cảnh của một người trong cuộc 20 năm xưa từng là kẻ tội đồ, đặt vào vị thế của một nhà cầm quân thực ra chưa có nhiều cơ hội tham dự các cuộc “hội nghị thượng đỉnh” (ở cả cấp CLB lẫn cấp đội tuyển)…., thì có lẽ sự “yếu bóng vía” của Gareth Southgate sẽ dễ được cảm thông hơn.
Ai, ở vào vị trí của ông, mà không sợ thua? Và tại sao lại không cố gắng duy trì một cơ cấu có vẻ vẫn an toàn? Cho đến trước khi Bonucci lên tiếng, chỉ mình Chiesa thực sự làm khó được Pickford.
Đây là hạn chế về mặt năng lực, đặc biệt là khi năng lực bị đóng khung bởi bối cảnh. Ở một bối cảnh khác, ngay như trận thắng Đức thôi, nó đã không xuất hiện. Trong nỗi bồn chồn và thấp thỏm quá mức, Southgate không nhận ra rằng kiểu bóng đá “tra tấn thể lực” mà ông áp dụng cho các học trò đáng sợ đến như thế nào. Trước phút 67, chỉ cần vài đợt pressing toàn sân nữa, thể lực của Azzurri hoàn toàn có thể bị bào mòn đến suy kiệt. Về mặt chiến thuật, sai lầm lớn nhất của Southgate không phải là chủ trương hạ nhiệt trận đấu để phòng ngự. Có lẽ, đó là việc buông bỏ quyền kiểm soát nhịp độ trận đấu. Ông tỏ ra hơi thiếu nhạy bén với việc tăng tốc hay giảm tốc từng đợt, nhằm không cho phép địch thủ thích nghi để rồi vãn hồi lòng tự tin, và nhằm bắt địch thủ phải khiêu vũ theo nhịp điệu mà mình lĩnh xướng.
Những gì diễn ra ở loạt sút luân lưu lại là một câu chuyện khác, cho dù cách Southgate chọn người để giao trọng trách cũng thật dị thường. Không ai chắc được là ông nghĩ gì, trừ phi Southgate chịu mở lòng. Vấn đề là, 55 năm qua, dù các HLV Anh tiền nhiệm có cố gắng chọn người sút kỹ lưỡng đến đâu, thì ĐT Anh vẫn có thói quen thất bại trong các loạt sút luân lưu. Đó hoàn toàn là một cuộc chơi may rủi, mà thực ra càng lão luyện lại càng phải chịu đựng nhiều sức ép, càng lừng lẫy lại càng dễ tạo nên thảm kịch.
Chúng ta có một hàng dài những tượng đài từng gục ngã trên chấm tròn định mệnh đó, bao gồm cả Diego Maradona, Michel Platini, Zico, Socrates, Roberto Baggio, Marco Van Basten… Cũng có cả những cậu trai mới “xuất đạo” lạnh lùng găm trái bóng vào lưới như đá tập, là Thierry Henry hay David Trezeguet của ĐT Pháp năm 1998. Cũng chính Trezeguet, khi đã là một cây săn bàn cự phách, lại sụp đổ năm 2006. Điều đó có nghĩa là gì? Chẳng có gì là tuyệt đối, khi cuộc chơi đã đi đến tận màn “đấu súng” ấy. Sự lay động của một neuron trong cả hệ thần kinh thôi, cũng đã đủ lật nhào tất cả trong một khoảnh khắc.
3. Không ai có thể bênh vực những sai lầm của Southgate cũng như ĐT Anh. Gần như tương đồng về danh tiếng cũng như kinh nghiệm của người cầm quân, cuối cùng, Azzurri dưới tay Mancini đã vượt lên. Họ có may mắn hơn, nhưng họ xứng đáng với vận may ấy, khi không tự làm mình xao lãng quá nhiều bởi những âm thanh ầm ĩ từ bốn phía khán đài. Ở khía cạnh này, có thể nói là ĐT Anh lại phải chịu đựng một thứ sức ép ngược, bởi “lợi thế sân nhà” – điều đã nhấn chìm ĐT Pháp tại Stade de France kỳ EURO trước.
Tuy vậy, có thể thông cảm và thậm chí là tiếp tục trông đợi ở đoàn quân của Southgate. Đội bóng này thật sự có tương lai, bởi họ hoàn toàn khác các thế hệ hào nhoáng đi trước. Southgate đã dẫn họ tiến xa hơn tất cả, suốt 55 năm, và điều đó là không thể phủ nhận.
Trong khi đó, những bài học xương máu thường lại có giá trị cho cuộc chinh phạt kế tiếp gấp bội so với hào quang chiến thắng. Hãy nhìn cách các nhà ĐKVĐ World Cup tự bắn vào chân mình, theo cách đáng hổ thẹn, bằng sự hời hợt đến thiếu chuyên nghiệp thế nào, để so sánh với ngọn lửa khát vọng mà Italia hay “Tam sư” thể hiện.
Mùa hè tới – 2022 – đã lại là một kỳ vận hội khác. Tiếp tục khoét sâu vào những vết thương tứa máu, hay băng bó nó lại để nghiến răng đứng dậy? Hỏi hình như cũng đã là trả lời.
Sự lột xác của đội tuyển Ý dưới thời HLV Roberto Mancini chứng tỏ rằng ông xứng đáng là một vị tướng cần được trao toàn bộ quyền lực vào tay, dù đấy cũng là một phần biểu hiện của sự độc tài.
EURO 2024Khi mà nỗi lo lắng về sự trở lại mạnh mẽ hơn của đại dịch toàn cầu tại châu Âu vẫn còn đó, tổ chức trót lọt một kỳ EURO có thể xem là thành công lớn. Nhưng nếu chấp nhận những thứ ngoài kia là trạng thái bình thường mới thì kỳ đại hội bóng đá châu Âu năm nay thật sự rất tồi tệ.
EURO 2024Lối chơi của đội tuyển Ý có lẽ vẫn còn là một công trường vẫn chưa hoàn thiện, nhưng bản lĩnh thi đấu đã giúp họ khỏa lấp những thiếu hụt để "truy cập" vào lối tắt đến chức vô địch.
EURO 2024