Dĩ vãng nhạt nhoà
Thứ sáu, 18/06/2021 08:46 (GMT+7)
Không chỉ có mỗi đại dịch khiến Euro 2020 trở nên đặc biệt hơn thông thường, mà cuộc chạm trán giữa đội tuyển Scotland và đội tuyển Anh sẽ là dịp để người hâm mộ bóng đá hoài niệm, dù đó là một kiểu kí ức vô thực. 149 năm trước, hai đội bóng của Vương Quốc Anh đã khai sinh ra khái niệm kình địch với trận bóng quốc tế đầu tiên trong lịch sử môn thể thao vua.
Hamilton Crescent là sân nhà của CLB cricket West of Scotland với sức chứa 4000 chỗ ngồi. Nó là một sân cỏ khá lớn, được bao quanh bởi các tòa nhà ba tầng lát đá sa thạch nằm trong một khu dân cư thời thượng ở Glasgow, Scotland. Chính ở đó, ngày 30 tháng 11 năm 1872, trận bóng đá quốc tế đầu tiên đã diễn ra trước sự chứng kiến của 4000 người. Chủ nhà Scotland đã cầm hòa 0-0 người láng giềng, người anh em tới từ phía Nam: đội tuyển Anh.
Con người vẫn hay tự nhận mình sống với hoài niệm và đủ loại kỷ niệm vui buồn khác nhau. Thế nhưng Hamilton Crescent có vẻ đã bị bỏ quên, hay ít nhất, là người ta đã chọn việc không nhớ tới nó. Những người hâm mộ bóng đá sẽ phải dùng trí tưởng tượng của mình khi đến đây nếu muốn tìm ra một mảnh ký ức sống động nào đó gắn liền với trận đấu 149 năm về trước. Không có biểu tượng nào của chiếc cúp Jules Rimet hay một bức ảnh đóng khung của một danh thủ, huyền thoại nào đó. Tất cả những gì có thể tái hiện lại lịch sự là một tấm bảng nhỏ được tặng bởi liên đoàn bóng đá Scotland được cố định trên tường của một gian hàng cổ kính, nơi người tới xem cricket có thể mua bia Guinness với giá hợp lý.
Thánh địa bóng đá bị lãng quên này mở cửa tự do bảy ngày một tuần và câu lạc bộ thậm chí còn cho phép dân chúng tự do dắt chó đi dạo ngay trên sân cỏ linh thiêng ấy. Du khách có thể dễ dàng đến thăm Hamilton Cresent bằng tàu điện ngầm hoặc tàu lửa nhưng chưa bao giờ nơi này có mặt trong danh sách những điểm tham quan đáng lưu ý nhất của Glasgow nói riêng và Vương quốc Anh nói chung.
Thứ Sáu này, cặp kình địch Anh – Scotland sẽ tái hiện ngày khai sinh cho lịch sử bóng đá quốc tế ở Wembley trước sự chứng kiến của hơn hai vạn khán giả. 17 năm đã trôi qua kể từ cuộc đụng độ cuối cùng giữa họ, khi cú đánh đầu của Don Hutchison giúp Scotland giành chiến thắng 1-0 trước “Kẻ thù Auld” cũng tại Wembley. Nhưng thời thế đã đổi thay, Anh và đặc biệt là Scotland không còn là những ông lớn của châu Âu. Cuộc đối đầu lâu đời nhất bóng đá quốc tế còn thực sự còn mang tính kình địch hay chỉ còn mang tính biểu tượng thuần túy của một dĩ vãng nhạt nhòa?
Lịch sử của Quần đảo Anh đi cùng sự cạnh tranh, đôi khi là thù địch giữa các quốc gia láng giềng dưới nhiều hình thức và những tác động xã hội và văn hóa trong nhiều thế kỷ. Sự xung đột chính trị giữa hai bên cũng góp phần vào tính chất khốc liệt khi họ thi đấu thể thao, thể hiện rõ ràng nhất trong bóng đá. Người Scotland và chủ nghĩa dân tộc của mình mong muốn đánh bại Anh hơn bất kỳ đối thủ nào khác và cũng từ đó mà sinh ra biệt danh “Kẻ thù Auld” cho Tam Sư.
Còn phía Anh, hãy nhắc lại câu nói của cựu danh thủ - Sir Alf từng thú nhận với người đồng đội Brian Labone để tóm tắt: “Tôi không ngại đám Ireland, cũng chẳng ngại đám Wales. Nhưng tôi ghét bọn Scotland chết tiệt.” Những lời ấy được nói ra năm 1967, khi Scotland trở thành nhà vô địch thế giới không chính thức sau chiến thắng 3-2 ngay tại Wembley. Một chiến thắng đáng nhớ khác của Scotland là năm 1977, cũng ở Wembley. Sau khi đội tuyển đánh bại Anh 2-1, các cổ động viên Scotland đã tràn xuống sân xé toạc lưới cầu môn và còn mang về nhà từng mảnh cỏ sân. Sự kiện ấy cũng đã phản ánh phần nào sự hưng phấn của người Scotland trong thời gian đội tuyển bóng đá của họ được tham dự các kỳ World Cup liên tiếp từ năm 1974 đến 1990.
Tiếc rằng, tính cạnh tranh giữa hai đội tuyển đã giảm đi phần nào từ cuối những năm 70, đặc biệt là khi lịch thi đấu hàng năm dừng lại. Đối với người Anh, sau này, các trận với Đức hay Argentina được coi trọng hơn rất nhiều với người anh em “khó chịu” của họ vì khoảng cách đẳng cấp.
Sự thờ ơ của cả Anh và Scotland đối với cuộc chạm trán lâu đời nhất lịch sử bóng đá của họ cũng tới từ cuộc khủng hoảng của mỗi bên. Thời hoàng kim của đội tuyển Anh và Scotland đã qua đi, rất lâu rồi. Con người đúng là thích hoài niệm, nhưng họ là với những ký ức đẹp, hay ít nhất là đủ sự day dứt và tính sử thi. Cũng như cách chúng ta bỏ quên Hamilton Crescent, cuộc đối đầu Anh – Scotland cũng đã không còn là ký ức đáng nhớ.
Thứ Sáu này, Anh sẽ gặp kình địch lịch sử mà không phải gánh vác gánh nặng tâm lý buộc phải thắng sau 3 điểm đã có được trước Croatia. Nhưng phía Scotland thì khác, đoàn quân của HLV Steve Clarke đang ở trong tình thế khó khăn sau thất bại hai bàn ở trận đấu trước với Cộng hòa Séc. Và biết đâu, cuộc đối đầu trong hoàn cảnh một Euro đặc biệt này có thể hâm nóng lại những kí ức bị bỏ quên.
Tôi gần như không bỏ trận đấu nào từ đầu Euro này và thực sự xem Italia đá quá thích. Pháp, Đức hay Bồ Đào Nha cũng không chơi được như thế này.
EURO 2024Cái đẹp là trung tâm trong văn hóa của nước Ý, nhưng đấy chưa bao giờ là mục đích của họ trong một trận bóng đá. Qua hai trận đấu, Roberto Mancini và các cầu thủ của ông đã cho thấy một cách tiếp cận khác.
EURO 2024Làm sao tránh được, cú sút phạt đền hỏng ăn ấy sẽ còn được nhắc lại nhiều, như một nỗi ám ảnh. Song, màn trình diễn trên những tầng mây kết tinh bằng hai đường chuyền “dọn cỗ” cho Aaron Ramsey và Connor Roberts trở thành những người hùng sẽ còn được nhớ tới nhiều hơn thế, bất kể Xứ Wales của Gareth Bale dừng bước ở chặng đường nào.
EURO 2024